Viêm cơ tim là tình trạng một phần hoặc toàn bộ khối cơ tim bị viêm do các tác nhân nhiễm trùng (virus, vi khuẩn, nấm…) hoặc không nhiễm trùng. Bệnh có thể tự khỏi và không gây tổn thương gì cho cơ tim nhưng cũng không ít trường hợp gây tử vong nhanh chóng nếu không được điều trị tích cực kịp thời. Vậy nguyên nhân, cơ chế gây viêm ở cơ tim là gì, các triệu chứng và cách chẩn đoán, điều trị ra sao?
Menu xem nhanh:
1. Đặc điểm của bệnh viêm cơ tim
Bệnh viêm cơ tim là tình trạng viêm cục bộ hoặc lan tỏa cơ tim – các sợi cơ giữ vai trò co bóp cho tim. Các đối tượng dễ mắc bệnh gồm: người có hệ miễn dịch kém hoặc suy giảm, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhiều hơn ở người trẻ, từ 20 – 40 tuổi và biểu hiện đa dạng, từ nhẹ đến nặng. Đối tượng thường gặp nhiều hơn là nam giới.
Bệnh có thể tự khỏi và không gây vấn đề gì về sức khỏe nhưng cũng có thể ảnh hưởng rất nặng nề. Cụ thể là các rối loạn nhịp nguy hiểm, khó khống chế, suy tim cấp thậm chí sốc tim, bệnh cơ tim giãn hay suy tim mạn tính.
Ở thể tối cấp, viêm cơ tim có thể khiến tuần hoàn suy sụp trầm trọng, đe dọa tính mạng người bệnh. Với những trường hợp này, người bệnh có nguy cơ tử vong rất cao (đến 70%) nếu không được điều trị tích cực kịp thời.
2. Nguyên nhân gây viêm ở cơ tim
2.1 Viêm cơ tim do nhiễm trùng
Các trường hợp cơ tim bị viêm liên quan đến nhiễm trùng thường do các tác nhân sau:
– Virus: Virus là nguyên nhân thường gặp nhất gây viêm nhưng thường không thể chẩn đoán xác định được. Các loại virus phổ biến khiến gây viêm là coxsackie B, adenovirus, virus viêm gan B, C, HSV, EBV… Mới đây, virus SARs-CoV-2 cũng là một trong những tác nhân gây viêm cơ tim nguy hiểm. Khi vào cơ thể, virus ngày gắn với thụ thể ACE2 (angiotensin-converting enzyme 2) để xâm nhập vào tế bào cơ tim, kích hoạt quá trình viêm.
– Vi khuẩn: Thường là các tụ cầu khuẩn, liên cầu khuẩn, bạch hầu,…
– Nấm: Các loại nấm phổ biến là candida, aspergillus,…
– Kí sinh trùng: Điển hình là Toxoplasma, Trypanosoma cruzi,…
2.2 Viêm cơ tim có thể xảy ra do các tác nhân không nhiễm trùng
– Các loại thuốc: Thuốc nhóm anthracycline (Daunorubicin, Adriamycin), cocaine, CO,
– Các bệnh lý: Bệnh lupus, viêm mạch tế bào khổng lồ, Takayasu…
3. Triệu chứng cho thấy cơ tim bị viêm
Triệu chứng tổn thương cơ tim có thể từ nhẹ đến rất nặng. Các triệu chứng thường gặp là:
– Sốt
– Cảm cúm
– Đau nhức người
– Đau ngực
– Khó thở, mức độ tùy vào tình trạng suy tim
– Các rối loạn nhịp tim: ngoại tâm thu, nhịp nhanh thất…
– Huyết áp tụt
– Chân tay lạnh
– Tiểu ít
– Phù phổi cấp
Thông thường, các triệu chứng ở bệnh nhân suy tim cấp sẽ rầm rộ và rõ rệt hơn. Người bệnh cần đi khám ngay dù gặp những biểu hiện mơ hồ nhất, tránh để lọt bệnh.
4. Các biện pháp chẩn đoán bệnh
Bên cạnh thăm khám lâm sàng, một số kỹ thuật cận lâm sàng có thể được chỉ định trong chẩn đoán viêm cơ tim gồm:
– Siêu âm Doppler tim: Phương pháp giúp đánh giá kích thước và chức năng tim, các rối loạn vận động vùng không liên quan đến vùng tưới máu động mạch vành.
– Điện tâm đồ: Biểu hiện tình trạng viêm màng tim, cơ tim trên điện tâm đồ là ST chênh cong lõm ở nhiều chuyển đạo. Tuy nhiên có thể nhầm lẫn với biến đổi ST chênh lên trong nhồi máu cơ tim.
– Cộng hưởng từ tim: Đây là phương pháp có giá trị cao trong chẩn đoán cao đối với các tổn thương cơ tim do viêm, tuy nhiên ít thực hiện được trong giai đoạn cấp.
– Các xét nghiệm máu: Giúp xác định dấu hiệu nhiễm trùng, hoại tử cơ tim (qua chỉ số Troponin T hoặc Troponin I). Dựa vào đó để chẩn đoán được có sự tổn thương cơ tim hay không. Ngoài ra, để đánh giá mức độ suy tim, khả năng tưới máu thì cần chú ý các chỉ số NT-proBNP, lactat máu…
– Chụp động mạch vành qua da: Thường được thực hiện ở những bệnh nhân có triệu chứng đau ngực kèm theo các yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành, các bệnh nhân có tăng men tim.
5. Các biện pháp điều trị bệnh
Dựa vào kết quả chẩn đoán, các bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị chính xác cho từng trường hợp. Bệnh nhân viêm cơ tim có thể chỉ điều trị nội khoa nhưng cũng có những trường hợp phải hỗ trợ tuần hoàn ngoài cơ thể, đặc biệt là những bệnh nhân sốc tim. Trong những trường hợp này, bệnh nhân có tỉ lệ tử vong rất cao, đồng thời chi phí điều trị cũng rất lớn.
Trong giai đoạn cấp, phương pháp chủ yếu là điều trị triệu chứng. Thực tế, đa phần các trường hợp bệnh nhân có thể phục hồi, ít ảnh hưởng chức năng tim. Nhưng cũng có những trường hợp biến chứng gây suy tim, giãn cơ tim, rối loạn nhịp tim. Điều trị ở giai đoạn này chủ yếu là điều trị suy tim, điều trị rối loạn nhịp. Bệnh nhân sẽ được theo chỉ định của bác sĩ dựa trên tình hình sức khỏe thực tế.
Những trường hợp nặng, bệnh nhân có thể được xem xét sử dụng các loại thuốc vận mạch, hỗ trợ tuần hoàn ngoài cơ thể (ECMO). Hoặc sử dụng các thiết bị giúp ổn định nhịp tim theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
6. Phòng ngừa bệnh như thế nào?
Để phòng tránh những ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe do bệnh gây ra, bạn cần thực hiện các biện phòng tránh sau:
– Hạn chế tiếp xúc với những người nhiễm virus, nhiễm cúm, hoặc có phương tiện bảo vệ khi tiếp xúc
– Vệ sinh thân thể, tay chân, răng miệng sạch sẽ để tránh vi khuẩn, virus có thể xâm nhập theo các con đường đó
– Tiêm một số loại vacxin phòng bệnh như vacxin cúm, viêm gan B,…
Hi vọng những thông tin trên đây đã giúp bạn hiểu hơn về bệnh viêm cơ tim. Đây là một bệnh lý cần được chẩn đoán chính xác mới có thể đưa ra phương án điều trị phù hợp. Lưu ý những kiến thức trong bài viết chỉ mang tính tham khảo, không thay thế các chẩn đoán và điều trị y khoa. Khi thấy các dấu hiệu của bệnh, bạn cần đi khám ngay để điều trị bệnh kịp thời và đúng hướng, tránh những hậu quả đáng tiếc.