Thoái hóa cột sống cổ là bệnh thường gặp ở người cao tuổi, dân văn phòng… Dưới đây là các triệu chứng của bệnh thoái hóa cột sống cổ.
Menu xem nhanh:
1. Sơ qua về triệu chứng của bệnh thoái hóa cột sống cổ
Thoái hóa cột sống cổ là bệnh lý mạn tính về xương khớp. Bệnh hình thành do trạng thái thoái hóa sụn khớp, hư khớp ở các đĩa đệm tới bao hoạt dịch, dây chằng… Đây là một căn bệnh đặc biệt phổ biến trong xã hội hiện nay. Bệnh gây khó khăn, bất tiện trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày. Không chỉ người cao tuổi mà những người trẻ tuổi, ít vận động cũng là đối tượng dễ nhận thấy các triệu chứng của bệnh thoái hóa cột sống cổ.
2. Triệu chứng của bệnh thoái hóa cột sống cổ rất dễ nhận biết
Thông thường, người bệnh bị thoái hóa cột sống cổ không có biểu hiện khác thường. Tuy nhiên, sau một thời gian khi bệnh bắt đầu tiến triển, bệnh nhân sẽ thường xuyên gặp các triệu chứng. Đó là tình trạng đau mỏi, khó vận động, mất cảm giác tay, ê ẩm vùng gáy, dấu hiệu Lhermitte (triệu chứng thoái hóa cột sống cổ đa xơ cứng)…
2.1. Đau nhức, mỏi cổ
Đây là triệu chứng của bệnh thoái hóa cột sống cổ mà nhiều người bệnh gặp phải. Đau nhức, mỏi cổ, ê ẩm vùng gáy làm cản trở nghiêm trọng đến sinh hoạt hàng ngày. Những cơn đau nhức dữ dội xuất hiện ở vùng cố định trên cổ, khiến người bệnh hạn chế cử động cổ.
2.2. Khó khăn khi vận động
Không chỉ gây ra tình trạng đau nhức, cơn đau cổ còn trở nên trầm trọng khi người bệnh muốn vận động, di chuyển, thực hiện các động tác kéo dãn gân cốt. Thậm chí, bệnh làm vùng cổ và vai gáy ê ẩm, không thể quay đầu, cử động cổ.
2.3. Mất cảm giác cánh tay
Cơn đau cổ có thể lan dần đến vùng đầu, thân, vai và cánh tay. Nếu bệnh thoái hóa cột sống cổ có liên quan đến sự chèn ép dây thần kinh, lúc này người bệnh sẽ bị tê ở vùng cổ xuống vai và cánh tay; cảm thấy ngứa ran hoặc mất cảm giác ở hai cánh tay.
2.4. Dấu hiệu Lhermitte
Một triệu chứng khi bệnh thoái hóa cột sống cổ trở nặng đó là dấu hiệu Lhermitte. Đây là biểu hiện của bệnh thoái hóa cột sống cổ đa xơ cứng. Khi đó, người bệnh sẽ cảm thấy một luồng điện chạy dọc cột sống theo chuyển động của cổ, lan dần ra tứ chi. Hiện tượng này xảy ra mạnh hơn khi bạn cúi cổ về phía trước.
3. Yếu tố, thói quen gây ra bệnh thoái hóa cột sống cổ
Hoạt động sai tư thế là một trong những nguyên nhân quan trọng gây ra các bệnh thoái hóa cột sống cổ. Làm việc kéo dài ở một tư thế, ít vận động, cúi, ngửa nhiều, mang vác nặng hoặc ngồi trước màn hình vi tính, điện thoại quá lâu gây nhức mỏi cho cột sống cổ.
Những người làm việc văn phòng, phải sử dụng máy tính nhiều là đối tượng của bệnh này. Chỉ cần sai một trong các tư thế như vị trí ngồi, đặt tay lên bàn hay ít vận động cổ, vai gáy… sẽ gây ra bệnh thoái hóa cột sống cổ.
