U tuyến giáp nằm ở vị trí nào và các phương pháp điều trị

Tham vấn bác sĩ

U tuyến giáp là một bệnh lý phổ biến và tỷ lệ mắc bệnh có xu hướng ngày càng gia tăng. Mặc dù đại đa số là u giáp lành tính nhưng có một tỷ lệ nhỏ tiến triển thành ung thư. Vậy u tuyến giáp nằm ở vị trí nào và hiện đang có những phương pháp điều trị nào, hãy tìm hiểu thông tin trong bài viết dưới đây. Biết được u tuyến giáp hình thành ở đâu sẽ phần nào giúp bạn quan sát, phát hiện sớm được các dấu hiệu cảnh báo để điều trị kịp thời.

1. U tuyến giáp nằm ở vị trí nào?

1.1. U tuyến giáp là gì?

Tuyến giáp hay tuyến giáp trạng là một tuyến nội tiết lớn nhất trong cơ thể và đảm nhiệm nhiều chức năng quan trọng. Tuyến giáp sản xuất, lưu trữ và giải phóng 2 hormone giáp trạng Thyroxine (hay gọi là T4) và hormone Tri-iodo-thyronine (hay gọi là T3) vào máu giúp quá trình chuyển hóa và trao đổi chất được diễn ra bình thường.

U tuyến giáp là hiện tượng phát sinh tế bào hoặc khối mô tập trung riêng biệt trong lòng tuyến giáp, làm thay đổi cấu trúc và chức năng của tuyến giáp. U tuyến giáp có thể là đơn nhân hoặc đa nhân, lành tính hoặc ác tính. Trong hầu hết các trường hợp u tuyến giáp là lành tính, phát triển tại chỗ, không xâm lấn các mô lân cận và không lây lan sang các bộ phận khác. U ác tính chiếm tỷ lệ nhỏ (khoảng 5%) nhưng chúng có khả năng xâm lấn và hủy hoại các mô và bộ phận lân cận. Vậy u tuyến giáp nằm ở vị trí nào?

U tuyến giáp nằm ở vị trí nào?

U tuyến giáp nằm ở vị trí nào là thắc mắc của nhiều người bệnh.

1.2. U tuyến giáp nằm ở vị trí nào?

U tuyến giáp là một khối nhỏ hình thành trong lòng tuyến giáp – tập trung ở trước cổ và dưới đáy họng. U tuyến giáp dù là lành tính cũng có thể gây ra nhiều phiền phức cho người bệnh. Mặt khác, kích thước u tuyến giáp có xu hướng phát triển theo thời gian. Khi khối u to ra sẽ tạo một khối phình lớn ở cổ gây mất thẩm mỹ. Không chỉ vậy, kích thước khối u tiếp tục phát triển, vị trí khối u chèn ép vị trí các cơ quan lân cận như ống thực quản, thanh quản, khí quản hoặc phế quản. Người bệnh có thể cảm thấy khó thở, khó nuốt và khó nói.

U tuyến giáp có thể tiến triển thành ung thư tuyến giáp. Tùy theo từng giai đoạn phát triển của ung thư mà u tuyến giáp có thể có vị trí khác nhau.

U tuyến giáp ở các giai đoạn phát triển (trong trường hợp ác tính):

– Giai đoạn 1: Khối u mới hình thành, thường có kích thước nhỏ hơn hoặc bằng 2cm, nằm ở bên trong tuyến giáp, Không lây lan đến các hạch bạch huyết gần đó hoặc các cơ quan lân cận.

– Giai đoạn 2: Kích thước khối u lớn hơn từ 2-4cm và đã phát triển bên trong các cơ bám xung quanh tuyến giáp, chưa xâm lấn tới các hạch bạch huyết hoặc các cơ quan khác.

– Giai đoạn 3: Khối u kích thước lớn hơn 4cm, phát triển ra bên ngoài tuyến giáp, xâm lấn tới các mô cơ quan vùng cổ như thực quản, khí quản, thanh quản và tiếp cận tới các hạch bạch huyết ở cổ,  chưa di căn đến các cơ xa hơn.

– Giai đoạn 4: Kích thước khối u lớn, phát triển vượt ra ngoài tuyến giáp và lây lan sang đến các hạch bạch huyết cổ và trên ngực, phát triển tới thành xương sống hoặc vào gần các mạch máu lớn, đồng thời di căn đến các cơ quan khác xa hơn.

Ung thư tuyến giáp có thể phát triển thành nhiều dạng di căn khác nhau như: ung thư di căn hạch, ung thư di căn não, ung thư di căn gan, ung thư di căn phổi, ung thư di căn xương. Để xác định được chính xác u tuyến giáp nằm ở vị trí nào thì người bệnh cần đến các cơ sở y tế để được kiểm tra thông qua các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh chuyên nghiệp.

2. Dấu hiệu u tuyến giáp tại các vị trí xuất hiện

Ở mỗi vị trí xuất hiện, u tuyến giáp sẽ có những dấu hiệu và triệu chứng khác nhau. U tuyến giáp thường biểu hiện dưới dạng cục u dễ thấy ở cổ, không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng đến các hoạt động ăn, nuốt, nói, thở…. Vị trí u tuyến giáp khi biến chứng nặng sẽ có thêm các dấu hiệu như:

– Ung thư tuyến giáp di căn hạch: Xuất hiện các chuỗi hạch bị sưng kèm theo các dấu hiệu: gạch nổi hai bên vùng cổ, sưng to, đau rát cổ, khản tiếng, mất giọng do các hạch bạch huyết bị sưng hoặc chèn ép dây thanh quản.

– Ung thư tuyến giáp di căn não: Người bệnh bị suy giảm trí nhớ, đau đầu, chóng mặt, ù tai, mất ngủ, dễ bị động kinh, buồn nôn khi ăn…

– Ung thư tuyến giáp di căn gan: Người bệnh vàng mắt, vàng da, da mẩn ngứa, mụn nhọt, gan to, phù bàn tay bàn chân, sức khỏe suy yếu nghiêm trọng.

– Ung thư tuyến giáp di căn xương: Người bệnh giòn xương, dễ đau nhức xương khớp, nhức mỏi tay chân, khó đi lại…

– Ung thư tuyến giáp di căn phổi: tế bào ung thư di căn phổi sẽ gây ra các triệu chứng như người mệt mỏi, đau tức ngực, ho, ho ra máu, khó thở, tràn dịch màng phổi.

Giải đáp u tuyến giáp nằm ở vị trí nào

Mỗi vị trí xuất hiện u tuyến giáp sẽ có những biểu hiện khác nhau

3. Kỹ thuật chẩn đoán u tuyến giáp nằm ở vị trí nào?

Vị trí u tuyến giáp được xác định chính xác thông qua một số kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh sau:

3.1. Siêu âm tuyến giáp

Đây là kỹ thuật chẩn đoán sử dụng sóng âm tần số cao để tái tạo lại chi tiết hình ảnh của tuyến giáp và các cấu trúc lân cận ở cổ. Siêu âm giúp tìm kiếm và xác định vị trí của các khối u; phân loại cấu trúc của nhân giáp (dạng rắn, lỏng, hỗn hợp); kiểm tra được kích thước, số lượng và sự di căn (nếu có). Đồng thời, siêu âm tuyến giáp cũng cho phép xác định sơ bộ tính chất của nhân tuyến giáp trong trường hợp bướu giáp đa nhân.

3.2. Xạ hình tuyến giáp

Đây là kỹ thuật là kỹ thuật xét nghiệm duy nhất hiện nay cho phép chẩn đoán chức năng của tuyến giáp bằng hình ảnh. Xạ hình tuyến giáp giúp xác định vị trí của các nhân nóng (u lành), nhân lạnh (nguy cơ ác tính cao) trong tuyến giáp hoặc tuyến giáp lạc chỗ, ung thư di căn. Phương pháp này cũng đánh giá chính xác tình trạng chức năng của nhân tuyến giáp. Từ đó người bệnh có thể xác định được hướng điều trị tiếp theo tốt hơn.

Để thực hiện phương pháp này, người bệnh được uống hoặc tiêm thuốc có iod phóng xạ. Iod phóng xạ sau khi vào cơ thể sẽ được bắt giữ bởi tuyến giáp hoặc cá tế bào ung thư tuyến giáp đã di căn sang nơi khác. Sau đó camera sẽ ghi lại hình ảnh các vùng mà iod được hấp thụ. Tuy nhiên, xạ hình tuyến giáp không chỉ định cho phụ nữ mang thai. Với phụ nữ đang cho con bú cần ngưng ít nhất 6 tiếng sau khi xạ hình.

3.3. Chụp cắt lớp điện toán (chụp CT) và chụp cộng hưởng từ (MRI):

Hai phương pháp đều được dùng để xác định vị trí, kích thước và sự phát triển của tế bào u tuyến giáp. Đồng thời, phương pháp cho thấy rõ được cả những tổn thương có kích thước nhỏ (3-4mm) trong trường hợp di căn có tính chất chỉ điểm.

Tuy nhiên, phương pháp chụp CT có sử dụng chất cản quang iod nên sẽ cho ra hình ảnh chi tiết hơn chụp MRI. Tuy nhiên, chụp CT có thể làm ảnh hưởng đến kết quả của phương pháp xạ hình (nếu cần thực hiện ngay sau đó) và không an toàn bằng phương pháp chụp MRI.

4. Các phương pháp điều trị u tuyến giáp

Tùy thuộc vào kích thước và kết quả chẩn đoán lành tính hay ác tính mà có những phương pháp điều trị u tuyến giáp thích hợp.

4.1. U tuyến giáp lành tính

Nếu sinh thiết tuyến giáp cho kết quả u lành tính thì kế hoạch điều trị thích hợp nhất là khám theo dõi, xét nghiệm tế bào định kỳ hàng năm kết hợp với điều chỉnh chế độ ăn uống và sinh hoạt. Khi u tuyến giáp phát triển gây ra triệu chứng chèn ép, các phương pháp có thể được sử dụng:

Điều trị nội khoa:

Đây là phương pháp sử dụng hormone tổng hợp nhằm ức chế sự phát triển hoặc làm hạn chế sự xuất hiện các bướu nhân khác.Phương pháp này thường được áp dụng cho người bệnh trẻ tuổi cho nhân giáp nhỏ (2-3cm). Người bệnh được chỉ định điều trị bằng liệu pháp hormone tuyến giáp L-T4 trong vòng ít nhất 6 tháng rồi đánh giá lại kết quả. Nếu kích thước khối u nhỏ hơn trước thì người bệnh sẽ được tiếp tục điều trị và theo dõi. Tuy nhiên, nếu khối u không có dấu hiệu nhỏ đi hoặc phát triển lớn hơn thì cần chuyển sang phương pháp điều trị khác.

Tác dụng phụ của thuốc có thể gặp phải như: mẩn ngứa, nổi mề đay, hồi hộp, tăng tiết mồ hôi, hoa mắt chóng mặt, sụt cân, loãng xương…

Điều trị bằng Iod phóng xạ (I-131):

Liệu pháp này được sử dụng cho người bệnh có bướu nhân hoạt động kèm theo cường giáp nhằm hạn chế sự phát triển của nhân giáp. Người bệnh được chỉ định uống I-131 dưới dạng dung dịch hoặc viên con nhộng. Sau đó chất này sẽ ngấm vào máu và từ máu đi vào tuyến giáp. Lượng I-131 nào đi vào tuyến giáp sẽ phóng ra các hạt phóng xạ và hủy hoại mô mà chúng tiếp xúc, làm tuyến giáp ngưng tiết hormone.

Người bệnh cần tuân thủ liều sử dụng I-131 theo chỉ định của bác sĩ, không dùng quá liều để tránh gây suy giáp và làm tổn thương đến các cơ quan khác. Phụ nữ có thai tuyệt đối không được sử dụng phương pháp này vì có thể phá hủy tuyến giáp của thai nhi.

Điều trị bằng phương pháp tiêm cồn tuyệt đối:

Phương pháp tiêm cồn tuyệt đối được chỉ định điều trị với các nang giáp có dịch. Phương pháp này sẽ khiến khối u nhỏ lại mà không cần phải phẫu thuật. Qua hướng dẫn của siêu âm, cồn tuyệt đối được tiêm qua da, tác động đến mạch máu nhỏ gây mất nước tế bào và đông vón protein dẫn đến hoại tử tế bào, phá hủy mô tuyến giáp tạo dịch và ngăn chặn không cho dịch tái phát. Từ đó phá hủy các nhân tuyến giáp.

Tiêm cồn tuyệt đối có ưu điểm là dễ thực hiện, an toàn và không ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp. Tác dụng phụ của phương pháp này khá thấp (1-2%), chủ yếu gây độc, liệt dây thần kinh quặt ngược và nhiễm độc giáp.

Điều trị bằng phương pháp đốt sóng cao tần:

Đốt sóng cao tần tuyến giáp là phương pháp sử dụng dòng điện xoay chiều có tần số cao tạo nhiệt thông qua sự ma sát các ion trong mô giúp tiêu diệt các tế bào và mạch máu trong khối u.

Đây được xem là bước đột phá mới trong điều trị bệnh lý u tuyến giáp: không mổ mà vẫn có thể loại bỏ hoàn toàn khối u, giữ được chức năng tuyến giáp và thẩm mỹ.

Đốt u tuyến giáp bằng song cao tần là bước tiến mới trong điều trị u tuyến giáp lành tính không cần mổ và vẫn có thể tiêu diệt được hoàn toàn khối u

Đốt u tuyến giáp bằng song cao tần là bước tiến mới trong điều trị u tuyến giáp lành tính không cần mổ và vẫn có thể tiêu diệt được hoàn toàn khối u

Điều trị phẫu thuật:

Nếu u tuyến giáp lành tính sau khi áp dụng các phương pháp điều trị trên nhưng không có hiệu quả. Kích thước khối u phát triển lớn hơn tạo ra một khối ở cổ gây mất thẩm mỹ và chèn ép vào các bộ phận xung quanh gây khó thở, khó nói, khó nuốt thì có thể khắc phục bằng phương pháp phẫu thuật.

Một số biến chứng có thể xảy ra trong hoặc sau khi mổ bao gồm: Chảy máu vùng cổ, nhiễm trùng, tổn thương hoặc liệt dây thần kinh quặt ngược, suy giáp, suy cận giáp, sẹo xấu mất thẩm mỹ… Do đó, điều trị nhân tuyến giáp bằng phương pháp phẫu thuật đòi hỏi bác sĩ có kỹ thuật và chuyên môn cao.

4.2. U tuyến giáp ác tính

Với trường hợp u tuyến giáp ác tính thì hướng điều trị là phẫu thuật cắt bỏ bằng mổ hở hoặc mổ nội soi. Tùy theo từng giai đoạn và thể trạng sức khỏe người bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp cắt bỏ một phần, cắt bỏ gần như toàn bộ hoặc cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp.

Sau phẫu thuật, người bệnh sẽ cần kết hợp điều trị hỗ trợ bằng phương pháp Iod 131, xạ trị hoặc hóa trị để tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại.

Ngoài ra, phương pháp xạ trị hóa trị hoặc điều trị đích cũng có thể được lựa chọn trong những trường hợp bệnh không có khả năng phẫu thuật nhằm làm giảm các triệu chứng khó chịu và kéo dài thời gian sống cho người bệnh.

Trong quá trình điều trị u tuyến giáp, việc xác định chính xác u tuyến giáp nằm ở vị trí nào sẽ giúp bác sĩ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Do đó, người bệnh nên đi thăm khám sớm tại các địa chỉ y tế tin cậy khi xuất hiện các biểu hiện và triệu chứng nghi ngờ để bệnh được điều trị đúng cách nhất.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital