Tụt huyết áp khi mang thai – mẹ bầu cần làm gì để khắc phục?

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Văn Hà

Phó Giám đốc Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI, Trưởng khoa Phụ Sản

Tụt huyết áp khi mang thai là tình trạng thường gặp ở những mẹ bầu huyết áp thấp và là nguyên nhân khiến mẹ mệt mỏi, chóng mặt, thậm chí là ngất xỉu. Vậy mẹ bầu cần làm gì để khắc phục tình trạng này, hãy theo dõi các thông tin được chia sẻ trong bài viết sau.

Tụt huyết áp khi mang thai nguy hiểm thế nào với mẹ và bé?

Huyết áp của một người bình thường sẽ nằm trong khoảng 120/80mmHg, điều này thể hiện tình trạng sức khỏe tốt, máu lưu thông đều và tốc độ bơm máu bình thường. Nếu huyết áp vượt quá 140/90mmHg thì sẽ được gọi là huyết áp cao, còn huyết áp thấp hơn hoặc bằng 100/60mmHg thì được coi là huyết áp thấp.

Những người bị huyết áp thấp thường gặp phải một số triệu chứng nghiêm trọng như tụt huyết áp, chóng mặt, hoa mắt, ngất, sốc tuần hoàn, trụy mạch do thiếu oxy truyền lên não và tới các bộ phận trong cơ thể. Do đó, mẹ bị tụt huyết áp thì thai nhi có thể sẽ không được cung cấp đủ máu và oxy để phát triển. Nguy hiểm hơn, nếu tình trạng tụt huyết áp xảy ra khi đang đi cầu thang hoặc tham gia giao thông có thể khiến cho mẹ bầu bị ngã, chấn thương, làm tăng nguy cơ sảy thai.

tụt huyết áp khi mang thai
Mẹ bầu bị tụt huyết áp khá nguy hiểm vì có thể thai nhi sẽ không được cung cấp đủ máu và oxy để phát triển

Chính vì những ảnh hưởng nghiêm trọng mà tụt huyết áp khi mang thai gây ra nên việc kiểm tra huyết áp là một công đoạn không thể thiếu khi mẹ bầu đi khám thai định kỳ. Nhờ vào kết quả kiểm tra này mà bác sĩ sẽ có những thông tin tổng quát về tình hình sức khỏe của mẹ và thai nhi, từ đó phát hiện sớm các bất thường và tư vấn điều trị hiệu quả.

Nguyên nhân và dấu hiệu tình trạng tụt huyết áp khi mang thai

Trong thai kỳ mẹ bầu thường bị tụt huyết áp do những nguyên nhân:

  • Sự gia tăng của hormone progesterone sẽ làm giãn các mạch máu, từ đó ảnh hưởng tới sự lưu thông máu của cơ thể
  • Chế độ ăn thiếu dinh dưỡng, bị thiếu máu, thiếu vitamin B12, axit folic
  • Mang đa thai, thai đôi, thai ba
  • Tâm lý căng thẳng, lo âu kéo dài
  • Bị huyết áp thấp, suy tuyến giáp
  • Bệnh tiểu đường, hạ đường huyết, suy tuyến giáp
tụt huyết áp khi mang thai có nguy hiểm không
Mẹ bầu bị tụt huyết áp đặc biệt nguy hiểm nếu đang ở một mình vì mẹ có thể bị ngã do hoa mắt, chóng mặt

Khi bị tụt huyết áp, các mẹ bầu sẽ gặp các triệu chứng:

  • Buồn nôn, nôn
  • Hoa mắt, choáng váng, chân tay run, ngất xỉu
  • Đổ mồ hôi lạnh
  • Da xanh xao, nhợt nhạt
  • Thở dốc khi làm việc nặng hoặc khi leo cầu thang

Cách khắc phục tình trạng tụt huyết áp khi mang thai

Để khắc phục tình trạng tụt huyết áp khi mang thai, các mẹ bầu cần lưu ý đặc biệt về chế độ dinh dưỡng và chế độ sinh hoạt, cụ thể như sau:

Lưu ý về chế độ dinh dưỡng

– Mẹ bầu bị tụt huyết áp khi mang thai tuyệt đối không được bỏ bữa, nhất là bữa sáng vì đây là nguồn năng lượng cần thiết cho một ngày mới khỏe mạnh.

– Chia nhỏ bữa ăn trong ngày, thay vì 3 bữa chính thì có thể chia thành 6-7 bữa nhỏ.

– Mẹ bầu có thể dự trữ sẵn các loại bánh, kẹo bên người để bổ sung ngay khi cơ thể có dấu hiệu bị tụt huyết áp.

– Ngược lại với những mẹ bầu bị cao huyết áp, mẹ bầu hay gặp tình trạng tụt huyết áp khi mang thai nên ăn mặn hơn một chút.

bà bầu bị tụt huyết áp
Mẹ bầu không nên bỏ bữa sáng và chia nhỏ các bữa ăn trong ngày để tránh tình trạng tụt huyết áp

– Uống nhiều nước hơn bình thường để làm tăng thể tích máu, khắc phục được chứng huyết áp thấp. Bên cạnh đó mẹ bầu cần hạn chế các loại thức uống có cồn và caffein.

– Với mẹ bầu bị tụt huyết áp khi mang thai thì việc ưu tiên bổ sung những thực phẩm giàu vitamin C, vitamin B là rất cần thiết. Những thực phẩm giàu dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin C, B, sắt phải kể đến: thịt nạc, gan động vật, mọc nhĩ, nấm hương, cần tây, củ dền

Lưu ý về chế độ sinh hoạt

– Không thay đổi tư thế một cách đột ngột sẽ khiến máu lưu thông không kịp, dẫn đến tình trạng hoa mắt, chóng mặt. Vì vậy nếu muốn đứng lên, ngồi xuống mẹ bầu nên thực hiện từ tốn.

– Hạn chế ở lâu ngoài nắng, đứng liên tục trong thời gian dài, đồng thời hạn chế nơi đông người để tránh không đủ dưỡng khí dẫn tới khó thở.

– Ăn đúng giờ, ngủ đủ giấc, tránh thức quá khuya.

– Thường xuyên vận động cơ thể với những hoạt động nhẹ nhàng như yoga, đi bộ, bơi lội.

Các mẹ bầu nên chọn Thai sản trọn gói tại Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc để được chăm sóc trọn vẹn suốt thai kỳ và kịp thời phát hiện các dấu hiệu bất thường nếu có

– Không nên xông hơi hay ngâm trong bồn nước nóng quá lâu bởi việc này sẽ gây ra tình trạng mất nước, dễ dẫn đến tụt huyết áp.

– Tránh căng thẳng, làm việc quá sức, giữ tinh thần thoải mái để huyết áp luôn được ổn định.

Hy vọng với những chia sẻ trên, các mẹ bầu đã trang bị được cho mình những kiến thức cần thiết về tình trạng tụt huyết áp khi mang thai và cách khắc phục hiệu quả để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé trong suốt thai kỳ. Nếu vẫn còn những thắc mắc cần được giải đáp xin vui lòng liên hệ tới tổng đài 1900 55 88 92.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital