Tình trạng xơ gan suy thận mạn và cách chẩn đoán

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ Cao cấp, Thầy thuốc Ưu tú, Bác sĩ CKII

Nguyễn Quang Tuấn

Bác sĩ Nội Khoa

Tình trạng xơ gan có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm ở các cơ quan trên cơ thể. Xơ gan suy thận mạn hay hội chứng gan thận là tình trạng thường xảy ra ở những bệnh nhân xơ gan tiến triển. Tỷ lệ bệnh nhân tử vong khoảng 80 – 95%. Cùng tìm hiểu về biến chứng xơ gan này qua bài viết sau đây.

1. Biến chứng thận ở người bệnh xơ gan

Xơ gan là tình trạng gan bị tổn thương và xuất hiện các mô sẹo ở gan. Thông thường ở giai đoạn đầu, bệnh sẽ biểu hiện rất ít triệu chứng và chưa gây tổn hại nhiều đến sức khỏe. Bởi lúc này, các mô lành vẫn có thể hoạt động tốt, đủ khả năng bù trừ phần gan tổn thương. Chỉ khi chuyển sang giai đoạn nặng, các triệu chứng như vàng da, vàng mắt, sưng phù, trướng bụng, chán ăn, mệt mỏi… mới trở nên rõ rệt.

Ở giai đoạn nặng, người bệnh cũng có nguy cơ gặp phải nhiều biến chứng, trong đó có suy thận. Ước tính có khoảng 14% đến 25% người mắc bệnh xơ gan gặp biến chứng suy thận.

Biến chứng suy thận do xơ gan được biểu hiện qua 2 dạng:

– Dạng cấp tính (type 1)

Ở dạng này, tình trạng suy thận tiến triển rất nhanh. Nồng độ creatinin huyết thanh từ 0,3mg/dl (26.5 µmol/l) trở lên trong vòng 48h hoặc tăng nồng độ creatinin huyết thanh ≥ 50% so với creatinin nền của bệnh nhân trong vòng 7 ngày, tăng gấp đôi trong vòng 2 tuần. Tình trạng này có thể là tự phát, nhưng thường xảy ra sau nhiễm trùng dịch ổ bụng, sốc. Trong trường hợp này, tiên lượng bệnh nhân thường xấu, có dịch ở ổ bụng.

– Dạng mạn tính (type 2)

Đặc trưng là mức lọc cầu thận giảm < 60ml/p sau 3 tháng điều chỉnh chế độ ăn uống. Ở giai đoạn này, mức trung bình nồng độ creatinin tăng đến khoảng 133 – 226μmol/L. Hội chứng gan thận mạn tính thường tiến triển tự phát, kèm theo cổ trướng dai dẳng. Tiên lượng sống thấp hơn bệnh nhân xơ gan đơn thuần nhưng tốt hơn nhóm suy thận cấp.

Suy thận mạn là một trong những biến chứng nguy hiểm của xơ gan.

Suy thận mạn là một trong những biến chứng nguy hiểm của xơ gan.

2. Nguyên nhân gây biến chứng suy thận ở người bị xơ gan

Các yếu tố thúc đẩy biến chứng thận ở người bị xơ gan gồm:

– Nhiễm trùng dịch cổ trướng
– Viêm gan do rượu cấp độ nặng
– Tình trạng xuất huyết ở hệ tiêu hóa
– Suy tuyến thượng thận
– Rút quá nhiều dịch cổ trướng nhưng không bù albumin
– Trải qua ca phẫu thuật lớn
– Sử dụng quá nhiều các thuốc gây độc cho thận như thuốc giảm đau chống viêm, thuốc lợi tiểu

Bệnh thường xảy ra ở những bệnh nhân có cổ trướng hoặc suy thận nhẹ trước đó, suy gan nặng, gan không to, suy dinh dưỡng, natri máu thấp, tăng kali máu, giảm áp lực keo máu, tăng áp lực thẩm thấu niệu, giãn tĩnh mạch thực quản.

Xơ gan suy thận mạn thường xảy ra ở những đối tượng nào?

Bệnh thường xảy ra ở những bệnh nhân có cổ trướng hoặc suy thận nhẹ trước đó.

3. Chẩn đoán tình trạng xơ gan suy thận mạn

Những người bị suy thận do xơ gan thường có các triệu chứng lâm sàng thường liên quan tới tình trạng suy gan, suy thận và suy tuần hoàn. Các biểu hiện trên lâm sàng ở người bị xơ gan suy thận bao gồm:

– Biểu hiện suy gan: Vàng da, rối loạn đông máu, hôn mê gan, suy dinh dưỡng.
– Biểu hiện suy thận: Thiểu niệu, vô niệu, lượng nước tiểu trong ngày < 500ml, không cải thiện khi dùng lợi tiểu hoặc bù albumin.
– Suy tuần hoàn: Điển hình là tình trạng huyết áp động mạch giảm.

Sau khi khai thác các triệu chứng lâm sàng, bác sĩ có thể chỉ định một số phương pháp cận lâm sàng để đánh giá tình trạng bệnh bao gồm:

– Xét nghiệm đánh giá chức năng gan: Men gan, protein đặc trưng, bilirubin trong máu…
– Xét nghiệm đánh giá chức năng thận: Gồm nồng độ ure, creatinin, tính mức lọc cầu thận…
– Xét nghiệm máu lắng, CRP, procalcitonin: Nhằm kiểm tra tình trạng viêm.

Nếu bị xơ gan suy thận mạn, người bệnh có thể có các biểu hiện của bệnh trên cận lâm sàng như sau:

– Creatin máu tăng
– Giảm nồng độ Na niệu
– Tăng áp lực thẩm thấu niệu
– Tăng tỷ lệ áp lực thẩm thấu niệu so với áp lực thẩm thấu máu
– Suy chức năng gan khi xét nghiệm sinh hóa

Ngoài ra, có thể thực hiện X-quang tim phổi, siêu âm, điện giải niệu, nội soi dạ dày… để kiểm tra tình trạng tim phổi, giãn tĩnh mạch thực quản, phân biệt, loại trừ với các bệnh lý khác.

4. Cách điều trị biến chứng suy thận do xơ gan

4.1 Điều trị xơ gan suy thận mạn bằng thuốc

Mục tiêu chính của việc điều trị bằng thuốc ở những bệnh nhân này là nhằm tăng thể tích tuần hoàn cũng như hạn chế tình trạng thiếu máu ở thận (thường xảy ra do giãn mạch nội tạng gây co mạch thận). Điều này giúp duy trì sự sống cho người bệnh để chờ ghép gan thay thế. Các loại thuốc điều trị xơ gan cần được kê bởi bác sĩ chuyên khoa Gan mật, người bệnh cần sử dụng thuốc đúng liều lượng và thời gian để thuốc phát huy tác dụng tốt nhất và hạn chế tác dụng phụ ảnh hưởng đến người bệnh.

Điều trị xơ gan biến chứng suy thận mạn như thế nào?

Xơ gan biến chứng suy thận mạn là tình trạng nguy hiểm, cần được chẩn đoán và điều trị sớm, tránh nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh.

4.2 Điều trị dự phòng xơ gan suy thận mạn

Xơ gan một khi đã biến chứng suy thận thì rất khó điều trị. Chính vì thế, việc dự phòng suy thận do xơ gan là vô cùng cần thiết. Để phòng tránh được biến chứng này cần ngăn tình trạng nhiễm trùng dịch ổ bụng hay tình trạng xuất huyết tiêu hóa do vỡ tĩnh mạch thực quản.

Nghiên cứu khoa học chỉ ra sử dụng albumin cho bệnh nhân xơ gan có thể phòng tiến triển biến chứng suy thận ở những bệnh nhân này.
Bệnh nhân xơ gan nên tránh sử dụng các loại thuốc có nguy cơ gây độc cho gan hay thận. Điển hình như kháng sinh nhóm aminoglycosides, thuốc chống viêm giảm đau không steroid, thuốc lợi tiểu, thuốc cản quang có iod…

Bên cạnh đó, cần chú ý chế độ dinh dưỡng, giảm tiêu thụ chất béo, đồ ăn cay nóng, kiêng uống rượu bia. Thay vào đó nên bổ sung các loại rau củ quả có lợi, giúp thanh lọc, giải độc cho gan.

Tóm lại, xơ gan suy thận mạn là tình trạng nguy hiểm, tiên lượng xấu, gây nhiều nguy hiểm cho bệnh nhân, cần được dự phòng tốt và điều trị tích cực nếu xảy ra. Nếu đang mắc bệnh xơ gan, bệnh nhân cần tuân thủ điều trị theo phác độ của bác sĩ chuyên khoa Gan mật và thăm khám thường xuyên để kiểm tra sức khỏe lá gan, điều chỉnh phác độ điều trị phù hợp. Nếu có nhu cầu đặt lịch khám hoặc tư vấn các vấn đề gan mật, vui lòng liên hệ 1900 55 88 92 để được giải đáp chi tiết.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital