Võng mạc là một trong những bộ phận quan trọng trong cấu tạo của mắt. Vậy võng mạc là gì và nó đóng vai trò như thế nào trong cơ chế hoạt động của mắt. Đâu là những bệnh lý về võng mạc thường gặp? Để có cái nhìn chi tiết hơn, hãy cùng tìm hiểu ngay thông qua bài viết dưới đây nhé!
Menu xem nhanh:
1. Võng mạc là gì?
1.1 Khái niệm
Võng mạc (hay màng thần kinh) là lớp màng trong cùng của nhãn cầu. Lớp màng này có chức năng gửi tín hiệu dọc theo thần kinh thị giác đến não bộ. Từ đó giúp chúng ta có thể nhìn thấy và nhận biết hình ảnh trong cuộc sống.
1.2 Vị trí
Bình thường, cấu trúc của mắt sẽ gồm 3 lớp màng chính theo thứ tự đi từ ngoài vào trong là:
– Củng mạc (kết mạc): Lớp màng ở phía sau, nối liền với giác mạc ở trước
– Màng bồ đào: Gồm mống mắt và thể mi ở trước, hắc mạc nằm ở sau
– Võng mạc: Lớp màng chỉ có ở phần sau nhãn cầu
Theo đó, võng mạc nối trực tiếp với thần kinh thị giác. Từ ngoài nhìn vào, ta sẽ không thể nhìn thấy được do lớp màng này nằm ở trong cùng của mắt.
1.3 Chức năng
Võng mạc là nơi tiếp nhận ánh sáng và hình ảnh từ bên ngoài vào mắt. Sau đó truyền về vùng não thị giác ở vỏ não để phân tích hình ảnh.
Cấu tạo của võng mạc rất phức tạp với 10 loại tế bào nhỏ khác nhau ở bên trong. Trong đó, có 2 loại tế bào được biết đến nhiều nhất là:
– Tế bào nón: Giúp chúng ta có cái nhĩn rõ nét và tinh tế nhất về sự vật xung quanh trong điều kiện nhiều ánh sáng.
– Tế bào que: Giúp chúng ta nhìn rõ các sự vật ở trong điều kiện thiếu ánh sáng.
Chính nhờ sự phân bổ các tế bào trên võng mạc mà mắt chúng ta có một phản xạ đặc biệt với ánh sáng:
– Khi trời tối, đồng tử sẽ dãn ra và đón nhận nhiều ánh sáng nhất có thể. Các tia sáng tỏa ra bên trong võng mạc, đến vùng ngoại vi – nơi chứa nhiều tế bào que. Tại đây giúp phân tích các hình ảnh thiếu ánh sáng.
– Khi trời sáng, đồng tử co lại giúp tập trung những tia sáng vào trung tâm võng mạc. Nơi đây chứa nhiều tế bào hình nón, giúp bắt được những hình ảnh tinh tế với màu sắc sống động nhất.
2. Các bệnh võng mạc thường gặp
Bệnh võng mạc là một khái niệm khá rộng với rất nhiều loại bệnh lý khác nhau. Hầu hết chúng gây ra những triệu chứng trên thị giác của bệnh nhân. VD: Bong võng mạc, võng mạc tiểu đường, võng mạc tăng huyết áp, hắc võng mạc trung tâm, u võng mạc, bệnh võng mạc trẻ đẻ non,…
2.1 Bong võng mạc
Bong võng mạc là tình trạng võng mạc bị bong và tách ra khỏi lớp mô ở đáy mắt. Đây là biến chứng nặng của chấn thương nhãn cầu nói riêng và nhãn khoa nói chung. Nếu không điều trị kịp thời có thể gây ra mất thị lực vĩnh viễn.
Bệnh có thể xảy ra do:
– Thoái hóa
– Thứ phát từ một bệnh lý khác của mắt. (VD: Bệnh võng mạc đái tháo đường, cận thị nặng, viêm hắc mạc,…)
– Chấn thương (chấn thương kín, chấn thương xuyên nhãn cầu, vỡ nhãn cầu,…)
Bệnh lý không gây đau đớn mà chỉ gây rối loạn thị giác và giảm thị lực. Vì vậy, đa số mọi người thường khá chủ quan và không chú ý khi gặp phải tình trạng này. Triệu chứng dễ nhận biết nhất là thị lực giảm dần cho đến khi mất hẳn thị lực.
Nếu thấy đột nhiên xuất hiện các đốm đen lơ lửng trước mắt, hoặc thấy tia chớp sáng lóe lên thì rất có thể đây là biểu hiện của bong võng mạc. Bạn cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn điều trị kịp thời.
2.2 Võng mạc tiểu đường
Võng mạc tiểu đường xuất hiện do những biến chứng của bệnh tiểu đường gây ra. Bị tiểu đường càng lâu, đường huyết càng cao thì càng có nguy cơ mắc bệnh. Biến chứng này có thể dẫn đến mù lòa nếu như không được điều trị đúng cách.
Để biết mình có bị mắc bệnh hay không, bạn nên đi khám sàng lọc tiểu đường. Đồng thời kết hợp khám mắt, soi đáy mắt, chụp huỳnh quang đáy mắt để phát hiện sớm nếu có các tổn thương của bệnh võng mạc tiểu đường.
Với võng mạc tiểu đường tăng sinh, thị lực của người bệnh có thể mờ và mất toàn toàn do do sốt xuất huyết. Bệnh lý thường không có triệu chứng nên việc đi thăm khám ngay khi phát hiện bệnh tiểu đường là rất cần thiết. Tránh các trường hợp diễn biến phức tạp sẽ rất khó để điều trị.
2.3 Bệnh võng mạc trẻ đẻ non
Bệnh võng mạc trẻ đẻ non (ROP) là một bệnh võng mạc tăng sinh ở trẻ đẻ non và thiếu cân. Thường là thai dưới 36 tuần hoặc có cân nặng khi sinh dưới 2000 gam.
Bình thường, mạch máu nuôi võng mạc chỉ phát triển hoàn thiện ở những trẻ được sinh đủ tháng. Vì vậy, trẻ sinh càng non thì có mạch máu này càng ít hoặc phát triển bất thường. Kéo theo tỷ lệ bệnh xảy ra càng cao.
Phần lớn các trường hợp mạch máu bất thường sẽ có thể tự lành (khoảng 90%). Tuy nhiên, ở một số trẻ thì mạch máu chỉ khỏi một phần. Dẫn đến hiện tượng trẻ bị cận thị hoặc mắt lác sau này. Đôi khi bệnh cũng có thể để lại sẹo ở võng mạc khiến thị lực của trẻ bị giảm.
Giai đoạn đầu, bệnh rất ít có biểu hiện bên ngoài. Chỉ khi đến giai đoạn cuối, con ngươi ở mắt trẻ mới bắt đầu bị trắng đục. Vì vậy, với trẻ sinh non hoặc thiếu cân, tốt nhất nên đi khám để phát hiện bệnh vào tuần thứ 7 – 9 sau sinh. Đồng thời đưa trẻ đi khám lại sau 3 – 6 tháng tuổi. Trường hợp trẻ có cân nặng khi sinh dưới 1000 gam thì cần khám lại 2 tuần 1 lần.
2.4 Võng mạc tăng huyết áp
Võng mạc tăng huyết áp thường tiến triển qua nhiều giai đoạn. Bệnh có thể để lại những tổn thương trầm trọng, gây suy giảm thị lực nặng và thậm chí là không thể hồi phục.
Một số vị trí võng mạc trở nên nhợt nhạt vì không được cung cấp đủ máu. Thậm chí có xuất huyết từ hệ thống mạch máu bị vỡ hoặc phù nề.
Đối với bệnh lý này, việc kiểm soát huyết áp là phương pháp cần thiết giúp hạn chế các biến chứng. Người bệnh nên đi kiểm tra mắt thường xuyên để bác sĩ có thể theo dõi mức độ huyết áp. Từ đó có biện pháp phòng ngừa và điều trị tích cực.
Tóm lại, trên đây là những chia sẻ về võng mạc mà Hệ thống y tế Thu Cúc TCI muốn gửi đến bạn. Hy vọng thông qua bài viết, bạn đọc đã trả lời được câu hỏi: “Võng mạc là gì?”. Nếu còn có bất kỳ thắc mắc nào liên quan, hãy liên hệ tới chúng tôi để được giải đáp nhé!