Viêm gan B là một căn bệnh dễ lây lan với rất nhiều con đường truyền virus từ người sang người. Vì vậy, trong cuộc sống hằng ngày, người ta lo ngại virus viêm gan B có lây qua đường ăn uống không, nhất là khi trong gia đình có người thân mắc bệnh.
Menu xem nhanh:
1. Bệnh viêm gan B là bệnh gì?
Viêm gan B do virus viêm gan B (HBV) gây ra, là một bệnh nhiễm trùng gan. Viêm gan B có 02 giai đoạn phát triển là cấp tính và mãn tính. Giai đoạn cấp tính nghĩa là thời gian nhiễm bệnh của cơ thể chưa quá 06 tháng, và có thể điều trị khỏi bệnh hoàn toàn. Giai đoạn mãn tính nghĩa là virus viêm gan B đã ở trong cơ thể thời gian dài, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tính mạng như xơ gan hoặc ung thư gan.
Theo các chuyên gia, khoảng 90% trẻ sơ sinh bị viêm gan B sẽ phát triển thành nhiễm trùng mãn tính. Trong khi chỉ có 2% – 6% những người bị viêm gan B khi trưởng thành trở thành bệnh mãn tính. Vì vậy, cách tốt nhất và hiệu quả nhất để ngăn ngừa viêm gan B là tiêm phòng đầy đủ vắc-xin từ khi còn nhỏ.
2. Những con đường lây nhiễm chính của virus viêm gan B
2.1. Viêm gan B lây lan qua đường máu
Máu là một trong những con đường lây lan chính của virus viêm gan B. Chúng ta có thể mắc bệnh nếu:
– Tiếp xúc trực tiếp với máu bị nhiễm virus viêm gan B.
– Vết thủng da bằng kim tiêm, lưỡi mác, dao mổ hoặc các vật sắc nhọn khác bị dính máu.
– Tiếp xúc trực tiếp với vết loét hở của người bệnh.
– Máu bắn lên da có vết xước nhỏ, trầy xước, bỏng, hoặc thậm chí phát ban nhỏ.
– Máu bắn vào màng nhầy trong miệng, mũi hoặc mắt.
– Tiếp xúc với máu của người bệnh qua kim tiêm hoặc một số dụng cụ sắc nhọn.
– Virus này cũng có thể lây lan qua vết thương nhỏ do dùng chung bàn chải đánh răng hoặc dao cạo râu.
– Xăm mình, phun xăm, bắn lỗ tai… trên cơ thể.
– Điều trị y tế hoặc nha khoa trong một môi trường không được tiệt trùng cẩn thận.
2.2. Viêm gan B lây qua quan hệ tình dục
Viêm gan B có trong tinh dịch và dịch tiết âm đạo. Virus có thể lây truyền khi quan hệ tình dục không được bảo vệ, không an toàn. Đặc biệt là những người có nhiều bạn tình, những người đã quan hệ tình dục với một người nào đó trong hoặc từ khu vực có nguy cơ cao, nam giới quan hệ tình dục đồng giới và mại dâm.
2.3. Viêm gan B lây từ mẹ sang con
Người mẹ mang thai bị nhiễm virus viêm gan B có thể truyền sang con trong khi sinh nở. Mức độ lây nhiễm tùy thuộc vào nồng độ virus viêm gan B và chỉ số HBeAg người mẹ trong 03 tháng cuối thai kỳ. Nếu người mẹ có nồng độ HBV cao và HBeAg (+) thì khả năng lây từ mẹ sang con 95% nếu không được điều trị dự phòng. Nếu mẹ có HBeAg (-), tỷ lệ con bị lây nhiễm là 32%.
Trong quá trình người mẹ cho con bú, virus viêm gan B trong sữa mẹ nồng độ rất thấp. Vì vậy, lây truyền chủ yếu là do vú mẹ trầy xước trong quá trình cho con bú.
2.4. Viêm gan B có lây qua đường ăn uống không?
Trong thực tế, virus viêm gan B có thể tồn tại bên ngoài cơ thể, lây lan và gây nhiễm trùng trong ít nhất 7 ngày ở 25 độ C. Với câu hỏi viêm gan B có lây qua đường ăn uống không thì câu trả lời là khả năng lây nhiễm gần như không có.
Không giống như viêm gan A, bệnh viêm gan B thường không lây lan qua thức ăn, nước uống và các tiếp xúc thông thường. Ngay cả việc đến nhà người nhiễm virus viêm gan B hoặc chơi đùa với trẻ em mang virus cũng khó có khả năng lây nhiễm. Vì vậy nếu trong gia đình có người thân mắc bệnh thì chúng ta không cần thiết phải xa lánh, kì thị hay ăn uống sinh hoạt riêng.
Tuy nhiên, nếu người nhiễm bệnh có tổn thương trong khoang miệng như lở loét, nhiệt miệng, viêm răng lợi… thì lại có khả năng lây nhiễm virus viêm gan B. Trong trường hợp này, người bệnh cần hết sức cẩn thận, tránh tiếp xúc đến khi vết thương khỏi hẳn để hạn chế khả năng truyền mầm bệnh cho mọi người.
Ngoài ra, viêm gan B cũng không lây lan qua việc:
– Dùng chung dụng cụ ăn uống;
– Ôm, hôn, nắm tay;
– Ho hoặc hắt hơi;
– Côn trùng cắn.
3. Cách phòng bệnh viêm gan B tốt nhất
3.1. Ai có nguy cơ cao mắc bệnh viêm gan B?
Nhìn chung, các trường hợp có nguy cơ gia tăng khả năng mắc bệnh viêm gan B bao gồm:
– Nhân viên y tế tiếp xúc nhiều lần với máu hoặc các sản phẩm của máu hoặc những người có nguy cơ bị thương do kim tiêm.
– Nhà nghiên cứu bệnh học, nhân viên phòng thí nghiệm.
– Nha sĩ, trợ lý nha khoa và nhân viên vệ sinh răng miệng.
– Du khách đến các vùng có tỷ lệ nhiễm viêm gan B cao.
– Người mắc bệnh gan mãn tính hoặc bệnh thận.
– Người mắc bệnh tiểu đường, đặc biệt là người trên 60 tuổi.
3.2. Phòng bệnh viêm gan B như thế nào?
Hiện nay, việc tiêm chủng vắc-xin phòng viêm gan B là cách dự phòng tốt nhất, thúc đẩy hệ thống miễn dịch chiến đấu với virus ngay cả khi đã phơi nhiễm. Đặc biệt là trẻ sơ sinh trong 24 giờ đầu sau khi sinh. Việc tiêm chủng nên thực hiện đúng lịch, đủ liều cho trẻ. Người trưởng thành cần làm xét nghiệm trước khi tiêm vắc-xin ngừa viêm gan B. Bạn hãy liên hệ với các trung tâm tiêm chủng uy tín để được tư vấn lộ trình tiêm vắc-xin viêm gan B phù hợp nhất với bản thân.
Tóm lại, viêm gan B gần như không lây qua đường ăn uống. Tuy nhiên, trong lối sống hàng ngày, chúng ta cũng nên duy trì những thói quen tốt để phòng tránh lây nhiễm virus viêm gan B:
– Hạn chế hoặc từ bỏ thói quen lạm dụng rượu bia.
– Quan hệ tình dục an toàn.
– Không sử dụng chung vật dụng sinh hoạt như dao cạo râu, bàn chải đánh răng,… không sử dụng chung kim tiêm;
– Ăn uống khoa học, không nên ăn nhiều thực phẩm có hại lá gan như đồ dầu mỡ, thực phẩm đóng hộp, chế biến sẵn, thức ăn nhanh…
– Uống đủ nước; vận động, tập thể dục, thể thao thường xuyên;
– Thăm khám sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện các vấn đề bất thường về sức khỏe.
Trên đây là những thông tin cơ bản về những con đường lây nhiễm chính của viêm gan B và cách phòng bệnh hiệu quả. Hy vọng bài viết đã giúp bạn có được những hiểu biết để bảo vệ tốt nhất cho chính mình và những người thân yêu.