Menu xem nhanh:
Hành trình mọc răng của con
Một trong những bước ngoặt đầu đời mà trẻ nào cũng phải trải qua là chuyện mọc răng. Thấy “con nhà người ta” răng mọc “đầy mồm” mà con mình mãi chưa thấy “nhú” lên chiếc nào, khiến nhiều ba mẹ không khỏi lo lắng.
Thông thường những chiếc răng sữa đầu tiên của bé được nhú lên khi con được khoảng 6 tháng tuổi và đến khi bé được 2 tuổi hoặc 2 tuổi rưỡi, con sẽ hội tụ đủ 20 chiếc răng sữa trong mồm.
Thường thì thứ tự mọc răng của trẻ sẽ được diễn biến theo trình tự như sau:
- 4 răng cửa của hàm trên và hàm dưới sẽ mọc khi bé được khoảng 6-8 tháng tuổi.
- 4 răng cửa bên sẽ mọc khi bé được 7 – 10 tháng tuổi.
- 4 răng hàm đầu tiên sẽ mọc khi bé được 12 – 16 tháng tuổi.
- 4 răng nanh sẽ mọc khi bé được 14 – 20 tháng tuổi.
- 4 răng hàm thứ 2 sẽ mọc khi bé được 20 – 32 tháng tuổi.
Như vậy, với những trường hợp bé được 9-10 tháng ruổi mà vẫn chưa mọc chiếc răng nào thì khi đó con được xem là chậm mọc răng.
Nguyên nhân nào khiến trẻ chậm mọc răng?
Trẻ bị chậm mọc răng có thể do nhiều yếu tố gây ra. Các yếu tố khách quan và chủ quan có thể khiến trẻ chậm mọc răng hơn so với bạn bè như:
Di truyền
Theo nghiên cứu, nếu bố hoặc mẹ hồi nhỏ từng chậm mọc răng thì bé có thể ảnh hưởng yếu tố di truyền này từ bố mẹ và con cũng có khả năng chậm mọc răng hơn so với bạn bè.
Tình trạng của trẻ lúc sinh ra
Trẻ bị sinh non, thiếu tháng, nhẹ cân sẽ có khả năng mọc răng chậm hơn so với những trẻ sinh đủ ngày, đủ cân nặng.
Thiếu canxi
Khi hàm lượng canxi trong cơ thể bé không đạt mức yêu cầu, điều này khiến các mầm răng kém phát triển nên không thể nhú dài ra được.
Trong khoảng thời gian 6 tháng đầu, bé chủ yếu là bú mẹ nên nếu người mẹ trong quá trình cho con bú ăn uống kiêng khem sẽ dẫn đến thiếu canxi khi đó trẻ có nguy cơ cao thiếu canxi và khiến răng của bé cũng mọc chậm hơn.
Còi xương, suy dinh dưỡng
Trẻ bị còi xương, suy dinh dưỡng, thiếu chất khiến không cung cấp đủ năng lượng cần thiết cho các hoạt động trong đó có quá trình hấp thụ canxi và khiến răng của bé mọc chậm hơn so với bạn bè.
Chậm mọc răng do bệnh lý
Một số bệnh lý như Hội chứng Down, tuyến yên hoạt động không bình thường hay lớp phôi ngoài có những biến chứng… đều có thể khiến răng bé chậm mọc. Tuy nhiên, những căn bệnh này nếu muốn xác định nguyên nhân thì trẻ cần phải được kiểm tra kỹ và trường hợp này cũng ít xảy ra hơn.
Mẹ cần làm gì khi trẻ chậm mọc răng?
Khi thấy bé mọc răng muộn thì điều đầu tiên cha mẹ cần làm chính là xem xét tình trạng sức khỏe bé như thế nào hay nói cách khác là tìm hiểu nguyên nhân bé chậm mọc răng để từ đó bổ sung chất dinh dưỡng cũng như có biện pháp xử trí tốt cho trẻ.
Ba mẹ có thể cho con đi thăm khám với bác sĩ chuyên khoa Nhi để bác sĩ kiểm tra sức khỏe cho con, đánh giá xem con có thiếu các chất dinh dưỡng nào không và giúp mẹ tìm ra nguyên nhân khiến trẻ bị chậm mọc răng từ đó có biện pháp xử trí sao cho hiệu quả nhất. Nếu thấy bé chậm mọc răng, ba mẹ đừng nên quá lo lắng, hãy chăm sóc con cẩn thận, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho con và đưa con đi thăm khám với bác sĩ.