Ung thư biểu mô tế bào gan và những điều cần biết

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ, Bác sĩ, Thầy thuốc ưu tú

Tạ Quang Mậu

Bác sĩ Nội Khoa

Theo số liệu thống kê gần đây nhất của Globocan năm 2020, ung thư gan tại Việt Nam có tỷ lệ bệnh nhân tử vong đứng số 1 trong các căn bệnh ung thư. Trong đó loại ung thư gan thường gặp nhất là ung thư biểu mô tế bào gan. Vậy ung thư biểu mô tế bào là gì, nguyên nhân gây bệnh và cách chữa trị là gì sẽ được chúng tôi cung cấp cho bạn đọc dưới đây.

1. Khái quát về bệnh ung thư gan biểu mô tế bào

Ung thư biểu mô tế bào gan (HepatoCellular Carcinoma – HCC) là một dạng của ung thư gan nguyên phát xuất phát từ sự thay đổi đột biến tế bào trong gan về hình thái và chức năng. Theo nhiều nghiên cứu có đến 80% bệnh ung thư gan là ung thư gan biểu mô tế bào.

ung thư biểu mô tế bào gan

Ung thư gan dạng biểu mô tế bào là một dạng ung thư gan nguyên phát

2. Yếu tố nguy cơ làm tăng tỷ lệ mắc ung thư gan biểu mô tế bào 

Gan là bộ phận có chức năng quan trọng trong cơ thể như đào thải độc tố, sản xuất dịch mật, lưu trữ vitamin và khoáng chất, chuyển hóa glycogen, protein, lipid… Chính vì vậy khi gan yếu, suy giảm chức năng sẽ dẫn đến nhiều bệnh lý nguy hiểm và ảnh hưởng đến chất lượng sức khỏe và cuộc sống.

2.1 Người suy giảm chức năng gan có nguy cơ cao mắc HCC

– Người mắc bệnh xơ gan: Ung thư biểu mô tế bào ở gan thường là biến chứng hàng đầu của xơ gan. Đây là tình trạng tổn thương tế bào gan làm suy giảm chức năng của gan do sự phát triển âm thầm của mô xơ thay thế mô gan, dần dần lan tỏa ra toàn bộ gan.

– Viêm gan B hoặc viêm gan C: Người mắc bệnh viêm gan B và C đều có nguy cơ mắc ung thư gan dạng biểu mô tế bào hơn nhiều lần. Bệnh sẽ tiến triển khi virus HBV và HCV không được theo dõi và điều trị triệt để.

2.2 Một số nguyên nhân khác làm gia tăng tỷ lệ mắc ung thư biểu mô tế bào gan

– Sử dụng nhiều rượu bia, thuốc lá: Đây là hai yếu tố khi bạn sử dụng quá mức sẽ ảnh hưởng đến chức năng hoạt động của gan, làm tổn thương gan và dễ gây ung thư.

– Người béo phì và tiểu đường: Người béo phì có thể mắc gan nhiễm mỡ và có thể dẫn đến ung thư biểu mô tế ở gan. Tiểu đường cũng đóng góp vào yếu tố gây ung thư cao hơn bởi nồng độ insulin trong cơ thể cao sẽ dẫn đến tổn thương ở gan gây viêm gan mạn tính, gan nhiễm mỡ, suy gan, xơ gan…

– Một số bệnh khác cũng có thể làm tăng nguy cơ chuyển hóa thành ung thư: bệnh quá tải sắt, bệnh Wilson, nhiễm độc tố aflatoxin do nấm mốc…

ung thư biểu mô tế bào gan và nguyên nhân gây bệnh

Người béo phì có nguy cơ mắc ung thư gan biểu mô tế bào (HCC)

3. Một số dấu hiệu nhận biết qua các giai đoạn bệnh

Ung thư gan nói chung thường khó nhận biết vào giai đoạn đầu, đa số người bệnh đến thăm khám đều phát hiện bệnh đang ở giai đoạn tiến triển hoặc giai đoạn muộn. Sau đây chúng tôi sẽ đưa ra một vài dấu hiệu nhận biết bệnh ở cả giai đoạn khởi phát và tiến triển để người bệnh có thể tham khảo và đến ngay cơ sở y tế thăm khám, chẩn đoán bệnh khi có các triệu chứng bất thường.

3.1 Dấu hiệu nhận biết sớm ung thư biểu mô tế bào gan

– Chán ăn, kém ăn, ăn không ngon miệng, chướng bụng, đầy hơi 

– Đau, cảm thấy tức khó chịu ở vùng sườn phải

– Có thể gặp tình trạng sốt nhẹ không rõ nguyên nhân

– Da mặt có dấu hiệu tối hơn, người bệnh khó có thể nhận biết và lầm tưởng thành da bị bắt nắng

Các triệu chứng ở giai đoạn sớm thường không liền mạch, không xảy ra thường xuyên và không điển hình nên người bệnh dễ gây nhầm lẫn và bỏ qua.

3.2 Triệu chứng nhận biết ở giai đoạn bệnh tiến triển

Ở giai đoạn toàn phát, các triệu chứng sẽ ngày càng rõ ràng hơn, cụ thể:

– Chán ăn, mệt mỏi, gầy sút cân nhanh chóng, người ốm yếu

– Đau hạ sườn bên phải với cơn đau âm ỉ, có thể kèm theo cảm giác sưng hoặc chướng bụng

– Bụng to lên do chướng bụng, đầy hơi và có dịch tích tụ 

– Gan to cảm giác nặng nề hoặc cảm thấy có u ở phần bệnh trên rốn

– Biểu hiện vàng da, vàng mắt bạn không nên chủ quan bỏ qua 

– Da mẩn ngứa, nổi mụn nhọt bởi chức năng thải độc ở gan bị ảnh hưởng

– Đại tiện phân nhạt hoặc bạc màu. Khi tiểu tiện nước tiểu người bệnh thường có màu sậm.

4. Điều trị ung thư gan dạng biểu mô tế bào bằng phương pháp nào?

Dựa vào tình trạng bệnh, giai đoạn bệnh, kích thước khối u, sức khỏe người bệnh… bác sĩ sẽ đưa ra phương hướng điều trị mang lại tín hiệu tích cực nhất. Phác đồ sẽ được bác sĩ xây dựng có thể kết hợp từ nhiều phương pháp điều trị để mang lại hiệu quả và gia tăng cơ hội sống cho mỗi bệnh nhân.

– Phẫu thuật gồm phẫu thuật cắt bỏ tế bào ung thư gan và phẫu thuật ghép gan

Phẫu thuật loại bỏ ung thư thường được áp dụng với người bệnh ở giai đoạn đầu. Phẫu thuật bằng cách cắt bỏ khối u giữ lại phần mô gan khỏe mạnh.

Ghép gan là phương pháp thay gan mới phù hợp kích cỡ và nhóm máu của người hiến tặng. Chỉ thực hiện ghép gan khi bệnh nhân có 1 khối u gan < 5cm hoặc không có nhiều hơn 3 khối u và kích thước đều < 3cm và đều chưa có di căn.

– Xạ trị: Sử dụng tia năng lượng cao tiêu diệt, làm giảm kích thước tế bào ung thư.

– Hóa trị: Sử dụng thuốc có tác dụng tiêu diệt tế bào ác tinh. Thuốc có thể được tiêm vào tĩnh mạch vào máu và lan truyền khắp cơ thể. 

– Liệu pháp điều trị đích: Khác với hóa trị, điều trị đích sử dụng thuốc trực tiếp vào các tế bào ung thư mà không gây ảnh hưởng đến tế bào lành tính

– Liệu pháp miễn dịch: Đưa protein vào trong cơ thể để hệ miễn dịch nhận ra được tế bào ung thư và làm suy yếu chúng 

– Phương pháp nút mạch điều trị ung thư gan: Bác sĩ thực hiện tiêm hóa chất vào khối u hoặc mạch máu lân cận để ngăn cung cấp máu nuôi dưỡng khối u để làm suy yếu tế bào ác tính này.

– Phá hủy khối u nhỏ mà không cần cắt bỏ như đốt u bằng vi sóng, đốt lạnh khối u, tiêm cồn…

5. Lời khuyên phòng tránh giảm tối đa nguy cơ mắc ung thư gan

Ung thư là căn bệnh nguy hiểm nhiều đến tính mạng, vì vậy để đảm bảo sức khỏe và tuổi thọ của bản thân cũng như những những người xung quanh, bạn nên thực hiện tốt những biện pháp sau:

– Tiêm phòng đầy đủ vắc xin viêm gan B để tránh mắc virus HBV và giảm thiểu nguy cơ xơ gan, ung thư gan

– Tầm soát sàng lọc ung thư định kỳ, đặc biệt đối với những người có nguy co cao như mắc bệnh về xơ gan, viêm gan B, C

– Rượu bia thuốc lá là thực phẩm làm tăng tỷ lệ mắc bệnh ung thư gan. Bạn nên hạn chế hoặc ngừng sử dụng để bảo vệ gan không bị tổn thương

– Không nên sử dụng thực phẩm nấm mốc, khi đồ ăn có nấm mốc cần bỏ ngay

– Cân bằng chế độ làm việc và nghỉ ngơi để các cơ quan trong cơ thể, cụ thể là gan không rơi vào tình trạng hoạt động quá sức.

– Ăn thực phẩm tươi sạch tránh ăn thức ăn nhanh bởi sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình thải độc của gan.

ung thư biểu mô tế bào gan không nên ăn thực phẩm mốc

Không nên ăn thực phẩm mốc bởi sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư gan

Trên đây là các thông tin hữu ích về một dạng bệnh phổ biến của ung thư gan nguyên phát. Đây là căn bệnh có nguy cơ tử vong cao, gặp khó khăn trong điều trị nếu không được phát hiện sớm. Do đó nếu có bất kỳ dấu hiệu nào hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám, điều trị đúng cách để gia tăng cơ hội sống.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital