Tìm hiểu về hội chứng đường hầm cổ tay 

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CK II, Thầy thuốc ưu tú

Nguyễn Thị Kim Loan

Bác sĩ Nội Khoa

Hội chứng đường hầm cổ tay thường gặp nhiều ở nữ giới hơn nam giới. Bệnh không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng có nguy cơ tàn phế, làm mất khả năng lao động. Cùng tìm hiểu hội chứng đường hầm cổ tay để nhận biết, phòng ngừa và có biện pháp điều trị hiệu quả. 

1. Hội chứng đường hầm cổ tay là gì?

Hội chứng ống cổ tay hay còn gọi tắt là hội chứng (HC) OCT – Đây là một hội chứng thường gặp trong các bệnh lý chèn ép dây thần kinh ngoại biên. Năm 1854, hội chứng ống cổ tay được James Paget mô tả lần đầu tiên trong y văn.

Có nhiều nguyên nhân gây bệnh khác nhau, trong đó hay gặp ở những người mà công việc phải vận động cổ tay nhiều. Ngoài ra còn gặp ở những người bị bệnh gout, đái tháo đường, chạy thận nhân tạo.

Hội chứng ống cổ tay tuy không nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng những rối loạn cảm giác mà bệnh lý gây ra về lâu dài có thể dẫn đến tàn tật do tổn thương thần kinh, mất khả năng lao động cũng như sinh hoạt hàng ngày, làm suy giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.

hội chứng đường hầm cổ tay

Hội chứng cổ tay tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng có nguy cơ tàn phế, làm mất khả năng lao động

2. Đối tượng có nguy cơ cao và những giải thuyết được đưa ra

2.1 Đối tượng có nguy cơ cao mắc hội chứng đường hầm cổ tay

Nhìn chung hội chứng đường hầm cổ tay thường khởi phát chủ yếu ở bệnh nhân lứa tuổi trung niên, đặc  biệt là nữ giới. Sau khi đã tham gia lao động, làm việc nhiều năm.

Nhất là những người phải làm các công việc vận động cổ tay nhiều. Đặc trưng như ở một số nghề nghiệp sau:

Công nhân làm việc trong phân xưởng, nhà máy; công nhân cơ khí, xây dựng, thợ rèn, thợ mộc, nội trợ, nông dân, nhóm buôn bán tự do chủ yếu thực phẩm như cá, thịt, hàng ăn phải làm các động tác chặt, băm nhiều. Cán bộ, học sinh, sinh viên là những người sử dụng máy tính thường xuyên, viết lách nhiều.

Người bị mắc bệnh gout, đái tháo đường, chạy thận nhân tạo có nguy cơ cao mắc hội chứng cổ tay hơn người bình thường.

Hội chứng đường hầm cổ tay

Hội chứng cổ tay thường gặp nhiều ở nữ giới hơn nam giới, đặc biệt là người làm công việc phải cử động cổ tay nhiều.

2.2 Các giải thuyết lý về đối tượng dễ mắc hội chứng đường hầm cổ tay

Sở dĩ độ tuổi trung niên, người lớn tuổi dễ bị hội chứng đường hầm cổ tay là do: đặc điểm cấu tạo của ống cổ tay là một đường hầm không đàn hồi, trên là mô sợi, dưới là xương. Ở bệnh nhân có tuổi, các thành phần trong ống cổ tay kém đàn hồi hơn lúc trẻ, sự phì đại màng hoạt dịch gân gấp do sự thoái hóa mô liên kết, xơ cứng mạch máu, phù nề và phân mảnh collagen cũng tăng dần theo tuổi. Vì vậy khi thể tích các thành phần trong ống cổ tay của người trung niên tăng lên do bất cứ nguyên nhân gì, cũng sẽ dẫn đến việc tăng áp lực trong ống này và dễ bị mắc hội chứng ống cổ tay hơn so với người trẻ. Đây là những yếu tố thuận lợi dẫn đến tăng nguy cơ xuất hiện hội chứng ống cổ tay ở người lớn tuổi.

Theo các nghiên cứu trong nước và quốc tế đều cho thấy hội chứng ống cổ tay thường gặp ở nữ giới với tỷ lệ cao hơn nam giới. Nguyên nhân vì sao hội chứng ống cổ tay gặp ở nữ giới nhiều hơn nam giới thì y văn vẫn chưa có kết luận cụ thể. Theo một số báo cáo giải thích rằng, các kích thích tố nội tiết nữ có vai trò quan trọng làm cho tỷ lệ mắc hội chứng này ở nữ giới cao hơn nam giới. Người ta xác định thụ thể estrogen ở dây chằng ngang ống cổ tay, trong tế bào xơ non và tế bào màng hoạt dịch của các bao gân trong ống cổ tay và estrogen có vai trò điều hòa sinh tổng hợp collagen và tăng sinh các tế bào xơ non.

Ở những bệnh nhân mắc hội chứng ống cổ tay, thì các thụ thể này bị kích ứng làm thay đổi thành phần collagen. Điều này dẫn đến các thành phần trong ống cổ tay giảm độ đàn hồi và rất dễ bị tổn thương. Khi chuyển động trong ống cổ tay chúng gây phù nề, làm tăng áp lực trong ống cổ tay và cuối cùng dẫn đến hội chứng ống cổ tay.

Cũng có nghiên cứu đưa ra luận điểm rằng có thể do ống cổ tay ở phụ nữ nhỏ hơn ở nam giới. Mà kích thước gân tương đương nên làm cho thể tích đường hầm nhỏ hơn. Khi phụ nữ mang thai, sự gia tăng kích thích làm cho phù nề tổ chức tăng thể tích bên trong ống cổ tay, làm tăng nguy cơ mắc hội chứng ống cổ tay ở nữ. Có một số tác giả khác lại cho rằng có sự khác biệt về tỷ lệ mắc hội chứng ống cổ tay giữa nam và nữ là do nữ giới phải làm công việc nội trợ nhiều hơn.

Mặc dù chưa có nghiên cứu nào khẳng định nghề nghiệp là nguyên nhân gây bệnh. Nhưng các nghiên cứu về sự liên quan giữa nghề nghiệp và hội chứng ống cổ tay đều cho thấy tăng nguy cơ mắc bệnh với công việc sử dụng cổ tay với cường độ làm việc nặng, lặp đi lặp lại, hoặc phải làm việc với những dụng cụ nặng, độ rung giật cao, sử dụng lực ở cổ tay mạnh. Sở dĩ điều này là do áp lực trong ống cổ tay gia tăng và tác động tới dây thần kinh giữa. Nếu tình trạng này kéo dài mà không có biện pháp cải thiện có thể làm cho dây thần kinh bị tổn thương và dẫn đến hội chứng ống cổ tay.

Nói chung y văn mới chỉ thừa nhận tỷ lệ mắc hội chứng cổ tay ở nữ giới là cao hơn nam giới. Còn nguyên nhân tại sao thì chưa được lý giải rõ ràng.

3. Điều trị hội chứng đường hầm cổ tay bằng cách nào?

3.1 Điều trị Nội khoa và/hoặc vật lý trị liệu

Đa số những bệnh nhân được phát hiện mắc hội chứng ống cổ tay thường đều được điều trị nội khoa (sử dụng thuốc) và kết hợp với chế độ tập luyện, nghỉ ngơi, hạn chế vận động cổ tay (và/hoặc tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng).

Phương pháp điều trị nội khoa chủ yếu hiện nay được áp dụng đó là sử dụng thuốc chống viêm không steroid đường uống, thuốc giảm đau, và tiêm corticoid tại chỗ.

Khám và điều trị hội chứng đường hầm cổ tay

Thu Cúc TCI khám và điều trị hiệu quả hội chứng đường hầm cổ tay với chuyên gia nội thần kinh và cơ xương khớp.

3.2 Phẫu thuật ống cổ tay (điều trị ngoại khoa)

Trong điều trị phẫu thuật hội chứng ống cổ tay, việc cắt dây chằng ngang sẽ giúp mở rộng khoang ống cổ tay. Khi khoang ống cổ tay được mở rộng, nó sẽ giúp giảm áp lực trong ống cổ tay, giảm sự chèn ép lên dây thần kinh giữa, giảm hiện tượng thiếu máu cục bộ của dây giữa. Và từ đó làm cải thiện triệu chứng lâm sàng cũng như dẫn truyền thần kinh của dây giữa.

Việc phẫu thuật giải ép thần kinh giữa trong điều trị hội chứng ống cổ tay đã được thực hiện tại nhiều bệnh viện trên cả nước và quốc tế. Đa số các tác giả đều cho rằng phẫu thuật điều trị hội chứng ống cổ tay có tác dụng làm cải thiện triệu chứng lâm sàng ngay trong những tháng đầu tiên.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital