Khám mắt định kỳ là việc làm cần thiết nhằm bảo vệ và chăm sóc đôi mắt đúng cách. Tuy nhiên hiện nay, có không ít người coi thường việc thăm khám nhãn khoa định kỳ, dẫn tới nhiều hậu quả đáng tiếc.
Menu xem nhanh:
1. Mức độ quan trọng của việc khám mắt định kỳ
Sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ cũng khiến cho con người bị cuốn vào guồng quay của công việc với áp lực vô cùng lớn, thói quen sinh hoạt không thể tách rời các thiết bị điện tử. Bởi vậy, tỷ lệ người mắc các bệnh về mắt ngày càng tăng cao và trẻ hóa.
Các bệnh lý nhãn khoa không chỉ làm ảnh hưởng tới thị lực, cản trở sinh hoạt mà còn có thể dẫn tới mù lòa nếu không được thăm khám và điều trị đúng cách. Điều trị càng muộn thì nguy cơ biến chứng càng lớn và tốn kém về thời gian, chi phí. Do vậy, các bác sĩ nhãn khoa khuyến cáo mọi người cần khám mắt định kỳ để:
– Phát hiện sớm các bệnh lý nhãn khoa ngay khi ở giai đoạn đầu hoặc khi chưa biểu hiện thành bệnh.
– Điều trị bệnh sớm và đúng cách với bác sĩ có chuyên môn để rút ngắn thời gian phục hồi, giảm thiểu nguy cơ biến chứng.
– Phòng ngừa các bệnh lý về mắt nguy hiểm thông qua việc chăm sóc đôi mắt đúng cách theo hướng dẫn của bác sĩ.
2. Khi nào nên khám mắt?
Khám mắt cần được thực hiện ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường ở mắt như:
– Nhìn mờ
– Nhìn không rõ vào ban đêm
– Nhạy cảm với ánh sáng
– Đau, mỏi mắt
– Nhìn đôi
– Nhìn lượn sóng
– Có áp lực sau mắt
– Thấy có quầng sáng
– Chảy nước mắt bất thường
– Đỏ tấy, nhức mắt
– Nhức đầu…
Các bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám, kiểm tra cụ thể để xác định tình trạng sức khỏe thị lực. Thông qua đó, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp cho từng người.
3. Bao lâu nên đi khám mắt?
Tùy thuộc vào độ tuổi, đối tượng mà mọi người cần khám mắt thường xuyên với tần suất phù hợp. Theo các bác sĩ nhãn khoa, thời gian phù hợp để khám mắt định kỳ thường xuyên cụ thể là:
3.1. Trẻ em (dưới 3 tuổi)
Trẻ sơ sinh cần được khám mắt ngay sau khi sinh để phát hiện kịp thời các dị tật bất thường ở vùng mắt, tình trạng mắt lác, lé, giảm thị lực. Trẻ em từ dưới 3 tuổi cần được khám mắt từ 2-4 lần/năm để tầm soát bệnh lý sớm, giúp các bác sĩ có thể điều trị kịp thời, ngăn ngừa các di chứng ảnh hưởng tới thị lực khi trẻ bước vào giai đoạn trưởng thành.
3.2. Trẻ từ 3-9 tuổi
Trẻ em từ 3-9 tuổi đã bắt đầu học tập, có nguy cơ bị cận thị cao nên cần được khám mắt định kỳ từ sớm, khoảng từ 1-2 lần/năm. Trẻ bị tật khúc xạ khi học tiểu học cần được đo kính mắt phù hợp để làm giảm áp lực, điều tiết cho mắt.
3.3. Thiếu niên từ 10-19 tuổi
Ở giai đoạn này, trẻ tập trung nhiều cho việc học cho nên mắt thường có nguy cơ cao mắc các tật khúc xạ như cận thị, loạn thị. Đồng thời, việc ngồi học sai tư thế, học trong điều kiện thiếu ánh sáng, sử dụng nhiều thiết bị điện tử… cũng có thể khiến sức khỏe đôi mắt của trẻ bị ảnh hưởng. Do vậy, ở độ tuổi dưới 19 tuổi, trẻ cần được khám mắt định kỳ từ 1-2 lần/năm và đo kính thường xuyên khoảng 6 tháng/lần để điều chỉnh độ kính phù hợp.
3.4. Người trưởng thành 20-39 tuổi
Kiểm tra mắt toàn diện từ 1-2 lần/năm, đặc biệt là những người sinh sống trong gia đình có tiền sử mắc các bệnh về mắt. Người trưởng thành cũng có nguy cơ mắc cận thị trong khi học tập, làm việc nên cần được thăm khám sớm và đo kính thường xuyên để chỉnh độ kính phù hợp cho mắt. Ngoài ra, người trưởng thành cũng cần cảnh giác và đi khám ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường ở mắt như đau nhức, mỏi, khô mắt…
3.5. Người lớn và cao niên
Sau 40 tuổi, sức khỏe thị giác của mọi người bắt đầu suy giảm dần dần và dễ mắc các bệnh lão hóa mắt hơn. Do vậy, để theo dõi quá trình thay đổi của thị giác, người lớn cần thăm khám ít nhất 1 lần/năm hoặc từ 6 tháng/lần khám. Điều này giúp các bác sĩ có thể kiểm soát tình trạng thị lực của từng người và đưa ra các giải pháp phù hợp để làm giảm nguy cơ mắc các bệnh lý nguy hiểm.
3.6. Người có yếu tố nguy cơ
Những người có yếu tố nguy cơ mắc các bệnh về mắt cần được thăm khám nhãn khoa ngay hoặc khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào. Đó là những người có tiền sử gia đình mắc bệnh, người có sức đề kháng kém, người đang trong giai đoạn mang thai, người mắc tiểu đường, cao huyết áp…
4. Quy trình khám mắt
Để đảm bảo an toàn, mọi người nên lựa chọn khám mắt định kỳ tại các cơ sở y tế chuyên khoa mắt uy tín. Quy trình khám mắt cụ thể thường trải qua các giai đoạn cơ bản như sau:
Bước 1: Khám lâm sàng
Thăm khám ban đầu để các bác sĩ đánh giá tổng quan về tình trạng của mắt. Thông qua đó, bác sĩ sẽ định hướng, chỉ định các xét nghiệm, thủ thuật cận lâm sàng… phù hợp để chẩn đoán chính xác bệnh lý của từng người.
Bước 2: Khám cận lâm sàng
Kiểm tra cận lâm sàng giúp bác sĩ có các bằng chứng khoa học để khẳng định chẩn đoán bệnh lý của mình là chính xác. Trong quá trình khám mắt, các kỹ thuật được thực hiện cơ bản bao gồm kiểm tra thị lực, đánh giá phản xạ đồng tử, kiểm tra cơ mắt, kiểm tra tầm nhìn ngoại biên, kiểm tra nhãn áp, kiểm tra đáy mắt… Tùy thuộc vào chỉ định của bác sĩ mà mọi người sẽ phải thực hiện một hoặc nhiều kỹ thuật kiểm tra kể trên.
Bước 3: Chỉ định điều trị
Sau khi đã khám và xác định chính xác bệnh lý cũng như tình trạng mà mỗi người mắc phải, bác sĩ sẽ chỉ định các phương án điều trị phù hợp. Hiện nay, điều trị bệnh lý về mắt có thể áp dụng:
– Điều trị nội khoa: Sử dụng các loại thuốc để điều trị hoặc cải thiện tình trạng bệnh lý.
– Điều trị ngoại khoa: Can thiệp phẫu thuật để điều trị bệnh hoặc khắc phục bệnh mà mọi người mắc phải.
– Phương pháp hỗ trợ: Sử dụng kính để hỗ trợ cải thiện thị lực, giúp mọi người có thể nhìn rõ vật ở trước mắt khi mắc phải các tật cận thị, loạn thị, viễn thị…
Bước 4: Tư vấn chăm sóc
Một chế độ sinh hoạt khoa học sẽ giúp mọi người bảo vệ sức khỏe thị lực tốt hơn, hỗ trợ thúc đẩy quá trình điều trị diễn ra hiệu quả hơn. Các bác sĩ sẽ tư vấn thêm cho mọi người cách chăm sóc sức khỏe mắt khoa học, vệ sinh mắt đúng cách và chế độ dinh dưỡng cần thiết để có một đôi mắt sáng khỏe.
Bất kỳ ai cũng cần ý thức về việc khám mắt định kỳ, thường xuyên để chủ động kiểm soát và điều trị bệnh lý nhãn khoa từ sớm, giúp ngăn ngừa nguy cơ biến chứng. Bạn nên lựa chọn cơ sở y tế có uy tín, thăm khám với bác sĩ chuyên môn để đảm bảo an toàn, điều trị hiệu quả.