Ngoài ra, có một số thói quen dễ khiến cơ thể mắc bệnh thoái hóa. Thứ nhất, ăn uống không khoa học, thiếu dinh dưỡng ( thiếu các chất tốt cho xương như canxi, vitamin, magie…). Thứ hai, thói quen kê gối quá cao hoặc quá thấp khi ngủ, chỉ ngủ 1 tư thế. Thứ ba, sử dụng nhiều sản phẩm chứa chất kích thích như bia, rượu, thuốc lá…
4. Chẩn đoán và điều trị từ các triệu chứng của bệnh thoái hóa cột sống cổ
4.1. Chẩn đoán bệnh thoái hóa cột sống cổ
Khi nhận thấy các triệu chứng của bệnh thoái hóa cột sống cổ, bạn cần đến ngay cơ sở y tế để được bác sĩ tư vấn, chẩn đoán và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất. Bắt đầu bằng một số bài kiểm tra về thói quen sinh hoạt, chuyển động và phản xạ của cổ… Sau đó, căn cứ vào tình trạng bệnh hiện tại, bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp chẩn đoán hình ảnh đó là:
– Chụp X-quang: Chụp X-quang cột sống là phương pháp thông dụng nhất khi có bị bệnh thoái hóa cột sống cổ. Bệnh nhân sẽ được chụp 7 đốt sống cổ, nghĩa là 7 đốt sống đầu tiên của cột sống.
– Chụp cắt lớp vi tính (CT) giúp cung cấp hình ảnh chi tiết hơn về các đốt sống cổ. Chụp CT cột sống cổ được chỉ định trong một số trường hợp. Đó là chấn thương cột sống cổ, chèn ép cột sống cổ, u cột sống cổ, viêm đốt sống cổ, thoát vị đĩa đệm…
– Chụp cộng hưởng từ (MRI) giúp bác sĩ xác định chính xác hơn vị trí các dây thần kinh bị chèn ép. Đồng thời, nhận ra các bất thường về đường cong của cột sống, các khối u hoặc ung thư cột sống cổ…
– Điện cơ (EMG): Bác sĩ sẽ sử dụng điện cực kim, châm trực tiếp vào bắp cơ, để kiểm tra hoạt động của các dây thần kinh. Qua đó xác định chẩn đoán hoặc loại trừ một số bệnh.
4.2. Phương án điều trị phù hợp khi có triệu chứng của bệnh thoái hóa cột sống cổ
Điều trị bệnh thoái hóa cột sống cổ cần kết hợp giữa phương pháp sử dụng thuốc và không sử dụng thuốc. Dựa trên tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân.
– Phương pháp sử dụng thuốc: Một số loại làm giảm bệnh thoái hóa cột sống cổ là: thuốc giãn cơ, thuốc giảm đau; tiêm steroid, thuốc chống viêm không steroid (NSAID)…
– Phẫu thuật: Nếu tình trạng vẫn nghiêm trọng, ảnh hưởng đến khả năng cử động cánh tay, không đáp ứng với các hình thức điều trị bảo tồn… bạn sẽ được chỉ định phẫu thuật.
– Vật lý trị liệu: Đây là phương pháp bổ trợ làm giảm các triệu chứng của bệnh thoái hóa cột sống cổ. Các bài tập vật lý trị liệu giúp người bệnh hạn chế tình trạng co cứng cổ, tăng cường lưu thông máu, giúp cổ và vai gáy dễ vận động hơn…
– Điều chỉnh tư thế ngồi, nằm, tăng cường tập luyện thể dục thể thao đều đặn hằng ngày để thư giãn gân cốt.
Thoái hóa cột sống cổ là bệnh dễ gặp và ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, nhiều người vẫn rất chủ quan trong việc phòng bệnh và chữa bệnh. Hãy đến bệnh viện ngay nếu bạn đang có cảm giác đau mỏi cổ, vai gáy để được bác sĩ chẩn đoán, tư vấn và điều trị.