Tuyến giáp suy yếu và những hệ lụy 

Tham vấn bác sĩ

Tuyến giáp là cơ quan quan trọng tiết ra các hormone điều khiển nhiều cơ quan trong cơ thể. Khi tuyến giáp suy yếu, cơ thể trở nên bất thường ở nhiều mức độ và gây ra nhiều hệ lụy đối với sức khỏe. Cùng tìm hiểu về sự suy yếu của tuyến giáp và những hệ lụy qua bài viết sau đây. 

1. Tuyến giáp suy yếu biểu hiện như thế nào?

Bình thường, tuyến giáp có nhiệm vụ sản sinh ra các hormone như thyroxine, T3, T4 cần thiết cho quá trình kiểm soát trao đổi chất trong cơ thể.

Khi tuyến giáp suy yếu hay còn gọi là suy giáp, nhược giáp, giảm chức năng tuyến giáp, tuyến giáp không sản sinh đủ các hormone và gây ảnh hưởng đến nhiều quá trình trao đổi chất trong cơ thể.

Suy tuyến giáp nhẹ thường biểu hiện các triệu chứng không rõ ràng như:

– Mệt mỏi

– Chán ăn, ăn không ngon miệng

– Đi táo

– Da tái xanh, khô sạm hoặc dễ bị lạnh

– Giảm trí nhớ

– Trầm cảm

– Khàn hoặc trầm giọng hơn so với bình thường

– Thở nhanh, gấp hoặc nhịp tim thay đổi bất thường

– Đau khớp, cơ

– Có vấn đề về kinh nguyệt

– Giảm ham muốn tình dục hơn

Khi tình trạng suy giáp trở nên trầm trọng, bệnh nhân có thể biểu hiện nặng nề hơn như: lưỡi phình to ra, phù mặt, tay chân, toàn thân, da sậm màu và xuất hiện lớp sừng dày.

Khi xét nghiệm, có thể phát hiện hạ canxi máu. Tình trạng này gây ảnh hưởng đến hoạt động của tim, hệ thần kinh và khả năng điều tiết nhiệt lượng cơ thể.

Biểu hiện tuyến giáp suy yếu

Tuyến giáp suy giảm chức năng có thể khiến người bệnh mệt mỏi, trầm cảm, da xanh, khô sạm, giảm trí nhớ,….

2. Tại sao tuyến giáp bị suy yếu?

Theo các chuyên gia có 3 nguyên nhân chính gây ra tình trạng suy tuyến giáp là:

– Teo tuyến giáp

– Viêm giáp tự miễn Hashimoto

– Hậu quả sau điều trị cường giáp

Các nguyên nhân ít gặp hơn gây suy giáp là:

– Không bổ sung đủ iod trong chế độ ăn hằng ngày

– Tình trạng suy giáp sau khi bị bệnh ở tuyến yên hoặc vùng dưới đồi

3. Đối tượng nào có nguy cơ cao bị suy yếu tuyến giáp?

Một số đối tượng dễ gặp tình trạng tuyến giáp suy yếu gồm:

– Phụ nữ trên 60 tuổi

– Người bị rối loạn tự miễn

– Tiền sử gia đình có người thân, cha mẹ hoặc ông bà mắc bệnh tự miễn

– Người từng điều trị xạ trị iod hoặc sử dụng các thuốc ức chế tuyến giáp

– Người từng chiếu bức xạ ở cổ hoặc phần ngực trên

– Người từng phẫu thuật toàn bộ hoặc một phần tuyến giáp

– Người từng mang thai hoặc sinh con, đặc biệt trong vòng 6 tháng sau sinh

Những đối tượng dễ bị suy yếu tuyến giáp

Suy tuyến giáp thường xảy ra ở phụ nữ trên 60 tuổi, người bị rối loạn tự miễn, người phẫu thuật điều trị tuyến giáp…

4. Các biện pháp chẩn đoán tuyến giáp có suy yếu hay không

4.1 Dựa vào các triệu chứng trên lâm sàng để chẩn đoán tuyến giáp suy yếu

Phù niêm

Đây là triệu chứng đặc trưng nhất trên lâm sàng, thường gặp ở phụ nữ lứa tuổi 40-50 tuổi. Triệu chứng phù thường xuất hiện từ từ, không rầm rộ nên người bệnh dễ nhầm với triệu chứng của giai đoạn mãn kinh.

