Viêm gan B có chữa được không và cách phòng tránh

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ, Bác sĩ, Thầy thuốc ưu tú

Tạ Quang Mậu

Bác sĩ Nội Khoa

Viêm gan B có chữa được không tùy thuộc vào giai đoạn phát hiện bệnh và tổn thương gan đã có. Viêm gan B ở giai đoạn cấp tính thường không cần điều trị. Nếu để bệnh phát triển sang giai đoạn mãn tính thì quá trình điều trị kéo dài phức tạp hơn.

Viêm gan B có chữa được không

Viêm gan B có chữa được không tùy thuộc vào giai đoạn phát hiện bệnh và tổn thương gan đã có.

1. Tổng quan về bệnh viêm gan B

Viêm gan B là tình trạng viêm gan, tổn thương gan, nhiễm trùng gan do virus viêm gan B (HBV) gây ra. Virus có thể được truyền từ người sang người qua chất dịch cơ thể, qua máu, tinh dịch, từ mẹ sang con hoặc quan hệ tình dục.

Mỗi năm, virus viêm gan B gây ra hơn 887.000 ca tử vong, là mối đe dọa lớn đối với sức khỏe cộng đồng toàn cầu. Chúng cũng gây ra khoảng 257 triệu ca nhiễm HBV mãn tính, khoảng 40% số ca ung thư gan nguyên phát – loại ung thư gây tử vong cao thứ hai.

Viêm gan B có thể gây ra một loạt các triệu chứng, chẳng hạn như: đau bụng, nước tiểu sẫm màu, buồn nôn, nôn mửa, vàng da hoặc mắt bất thường.

Viêm gan B nếu không được phát hiện và điều trị sớm có thể gây biến chứng viêm gan mạn tính, suy gan, xơ gan, gia tăng nguy cơ ung thư gan.

2. Viêm gan B có mấy loại?

Viêm gan B có 2 giai đoạn phát triển là cấp tính và mãn tính.

Viêm gan B cấp tính kéo dài trong một thời gian ngắn, thường virus mới ở trong cơ thể dưới 6 tháng. Trong giai đoạn này, chúng ta hầu như không có triệu chứng hoặc có rất ít dấu hiệu, lại dễ bị nhầm lẫn với bệnh khác. Ví dụ như buồn nôn, chóng mặt, đau bụng, ăn không ngon, sút cân nhẹ…Người mắc viêm gan B cấp tính thường hồi phục hoàn toàn sau 4-8 tuần.

Viêm gan B mãn tính là tình trạng gan bị viêm đã hơn 6 tháng. Những người bị loại viêm gan này có thể mang virus viêm gan B trong suốt đời. Vì vậy họ cần điều trị để giúp kiểm soát virus lây lan, làm tăng nguy cơ phát triển xơ gan, suy gan, rối loạn chức năng gan và một số loại ung thư gan.

Nguy cơ phát triển bệnh sang viêm gan B mãn tính phụ thuộc vào thời điểm người bệnh được chẩn đoán nhiễm virus. Trẻ em được chẩn đoán mắc bệnh viêm gan B, đặc biệt là những trẻ dưới 5 tuổi, có nhiều nguy cơ mắc bệnh mãn tính hơn.

Viêm gan B cấp tính

Viêm gan B có thai giai đoạn phát triển là cấp tính và mãn tính.

3. Viêm gan B có chữa được không?

Trong thời gian qua, nhờ sự tiến bộ của y học, một loạt các phương pháp điều trị viêm gan B đã được nghiên cứu và phát triển.

Thông thường đối với người lớn, bệnh viêm gan B nếu ở giai đoạn sớm sẽ tự khỏi và không cần điều trị. Bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ và uống nhiều nước. Một số trường hợp có thể sử dụng thêm thuốc để giải quyết triệu chứng viêm gan gặp phải.

Nếu người bệnh đã mắc viêm gan mãn tính thì việc điều trị trở nên lâu dài và phức tạp hơn.

3.1. Viêm gan B có chữa được không nếu ở giai đoạn cấp tính

Viêm gan B cấp tính thường hiếm khi cần điều trị. Bệnh nhân chỉ theo dõi các triệu chứng và xét nghiệm máu thường xuyên để xác định xem liệu virus có còn trong cơ thể hay không.

Trong khi hồi phục, hãy để cơ thể nghỉ ngơi, uống nhiều nước để chống lại nhiễm trùng.

Hãy đi khám bác sĩ nếu các triệu chứng viêm gan B nghiêm trọng hoặc tồi tệ hơn. Bác sĩ có thể kê thuốc kháng virus để tránh tổn thương gan tiềm ẩn. Hoặc bạn cũng có thể phải dùng thuốc giảm đau như ibuprofen (Advil) giảm triệu chứng đau bụng.

3.2. Viêm gan B có chữa được không nếu ở giai đoạn mãn tính

Nhóm này có 2 dạng nhiễm virus: virus thể hoạt động và không hoạt động. Người mang virus không hoạt động cần theo dõi triệu chứng, xét nghiệm định kỳ, điều chỉnh chế độ ăn uống theo lời khuyên của bác sĩ.

Người bệnh mang virus viêm gan B hoạt động, bác sĩ sẽ dựa vào tình trạng, dấu hiệu bệnh cụ thể để lựa chọn phương pháp điều trị. Có thể phải dùng các loại thuốc kháng virus nhằm giảm các triệu chứng và ngăn ngừa tổn thương gan, nhưng hiếm khi loại bỏ hoàn toàn virus viêm gan B. Thời gian điều trị viêm gan B mãn tính thể hoạt động còn tùy thuộc vào từng bệnh nhân, hiệu quả và sự phù hợp của thuốc.

Một số người bị viêm gan B mãn tính nặng cuối cùng có thể cần ghép gan để duy trì sự sống.

virus viêm gan B

Bất cứ ai trong chúng ta cũng có khả năng lây virus viêm gan B từ người khác ngay cả khi cơ thể khỏe mạnh.

4. Làm sao để biết bản thân có mắc viêm gan B hay không?

Bác sĩ sẽ khám và tìm các dấu hiệu tổn thương gan trên cơ thể, chẳng hạn như da vàng bất thường hoặc đau bụng. Các xét nghiệm có thể giúp bác sĩ chẩn đoán viêm gan B hoặc các biến chứng phổ biến gồm:

– Xét nghiệm máu: Bác sĩ tiến hành một số xét nghiệm máu để xác định bệnh nhân đang ở giai đoạn cấp tính hay mãn tính.

– Siêu âm gan: Có thể cho biết mức độ tổn thương gan đến đâu.

– Sinh thiết gan: Bác sĩ tiến hành lấy một mẫu nhỏ gan để xét nghiệm nhằm kiểm tra tổn thương gan.

5. Chúng ta có thể phòng tránh viêm gan B bằng cách nào?

Không có cách chữa khỏi bệnh viêm gan B, nhưng tình trạng này có thể dễ dàng ngăn ngừa bằng các biện pháp đơn giản.

Quan hệ tình dục an toàn, sử dụng biện pháp bảo vệ nếu không biết rõ bạn tình. Tốt nhất nên dùng bao cao su để tránh lây lan bệnh tình dục.

Không dùng chung kim tiêm vì virus viêm gan B lây qua đường máu.

Thường xuyên thăm khám sức khỏe định kỳ hoặc làm xét nghiệm viêm gan B nhằm phát hiện sớm bệnh ở giai đoạn cấp tính.

Không dùng chung các vật dụng cá nhân có thể dính máu, chẳng hạn như dao cạo râu, bàn chải đánh răng, dụng cụ nặn mụn…

Không lạm dụng rượu bia, hoặc uống đồ có cồn quá mức. Nên duy trì chế độ ăn ít chất béo, ít mỡ động vật, thay bằng dầu thực vật, thịt trắng, đồ ăn nhiều omega-3 tốt cho gan.

Tiêm vắc-xin viêm gan B.

Nếu đang mang thai, hãy xét nghiệm máu để xem mình có mắc bệnh hay không. Nếu bạn được chẩn đoán mắc bệnh, hãy tiêm chủng cho con ngay từ khi sinh ra theo chỉ định của bác sĩ.

Tóm lại, viêm gan B có chữa được không tùy thuộc vào giai đoạn phát hiện bệnh và tổn thương gan đã có. Điều quan trọng bạn cần ghi nhớ, bất cứ ai trong chúng ta cũng có khả năng lây virus viêm gan B từ người khác ngay cả khi cơ thể khỏe mạnh.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:
Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital