Viêm gân gấp ngón tay: Nguyên nhân, cách chẩn trị

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CK II, Thầy thuốc ưu tú

Nguyễn Thị Kim Loan

Bác sĩ Nội Khoa

Bệnh viêm gân gấp ngón tay không chỉ gây thẩm mỹ mà còn gây ảnh hưởng đến khả năng vận động và sinh hoạt của người bệnh. Cùng tìm hiểu nguyên nhân, cách chẩn đoán và điều trị căn bệnh này qua bài viết dưới đây.

1. Viêm gân gấp ngón tay là gì?

Viêm gân gấp ngón tay còn được gọi là ngón tay cò súng hay ngón tay lò xo (Trigger finger). Thuật ngữ này dùng để chỉ tình trạng viêm xảy ra ở bao gân của các gân gấp các ngón tay, dẫn tới chít hẹp bao gân.

Ở một số người bệnh, phần gân gấp bị viêm còn xuất hiện các hạt xơ. Điều này gây hạn chế hoạt động của gân gấp, đặc biệt khi qua các vị trí có hạt xơ. Bệnh nhân gặp khó khăn mỗi lần gấp hay duỗi ngón tay. Họ thường phải cố gắng mới bật được ngón tay ra hoặc phải dùng tay bên lành để kéo ngón tay bên kia ra như kéo lò xo.

Bệnh có thể xảy ra ở mọi độ tuổi, thường gặp hơn ở những người trên 45 tuổi và ở nữ giới. Những người làm các nghề nghiệp thường phải sử dụng đến sự linh hoạt của ngón tay như nông dân, giáo viên, thợ cắt tóc, bác sĩ phẫu thuật, thợ thủ công, kế toán, nhân viên đánh máy… là những người có nguy cơ mắc bệnh này.

Ngoài ra, một số người mắc các bệnh lý toàn thân như đái tháo đường type 2, viêm khớp dạng thấp, gout, vẩy nến, người bị chấn thương do tai nạn cũng dễ mắc bệnh ngón tay lò xo.

Viêm gân gấp ngón tay hay còn gọi là ngón tay xò súng

Viêm ở gân gấp ngón tay hay còn gọi là ngón tay xò súng.

2. Các triệu chứng của bệnh

Người bệnh có thể biểu hiện các triệu chứng đa dạng, bao gồm:

– Sốt nhưng không cao, thường 38 – 38.5 độ C.

– Đau ngón tay, thường ở vị trí bao gân bị viêm, đau dọc theo trục của các ngón tay.

– Ngón tay sưng lên.

– Ngón tay bị kẹt ở tư thế gấp vào lòng bàn tay hoặc duỗi thẳng.

– Có thể xuất hiện hạch ở vùng khuỷu phía trong.

– Gặp khó khăn khi thực hiện các động tác cầm nắm và gấp duỗi tay. Tình trạng này hay gặp ở các ngón dài (có 3 đốt xương) hơn là ngón ngắn.

Dựa vào mức độ viêm và hạn chế vận động của người bệnh, bệnh viêm bao gân gấp ngón tay được chia làm 3 cấp độ:

– Độ I: Người bệnh bị đau ở gốc ngón tay nhưng ngón tay vẫn còn di chuyển được.

– Độ II: Ngón tay bên viêm bị giữ lại. Phần gân còn di chuyển được nhưng bị bật lại hoặc phải dùng sự trợ giúp của tay đối diện mới duỗi ra được.

– Độ III: Ngón tay rất khó cử động, bị kẹt ở tư thế cò súng.

Nếu thấy có biểu hiện tái đi tái lại, các cơn đau ngày càng dày và ngón tay khó cử động thì cần phải tới bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Sưng đau, không thể gấp duỗi ngón tay là các triệu chứng điển hình của bệnh này.

Sưng đau, không thể gấp duỗi ngón tay là các triệu chứng điển hình của bệnh này.

3. Chẩn đoán viêm gân ngón tay

Các triệu chứng lâm sàng là rất quan trọng để chẩn đoán căn bệnh này. Khi đi khám tại chuyên khoa Cơ xương khớp, bạn hãy mô tả chi tiết nhất có thể các triệu chứng của mình. Sau đó bác sĩ có thể hỏi thêm về tiền sử bệnh, các thói quen hàng ngày để “bắt” bệnh chính xác hơn. Khi khám lâm sàng, các bác sĩ có thể sờ thấy hạt xơ trên gân gấp ngón tay ở vị trí khớp đốt bàn, ngón tay.

Ngoài ra, một số phương pháp cận lâm sàng có thể được sử dụng để chẩn đoán bệnh ngón tay lò xo như:

– Siêu âm: Để kiểm tra xem gân, bao gân có dày lên không và có dịch bao quanh hay không. Thậm chí qua siêu âm có thể thấy hình ảnh hạt xơ trong bao gân.

Chụp cộng hưởng từ (MRI): Hình ảnh MRI có thể giúp phát hiện chất tiết, tình trạng tràn dịch hoặc sưng tấy của bao gân, sự thay đổi cấu trúc và chất lượng của gân.

Xét nghiệm máu: Nếu có tình trạng viêm, chỉ số bạch cầu và tốc độ máu lắng thường tăng cao.

Tùy vào từng trường hợp bệnh nhân mà các bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ định các phương pháp chẩn đoán phù hợp.

4. Điều trị viêm gân gấp ở ngón tay

4.1 Nguyên tắc điều trị viêm gân gấp ngón tay

Điều trị bệnh ngón tay lò xo có thể là sự kết hợp của nhiều phương pháp khác nhau, dựa trên tình trạng thực tế của người bệnh, bao gồm:

+ Biện pháp không dùng thuốc

+ Tiêm corticoid tại chỗ

+ Vật lý trị liệu, phục hồi chức năng

+ Phẫu thuật

Ngoài ra, bệnh nhân cần tích cực theo dõi và quản lý để dự phòng bệnh tái phát bằng chế độ lao động, sinh hoạt phù hợp, kết hợp với dùng thuốc và phục hồi chức năng.

4.2 Các phương pháp cụ thể điều trị viêm gân gấp ngón tay

– Các phương pháp không dùng thuốc

Khi mắc bệnh này, người bệnh cần hạn chế vận động, đặc biệt là vùng gân bị tổn thương; chườm lạnh nếu có tình trạng sưng nóng đỏ; chiếu tia hồng ngoại.

– Sử dụng thuốc

Các loại thuốc thường được chỉ định cho bệnh nhân gồm:

+ Thuốc giảm đau: Floctafenine, Acetaminophen, Paracetamol/dextropropoxiphen, Paracetamol/tramadol

+ Thuốc chống viêm không steroid: Diclofenac, Piroxicam, Meloxicam, Celecoxib. Có thể bôi tại chỗ hoặc truyền đường toàn thân.

+ Corticoid: Thường được tiêm tại chỗ với điều kiện có bác sĩ chuyên khoa và phải có phòng tiêm vô trùng. Thường dùng Methyl prednisolon acetat, Betamethasone…

Lưu ý, tiêm corticoid tại chỗ chống chỉ định tuyệt đối với các trường hợp tổn thương do nhiễm khuẩn, nấm hoặc chưa loại trừ được nguyên nhân nhiễm khuẩn; tổn thương nhiễm trùng trên hoặc gần vị trí tiêm. Chống chỉ định tương đối cho các bệnh nhân cao huyết áp, đái tháo đường, viêm loét dạ dày tá tràng, người đang dùng thuốc chống đông hoặc có rối loạn đông máu.

– Điều trị ngoại khoa

Các phẫu thuật có thể được thực hiện nhằm giải phóng phần gân bị chèn ép, cắt bỏ phần viêm xơ, giải phóng pulley A1. Phương pháp phẫu thuật được cân nhắc chỉ định nếu điều trị nội khoa thất bại.

Thăm khám với bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp giúp chẩn đoán và điều trị bệnh ngón tay lò xo.

Thăm khám với bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp giúp chẩn đoán và điều trị bệnh ngón tay lò xo.

5. Biện pháp phòng ngừa

– Tránh việc lặp lại các hoạt động dùng đến ngón tay, bàn tay trong thời gian dài, nhất những động tác gồng ngón tay cái.

– Dành thời gian cho tay nghỉ ngơi và thực hiện những bài tập cải thiện sự linh hoạt cho gân khớp vùng ngón cái, bàn tay.

– Không tự ý xoa bóp rượu thuốc và dầu nóng vì dễ làm tăng nặng tình trạng viêm.

– Những người bệnh tiểu đường, viêm khớp… cần thường xuyên thăm khám sức khỏe định kỳ để kiểm soát tốt tình trạng bệnh, từ đó ngăn ngừa biến chứng viêm gân gấp.

– Thực hiện chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, ưu tiên các thực phẩm giàu canxi và vitamin C.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital