Rối loạn nhịp tim là tình trạng xảy ra rối loạn điện học của tim, khiến tim không thể co bóp bình thường và gây nhiều hệ lụy đối với sức khỏe. Bên cạnh các phương pháp như sử dụng thuốc chống loạn nhịp, đặt máy tạo nhịp nhân tạo, cấy máy khử rung, phẫu thuật… người bệnh có thể áp dụng một số cách chữa rối loạn nhịp tim tại nhà để kiểm soát tình trạng nhịp tim đập quá nhanh hoặc quá chậm.
Menu xem nhanh:
1. Cách chữa rối loạn nhịp tim tại nhà với những trường hợp tim đập nhanh
Nhịp tim của người bình thường dao động trong khoảng từ 60 – 100 lần/phút khi nghỉ ngơi.
Bệnh rối loạn nhịp tim là tình trạng bất thường về mặt điện học của tim, khiến tim đập nhanh, trên > 100 lần/ phút. Nhịp tim có thể tăng khi bạn thay đổi cảm xúc đột ngột như căng thẳng, sợ hãi hay do mất nước,… Lúc này, một số biện pháp có thể giúp giảm nhịp tim tại nhà như:
1.1 Tạm ngưng các hoạt động đang làm
Nếu thấy tim đập nhanh đột ngột, bạn hãy dừng ngay các việc đang làm và nghỉ ngơi tại chỗ. Lúc này đừng cố gắng vận động hoặc gắng sức sẽ khiến tim đập nhanh hơn.
1.2 Uống nhiều nước – Cách chữa rối loạn nhịp tim tại nhà đơn giản nhưng hiệu quả
Tình trạng thiếu nước có thể khiến lưu lượng tuần hoàn giảm. Lúc này tim phải làm việc nhiều hơn để bù lại lượng máu thiếu hụt, dẫn đến tăng nhịp tim. Một số trường hợp tim đập nhanh có thể kèm theo tăng huyết áp.
Thiếu nước thường đi kèm với tình trạng rối loạn điện giải và cũng khiến tim đập nhanh hơn. Vì vậy, để giữ nhịp tim ổn định, bạn nên uống đủ nước mỗi ngày và uống từng ngụm nhỏ, kể cả khi không khát.
1.3 Tăng cường các chất điện giải
Các chất điện giải như kali, canxi, magie, natri có liên quan mật thiết đến hoạt động của cơ tim. Sự rối loạn (tăng hoặc giảm quá mức) nồng độ các chất điện giải này có thể là nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim.
Bởi vậy để kiểm soát, ổn định nhịp tim tại nhà, cần cung cấp đủ các chất điện giải cho cơ thể bằng cách bổ sung các loại thực phẩm chứa nhiều kali (bơ, chuối, cam, nước dừa,…); magie (hạnh nhân, ngũ cốc, yến mạch, hạt điều),…; canxi (sữa, thịt, hải sản,…). Lưu ý, không nên dùng muối để bổ sung natri vì có thể làm tăng huyết áp.
1.4 Tránh xa chất kích thích
Tránh xa chất kích thích là một cách kiểm soát nhịp tim tại nhà hiệu quả. Bởi việc sử dụng chất kích thích như rượu bia, thuốc lá có thể khiến cơ thể tiết ra hormone gây căng thẳng, làm co mạch, tăng nhu cầu sử dụng oxy khiến tim đập nhanh hơn. Đặc biệt, đồ uống có cồn dễ gây ra những đợt nhịp nhanh nguy hiểm.
1.5 Làm mát cơ thể
Nhiệt độ tăng cao khiến tim dễ làm tăng nhịp tim do tim phải hoạt động nhiều hơn để bơm máu đến da hỗ trợ làm mát cơ thể và bài tiết mồ hôi. Do vậy, việc làm mát cơ thể có thể giúp nhịp tim giảm. Cách giảm nhiệt cơ thể nhanh chóng gồm mặc đồ mỏng nhẹ, thoáng mát, ở trong bóng râm, ăn nhiều rau xanh, uống đủ nước,…
1.6 Tập thể dục
Các bài tập nhẹ nhàng như đạp xe, yoga, bơi lội, thể dục nhịp điệu, đi bộ,… có thể giúp ổn định nhịp tim, đồng thời tăng cường sức khỏe nói chung.
1.7 Ho – Cách chữa rối loạn nhịp tim tại nhà đem lại hiệu quả bất ngờ
Tưởng chừng không liên quan nhưng hành động này lại rất hữu hiệu trong việc giúp tim đập bình thường trở lại khi bạn hồi hộp, lo lắng. Bởi những cơn ho nhẹ có thể tạo áp lực nhất định lên lồng ngực, kích thích dây thần kinh phế vị giúp tim đập chậm lại.
1.8 Thư giãn, hít thở
Lo âu, căng thẳng là nguyên nhân quan trọng gây rối loạn nhịp tim. Khi tim đập nhanh, bạn có thể giảm nhịp tim bằng cách nằm hoặc ngồi thả lỏng, hít thở sâu. Để phòng tránh tình các rối loạn nhịp, cần luôn giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ, suy nghĩ tích cực, thoải mái. Thiền hoặc các bài tập hít thở là những phương pháp đơn giản có thể áp dụng tại nhà để chữa rối loạn nhịp tim.
1.9 Massage động mạch cảnh
Các nghiên cứu cho thấy massage nhẹ động mạch cảnh trong 5 – 10 phút có thể giúp tim đập chậm lại do kích thích vào dây thần kinh lang thang. Tuy nhiên, không nên xoa, ép quá mạnh để tránh gây tổn thương động mạch này.
1.10 Nghiệm pháp Valsalva
Nghiệm pháp này được thực hiện bằng cách hít sâu rồi ngậm miệng lại, dùng tay bịt mũi, bịt tai. Giữ như vậy trong 5 – 10 giây hoặc lâu hơn, sau đó thở ra từ từ. Lúc đầu nhịp tim có thể tăng lên, nhưng sau đó sẽ giảm xuống từ từ. Không nên được thực hiện biện pháp này cho những người bị bệnh mạch vành, tim bẩm sinh, bệnh van tim, nhồi máu cơ tim, có nguy cơ đột quỵ.
Nếu đã thử các biện pháp trên nhưng vẫn không hiệu quả, bệnh nhân nên đến bệnh viện để được thăm khám và chẩn đoán chính xác. Trong trường hợp cần thiết, bạn có thể được chỉ định dùng các loại thuốc điều trị rối loạn nhịp tim như:
– Nhóm chẹn beta
– Nhóm thuốc chẹn canxi
– Nhóm thuốc ức chế kênh kali, kênh natri,…
Người bệnh nên dùng thuốc đúng theo đơn của bác sĩ bởi dùng thuốc sai cách có thể gây ra các tác dụng phụ, dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.
2 Điều trị rối loạn nhịp tim chậm
Rối loạn nhịp tim chậm ít gặp hơn, là tình trạng tim đập ít hơn 60 nhịp/phút. Tùy vào từng bệnh nhân mà sẽ có các phương pháp điều trị nhịp tim chậm khác nhau, trong đó phổ biến là đặt máy tạo nhịp tim.
– Đối với nhịp tim chậm gây rối loạn huyết động: Người bệnh cần được dùng thuốc cấp cứu (atropine, adrenalin,…) sau đó đặt máy tạo nhịp tim cấp cứu tạm thời.
– Nhịp tim chậm mạn tính: Thường các bác sĩ sẽ chỉ định cấy máy tạo nhịp vĩnh viễn trong những trường hợp nặng.
Trong trường bệnh chưa có các dấu hiệu chưa rõ ràng, có thể điều trị nội khoa bằng theophylline.
3. Các dấu hiệu cảnh báo chứng rối loạn nhịp tim
Không ít bệnh nhân bị rối loạn nhịp tim nhưng hoàn toàn không có bất cứ một biểu hiện nào, hoặc các biểu hiện khá mơ hồ. Các triệu chứng rối loạn nhịp tim nếu có thì rất đa dạng, biểu hiện ở nhiều mức độ từ nhẹ đến nặng.
Những triệu chứng thường gặp cho thấy có thể bạn đã bị rối loạn nhịp gồm:
– Hồi hộp
– Đánh trống ngực, tim đập mạnh
– Khó thở, hụt hơi
– Ran ngực
– Yếu sức
Ngoài ra, các triệu chứng có thể cho thấy rối loạn nhịp nặng cần lưu ý gồm:
– Đau ngực
– Vã mồ hôi
– Chóng mặt, hoa mắt, mắt tối sầm lại
– Ngất hoặc suýt ngất
– Mệt mỏi, lừ đừ
Thông thường các rối loạn nhịp hầu như không gây ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe nhưng cũng có những loại loạn nhịp gây suy giảm chức năng tim theo thời gian, hoặc gây ra các triệu chứng nguy hiểm đe dọa tính mạng. Khi có những triệu chứng nghi ngờ, đặc biệt là tình trạng ngất, gần ngất, bạn cần khám chuyên khoa tim mạch để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.