Tổn thương da, niêm mạc bao gồm:

– Mặt tròn bất thường, da nhiều nếp nhăn, ít biểu lộ cảm xúc, thờ ơ

– Phù mi mắt, môi dày, tím tái, gò má tím

– Bàn chân, bàn tay dày hơn bình thường, ngón tay to khó gập lại

– Da lạnh, có màu vàng ở gan bàn chân, bàn tay

– Lưỡi to ra, niêm mạc lưỡi thâm nhiễm

– Da, lông tóc móng phù cứng, khô, tóc khô dễ gãy rụng, móng tay, móng chân mủn, dễ gãy

Giảm chuyển hóa

Bao gồm rối loạn thân nhiệt, rối loạn điều tiết nước, tăng cân dù ăn uống kém…

Triệu chứng tim mạch

Nhịp tim chậm, thường dưới 60 lần/phút, huyết áp thấp, đau thắt ngực hoặc suy tim

Rối loạn thần kinh – cơ

Biểu hiện là người bệnh thường xuyên mệt mỏi, li bì, thờ ơ, vô cảm, suy giảm hoạt động thể chất, trí óc và sinh dục, bị táo bón kéo dài, giảm nhu động ruột, yếu, đau cơ, chuột rút…

Biến đổi tại tuyến nội tiết

Tuyến giáp của người bệnh to hoặc bình thường, điều này tùy thuộc vào nguyên nhân gây suy giáp. Bệnh nhân nữ có thể gặp tình trạng rong kinh, rối loạn kinh nguyệt, biểu hiện suy chức tuyến thượng thận.

4.2 Các xét nghiệm chẩn đoán tuyến giáp suy yếu

Định lượng hormone TSH là xét nghiệm chủ yếu để kiểm tra tình trạng suy giáp. Trường hợp nồng độ TSH tăng cao cho thấy tổn thương tại tuyến giáp. Chỉ số này bình thường hoặc thấp khi có tổn thương vùng dưới đồi hoặc tuyến yên.

Ngoài ra, bệnh nhân có thể được đo độ tập trung Iod 131, chụp xạ hình tuyến giáp để chẩn đoán bệnh này.

Chẩn đoán bệnh tuyến giáp

Khi có các biểu hiện suy giảm chức năng tuyến, bạn cần thăm khám để được chẩn đoán sớm và có phương án điều trị phù hợp.

5. Các biện pháp thường dùng trong điều trị bệnh suy giáp

Các trường hợp suy giáp do tai biến khi dùng thuốc kháng giáp tổng hợp hoặc suy giáp thoáng qua do viêm giáp có thể tự hồi phục, tuy nhiên rất hiếm.

Còn lại đa phần bệnh nhân suy giáp phải điều trị thay thế bằng hormone giáp. Thuốc này nên được sử dụng hàng ngày vì cơ thể cần được cung cấp một lượng thuốc mới mỗi ngày.

Tuy nhiên chỉ nên sử dụng thuốc từ từ và theo đơn của bác sĩ vì nếu liều lượng thuốc quá cao có thể gây các tác dụng phụ như: căng thẳng, run rẩy, loãng xương,… Khi đó cần làm các xét nghiệm máu để kiểm tra xem có nên thay đổi thuốc hay không.

6. Phòng ngừa bệnh suy giáp

Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cần làm xét nghiệm tầm soát sớm bệnh suy giáp.

Những đứa trẻ có mẹ bị bệnh suy giáp cần được xét nghiệm lấy máu gót chân ngay những ngày đầu sau sinh để kiểm tra bệnh lý tuyến giáp

Bổ sung iod qua đường ăn uống bằng cách ăn các thực phẩm như tảo bẹ, rong biển, sữa ngũ cốc và trứng…

Bổ sung trái cây và rau củ tươi, các loại gia vị (hạt tiêu, gừng ớt và quế), axit béo omega 3 (dầu cá, cá mòi, cá hồi, hạt lanh, thịt bò, cá bơn, đậu nành và tôm…)

Chức năng tuyến giáp suy giảm có thể gây nguy hiểm, thậm chí dẫn đến tử vong trong thời gian ngắn. Tuy vẫn có khả năng ngăn ngừa và điều trị tuy nhiên nhiều trường hợp có thể gây biến chứng không phục hồi, phải xử trí bằng phẫu thuật phức tạp. Vì vậy, cần chủ động thăm khám để kiểm tra có tình trạng tuyến giáp suy yếu hay không, từ đó phòng ngừa hoặc điều trị hiệu quả. Nếu có nhu cầu thăm khám bệnh tuyến giáp, bệnh nhân vui lòng liên hệ 1900 55 88 92 để được tư vấn và hỗ trợ.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital