Vai trò của xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ, Bác sĩ, Thầy thuốc ưu tú

Tạ Quang Mậu

Bác sĩ Nội Khoa

Xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung là phương pháp hiệu quả, góp phần sàng lọc, phát hiện các tế bào ung thư bất thường. Từ đó giúp các bác sĩ đưa ra biện pháp điều trị phù hợp ngay ở giai đoạn sớm, nâng cao khả năng điều trị thành công và kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân.

1. Các giai đoạn của ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung là các tế bào ở cổ tử cung phát triển một cách bất thường và không theo sự kiểm soát của cơ thể. Các tế bào này dần phình to và phát triển nhanh chóng, tạo thành khối u.

Ung thư cổ tử cung được coi là bệnh lý ác tính, chỉ xảy ra ở nữ giới. Đa phần các trường hợp mắc bệnh đều là ung thư biểu mô tế bào vảy. Vì vậy việc xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung là phương pháp cần thiết để bảo vệ sức khỏe.

xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung là bệnh lý ác tính đe dọa tính mạng của hàng triệu phụ nữ Việt Nam

Thông thường, ung thư cổ tử cung phát triển theo 4 giai đoạn:

  • Giai đoạn I: Virus HPV chỉ vừa mới xâm nhập vào cơ thể. Bệnh nhân ở giai đoạn này chưa có biểu hiện gì cụ thể.
  • Giai đoạn II: Ở giai đoạn này, tế bào ung thư đã bắt đầu xuất hiện ở cổ tử cung nhưng chưa có dấu hiệu xâm lấn sang các vùng lân cận, và các biểu mô chính. Giai đoạn này gọi là tiền ung thư.
  • Giai đoạn III: Khối u bắt đầu xâm lấn xa hơn và có những triệu chứng rõ rệt được biểu hiện ra bên ngoài. Đây được coi là giai đoạn khối u phát triển mạnh mẽ nhất.
  • Giai đoạn IV: Lúc này, khối u đã có xu hướng di căn sang các bộ phận khác như vùng chậu, bàng quang, trực tràng và có ảnh hưởng tới gan và phổi. Đây là giai đoạn cuối của bệnh. Sức khỏe người bệnh suy giảm nhanh chóng và tỷ lệ chữa khỏi bệnh là rất thấp.

2. Những điều cần biết về xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung được ghi nhận gây ra hàng loạt ca tử vong ở phụ nữ Việt Nam mỗi năm. Theo số liệu thống kê, mỗi ngày tại nước ta ghi nhận 14 ca mắc mới, trong đó có khoảng 7 người tử vong. Nhận biết mức độ nguy hiểm đó, các chuyên gia y tế khuyến cáo chị em phụ nữ cần đẩy mạnh việc phát hiện sớm các triệu chứng ung thư để kịp thời điều trị hiệu quả.

2.1. Đối tượng cần tiến hành xét nghiệm tầm soát ung thư ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung chỉ xảy ra đối với nữ giới. Dưới đây là các đối tượng có nguy cơ bị mắc ung thư cao, bao gồm:

  • Nữ giới có đời sống tình dục phong phú, nhiều bạn tình.
  • Bạn tình có quan hệ tình dục với nhiều người khác, vệ sinh không sạch sẽ dễ lây lan viêm nhiễm.
  • Nữ giới quan hệ tình dục ở tuổi vị thành niên (dưới 18 tuổi). Việc quan hệ quá sớm khi cơ quan sinh dục chưa phát triển dễ làm tổn thương và viêm nhiễm.
  • Những người có tiền sử loạn sản cổ tử cung
  • Trong gia đình có người thân hoặc anh chị em từng mắc ung thư cổ tử cung
  • Có thói quen hút thuốc cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh
  • Cá nhân đã từng mắc các bệnh lây qua đường tình dục như chlamydia, một loại vi khuẩn có khả năng lây qua đường tình dục, gây ra bệnh viêm tử cung.
  • Nữ giới mắc các bệnh về hệ thống miễn dịch.
  • Con cái sinh ra dễ nhiễm vi khuẩn HPV nếu mẹ sử dụng thuốc ngăn ngừa sảy thai diethylstilbestrol.

2.2. Một số dấu hiệu cảnh báo đã đến lúc nên xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung

Việc phát hiện sớm và sàng lọc sớm bệnh là thủ tục cần thiết để điều trị bệnh kịp thời, giúp kéo dài tuổi thọ và mang lại sức khỏe cho bệnh nhân. Do đó, mỗi cá nhân cần phải ý thức chú ý thể trạng cơ thể của bản thân để kịp thời khai báo tại cơ sở y tế tầm soát bệnh.

xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung

Việc chú trọng các dấu hiệu bất thường cơ thể nên được đẩy mạnh để kịp thời thăm khám

Dưới đây là các dấu hiệu phổ biến của ung thư cổ tử cung, có biểu hiện ra bên ngoài cơ thể mà bạn cần lưu ý:

  • Chảy máu âm đạo bất thường
  • Dịch âm đạo tiết ra bất thường
  • Chu kỳ kinh nguyệt không đều
  • Đau khi quan hệ tình dục
  • Đau xương chậu

3. Các loại xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung phổ biến

Xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung là phương pháp thực hiện xét nghiệm các chỉ số máu chuyên môn, hỗ trợ phát hiện các dấu hiệu bất thường của ung thư ở giai đoạn phát triển sớm, giúp tầm soát bệnh kịp thời, nâng cao điều trị khỏi bệnh hiệu quả và kéo dài tuổi thọ bệnh nhân.

3.1. Xét nghiệm Pap

Phương pháp xét nghiệm Pap (Pap smear) hay còn gọi là phết tế bào cổ tử cung, là loại xét nghiệm phổ biến trong việc phát hiện và tìm kiếm tế bào ung thư cổ tử cung.

xét nghiệm ung thư cổ tử cung

Xét nghiệm Pap là phương pháp tầm soát ung thư cổ tử cung phổ biến

Phương pháp này được các bác sĩ tiến hành bằng cách thu thập một mẫu nhỏ tế bào của cổ tử cung, rồi đưa lên tấm phết Pap hoặc trộn lẫn trong một dung dịch cố định để kiểm tra dưới kính hiển vi. Thông qua việc kiểm tra mẫu tế bào, bác sĩ sẽ phát hiện những thay đổi bất thường và xác định dấu hiệu ung thư.

Tuy nhiên, phương pháp này có độ chuẩn xác không cao, khoảng 50 – 60% tùy thuộc vào tay nghề bác sĩ và chất lượng mẫu tế bào.

3.2. Xét nghiệm Cobas HPV

Phương pháp xét nghiệm Cobas HPV là một dạng xét nghiệm HPV DNA, cho phép một mẫu bệnh phẩm để xác định nguy cơ nhiễm 12 chủng HPV và cho ra kết quả riêng về chủng HPV 16 và chủng HPV 18 – 2 chủng loại gây ra ung thư cổ tử cung.

xét nghiệm sàng lọc ung thư

Phương pháp xét nghiệm HPV cho hiệu quả chính xác, nhanh chóng

Để tiến hành xét nghiệm HPV, bác sĩ sẽ sử dụng dụng cụ để mở rộng âm đạo giúp cho việc dễ dàng lấy mẫu tế bào từ cổ tử cung. Phương pháp này thường được các bệnh viện lớn chuyên dùng bởi độ chính xác cao lên đến 90% và cho ra kết quả nhanh chóng.

3.3. Xét nghiệm Thinprep

Phương pháp xét nghiệm Thinprep là loại hình xét nghiệm tầm soát cổ tử cung dựa trên chất lỏng. Bác sĩ sẽ sử dụng chổi mềm để lấy bệnh phẩm từ cổ tử cung và cho vào lọ đựng chất lỏng để bảo quản, sau đó sẽ chuyển về phòng xét nghiệm để xử lý bằng máy Thinprep làm tiêu bản tự động.

xét nghiệm tầm soát ung thư

Xét nghiệm Thinprep mang lại kết quả chính xác

Phương pháp này giúp giảm nguy cơ bỏ sót tế bào bất thường, loại bỏ đáng kể tỷ lệ âm tính giả, nâng cao hiệu quả sàng lọc ung thư.Tuy nhiên, đây là xét nghiệm đòi hỏi các thiết bị y tế cao cấp nên chỉ được tiến hành tại các cơ sở y tế lớn và chi phí cao.

Bên cạnh xét nghiệm, trong gói tầm soát ung thư, người bệnh cũng sẽ được tiến hành các danh mục khám khác như chụp X-quang, siêu âm hoặc chụp cắt lớp vi tính CT… để góp phần chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh.

Hy vọng thông qua bài viết trên, quý vị đã nắm được thông tin hữu ích về cách tầm soát ung thư cổ tử cung để giúp bản thân phòng ngừa bệnh và có một cuộc sống mạnh khỏe.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital