Phụ nữ ở độ tuổi nào cũng có nguy cơ mắc bệnh u nang tuyến vú. Vậy u nang tuyến vú là gì? Làm thế nào để nhận biết? U nang tuyến vú có nguy hiểm không, có cách nào giúp điều trị được không… là những mối lo của tất cả các chị em phụ nữ. Tất cả những thắc mắc này sẽ được giải đáp qua những thông tin trong bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Đôi nét về u nang tuyến vú
1.1. U nang tuyến vú là gì
Mỗi bộ ngực của phụ nữ đều chứa rất nhiều các thùy mô tuyến. Các thùy mô tuyến này được sắp xếp giống như những cánh hoa cúc. Các thùy có kích thước nhỏ hơn thì có chức năng tạo ra sữa khi phụ nữ mang bầu và cho con bú. Còn các mô cấu tạo nên hình dáng bầu vú thì được tạo thành bởi các mô mỡ và các mô liên kết sợi.
Chính sự tích tụ các chất lỏng bên trong các tuyến ở vú đã tạo ra các khối u nang. U nang tuyến vú thường là một khối u lành tính được hình thành và phát triển trong tuyết vú của phụ nữ. Thậm chí, mỗi phụ nữ còn có thể có vài ba túi u nang tuyến vú cùng lúc, có thể ở một bên vú, cũng có thể xuất hiện ở cả hai bên vú.
Khối u này có hình tròn hoặc hình bầu dục, dạng túi, có kích thước tương ứng một quả nho. Mỗi túi u nang có thể chứa đầy chất lỏng bên trong, cũng có thể săn chắc, tùy vào cơ địa và mức độ phát triển ở mỗi người.
1.2. Khi nào xuất hiện u nang?
Tuy có thể xuất hiện ở mọi độ tuổi nhưng u nang tuyến vú phổ biến nhất là ở phụ nữ trong độ tuổi tiền mãn kinh, khoảng 40 – 50 tuổi. Một số trường hợp phụ nữ đã mãn kinh nhưng sử dụng các liệu pháp tác động đến hormone thì vẫn có nguy cơ mắc phải u nang vú.
1.3. Phương pháp giúp chẩn đoán u nang tuyến vú là gì?
U nang vú có thể được phân biệt và chẩn đoán dựa theo kích thước của chúng:
– Một số u nang quá nhỏ, được gọi là vi nang. Các vi nang này rất khó để cảm nhận hoặc thăm khám bằng tay. Để phát hiện chúng thì chỉ có thể dựa vào các chẩn đoán hình ảnh như chụp nhũ ảnh hoặc siêu âm.
– Các u nang lớn hơn, thường có đường kính từ 2.5 – 5cm thì có thể cảm nhận được bằng tay. Đồng thời, các u nang lớn này chèn lên các mô vùng lân cận, gây ra cảm giác đau tức, khó chịu.
Thực tế, nếu những khối u này không quá lớn, không gây đau đớn hay ảnh hưởng gì đến hoạt động, sinh hoạt hằng ngày thì không cần điều trị. Trừ những khối u quá lớn thì các bác sĩ sẽ tiến hành xử lý bằng cách dẫn lưu chất lỏng bên trong u nang ra ngoài, làm dịu các triệu chứng khó chịu.
2. Nguyên nhân của u nang tuyến vú
Trên thực tế, các chuyên gia chưa thể tìm ra chính xác nguyên nhân gây u nang tuyến vú là gì. Dựa vào khảo sát và thống kê, các chuyên gia chỉ có thể đưa ra một vài kết luận như:
– U nang tuyến vú cũng có thể là do lượng chất lỏng bên các các mô vú bị dư thừa, gây tích tụ và hình thành các khối u.
– U nang tuyến vú là kết quả của sự thay đổi nội tiết, do chu kỳ kinh nguyệt mỗi tháng gây ra. Cụ thể là khi nồng độ estrogen tăng cao, các tế bào tăng sinh quá mức, kết hợp với việc các mô vú bị tích tụ nước, dẫn đến hình thành các khối u nang.
– Các tuyến và mô vú liên kết với ống dẫn sữa có sự phát triển quá mức: Thông thường, mỗi bên bầu vú có chứa từ 15 – 20 thùy, có nhiệm vụ sản xuất sữa. Nếu các tuyến và mô có liên kết với ống dẫn sữa phát triển quá mức sẽ khiến chúng căng phồng lên, tích tụ dịch lỏng, dần hình thành các u nang.
– Năng lượng của các tế bào bị suy giảm: Cơ thể của chúng được cấu tạo bởi các tế bào. Khi năng lượng của các tế bào bị suy giảm sẽ làm suy yếu khả năng liên lạc thông tin giữa các tế bào. Việc này gây ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình apoptosis (chết tế bào không theo chương trình). Nếu hiện tượng này kéo dài sẽ khiến các tế bào tăng sinh bất thường, dần hình thành các khối u, bao gồm cả u nang tuyến vú.
3. Các triệu chứng nhận biết của u nang tuyến vú là gì?
Các chị em phụ nữ có thể nhận biết u nang tuyến vú thông qua các dấu hiệu hoặc các triệu chứng để kịp thời phát hiện và điều trị. Những bất thường ở bầu vú mà chị em phụ nữ có thể gặp phải:
– Tuyến vú xuất hiện một (hoặc một vài) khối bầu dục, cộm, dễ di chuyển.
– Núm vú có thể bị rỉ dịch trong suốt, vàng, hoặc màu nâu sẫm.
– Bầu ngực xuất hiện khối u có cảm giác đau tức.
– Khi kích thước khối u tăng lên sẽ khiến bầu vú đau đớn, đặc biệt là thời điểm trước khi diễn ra kinh nguyệt.
– Tuy các u vú không phải tác nhân làm tăng nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ, nhưng khối u nang có thể cản trở quá trình phát hiện và điều trị những bệnh lý khác. Bởi lẽ, khối u càng lớn, càng che mờ những thay đổi khác diễn ra trong tuyến vú mà bác sĩ không thể đánh giá.
– Khối u xuất hiện ở một hoặc cả hai bầu vú ngay sau chu kỳ kinh nguyệt, một hoặc cả hai bầu vú có kích thước lớn hơn bình thường…
4. U nang ở tuyến vú có nguy hiểm không?
Tuy lành tính nhưng các khối u nang này vẫn hoàn toàn có thể phát triển về kích thước, gây chèn ép và tác động đến các dây thần kinh, cũng như các mô lân cận. Khi đó, các khối u nang sẽ gây ra những ảnh hưởng như:
4.1. Cảm giác đau đớn cho người bệnh
Đau tức bầu ngực chính là biểu hiện thường gặp của u nang tuyến vú. Tùy vào khả năng chịu đau và mức độ ảnh hưởng của khối u mà có người đau nhẹ, có người sưng nặng, đau nặng, gây cản trở sinh hoạt hằng ngày.
4.2. Khiến người bệnh mất tự tin
U nang tuyến vú khiến bầu vú sưng lên. Nếu chị em chỉ bị u nang một bên vú thì sẽ gây mất cân đối bầu ngực. Một số trường hợp các chị em phụ nữ khi bị u nang thì tuyến vú nổi gân xanh hoặc các vết rạn da bất thường. Điều này không chỉ gây mất thẩm mỹ mà còn gây ảnh hưởng tới tâm lý của các chị em phụ nữ.
4.3. Hạn chế khả năng nuôi con bằng sữa mẹ
Tuyến vú có vai trò chính trong việc tiết sữa, giúp sản phụ nuôi con. Và như đã trình bày, sự phát triển quá mức của các tuyến và mô liên kết với ống dẫn sữa chính là một trong những nguyên nhân gây u nang. Vì vậy, u nang tuyến vú sẽ gây tắc tia sữa, áp xe vú, hạn chế khả năng nuôi con bằng sữa mẹ.
4.4. Nguy cơ phát triển thành ung thư vú
Khi các khối u nang phát triển, vẫn có khả năng tế bào ung thư hình thành bên trong các khối nang. Do đó, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, khối u sẽ trở thành ác tính, di căn và phá hủy các cơ quan xung quanh, đe dọa trực tiếp tính mạng người bệnh.
5. U nang tuyến vú có điều trị được không?
Bản chất u nang là những khối u lành tính. Do đó, nếu được phát hiện và điều trị sớm, các chị em hoàn toàn có cơ hội điều trị u nang tuyến vú. Hiện nay, có hai phương pháp điều trị thường được các bác sĩ áp dụng là dùng thuốc hoặc phẫu thuật.
5.1. Điều trị bằng thuốc nội tiết
Phương pháp điều trị này có tác dụng ngăn cơ thể sản sinh nội tiết tố estrogen và làm cho khối u không thể phát triển. Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này là không thể điều trị dứt điểm. Nhiều trường hợp đã bị tái phát ngay sau khi ngưng dùng thuốc. Thậm chí, bệnh còn trở nên nghiêm trọng hơn trước khi dùng thuốc. Ngoài ra, thuốc nội tiết còn gây ra một vài tác dụng phụ như tắc kinh, loãng xương…
5.2. Tiến hành phẫu thuật
Sử dụng thuốc không hiệu quả hoặc có tiên lượng xấu, các bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân phẫu thuật bóc tách khối u. Đây là phương pháp giúp nhanh chóng loại bỏ các túi nang. Tuy nhiên, phương pháp này cũng chưa phải tối ưu vì vẫn có những hạn chế:
– Không loại bỏ triệt để được các tế bào sinh u.
– Bệnh có nguy cơ tái phát.
– Gây cản trở bầu ngực phát triển tự nhiên.
– Gây ảnh hưởng tới sức khỏe và khả năng nuôi con bằng sữa mẹ.
Có thể nói, u nang tuyến vú tuy là một trong những khối u lành tính nhưng vẫn có nguy cơ phát triển, gây ra những biến chứng nguy hiểm, thậm chí là ung thư vú. Hy vọng, từ những thông tin trong bài viết này, các chị em phụ nữ sẽ hiểu hơn về căn bệnh này và chủ động bảo vệ bản thân từ sớm.