Tìm hiểu về xét nghiệm tầm soát ung thư phổi

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ, Bác sĩ, Thầy thuốc ưu tú

Tạ Quang Mậu

Bác sĩ Nội Khoa

Hiện nay, xét nghiệm tầm soát ung thư phổi đã trở thành mối bận tâm lớn với nhiều người. Theo báo cáo năm 2020 từ Globocan, tại Việt Nam, ung thư phổi có 26.262 ca mắc mới (chiếm 14.4%) và 23.797 ca tử vong (chiếm 19.4%). Trong số đó, 18.685 bệnh nhân là nam giới và 7.577 là nữ giới. 

1. Tìm hiểu về ung thư phổi

1.1. Định nghĩa

Ung thư phổi bắt nguồn từ sự tăng sinh mất kiểm soát của các tế bào đột biến tại phổi. Sau một khoảng thời gian nhất định, khối u phát triển và xâm lấn sang lá phổi bên cạnh, các hạch xung quanh và các bộ phận khác trong cơ thể.

Ung thư phổi không có những triệu chứng điển hình ở giai đoạn đầu. Chính vì vậy, bệnh dễ bị nhầm lẫn với cảm mạo hoặc các bệnh hô hấp lành tính khác. Hầu hết các bệnh nhân ung thư phổi khi được chẩn đoán đều đã ở giai đoạn muộn, khi khối u đã di căn dẫn đến hiệu quả điều trị thấp, tỉ lệ tử vong cao.

Ung thư phổi được chia thành 2 loại bao gồm:

– Ung thư phổi tế bào nhỏ

– Ung thư phổi không tế bào nhỏ

xét nghiệm tầm soát ung thư phổi

Ung thư phổi là bệnh lý ác tính phổ biến.

1.2. Các giai đoạn bệnh

Ung thư phổi không tế bào nhỏ được chia thành 6 giai đoạn:

– Giai đoạn bị che lấp: Khối u chưa được phát hiện trong phổi mà chỉ tìm thấy trong đờm thông qua quá trình nội soi.

– Giai đoạn 0: Tế bào ung thư phổi được tìm thấy trong phổi nhưng chỉ là một phần nhỏ nằm ở lớp trong cùng của niêm mạc.

– Giai đoạn 1: Ung thư khu trú tại phổi, chưa xâm lấn các khu vực khác.

– Giai đoạn 2: Ung thư bắt đầu xâm lấn các vị trí xung quanh phổi như thành ngực, màng phổi, hạch bạch huyết, lớp màn bao quanh tim,…

– Giai đoạn 3: Ung thư lây lan xa hơn, cụ thể gồm lồng ngực giữa tim phổi. Ở giai đoạn này, khối u có nguy cơ lây lan sang cổ dưới.

– Giai đoạn 4: Ung thư xâm lấn lá phổi còn lại hoặc một số bộ phận khác trong cơ thể. Ở giai đoạn này, tế bào ung thư không thể bị loại bỏ bằng phẫu thuật.

Ung thư phổi tế bào nhỏ được chia thành 2 giai đoạn:

– Giai đoạn hạn chế: Tế bào ung thư chỉ xuất hiện ở một lá phổi và một số mô xung quanh.

– Giai đoạn mở rộng: Tế bào ung thư di căn và được tìm thấy ở nhiều vị trí trên cơ thể.

2. Tìm hiểu về xét nghiệm tầm soát ung thư phổi

2.1. Xét nghiệm tầm soát ung thư phổi Cyfra 21-1

Trong các cytokeratin, Cyfra 21-1 là cytokeratin nhỏ nhất. Đồng thời nó cũng là yếu tố cấu trúc cơ bản của bộ khung tế bào biểu mô. Mặc dù xuất hiện trong nhiều cơ quan khác nhau, Cyfra 21-1 hiện diện chủ yếu trong phổi. Chính vì vậy, nó được xem là dấu ấn phát hiện ung thư phổi không tế bào nhỏ.

Đối với ung thư phổi không tế bào nhỏ, độ nhạy của Cyfra 21-1 trong quá trình tầm soát là 30-75%. Đối với ung thư phổi tế bào nhỏ, độ nhạy dao động khoảng 20-60%. Chỉ số này có ý nghĩa rất lớn trong chẩn đoán tiên lượng bệnh, chẩn đoán tái phát và theo dõi quá trình điều trị ung thư phổi. Cụ thể:

– Ở người khỏe mạnh, chỉ số Cyfra 21-1 nhỏ hơn 3.3 ng/ml.

– Ở người mắc bệnh phổi lành tính, chỉ số Cyfra 21-1 huyết thanh dưới 3.3 ng/ml.

– Ở người mắc ung thư phổi, chỉ số Cyfra 21-1 lớn hơn 3.5 ng/ml. Sau phẫu thuật hoặc điều trị, chỉ số này sẽ giảm dần nhưng có khả năng tăng trở lại nếu ung thư tái phát.

Trên thực tế, không phải ai bị ung thư phổi cũng tăng chỉ số Cyfra 21-1. Ngược lại, không phải khi nào chỉ số này tăng cũng đồng nghĩa với ung thư phổi. Một vài yếu tố có thể gây ảnh hưởng đến nồng độ Cyfra 21-1 bao gồm:

– Viêm phổi

Viêm phế quản mạn

Hen phế quản

– Lao phổi

– Viêm nội mạc tử cung

– Nang thận

– U bàng quang lành tính

– Nhiễm khuẩn tiết niệu

Polyp đại tràng

Viêm dạ dày

Do đó, kết quả xét nghiệm Cyfra 21-1 không được sử dụng độc lập để chẩn đoán ung thư phổi mà cần kết hợp cùng các chất chỉ điểm khối u khác và chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, chụp CT,…

xét nghiệm tầm soát ung thư phổi

Chỉ số Cyfra 21-1 rất quan trọng trong tầm soát ung thư phổi.

2.2. Xét nghiệm tầm soát ung thư phổi NSE

NSE là enzyme enolase, sản sinh bởi các tế bào thần kinh. Nó được coi là dấu ấn có vai trò hỗ trợ chẩn đoán ung thư phổi tế bào nhỏ và u nguyên bào thần kinh cũng như theo dõi hiệu quả quá trình điều trị bệnh.

Ở người trưởng thành khỏe mạnh, nồng độ NSE thường ở mức 15 ng/ml. Riêng với bệnh nhân ung thư phổi tế bào nhỏ, NSE có giá trị cắt càng cao thì độ nhạy càng lớn. Các nghiên cứu chỉ ra, với giá trị cắt trên 35 ng/ml, độ nhạy trong chẩn đoán bệnh của NSE là 75%. Nghiên cứu khác cũng chỉ ra, khi ung thư phổi tế bào nhỏ chưa xâm lấn, 80.7% bệnh nhân có chỉ số NSE tăng. Khi ung thư đã di căn, con số này lên đến 90.2%.

Bên cạnh ung thư phổi, một số nguyên nhân có thể dẫn đến gia tăng nồng độ NSE bao gồm:

– Viêm phổi, viêm phế quản

– Viêm màng não

– Thiếu máu cục bộ

– Tắc mạch não

– Nhồi máu não

– Suy gan, thận

Trên thực tế, xét nghiệm NSE hiếm khi được chỉ định riêng lẻ mà thường kết hợp với các dấu ấn ung thư khác. Đối với ung thư phổi tế bào nhỏ, NSE có độ nhạy cao hơn khi được kết hợp với Pro- GRP. Đối với ung thư phổi không tế bào nhỏ, sự kết hợp tốt nhất là Cyfra 21-1 và CEA với độ nhạy 82%.

2.3. Xét nghiệm sàng lọc ung thư phổi Pro- GRP

Pro- GRP có nguồn gốc từ tế bào thần kinh nội tiết. Ở người trưởng thành khỏe mạnh, nồng độ Pro- GRP nhỏ hơn hoặc bằng 50 ng/L. Một số ít người có nồng độ Pro-GRP cao hơn nhưng vẫn dưới ngưỡng 75 ng/L. Nếu nồng độ này tăng quá 200 ng/L, đây được coi là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ ung thư phổi tế bào nhỏ.

Xét nghiệm Pro- GRP có độ đặc hiệu khoảng 95% và độ nhạy 85% trong chẩn đoán, phân biệt ung thư phổi tế bào nhỏ với các loại ung thư phổi khác. So với NSE, CEA, Cyfra 21-1 hay SCC thì

Pro- GRP được coi là dấu hiệu nhạy nhất trong cả hai giai đoạn bệnh. Ngoài ra, xét nghiệm này đặc biệt hữu dụng cho các bệnh nhân không thể thực hiện sinh thiết.

2.4. Một vài chỉ số khác

– Chỉ số CEA

Khoảng 29% bệnh nhân ung thư phổi có chỉ số CEA cao hơn 10 ng/mL. Trong khi đó ở người bình thường, chỉ số này dao động trong khoảng 0 – 2.5 ng/mL.

– Chỉ số SCC

Tế bào biểu mô vảy là thành phần chính trong biểu bì nhưng nó cũng xuất hiện trong lớp nền của đường tiêu hóa, phổi và các khu vực khác trong cơ thể. SCC có thể tăng trong trường hợp ung thư phổi, cổ tử cung và nhiều loại khác. Việc đo kháng nguyên SCC giúp hỗ trợ đánh giá bệnh tái phát và hiệu quả đáp ứng điều trị.

– Chỉ số CA 19-9

CA 19-9 xuất hiện trong tế bào tuyến của nhiều tạng, trong đó có phổi. Tuy nhiên, nồng độ này ít có giá trị trong tầm soát sớm vì khoảng 50% trường hợp ung thư phổi không xuất hiện thay đổi trong chỉ số CA 19-9.

xét nghiệm tầm soát ung thư phổi

Người dân chủ động tầm soát ung thư tại Thu Cúc TCI.

Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI đã và đang triển khai gói sàng lọc ung thư phổi với đầy đủ các bước khám cần thiết, kiểm tra với loạt máy móc y tế hiện đại, công nghệ cao hiện nay. Đến với TCI, bạn sẽ được thăm khám với đội ngũ bác sĩ giỏi, được hướng dẫn bởi nhân viên y tế tận tình đem lại trải nghiệm tầm soát ung thư phổi hài lòng.

Hi vọng qua bài viết trên, bạn đã có cái nhìn rõ hơn về xét nghiệm sàng lọc ung thư phổi. Hãy chủ động bảo vệ sức khỏe ngay hôm nay trước khi quá muộn.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital