Triệu chứng bệnh động mạch vành ở người cao tuổi

Tham vấn bác sĩ
Đại tá, PGS.TS, BSCK II, Thầy thuốc nhân dân

Nguyễn Văn Quýnh

Bác sĩ Nội Khoa

Người cao tuổi là đối tượng dễ mắc nhiều bệnh lý do sự suy giảm chức năng của các cơ quan. Trong đó, bệnh mạch vành khá phổ biến và gây nhiều nguy hiểm cho những người lớn tuổi. Tuy nhiên, các triệu chứng bệnh động mạch vành biểu hiện ở người cao tuổi lại thường khó nhận biết, vì vậy gây khó khăn cho việc phát hiện và điều trị. Vậy các triệu chứng bệnh mạch vành ở người già là gì, làm thế nào để nhận biết và điều trị?

1. Các triệu chứng bệnh động mạch vành ở người già

1.1 Các triệu chứng bệnh động mạch vành thông thường

Ở những người mắc bệnh mạch vành bình thường, cơn đau thắt ngực được coi là triệu chứng điển hình. Cơn đau thắt ngực có thể xảy ra khi gắng sức hoặc ngay cả khi nghỉ ngơi với cảm giác đau thắt, bóp nghẹt, đè nặng, nóng ran ở giữa ngực hoặc vùng ngực bên trái, lan lên cổ, hàm, xuống gáy, vai, cánh tay ra sau lưng. 

Cơn đau có thể đỡ hoặc không đỡ khi ngơi hoặc dùng thuốc giãn mạch.

Ngoài ra bệnh nhân có thể gặp một số triệu chứng khác như:

– Khó thở, nhịp thở nhanh và gấp

– Mệt mỏi khắp người

– Chóng mặt, choáng váng

– Ho khan

– Sưng phù

triệu chứng bệnh động mạch vành ở người cao tuổi

Các triệu chứng bệnh mạch vành ở người cao tuổi thường không điển hình.

1.2 Các triệu chứng bệnh động mạch vành ở người già biểu hiện như thế nào?

Ở những người có tuổi bị mắc bệnh mạch vành, cơn đau thắt ngực thường không điển hình.

Điều này được lý giải là do quá trình lão hóa khiến cơ thể người bệnh dần mất đi độ nhạy với những thay đổi bất thường. Đặc biệt, tình trạng xơ vữa mạch vành có thể đã diễn ra trong nhiều năm. Cơ thể người bệnh đã dần thích nghi với điều này nên nhiều người không hoặc ít cảm thấy đau ngực khi gắng sức nhẹ. 

Thay vào đó, họ thường chỉ cảm nhận được những dấu hiệu thoáng qua như mệt mỏi, khó thở, đau nhẹ ở ngực, đau vai, đau lưng hoặc đau thượng vị sau ăn… Tuy nhiên, tình trạng khó thở, mệt mỏi do căn bệnh này cũng dễ làm người bệnh nhầm lẫn với triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản, hoặc bệnh về đường hô hấp.

2. Bệnh mạch vành ở người già có nguy hiểm không?

Do tính chất không điển hình của các triệu chứng nên những người cao tuổi bị mắc bệnh mạch vành rất khó phát hiện sớm bệnh này. Mặt khác, những triệu chứng thường thuyên giảm khi nghỉ ngơi. Điều này có thể gây tâm lý chủ quan, khiến việc phát hiện bệnh mạch vành trong giai đoạn đầu của bệnh càng trở nên khó khăn.

Nguy hiểm hơn, nếu người bệnh mắc kèm bệnh đái tháo đường, thì các dấu hiệu cảnh báo nhồi máu cơ tim sớm có thể không xuất hiện. Chính vì vậy mà nguy cơ tử vong ở những bệnh nhân này cao hơn so với các đối tượng khác. 

Thêm vào đó, việc điều trị bệnh mạch vành cho những người lớn tuổi có những khó khăn nhất định khiến cũng là yếu tố làm tăng tính nguy hiểm cho những người bệnh này. 

Tóm lại, mặc dù các yếu tố nguy cơ mắc bệnh mach vành ở mọi lứa tuổi là như nhau. Nhưng có thể thấy sự nguy hiểm và rủi ro ở người cao tuổi lớn hơn rất nhiều so với những người trẻ tuổi cùng mắc căn bệnh này.

Thực tế cho thấy hiện nay bệnh mạch vành đã ngày càng được kiểm soát chặt chẽ hơn, nhưng số ca tử vong do bệnh này vẫn ngày càng tăng, đặc biệt là ở những người trên 65 tuổi.

3. Những khó khăn và lưu ý trong việc điều trị bệnh mạch vành cho người cao tuổi

3.2 Những khó khăn trong việc điều trị 

– Dễ gặp phải rủi ro khi sử dụng các phương pháp điều trị

Hiện nay, phương pháp điều trị chủ yếu đối với các bệnh nhân mắc bệnh mạch vành là điều trị nội khoa, tức là sử dụng các loại thuốc nhằm giảm nhẹ các triệu chứng và ngăn ngừa bệnh tiến triển xấu hơn. 

Tuy nhiên tuổi càng cao, các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là gan, thận ngày càng suy yếu. Điều này ảnh hưởng lớn tới tốc độ chuyển hóa thuốc. Thậm chí nhiều trường hợp thuốc không thể chuyển hóa còn gây ra nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng. Cụ thể là gây độc cho gan, thận, khiến các cơ quan này ngày càng suy yếu. Từ đó ảnh hưởng rất xấu đến kết quả điều trị. 

Người bệnh cao tuổi cũng dễ đối mặt với nguy cơ xuất huyết khi dùng thuốc chống đông hoặc tăng men gan khi dùng thuốc hạ mỡ máu để điều trị bệnh này.

khó khăn trong việc điều trị các triệu chứng bệnh mạch vành

Tình trạng suy giảm trí nhớ ở người già khiến họ thường quên uống thuốc, gây khó khăn cho việc điều trị các bệnh lý nói chung.

– Khó khăn trong việc tuân thủ đơn thuốc

Suy giảm trí nhớ, lú lẫn, thiếu minh mẫn là tình trạng thường gặp do tuổi tác. Điều này khiến những người cao tuổi gặp khó khăn hơn trong việc tuân thủ các chỉ định của bác sĩ. Cụ thể, bệnh nhân thường quên dùng thuốc hoặc dùng quá liều, gây ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị, thậm chí gây ra các tác dụng không mong muốn.

– Thay đổi lối sống

Thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt là một yếu tố quan trọng giúp cải thiện các triệu chứng bệnh mạch vành. Tuy nhiên, với người già, đây cũng không phải là vấn đề đơn giản. Do người cao tuổi thường sống cùng con cháu, nên chế độ ăn uống kiêng khem khó thực hiện hơn.

3.2 Những lưu ý khi điều trị bệnh mạch vành cho người cao tuổi

Đối với bác sĩ:

Cần thực hiện các chẩn đoán kỹ càng, xác định chính xác tình trạng của bệnh nhân để cân nhắc và đưa ra đơn thuốc phù hợp nhất cho các bệnh nhân, giúp bệnh nhân hấp thu tốt nhất và giảm các tác dụng phụ.

Đối với bệnh nhân và người nhà

– Sử dụng thuốc đủ liều, đúng liều theo chỉ định của bác sĩ. Quá trình này thường cần có sự giám sát và nhắc nhở của người nhà, tránh trường hợp quên uống thuốc hoặc dùng quá liều. 

– Theo dõi sát để phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường và thông báo cho bác sĩ để thay đổi đơn thuốc phù hợp, giúp kiểm soát rủi ro trong điều trị.

– Duy trì điều trị nhằm dự phòng tái phát. Hầu hết người cao tuổi mắc bệnh mạch vành cần phải sử dụng thuốc chống đông từ 6 tháng – 1 năm theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ dù cho bệnh mạch vành đã khỏi.

– Đi khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ 

– Tập thể dục bằng cách đi bộ từ 30 – 60 phút mỗi ngày, tùy từng sức của mỗi người. Có thể điều chỉnh thời gian tập luyện, đặc biệt là những người thể trạng yếu, bị thoái hóa khớp, đau khớp.

– Nên bỏ thuốc lá, hạn chế chất kích thích, giảm chất béo, giảm muối. Thay vào đó ăn nhiều rau và trái cây tươi, các loại ngũ cốc nguyên hạt để tăng cơ hội sống và sống thọ hơn.

Lưu ý khi điều trị bệnh mạch vành ở người lớn tuổi

Người bệnh cần thăm khám thường xuyên tại các chuyên khoa tim mạch uy tín để được khám và điều trị bệnh mạch vành hiệu quả.

Có thể thấy, bệnh mạch vành ở những người cao tuổi tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ đối với sức khỏe và tính mạng. Hi vọng những thông tin về triệu chứng bệnh động mạch vành ở người già sẽ giúp bạn không chủ quan trước căn bệnh này. 

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital