Viêm khớp sụn sườn: Bệnh lý của mọi lứa tuổi

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CK II, Thầy thuốc ưu tú

Nguyễn Thị Kim Loan

Bác sĩ Nội Khoa

Không quá nghiêm trọng như những bệnh lý xương khớp khác, nhưng viêm khớp sụn sườn lại phổ biến và có thể gặp phải ở mọi lứa tuổi, mọi đối tượng.

1. Hiểu về vị trí sụn sườn và chứng viêm nhiễm

Trên thực tế, không phải ai cũng biết về sự tồn tại của căn bệnh viêm nhiễm khớp sụn sườn.

1.1. Giải phẫu cấu tạo lồng ngực

Cơ thể mỗi người đều có 12 đôi xương sườn. Các xương này được gắn vào xương ức phía trước, xương cột sống phía sau. Để gắn vào xương ức, xương sườn cần có các sụn sườn. Tất cả đó tạo thành khung xương sườn cấu trúc bền vững. Nhiệm vụ của nó là bảo vệ phổi và các bộ phận bên trong.

Về vai trò của sụn sườn sẽ liên quan tới quá trình hô hấp của chúng ta. Khi hít thở, cơ hoành dịch chuyển xuống cho không khí đi qua miệng, mũi vào phổi. Đồng thời lồng ngực nở ra, sụn sườn sẽ co giãn giúp xương sườn chuyển động. Nhờ đó hoạt động hô hấp diễn ra suôn sẻ, các cơ quan cũng được khung xương sườn bảo vệ hoàn hảo.

Hiểu về vị trí sụn sườn và chứng viêm nhiễm

Cấu tạo lồng ngực và vị trí sụn sườn

1.2. Bệnh viêm khớp sụn sườn là gì?

Viêm (khớp) sụn sườn hay chính là hiện tượng bị đau, căng tức thành ngực. Nguyên nhân chính là do viêm nhiễm các khớp nối sụn xương sườn và xương ức. Tình trạng này có thể xảy ra ở một hoặc nhiều vị trí như khớp sụn sườn, khớp ức đòn, khớp ức sườn,…

2. Nguyên nhân và nhận diện bệnh viêm sụn sườn

Là bộ phận không dễ bị tổn thương, vậy nguyên nhân nào gây nên viêm sụn sườn, cũng như biểu hiện của bệnh ra sao?

2.1. Các tác nhân gây khiến khớp sụn sườn viêm nhiễm

Tới nay, chúng ta vẫn chưa biết được nguyên do chính xác khiến khớp sụn sườn viêm. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng các tác nhân có thể tới từ những vấn đề sau:

– Chấn thương vùng ngực do tập thể thao quá sức hoặc bê vác vật nặng đột ngột

– Cơ xương vùng ngực bị ảnh hưởng vì những cơn ho nhiều, dai dẳng

– Các bệnh lý nhiễm trùng khớp, vi khuẩn giang mai, virus lao phổi, bệnh viêm khớp mạn tính,…

– Vùng sụn sườn có khối u lành tính hoặc ác tính

Nguyên nhân và nhận diện bệnh viêm sụn sườn

Chấn thương vùng ngực do tập thể thao quá sức hoặc bê vác vật nặng đột ngột

Những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh thường là:

– Trẻ em, thanh thiếu niên độ tuổi 10 – 21

– Nữ giới

– Người nghiện thuốc lá

– Người bị béo phì

– Người có sức đề kháng yếu

– Người có tiền sử mắc các bệnh: K phổi, K vú, K tuyến giáp, các bệnh rối loạn tự miễn, bệnh về khớp, đau sợi cơ, hội chứng Tietze

Bệnh viêm khớp sụn sườn là gì?

Phụ nữ, người béo phì có nguy cơ viêm sụn sườn cao

2.2. Chuyên gia chẩn đoán viêm khớp sụn sườn như thế nào?

Bệnh nhân bị viêm sụn sườn sẽ có những biểu hiện chủ yếu như:

– Thở khó: Cơn thở ngắn, gấp gáp, người bệnh khó hít thở sâu khi làm việc, tập luyện

– Đau tức ngực: Đau trước ngực, có thể tỏa ra hai bên, xuất hiện đột ngột và hết ngay sau đó, mức độ đau mỗi người là khác nhau

– Cơn đau thất thường: Khi người bệnh cử động, ho, hắt hơi sẽ đau dữ dội, sau đó giảm dần khi thay đổi tư thế hoặc hít thở nhẹ nhàng

Nếu như bạn thấy khó thở hay đau ngực dữ dội, nên tới cơ sở y tế thăm khám ngay. Tại đây, bác sĩ sẽ kiểm tra tổng quát, thu thập thông tin qua những câu hỏi:

– Triệu chứng ra sao, xuất hiện khi nào

– Các loại thuốc đang sử dụng

– Tiền sử bệnh lý bản thân và gia đình

– Các chấn thương vùng ngực nếu có

Các tác nhân gây khiến khớp sụn sườn viêm nhiễm

Thăm khám và chẩn đoán tình trạng bệnh

Kèm theo đó, bác sĩ cũng sẽ chỉ định thêm các kỹ thuật y tế gồm chụp X – quang và xét nghiệm máu. Dựa theo kết quả chẩn đoán cuối cùng, phác đồ điều trị phù hợp sẽ được tư vấn cho bệnh nhân.

3. Phác đồ điều trị bệnh viêm khớp sụn sườn

Khớp sụn sườn viêm thường sẽ tự khỏi sau vài ngày hoặc vài tuần. Tuy nhiên, nếu trường hợp không tốt, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị theo các phương pháp dưới đây.

3.1. Dùng thuốc

Các loại thuốc được chỉ định có tác dụng thuyên giảm triệu chứng sưng đau, viêm. Ibuprofen hoặc Naproxen là 02 loại dược phẩm thường dùng. Tuy nhiên nếu bệnh nhân có tiền sử mắc bệnh về tạng, hệ tiêu hóa nên cần báo bác sĩ trước khi dùng. Người bị đau bụng, buồn nôn, khó tiêu cần dừng thuốc và hỏi ý kiến bác sĩ.

Nếu thuốc giảm đau không hiệu quả, người bệnh có thể được tiêm cortisone. Trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ sẽ tiêm giảm đau tại chỗ, quanh vùng xương sườn bị đau. Mục đích là phong bế dây thần kinh liên sườn, gián đoạn xung thần kinh và ngưng đau đớn. Tác dụng giảm đau này có thể kéo dài vài tuần, vài tháng. Bệnh nhân nếu đau nặng có thể tiêm nhiều mũi để phá hủy dây thần kinh gây đau lâu dài.

Phác đồ điều trị bệnh viêm khớp sụn sườn

Dù là điều trị cách nào, người bị viêm sụn sườn cũng cần tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ

3.2. Chườm nóng

Với biện pháp này, người bệnh được chườm nóng vùng viêm sụn sườn ức, nhưng không quá nóng hay chườm quá lâu.

3.3. Biện pháp khác

Để hỗ trợ giảm đau khi trị bệnh, chuyên gia cũng có thể sử dụng các kỹ thuật như đắp lạnh, vận động giãn cơ,…

Dù là phương pháp nào, người bị viêm sụn sườn cũng cần tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý điều trị tại nhà để tránh những tác dụng phụ không nên có.

Sau cùng, bài viết hy vọng đã cung cấp phần nào những thông tin cần thiết, giúp mọi người hiểu rõ hơn nguồn cơn cũng như cách đối mặt với căn bệnh viêm khớp sụn sườn.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital