Viêm tiểu khung và những điều cần biết

Tham vấn bác sĩ

Viêm tiểu khung là bệnh lý thường gặp ở phụ nữ, đặc biệt là những phụ nữ đang trong độ tuổi sinh sản. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến chị em dù cố gắng nhưng cũng khó mang thai, thậm chí nặng hơn có thể vô sinh. Cụ thể bệnh viêm tiểu khung như thế nào, chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé.

vùng tiểu khung nằm ở đâu?

Vùng tiểu khung của phụ nữ chính là khu vực thuộc cơ quan sinh sản trên, bao gồm tử cung, 2 buồng trứng và 2 vòi trứng. Khi bị viêm tiểu khung, khả năng sinh sản của phụ nữ sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu cụ thể về bệnh này nhé.

Viêm tiểu khung là bệnh gì?

Bệnh viêm vùng chậu thường xảy ra ở phụ nữ và nếu không điều trị có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng.

Viêm tiểu khung là bệnh lý ở nữ giới, và thường gặp hơn ở phụ nữ trẻ – những người đang trong độ tuổi sinh sản, dễ gặp hơn ở những chị em quan hệ tình dục với nhiều người, đồng thời mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Nguyên nhân gây viêm tiểu khung thường là do bị nhiễm tạp khuẩn, nhiễm trùng cổ tử cung kéo dài, mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, can thiệp ngoại khoa tại vùng tiểu khung, hay do thực hiện các thủ thuật phụ khoa đi qua cổ tử cung như đặt dụng cụ tránh thai, nạo phá thai, sinh thiết nội mạc tử cung… Bên cạnh đó, bệnh cũng gặp ở những chị em có đáp ứng với tình trạng nhiễm khuẩn quá mạnh.

Dấu hiệu rõ nhất của viêm tiểu khung là xuất hiện những cơn đau ở vùng bụng dưới và vùng tiểu khung, kinh nguyệt rối loạn, tiểu buốt, đau thắt lưng, dịch âm đạo tiết nhiều, có mùi hôi, đau khi quan hệ tình dục… Những triệu chứng này cũng có thể liên quan tới các bệnh lý khác, vì vậy khi thấy biểu hiện lạ, chị em cần đi khám ngay để được bác sĩ tư vấn cách điều trị hiệu quả.

Viêm tiểu khung rất nguy hiểm, đặc biệt đối với sức khỏe sinh sản của chị em phụ nữ. Đây là một trong những nguyên nhân khiến chị em khó có thai, thậm chí vô sinh nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Nguyên nhân là do tình trạng viêm kéo dài sẽ để lại sẹo dính ở tử cung, vòi trứng, thậm chí buồng tiểu khung…, gây cản trở việc mang thai.

>> Tham khảo: Có thai ngoài tử cung thử que được không?

Triệu chứng và dấu hiệu của viêm tiểu khung

Triệu chứng lâm sàng

Triệu chứng lâm sàng của viêm tiểu khung dễ nhận thấy nhất là đau đột ngột ở vùng bụng.

Viêm tiểu khung thường không có triệu chứng rõ ràng, đặc trưng, hoặc có các biểu hiện dễ nhầm lẫn với những bệnh lý thông thường khác, vì vậy, bệnh thường được phát hiện muộn.

Dưới đây là một vài hiện tượng thường gặp ở người bệnh bị viêm tiểu khung:

– Dịch âm đạo ra nhiều, có màu sắc và mùi hôi bất thường, đôi khi có dạng như mủ.

– Đau vùng bụng dưới.

– Rối loạn kinh nguyệt, ra máu giữa chu kì.

– Sốt nhẹ cho đến sốt cao.

– Triệu chứng đau bụng kinh trở nên dữ dội.

– Đau khi quan hệ tình dục, ra máu bất thường sau khi quan hệ

– Đau vùng thắt lưng bất thường.

– Thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn hoặc nôn.

– Đi tiểu rắt, tiểu buốt, khi chạm vào vùng tiểu khung có cảm giác đau buốt.

Dấu hiệu trên cận lâm sàng

  • Xét nghiệm công thức máu cho thấy có bạch cầu tăng, nhất là bạch cầu trung tính tăng cao
  • Chỉ số CRP tăng.
  • Cấy máu phát hiện được vi khuẩn gây bệnh. Bên cạnh đó, xét nghiệm dịch nhầy cổ tử cung có thể phát hiện vi khuẩn lậu và Chlamydia. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng không phải viêm vùng tiểu khung sẽ luôn cho kết quả dương tính bởi nó có thể gây ra do tạp khuẩn.

Viêm tiểu khung và những biến chứng

Biến chứng của bệnh viêm tiểu khung khá nguy hiểm, nó có khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng mang thai của chị em phụ nữ.

Biến chứng của bệnh viêm tiểu khung nguy hiểm nhất đó là cản trở khả năng mang thai của chị em phụ nữ.

Vô sinh: Theo thông kê, có khoảng 12% bệnh nhân bị viêm tiểu khung đối diện với nguy cơ vô sinh vĩnh viễn mặc dù đã được điều trị. Với những người bị tái nhiễm lần 2 thì khả năng này lên đến 25%, và tái nhiễm lần 3 thì nguy cơ vô sinh là 50%. Điều đó có nghĩa là, bạn càng bị viêm nhiều lần thì khả năng làm mẹ của bạn càng thấp.

Điều này được giải thích là trong quá trình điều trị các bệnh lây qua đường tình dục sẽ để lại sẹo và tiến trình làm lành sẹo của cơ thể chúng ta có thẻ làm cho một hoặc thậm chí cả 2 bên vòi trứng đều tắc, dẫn tới việc khó có khả năng thụ thai.

Tăng nguy cơ thai ngoài tử cung: Không chỉ vậy, viêm tiểu khung còn gây ra biến chứng khác mà rất nhiều phụ nữ lo lắng, đó là làm tăng nguy cơ thai ngoài tử cung. Lý do là sẹo dính ở vòi trứng khiến trứng đã thụ tinh khó di chuyển tới tử cung để làm tổ, nó bị mắc kẹt tại vòi trứng và phát triển tại đây.

Phòng bệnh viêm tiểu khung như thế nào?

Quan hệ tình dục an toàn chính là cách tốt nhất để phòng bệnh viêm tiểu khung cho chị em phụ nữ.

Vệ sinh vùng kín sạch sẽ, đúng cách hàng ngày, nhất là trước và sau khi quan hệ tình dục. Không thụt rửa sâu vào trong âm đạo.

– Đi tiểu ngay sau khi quan hệ để đẩy bớt vi khuẩn ra khỏi âm đạo.

– Hạn chế sử dụng băng vệ sinh hàng ngày, dung dịch vệ sinh phụ nữ.

– Thay quần lót thường xuyên. Chọn quần lót đúng kích cỡ, được làm từ chất liệu thấm hút mồ hôi. Đồ lót cần được giặt sạch sẽ và phơi khô trước khi sử dụng.

– Trong kì nguyệt san, cần thay băng vệ sinh thường xuyên, ít nhất từ 4 – 6 tiếng/ lần.

– Có lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống dinh dưỡng, hợp lý. Tập luyện thể dục thể thao đều đặn.

– Quan hệ tình dục an toàn, chung thủy, lành mạnh. Dùng bao cao su khi quan hệ để tránh mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục.

– Thăm khám sức khỏe, khám phụ khoa định kì, ít nhất 6 tháng/ lần.

Ngay khi có dấu hiệu của bệnh viêm tiểu khung, chị em cần nhanh chóng tới bệnh viện thăm khám, kiểm tra để có hướng xử trí kịp thời. Không nên chủ quan, để hiện tượng này kéo dài, gây ảnh hưởng tới sức khỏe và khả năng sinh sản của mình.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital