Tư vấn trực tuyến về bệnh cơ xương khớp qua Facebook

Chương trình tư vấn trực tuyến qua Facebook https://www.facebook.com/benhvienthucuc.vn/ của Bệnh viện Thu Cúc diễn ra vào 9h ngày 8/12/2015 sẽ cung cấp cho bạn kiến thức hữu ích về cách nhận biết, phòng ngừa và điều trị triệt để các vấn đề liên quan đến bệnh về xương khớp.

1

Buổi tư vấn trực tuyến sẽ mang lại nhiều thông tin bổ ích cho mọi người

Buổi Tư vấn trực tuyến có sự tham gia của Tiến sĩ, Bác sĩ CKII, Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Thị Kim Loan – Nguyên trưởng khoa Cơ xương khớp và Nội tổng hợp Bệnh viện E Hà Nội. Hiện Bác sĩ Kim Loan là bác sĩ khám và điều trị chính các bệnh xương khớp tại bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc.
Bệnh xương khớp và một trong những bệnh lý thường gặp và có nguy cơ dẫn đến tàn phế.  Theo kết quả khảo sát phỏng vấn về sức khỏe quốc gia (NHIS) năm 2008, có khoảng 14% dân số trên 18 tuổi bị giảm chất lượng cuộc sống do giới hạn chức năng vận động và tới hơn 50% các trường hợp này là do mắc các bệnh lý liên quan đến xương khớp – một con số không hề nhỏ.
Có rất nhiều bệnh lý về khớp nhưng thường thấy là các loại: viêm khớp dạng thấp, đau thắt lưng cấp, thoái hoá khớp, đau thần kinh tọa, thoái hóa cột sống…
Bệnh khớp dễ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch,…. Đặc biệt, vào mùa lạnh thì bệnh càng phát triển rõ rệt.
 Khi thời tiết trở lạnh nhất là khi lạnh đột ngột, khí lạnh sẽ thâm nhập qua lỗ chân lông thấm qua da thịt của bạn khiến các mạch máu bị co lại, làm cho sự lưu thông máu đến các khớp rất kém, các khớp bị thiếu máu nên rất dễ tái phát các bệnh về khớp trong đó có viêm khớp. Hiện tượng các khớp ngón tay, chân bị tê nhức nhẹ hoặc tê mỏi sau một đêm ngon giấc cũng thường xảy ra.
Nhất là người cao tuổi bị tái phát bệnh viêm khớp gây đau nhức khớp nghiêm trọng, các khớp còn có hiện tượng sưng tím và bầm khiến cho việc đi lại cử động của người bệnh rất khó khăn.
Chính vì vậy, việc phát hiện bệnh sớm và làm sao để tìm ra phương pháp điều trị hợp lý, đúng cách, giúp cải thiện tình trạng bệnh đang là đề tài được đông đảo bạn đọc quan tâm.

Câu hỏi của người bệnh và bác sĩ trả lời

Minh Tâm Nguyễn Bệnh vôi hóa cột sống là gì ? Tôi đã đau lưng cách nay gần 3 năm. Khi đi khám tại bệnh viện, bác sĩ bảo tôi bị vôi hoá cột sống (L3,L4,L5). Hiện nay tôi chỉ tập luyện (đi bộ và bơi) nhưng bệnh vẫn không giảm. Đề nghị cho tôi biết cách chữa trị.

Tiến sĩ, BSCKII Nguyễn Thị Kim Loan: Chào bạn, vôi hóa cột sống là tình trạng thoái hóa đĩa đệm và đốt sống. Cần có phác đồ điều trị thích hợp về thuốc, chế độ ăn uống hợp lý chứ không chỉ là đi bộ. Đi bộ trong trường hợp này chỉ đi bách bộ là tốt.
Gia Bách Bùi Nguyễn Xin chào bác sỹ, ông nội tôi bị gãy nứt cổ xương đùi nhưng vì lớn tuổi (76 tuổi) nên bác sĩ chỉ cho uống thuốc bisphosphonante mà không mổ. Nhưng khi uống loại thuốc này, phải đỡ cho ông tôi ngồi dậy trên 30 phút, uống nhiều nước, làm ông tôi rất mệt mỏi khó chịu. Xin hỏi có loại thuốc nào có cách uống dễ hơn không? Cảm ơn bác sỹ!

Tiến sĩ, BSCKII Nguyễn Thị Kim Loan: Chào bạn, nếu ông bạn khó chịu khi dùng thuốc bisphosphonante thì có thể thay thế bằng các loại thuốc điều trị loãng xương khác. Ví dụ như thuốc Miacalcic với hai dạng:
Dạng xịt qua đường mũi
Dạng tiêm bắp hoặc truyền tĩnh mạch.
Ngoài ra, còn có các loại thuốc tiêm 1 tháng/ lần và 1 năm/ lần. Việc dùng thuốc nào cần có sự tư vấn cụ thể của bác sĩ chuyên khoa.
Rubi Pham Cháu có bị đau bao tử, nhưng đồng thời cũng bị loãng xương. Cháu nghe nói, uống thuốc loãng xương thường có tác dụng phụ cho bao tử. Vậy cháu phải điều trị, dùng thuốc như thế nào trong trường hợp này? Có thuốc nào ít có tác dụng phụ cho đường tiêu hóa không? Xin bác sĩ trả lời giúp ạ!

Tiến sĩ, BSCKII Nguyễn Thị Kim Loan: Chào bạn, lưu ý khi dùng thuốc loãng xương cần kèm theo thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày
Ngọc Ruby Bố tôi 54 tuổi, bị chứng viêm khớp hành hạ 5 năm nay, mỗi khi thay đổi thời tiết, khớp của bố tôi sưng lên, các hoạt động đứng lên, ngồi xuống, đi lại rất khó khăn, đau đớn. Xin tư vấn giúp tôi cách điều trị bệnh này

Tiến sĩ, BSCKII Nguyễn Thị Kim Loan: Chào bạn, khả năng bác bị viêm khớp dạng thấp tái phát. Cần đến khám bác sĩ để có phác đồ điều trị thích hợp nhất.
Đỗ Mạnh Phú Chào bác sĩ ! Tôi năm nay 24 tuổi chơi cầu lông cũng được khá lâu. Khoảng 2 tháng trước tôi thường bị đau ở vai nhưng không rõ rệt. Thỉnh thoảng vai bị đau khi tôi dơ tay lên cao hoặc xoay vai, đặc biệt khi tối ngủ mà nằm đè lên vai bị đau thì sáng dậy vai đau ê ẩm cho đến khi vận động lại mới thuyên giảm; vai đau tăng dần đến mức tôi phải xoa thuốc bóp và nghỉ chơi cả tuần mới thấy đỡ đau. 2 tuần gần đây vai của tôi đau mạnh và thường xuyên hơn làm tay cử động, sinh hoạt rất khó khăn. Không chơi được cầu lông nữa. Xin bác sĩ cho biết tôi bị bệnh gì? Tôi cảm ơn bác sĩ.

Tiến sĩ, BSCKII Nguyễn Thị Kim Loan: Chào bạn, đầu tiên, cần nghĩ đến đau vai và tay do cường độ chơi cầu lông kéo dài. Khi nghỉ và dùng thuốc giảm đau thì đỡ. Ở lứa tuổi của bạn không nghĩ đến thoái hóa cột sống cổ hoặc khớp vai. Nếu tình trạng đau kéo dài và không chơi được cầu lông thì đề phòng khả năng tổn thương khớp vai (tràn dịch, viêm gân…). Bạn cần phải đến bác sĩ để được tư vấn và làm một số xét nghiệm.
Quỷ Đỏ Em vừa được chẩn đoán mắc bệnh viêm khớp. Điều này có nghĩa là em phải từ bỏ các hoạt động thể chất phải không?

Tiến sĩ, BSCKII Nguyễn Thị Kim Loan: Chào bạn, bất luận bệnh nào trong hệ thống xương khớp đều không có nghĩa phải từ bỏ các hoạt động thể chất. Viêm khớp có nhiều thể, có thể cấp tính, mạn tính, hoặc biến dạng khớp nhưng hoạt động thể lực đúng và đủ làm cho tình trạng khớp sẽ tốt lên. Điều trị viêm khớp không chỉ là thuốc mà còn rất cần kết hợp với vật lý trị liệu và bài tập thể dục hợp lý.
Ánh Tuyết Nguyễn Tôi ngủ nằm nghiêng thì cảm thấy mỏi ở thắt lưng dù bên trái hay bên phải. Nhưng khi chuyển sang nằm ngửa thì thấy dễ chịu hơn, không biết là bị gì. Mong bsi tư vấn giúp tôi.

Tiến sĩ, BSCKII Nguyễn Thị Kim Loan: Chào bạn, do tư thế, thói quen nằm cũng có thể gây nên hiện tượng này. Nên chụp cột sống xem có hiện tượng thoái hóa hoặc thoát vị đĩa đệm không để có thái độ điều trị đúng.
Hoàng Mai Tôi bị đau hai cánh tay, đi khám chuyên khoa, chụp khớp vai, cổ và sống lưng, làm xét nghiệm máu. Bác sĩ chẩn đoán là viêm đa khớp. Tôi muốn hỏi, viêm đa khớp có phải là bệnh mạn tính không? Cách phòng và chữa như thế nào?

Tiến sĩ, BSCKII Nguyễn Thị Kim Loan:  Chào bạn, viêm đa khớp là một bệnh mạn tính. Nó gồm nhiều hội chứng (sưng, đau, nóng, đỏ tại khớp; đau khớp có dấu hiệu tái phát và di chuyển; xét nghiệm máu thấy có 1 số chỉ số đặc hiệu: máu lắng tăng, yếu tố dạng thấp dương tính, hình ảnh tổn thương đặc hiệu của các khớp trên Xquang… Bệnh này cần chữa lâu dài và theo phác đồ chuẩn. Nếu điều trị không liên tục, thì biến chứng đáng lo lắng nhất là đau kéo dài, mệt mỏi, suy nhược cơ thể và biến dạng khớp, làm giảm khả năng lao động.
Heo Cua Bác cháu 67 tuổi, 3 tháng nay thường bị đau các khớp ngón tay khớp bàn tay. Khi thời tiết thay đổi thường hay bị tê đau khớp gối. Xin cho cháu hỏi bác cháu bị bệnh gì và cách chữa trị thế nào? Cảm ơn bs.

Tiến sĩ, BSCKII Nguyễn Thị Kim Loan: Chào bạn, Trường hợp của bác bạn có thể nghĩ đến hai bệnh. Đó là tình trạng thoái hóa khớp và giai đoạn sớm của viêm khớp dạng thấp.
Bác của bạn cần khám và làm thêm một số xét nghiệm để có chẩn đoán đúng.

Dang Trang Cháu chào bác sỹ. Cô của cháu năm nay 47 tuổi. Cô cháu bị ngã xe xẹp đốt sống L1, cô đã phẫu thuật ở bệnh viện. Hiện nay cô cháu rất hay đau thắt lưng hai bên, cô đi chụp XQuang bị thoái hóa cột sống thắt lưng, đo mật độ xương thì bị loãng xương L4. Cô cháu đi đứng và nằm thì ít đau, nhưng ngồi làm việc kể cả ngồi ăn cơm cũng rất đau khó chịu. Cháu xin bác sĩ tư vấn, cô cháu có thể uống thuốc loại nào cho bớt đau, cô đã uống thuốc loãng xương, uống sữa có canxi và một số thuốc trị cột sống, khi đi tái khám ở bệnh viện cho như sau: celecoxib 100mg; ryzonal 50mg; magnesi-B6; nhỏ mũi miacalcic nasal 200, viên canxi 1 tuần uống 1 viên, uống thuốc 1 tháng vẫn không có kết quả. Sau đó cô chuyển sang điều trị bác sĩ tư cho thuốc như sau: prindax 10; medrol 4, protelos 2g; gabahasan; synoxiB 60, điều trị được 3 tháng, nhưng vẫn đau, chỉ giảm khoảng 20%. Cô ở gần biển nên buổi sáng hay đi bơi, xin hỏi bác sĩ tắm biển có được không, có ảnh hưởng đến cột sống không, tập thể dục nhẹ được không ạ! Cháu xin cảm ơn bác sỹ ạ!

Tiến sĩ, BSCKII Nguyễn Thị Kim Loan: Chào bạn, đi bơi là rất tốt. Nó làm tăng sức bền của đốt sống, làm giãn đốt sống. Tốt hơn nếu kết hợp với thể dục nhẹ và các phương pháp vật lý trị liệu. Vì cô của bạn bị xẹp và thoái hóa – là một bệnh mạn tính, kéo dài, khả năng điều trị hạn chế, nên cần kiên trì, việc điều trị cần nhiều đợt, không nên nóng vội, nản chí.
Thuy Nguyen Bác sĩ cho cháu hỏi: Mẹ cháu (55 tuổi) bị viêm khớp hơn chục năm nay. Vào mùa lạnh các ngón tay chân bị mỏi, nhức và ngón tay giữa cứ ngủ qua đêm lại có hiên tượng gập ngón tay khó mở ra được. Xin bác sĩ cho lời khuyên về tình trạng của mẹ cháu. Cháu cảm ơn.

Tiến sĩ, BSCKII Nguyễn Thị Kim Loan: Chào bạn, hiện tượng gập ngón tay khó mở ra là dấu hiệu của viêm gân gấp ngón tay (hội chứng lò xo), có thể gặp trong viêm khớp dạng thấp hoặc là bệnh độc lập. Mẹ bạn cần đến bác sĩ để được thăm khám, cho phác đồ điều trị cụ thể nhằm tạo khả năng phục hồi tốt.
Ta Van Duy Tôi chơi thể thao nhiều, nhưng vẫn bị đau xương khớp, vậy làm sao để biết những việc hiện nay không nên làm, cũng như các biện pháp điều trị hữu hiệu nhất hiện nay. Ngoài ra, sau khi hồi phục chấn thương thể thao, tôi có còn bị đau nhức xương khớp nữa không?

Tiến sĩ, BSCKII Nguyễn Thị Kim Loan: Chào bạn, chấn thương do thể thao có nhiều hình thái. Còn nếu chỉ đau nhức xương khớp do vận động mạnh thì nên giảm cường độ chơi và kết hợp vật lý trị liệu. Còn nếu bạn bị chấn thương thì cần đến chuyên khoa để xác định mức độ chấn thương, từ đó mới có giải pháp hữu hiệu để điều trị.
Tuấn Ank Bùi Anh trai tôi năm nay gần 50 tuổi, anh tôi đi đo loãng xương được biết mật độ xương thấp. Vậy xin hỏi, anh tôi phải dùng thuốc gì để điều trị loãng xương?

Tiến sĩ, BSCKII Nguyễn Thị Kim Loan:  Chào bạn, nếu anh trai bạn đã đi đo và biết mật độ xương thấp thì có khả năng là loãng xương. Cần phải dùng các thuốc chữa loãng xương (các chế phẩm của canxi và vitamin D3) theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa kết hợp với chế độ ăn uống cung cấp thêm canxi cho cơ thể.
Vân Anh Mẹ tôi năm nay 67 tuổi, bà bị bệnh thoái hóa khớp gối mạn tính đã hơn 10 năm nay, đi lại rất khó khăn nhất là khi thời tiết thay đổi. Tôi có tìm hiểu qua về phương pháp phẫu thuật thay khớp nhân tạo, tôi muốn hỏi là bệnh của mẹ tôi có thể tiến hành thay khớp gối nhân tạo không?

Tiến sĩ, BSCKII Nguyễn Thị Kim Loan: Chào bạn, tình trạng thoái hóa khớp gối có thể xảy ra trên 10 năm hoặc vài chục năm. Tùy theo tình trạng tổn thương mà có những phương pháp điều trị đặc trị thích hợp (chẳng hạn, nội soi khớp đặc trị, tiêm ổ khớp đặc trị, điều trị nội khoa, vật lý trị liệu…)
Thay khớp nhân tạo là phương pháp hiện đại nhưng không đơn giản. Nó phụ thuộc vào lứa tuổi, tình trạng tổn thương, tình trạng đáp ứng khớp nhân tạo. Vậy mẹ bạn cần đi khám cụ thể ở khoa chấn thương chỉnh hình để có câu trả lời cụ thể.
Lion Ceo Tôi năm nay 34 tuổi, các buổi chiều tôi hay chơi bóng bàn. Tôi bị đau khớp vai bên phải (tay cầm vợt), có triệu chứng đau mỏi, không sưng, không có dấu hiệu gì
khác nữa,.
Cách đây khoảng 1 năm. Tôi đi khám ở bệnh viện, kết luận là viêm khớp, cho đơn thuốc và đã uống như lời bác sĩ chỉ bảo, nhưng đến nay vẫn đau mỏi, nhất là vào buổi sáng, tay cầm xe máy đi mỏi rất khó chịu. Xin cho biết dùng thuốc gì, cách chữa trị như thế nào hiệu quả nhất. Xin chân thành cảm ơn!

Tiến sĩ, BSCKII Nguyễn Thị Kim Loan: Chào bạn, tình trạng của bạn được xem như là dấu hiệu đau quanh khớp vai sau vận động. Chưa có đầy đủ triệu chứng của viêm khớp. Bạn cần đến bác sĩ để thăm khám, làm thêm 1 số xét nghiệm đặc hiệu mới có phương pháp điều trị thích hợp.

Hải yến Chào bác sĩ! Tôi bị đau vùng thắt lưng đã mấy năm nay, thỉnh thoảng cơn đau chạy xuống nhói ở hai bên hông. Những lúc bị như vậy thì rất đau, tôi không thể đi được, phải đứng một lúc chờ cơn đau dịu đi mới có thể đi lại như bình thường. Tôi đã đi chụp X-Quang cột sống, bác sĩ có kết luận tôi bị bệnh vôi hóa cột sống lưng số 4 và 5, biểu hiện của gai đôi cột sống thì chưa rõ. Tôi muốn hỏi bệnh vôi hóa cột sống có thể chữa khỏi được không? Cần bổ sung những dưỡng chất gì trong khẩu phần ăn để tăng thêm lượng canxi cho cơ thể. Mong sớm nhận được tư vấn của bác sĩ.

Tiến sĩ, BSCKII Nguyễn Thị Kim Loan: Chào bạn, vôi hóa cột sống là hình ảnh của thoái hóa. Trường hợp của bạn nhiều khả năng là thoát vị đĩa đệm gây chèn ép thần kinh hông hai bên. Hãy nhớ, gai đôi cột sống là dấu hiệu của bẩm sinh không phải là do tổn thương. Thoái hóa cột sống hay thoát vị đĩa đệm đều có khả năng chữa được với các phương pháp dùng thuốc, vật lý trị liệu, chế độ ăn uống, nghỉ ngơi. Cần tăng lượng canxi trong khẩu phần ăn (các chế phẩm nhiều canxi như thịt, cá, trứng, sữa, xương, cua, ốc…) Tắm nắng buổi sáng và tăng cường vận động nhẹ nhàng bằng tập thể dục đều. Tạ Trung Kiên cháu năm nay 26 tuổi, khoản 1 tuần gần đây cháu có biểu hiện thỉnh thoảng tay trái của cháu có cảm giác mỏi, có lúc đưa tay lên xuống thì thấy nhói đau khuỷu tay nghe thấy kêu, cháu theo dõi thỉnh thoảng vẫn vậy có đi kiểm tra một phòng khám đa khoa xét nghiệm máu cho cháu chỉ số CRP dương tính. Bác sĩ kết luận viêm khớp dạng thấp. Cháu muốn hỏi bác sĩ chỉ dựa vào chỉ số xét nghiệm CRP này có thể kết luận được cháu mắc bệnh đó như bác sĩ kết luận không vậy sống có thể chữa khỏi được không? Cần bổ sung những dưỡng chất gì trong khẩu phần ăn để tăng thêm lượng canxi cho cơ thể. Mong sớm nhận được tư vấn của bác sĩ.

Tiến sĩ, BSCKII Nguyễn Thị Kim Loan: Chào bạn, chỉ dựa vào chỉ số CRP thì chưa thể kết luận được viêm khớp dạng thấp. Dấu hiệu đặc biệt của viêm khớp dạng thấp là sưng, đau các khớp nhỏ, diễn biến từ 6-8 tuần; cứng khớp buổi sáng (khó nắm bàn tay); sưng, đau các khớp có tính chất di chuyển và đối xứng; kèm theo sự mệt mỏi của thể lực, giảm khả năng làm việc…
Vì vậy bạn cần theo dõi thêm và khám lại tại cơ sở chuyên khoa Cơ xương khớp để nắm rõ tình trạng bệnh của mình và có cách điều trị đúng.
Minh Ngoc bố tôi năm nay 52 tuổi, một năm trở lại đây bố thường bị đau các khớp ngón tay, khớp gối, có lúc tê cứng không vận động được. Tôi có đưa bố đi khám thì được bác sĩ chẩn đoán là bị bệnh viêm đa khớp dạng thấp và có cho bố một số loại thuốc nhưng uống không thấy thuyên giảm. Vậy bác sĩ cho tôi biết có phương pháp nào chữa được bệnh của bố tôi không?

Tiến sĩ, BSCKII Nguyễn Thị Kim Loan: Chào bạn, bệnh viêm khớp dạng thấp là một bệnh mang tính hệ thống, và tự miễn (không rõ nguyên nhân), diễn biến kéo dài, và nếu không được điều trị thì để lại nhiều di chứng. Vì vậy, việc điều trị ngắn hạn chưa thể có kết quả khả quan. Bố của bạn cần phải kiên trì trong điều trị dưới sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa Cơ xương khớp.
Hiện nay y học đã sử dụng nhiều phương pháp điều trị viêm khớp dạng thấp mới như phương pháp tế bào gốc, ức chế miễn dịch. Vì vậy, bố của bạn cần thường xuyên tiếp cận bác sĩ điều trị để được theo dõi liên tục và áp dụng kỹ thuật điều trị mới.
Mỹ Xuân Tôi năm nay 40 tuổi. Thời gian gần đây khớp vai của tôi có triệu chứng đau nhức từng cơn. nhưng không sưng và không có dấu hiệu khác. Cơn đau càng mạnh vào những lúc thay đổi thời tiết. Có khi đau lan xuống bàn tay và cổ. Vậy xin cho tôi biết tôi bị bệnh gì và cách chữa trị như thế nào cho hiệu quả nhất. Tôi xin cảm ơn!
Tiến sĩ, BSCKII Nguyễn Thị Kim Loan: Chào bạn, trường hợp của bạn khả năng là hậu quả của thoái hóa cột sống cổ. Cần khám chuyên khoa cơ xương khớp, bác sĩ sẽ cho kiểm tra Xquang cột sống, nếu có điều kiện nên chụp MRI để đánh giá, và có phương pháp điều trị thích hợp.
Nguyễn Trang Chào bác sỹ, Cháu có chị gái năm nay 36 tuổi, cách đây 4 tháng chị cháu có cắt sỏi túi mật. chàu nghe nói cơ thể đã có sỏi thì khi bổ sung canxi sẽ phát triển thêm chất tạo sỏi. Hiện tại xương khớp của chị cháu bây giờ cũng rất yếu muốn bổ sung thêm canxi nhưng sợ lại tạo sỏi, Vậy trường hợp của chị cháu có dùng canxi được không ạ? cháu cảm ơn bác.
Tiến sĩ, BSCKII Nguyễn Thị Kim Loan: Chào bạn, không có cơ chế nào nói rằng khi uống canxi sẽ hình thành sỏi. Tuy nhiên, khi cơ địa có sỏi thì các bác sĩ cân nhắc sử dụng canxi trong trường hợp cần thiết. Bạn nên khuyên chị đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám chỉ định loại thuốc thích hợp.
Châu Quỳnh Hoa Cháu 26 tuổi, chưa kết hôn, bị đau lưng dưới bên phải gần 1 tháng nay. Lâu lâu chỗ đau còn có cảm giác tê rần, nhưng chỉ thay đổi tư thế một chút là hết. Gần đây có cảm giác đau trong xương chậu. Có khoảng 1 tuần cháu bôi kem có glucosamine của Úc thì thấy đỡ đau, sau ngưng bôi thì lại đau tiếp. Trước đây thỉnh thoảng cháu vẫn đau lưng (ở giữa, gần hông). Cách đây khoảng 4-5 năm cháu có bị đau lưng nặng do mang vác quá nặng, không đứng ngồi bình thường được. Sau tập dãn lưng và thôi không nằm nệm nữa một thời gian ngắn thì hết. Xin cho cháu biết triệu chứng như vậy là bệnh gì và cách chữa trị. Xin cám ơn bác sĩ.
Tiến sĩ, BSCKII Nguyễn Thị Kim Loan: Chào bạn, 26 tuổi thì chưa có khả năng bị thoái hóa cột sống. Hiện tượng bôi kem là một hình thức mat-xa cho đỡ đau. Trong sinh hoạt chú ý không nên nằm đệm mềm, mà nên nằm giường cứng. Triệu chứng của bạn là đau lưng do vận động chứ chưa có thoái hóa, tốt nhất nên tập thể dục đều, khám chuyên khoa cơ xương khớp để đánh giá cụ thể tình trạng cột sống.
Lê Oanh Mẹ tôi bị viêm khớp vai đã lâu, nhưng chưa tìm được ra các thông tin cụ thể. Không biết nguyên nhân nào gây ra bệnh viêm khớp vai là gì? Làm sao chữa trị bệnh đau khớp vai này?
Tiến sĩ, BSCKII Nguyễn Thị Kim Loan: Chào bạn, nguyên nhân của viêm khớp vai thì có nhiều: thoái hóa cột sống cổ, thoái hóa khớp vai, chấn thương, bệnh lý khớp vai do bệnh phổi. Bạn cần đến khám tại chuyên khoa Cơ – xương – khớp tìm được nguyên nhân cụ thể thì bác sĩ mới có thể đưa ra chỉ định điều trị cho mẹ của bạn.
Phương Vít Em cháu năm nay 24 tuổi, do đi tập thể hình gần 1 tháng nay thường xuyên kêu đau, đặc biệt là lúc sáng đau ê ẩm thắt lưng và cả ra phía trước bụng. Khi nằm nghiêng hoặc đứng lên đi lại thì cơn đau có giảm đi chút. Ngoài ra em còn thấy dáng đi em ấy cứ vẹo vẹo, như bị lệch cột sống, không biết như vậy là bị làm sao ạ?
Tiến sĩ, BSCKII Nguyễn Thị Kim Loan: Chào bạn, bạn cần cho biết tình trạng của em bạn đau và đi vẹo xuất hiện sau khi tập thể hình hay là có song song với tình trạng tập thể hình? Cần khám tại chuyên khoa Cơ – xương – khớp, chụp cột sống thắt lưng và kiểm tra một số xét nghiệm đặc hiệu để biết rõ tình trạng và có phương pháp điều trị thích hợp.
Thiên Di Chào bác sĩ! Vì mùa đông, những hôm thời tiết lạnh, tôi thường bị đau ở các khớp ngón tay, ngón chân. Tôi cần làm gì để phòng tránh bệnh viêm khớp? Mong bác sĩ giải đáp! Cảm ơn bác sĩ!
Tiến sĩ, BSCKII Nguyễn Thị Kim Loan: Chào bạn, bạn cần tránh lạnh. Vì viêm khớp rất dị ứng với lạnh. Nếu như đau tái phát ngón tay, ngón chân nhiều và kéo dài thì cần đề phòng viêm khớp dạng thấp, cần khám và tư vấn của bác sĩ chuyên khoa Cơ xương khớp.
Thoa Nguyen Chồng tôi bị đau 2 khớp gối hơn 1 năm nay. Trước đây vẫn bình thường đá bóng, chạy bộ rất tốt nhưng kể từ khi tập thể hình 1 thời gian thì thấy rất đau, ngồi xổm, lên xuống cầu thang là đau khó chịu. Chụp MRI bác sĩ kết luận: Tràn dịch khớp gối, phù nhẹ dây chằng chéo trước, phù rách nhẹ dây chằng chéo sau. Có uống thuốc thấy đỡ đau, hết thuốc đau lại. Tôi rất lo lắng vì hiện nay chồng tôi không thể chạy bộ được. Bác sĩ cho tôi hỏi như vậy có chữa trị hết không?
Tiến sĩ, BSCKII Nguyễn Thị Kim Loan: Chào bạn, đây là tình trạng tổn thương phức tạp khớp gối hai bên (tràn dịch, rách dây chằng chéo sau, phù dây chằng chéo trước). Chứng tỏ tập luyện của chồng bạn là quá sức và không đúng cách. Uống thuốc giảm đau chỉ là một giải pháp tình thế. Cần có sự can thiệp ngoại khoa (nếu cần) và phục hồi chức năng tại chuyên khoa Cơ – xương – khớp.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital