Viêm khớp háng thuộc nhóm bệnh xương khớp phổ biến. Bệnh gây ra tình trạng đau nhức, gây khó khăn trong việc vận động, đi lại. Tùy vào mức độ viêm của mỗi bệnh nhân mà sẽ có phương pháp điều trị khác nhau.
Menu xem nhanh:
1. Viêm khớp háng là gì, triệu chứng như thế nào?
Khớp háng có diện tích lớn và có khả năng vận động đa dạng. Viêm khớp háng là tình trạng khớp háng bị hao mòn, tổn thương làm cho bề mặt xương của khớp cọ xát và trở nên thô ráp. Cơn đau bắt đầu ở khu vực bị viêm rồi lan dần xuống đùi, chân và vùng thắt lưng.
Bệnh nhân có khớp háng bị viêm thường gặp một số triệu chứng như sau:
– Đi lại khó khăn, khập khiễng, khó vận động.
– Đau ở vùng bẹn, lan dần xuống đùi thỉnh thoảng lan cả vùng gối, ra sau mông hay vùng mấu ở xương đùi.
– Thường xuyên bị mỏi, tê cứng khi vận động hay co duỗi khớp háng.
– Cơn đau nhức mỏi tăng lên khi cử động hoặc đứng lâu.
– Khi bệnh tiến triển ở giai đoạn sau, cơn đau xuất hiện dày đặc vào buổi sáng khi mới thức dậy và chiều tối.
– Bệnh nhân cảm thấy đau nhói khi thay đổi tư thế đột ngột.
– Bệnh tiến triển nặng hơn, cơn đau sẽ xuất hiện ngay cả khi nghỉ ngơi.
2. Đối tượng dễ mắc bệnh và nguyên nhân gây bệnh
2.1. Ai dễ bị viêm khớp háng?
Các đối tượng có nguy cơ cao bị viêm khớp háng gồm:
– Người cao tuổi: người trên 50 tuổi dễ gặp tình trạng khớp háng bị viêm hơn do hệ thống xương khớp bắt đầu bước vào giai đoạn thoái hóa, suy giảm chức năng.
– Gia đình có tiền sử của bệnh xương khớp: một số bệnh nhân bị viêm ở khớp háng do có người thân cận huyết từng mắc các bệnh xương khớp mạn tính.
– Nữ giới: phụ nữ có nguy cơ viêm đau khớp háng cao hơn nam giới. Nguyên nhân xuất phát từ việc sinh nở và sự thay đổi nội tiết tố.
– Người bị béo phì, thừa cân: nhóm người béo phì có khả năng cao mắc các bệnh xương khớp nói chung hơn người bình thường. Nguyên nhân do cân nặng quá lớn tạo sức ép lên hệ thống xương khớp trong quá trình di chuyển, vận động.
2.2. Nguyên nhân gây ra bệnh viêm khớp háng là gì?
Bên cạnh các nguyên nhân liên quan đến tuổi tác, cân nặng, tiền sử gia đình, khớp háng bị viêm có thể liên quan đến một số bệnh lý khác.
– Các bệnh viêm tự miễn dịch: bao gồm viêm đa khớp dạng thấp, thoái hóa khớp háng, viêm cột sống dính khớp, lupus ban đỏ hệ thống, …
– Các bất thường về giải phẫu gây căng thẳng cho khớp, gây ra sự suy thoái sớm của sụn.
3. Phương pháp chẩn đoán và điều trị viêm đau khớp háng
3.1. Biến chứng viêm đau khớp háng gây ra cho người bệnh
Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, tình trạng viêm của khớp háng có thể dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm như:
– Phù nề xung quanh khớp: khi khớp háng bị viêm, các vị trí xung quanh rất dễ bị sưng đau, gây khó khăn khi di chuyển.
– Mất khả năng vận động: do các cơn đau mà khả năng vận động của khớp háng bị hạn chế rất nhiều.
– Tàn phế: nếu để bệnh kéo dài, sụn khớp có khả năng không thể hồi phục. Mô xương xốp, rỗng, gãy, khi đó khớp đã bị hư hại nghiêm trọng và rất dễ gây tàn phế.
– Suy nhược cơ thể: những cơn đau khớp háng ngày càng xuất hiện nhiều ảnh hưởng đến giấc ngủ, gây ra tình trạng mệt mỏi, uể oải, dẫn tới tình trạng suy nhược.
3.2. Phương pháp chẩn đoán khớp háng viêm
– Phương pháp chẩn đoán hình ảnh: chụp X-quang giúp xác định vị trí viêm ở khớp háng; chụp CT/MRI giúp đánh giá mức độ viêm và các tổn thương ở khu vực lân cận khớp háng.
– Xét nghiệm máu: mục đích xác định tình trạng viêm đau ở khớp háng có liên quan tới nhiễm trùng hay không. Đồng thời xác định xem nguyên nhân gây viêm có liên quan tới viêm khớp dạng thấp, thiếu canxi… hay không.
3.3. Cách điều trị bệnh viêm khớp háng
– Điều trị nội khoa: người bệnh có thể được chỉ định thuốc giảm đau, chống viêm không steroid bao gồm aspirin, ibuprofen, naproxen… để cải thiện tình trạng của bệnh. Bệnh nhân lưu ý những loại thuốc trên đây phải được dùng theo đơn của bác sĩ, luôn tuân thủ theo liều lượng và thời gian để thuốc phát huy công dụng tốt. Không tự ý thay đổi thuốc, không lạm dụng thuốc và không dùng sai thuốc để tránh gây nguy hiểm tới sức khỏe, khiến bệnh trở nặng.
– Phẫu thuật: thường được chỉ định khi tình trạng viêm tiến triển quá nặng và dùng thuốc không cải thiện. Phẫu thuật điều trị viêm sưng khớp háng yêu cầu trình độ chuyên môn cao, trang thiết bị y tế đảm bảo nên bệnh nhân cần tới các bệnh viện uy tín.
3.4. Một số lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân viêm đau khớp háng
Bên cạnh dùng thuốc, người bệnh có thể thực hiện một số phương pháp thay đổi lối sống như:
– Thay đổi thói quen sinh hoạt: người bệnh cần để khớp háng có thời gian nghỉ ngơi, nên hạn chế đi bộ đường dài, chơi các môn thể thao nặng và leo cầu thang.
– Vật lý trị liệu: một số phương pháp hiệu quả và phù hợp như bấm huyệt, xoa bóp, nhiệt trị liệu, laser sẽ giúp cải thiện tuần hoàn máu, thuyên giảm tình trạng đau nhức khớp háng.
– Chườm đá: người bệnh có thể chườm đá trong 1-2 ngày đầu sau chấn thương hoặc viêm khớp. Mỗi ngày thực hiện chườm đá 3 lần, mỗi lần khoảng 20 phút. Người bệnh nên để đá vào khăn ẩm, tránh chườm trực tiếp lên da vì có thể gây bỏng lạnh.
Hiện tại, chưa có phương pháp điều trị khỏi hoàn toàn bệnh viêm đau khớp háng. Nhưng có rất nhiều cách để làm chậm tiến triển của bệnh và kiểm soát hiệu quả các triệu chứng, hạn chế tối đa biến chứng. Người bệnh nên quản lý cân nặng, rèn luyện thói quen tập thể dục đều đặn, tránh để đầu óc căng thẳng và theo đuổi chế độ ăn uống lành mạnh, bổ sung các chất tốt cho hệ xương khớp.
Viêm khớp háng khiến người bệnh đau đớn và ảnh hưởng rất nhiều tới khả năng vận động, chất lượng cuộc sống hàng ngày. Vì thế ngay khi có những triệu chứng viêm sưng đau khớp háng, người bệnh cần tới bệnh viện thăm khám và điều trị sớm.