Bệnh viêm gan virus B là một loại bệnh lý truyền nhiễm nguy hiểm rất phổ biến tại Việt Nam với tỷ lệ mắc lên tới 10-20% tổng dân số. Tuy nhiên, không phải ai cũng có đủ kiến thức để hiểu đúng và hiểu rõ về bệnh như viêm gan B là gì, con đường lây nhiễm virus, các trạng thái diễn biến của bệnh,…
Menu xem nhanh:
1. Bệnh viêm gan virus B
1.1. Viêm gan virus B là gì?
Viêm gan B do virus HBV (tên đầy đủ: Hepatitis B Virus) gây ra. Sau khi lây nhiễm vào cơ thể người, virus có thời gian ủ bệnh từ 3 – 6 tháng tùy vào thể trạng cụ thể của từng người. Sau đó bắt đầu hoạt động và gây bệnh viêm gan B cấp tính. Nếu sau khoảng 6 tháng, cơ thể người bệnh không thể tự miễn dịch, bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn viêm gan B mạn tính và đồng nghĩa nhiễm vi rút HBV cả đời.
1.2. Đường lây của bệnh
Bệnh viêm gan B có thể được lây truyền khi máu của người bình thường tiếp xúc với máu hoặc các chất dịch cơ thể của người bệnh viêm gan B mạn tính. Trong đó, 3 đường lây chính bao gồm: Lây từ mẹ sang con; Lây qua đường máu; Lây khi thực hiện quan hệ tình dục không đảm bảo an toàn.
Lây truyền từ mẹ sang con
Phụ nữ mắc viêm gan B mạn tính khi mang thai và sinh con có thể truyền bệnh từ mẹ sang em bé. Theo thống kê chỉ có khoảng 10-20% em bé may mắn được sinh ra có khả năng tự phục hồi hoàn toàn sau khi lây nhiễm virus từ mẹ. Phần đông các em bé còn lại đều có nguy cơ bị viêm gan B rất cao nếu không được can thiệp đúng cách, kịp thời.
Lây qua đường máu
Lượng HBV được tìm thấy trong máu là lớn nhất vì vậy đây là con đường lây nhiễm virus có nguy cơ cao nhất. Khi máu của người không mang virus viêm gan B (có thể thông qua những vùng da hoặc niêm mạc của bị xây xước) tiếp xúc với máu của người đã mang bệnh thì nguy cơ lây nhiễm là rất cao.
Quan hệ tình dục không an toàn
Virus HBV còn được tìm thấy trong tinh dịch (ở nam giới) và dịch âm đạo (ở nữ giới). Chính vì thế, việc thực hiện quan hệ tình dục không lành mạnh (không sử dụng bao cao su hoặc dùng bao cao su không đảm bảo, dùng chung dụng cụ tình dục) cũng là đường lây lan virus. Trong trường hợp, khi xuất hiện các vết xước, vết thương hở tại bộ phận sinh dục của 1 trong 2 người thì nguy cơ lây nhiễm bệnh sẽ càng cao.
2. Các trường hợp diễn biến của virus viêm gan B
Bệnh viêm gan B được phát triển theo 2 giai đoạn: Viêm gan B cấp tính và viêm gan B mạn tính. Cụ thể như sau:
2.1. Viêm gan virus B cấp tính
Viêm gan B cấp tính là giai đoạn khởi phát bệnh, người bệnh lúc này thường chỉ biểu hiện những triệu chứng nhẹ nhưng tuyệt đối không thể chủ quan. Thay vào đó, người bệnh cần chủ động thăm khám và tiến hành điều trị với bác sĩ chuyên khoa để được theo dõi tình trạng bệnh, tránh việc bệnh sẽ chuyển biến sang giai đoạn viêm gan B mạn tính.
2.2. Viêm gan virus B mạn tính
Ở giai đoạn này, người bệnh cần xác định là sẽ sống chung với viêm gan B suốt đời và chịu ảnh hưởng từ virus ở những mức độ khác nhau, trong từng trường hợp bệnh cụ thể.
Dựa vào các xét nghiệm HbsAg (là kháng nguyên bề mặt của virus viêm gan B, cho thấy sự có mặt của HBV trong máu) và HbeAg (là kháng nguyên e của virus viêm gan B, chứng tỏ virus đang hoạt động) để chia thành 4 trường hợp như sau:
– Trường hợp 1: HBsAg (+); HBeAg(-) chứng tỏ có virus, virus không hoạt động và không có dấu hiệu lâm sàng rõ ràng. Trường hợp hay còn gọi là người lành mang mầm bệnh.
– Trường hợp 2: HBsAg (+); HBeAg (-) chứng tỏ có virus, virus không hoạt động nhưng lại có dấu hiệu lâm sàng (vàng mắt, vàng da, chán ăn; mệt mỏi; enzym gan tăng cao). Đây là trường hợp mà người bệnh đã từng bị viêm gan B mạn tính, virus từng hoạt động âm thầm, sau đó ngừng lại (viêm gan B không hoạt tính).
– Trường hợp 3: HBsAg (+); HBeAg(+) chứng tỏ có virus, virus đang hoạt động, nhưng không có dấu hiệu lâm sàng rõ ràng. Đây là trường hợp mà người bệnh “dung nạp được miễn dịch”. Trường hợp này vẫn sẽ có nguy cơ cao, virus có thể tái kích hoạt nên cần chú trọng theo dõi để kịp thời xử lý.
– Trường hợp 4: HBsAg (+); HBeAg (+) chứng tỏ có virus, virus đang hoạt động và có dấu hiệu lâm sàng. Trường hợp này, nếu không được điều đúng cách kịp thời, virus sẽ sinh sôi nhanh chóng và gây ra những nguy hiểm nghiêm trọng tới người bệnh.
3. Khi nào người bệnh viêm gan B cần tiến hành điều trị
Dựa theo các giai đoạn và trạng thái diễn biến của virus, cùng với những đánh giá về mức độ, nguy cơ ảnh hưởng của virus, người bệnh có thể cần được tiến hành điều trị hoặc không với các trường hợp cụ thể như sau:
3.1. Trường hợp cần phải điều trị:
– Người bệnh viêm gan B xuất hiện những triệu chứng rõ rệt như: Vàng da, vàng mắt, thường xuyên mệt mỏi và chán ăn;
– Tình trạng men gan tăng gấp 2 lần trở lên;
– Kết quả xét nghiệm định lượng virus viêm gan B (HBV-DNA) lớn hơn 2×103 IU/ml.
3.2. Trường hợp chưa cần điều trị:
– Người bệnh lành mang mầm bệnh (trường hợp 1);
– Người bị viêm gan B không hoạt tính: Virus từng kích hoạt âm thầm, sau đó ngừng kích hoạt (trường hợp 2).
– Người bệnh viêm gan B “dung nạp được miễn dịch” (trường hợp 3);
Tuy nhiên, những trường hợp trên vẫn có nguy cơ cao nên cần được theo dõi chặt chẽ bằng cách thực hiện khám lâm sàng và xét nghiệm định kỳ. Trong trường hợp nhận thấy các dấu hiệu bất thường có thể áp dụng biện pháp can thiệp ngay.
Người bệnh viêm gan virus B vẫn có thể “chung sống” bình thường với virus nhưng tuyệt đối không được chủ quan vì chúng ta không thể biết chính xác khi nào virus sẽ hoạt động và làm ảnh hưởng tới sức khỏe. Trên hết, mỗi người bệnh cần duy trì lối sống lành mạnh, chế độ ăn khoa học, sinh hoạt và vận động điều độ, thực hiện thăm khám định kỳ đều đặn.