Tiêm phòng uốn ván xong bị sưng và ngứa: Lý do và cách xử lý

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ - Bác sĩ

Đặng Thị Kim Hạnh

Trưởng đơn vị Tiêm chủng

Uốn ván là một trong những căn bệnh vô cùng nguy hiểm. Hiện nay vẫn chưa có thuốc chữa khỏi hoàn toàn. Do đó, để tránh những tác động tiêu cực tới sức khỏe con người, tiêm vắc xin uốn ván là cách duy nhất giúp phòng tránh căn bệnh này. Tuy nhiên, một vài trường hợp khi tiêm phòng uốn ván xong bị sưng và ngứa tại vị trí tiêm, nguyên nhân của vấn đề này là gì và cần xử lý như thế nào? Cùng tìm hiểu những thông tin dưới đây nhằm trả lời cho câu hỏi trên. 

1. Tiêm phòng uốn ván có thể tránh được những hậu quả nghiêm trọng

Bệnh uốn ván (tetanus) là một bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng do vi khuẩn Clostridium tetani gây ra và có thể dẫn tới nhiều biến chứng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời. Sự nguy hiểm của bệnh uốn ván được thể hiện qua một số chi tiết như sau:

– Triệu chứng chính của uốn ván là cơ co cứng và đau đớn, đặc biệt là ở cơ bắp cổ và mặt. Các triệu chứng này có thể trở nên rất đau đớn và gây khó khăn trong việc di chuyển, thậm chí làm cho người bệnh không thể mở miệng hoặc nuốt thức ăn và nước uống.

– Uốn ván có thể gây ra các biến chứng cơ bản, bao gồm suy hô hấp (do cơ co cứng ảnh hưởng đến cơ hoành), suy tim, nhiễm trùng thứ phát và tổn thương các cơ quan và cơ ổ bụng. Những biến chứng này có thể dẫn đến tình trạng nghiêm trọng và đe dọa tính mạng.

– Uốn ván có thể làm cơ hoành cứng co, gây ra khó thở và suy hô hấp. Điều này dẫn đến nguy cơ ngưng thở, đặc biệt là đối với trẻ em và người cao tuổi.

– Bệnh uốn ván có thể gây tổn thương cho hệ thống thần kinh, dẫn đến các triệu chứng như co giật, sưng nóng và tổn thương dây thần kinh.

– Nếu bệnh uốn ván không được điều trị kịp thời thì có thể dẫn đến tử vong. Tỷ lệ tử vong trong trường hợp uốn ván rất cao, đặc biệt là ở các nước nghèo với khả năng tiếp cận y tế kém.

Vì sự nguy hiểm của bệnh uốn ván, việc phòng ngừa thông qua tiêm phòng và chăm sóc y tế kịp thời rất quan trọng. Nếu bạn hoặc ai đó bị thương và có nghi ngờ nhiễm trùng uốn ván, cần tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức để ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm.

Tiêm uốn ván

Tiêm vắc xin uốn ván giúp cơ thể tránh khỏi những hậu quả nghiêm trọng do căn bệnh này gây ra

2. Hiện tượng tiêm phòng uốn ván xong bị sưng và ngứa

2.1. Nguyên nhân khi tiêm phòng uốn ván xong bị sưng và ngứa

Việc sau khi tiêm phòng vắc xin uốn ván bị sưng và ngứa tại vị trí tiêm là một phản ứng của cơ thể đối với vắc xin. Sau đây là một số nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trên.

– Do thành phần của vắc xin: Trong vắc xin thường có các thành phần như chất bảo quản, tá dược,… gây ra những kích thích và các phản ứng thông thường của cơ thể người. Không cần lo lắng vì những phản ứng này sẽ tự khỏi sau vài ngày, hiếm khi trở nên nghiêm trọng.

– Xảy ra sai sót trong quá trình tiêm: Một số nguyên nhân như cách pha thuốc, bảo quản không đúng quy định, tiêm sai kỹ thuật và không đúng vị trí hoặc không đảm bảo vắc xin vô khuẩn,… cũng là những lý do gây nên tình trạng sưng tấy và ngứa tại vị trí tiêm.

– Bệnh lý có sẵn trong cơ thể: Trong trường hợp người tiêm đang bị nhiễm trùng hoặc các bệnh lý tiềm ẩn thì có thể xuất hiện phản ứng như sưng và ngứa.

2.2. Xử lý hiện tượng tiêm phòng uốn ván xong bị sưng và ngứa như thế nào?

Nếu sau khi tiêm vắc xin uốn ván xuất hiện hiện tượng bị sưng và ngứa thì chúng ta có thể áp dụng các biện pháp sau:

Chườm đá lạnh

Sử dụng một túi đá nhỏ hoặc bọc đá viên vào 1 chiếc khăn sạch. Sau đó, chườm lên vùng sưng đỏ của vết tiêm trong khoảng 30 giây. Sau khi được 30 giây thì dừng khoảng 5 giây rồi lại tiếp tục chườm. Thực hiện liên tục hoạt động này trong khoảng 20 – 30 phút.

Nếu sau 24 giờ tình trạng sưng và ngứa không được cải thiện thì cần áp dụng sang biện pháp chườm nóng. Lưu ý là không chườm đá trực tiếp lên vết tiêm vì có thể gây ra tình trạng bỏng lạnh.

Biện pháp mát – xa

Chúng ta có thể giảm tình trạng sưng và ngứa vị trí tiêm bằng cách thực hiện biện pháp mát – xa nhẹ nhàng xung quanh vùng da đã tiêm. Tốt nhất là thực hiện khoảng 20 – 30 phút ngay sau khi tiêm vắc xin để giảm hiện tượng sưng đỏ, ngứa.

Một số biện pháp dân gian được lưu truyền như sử dụng lát khoai tây hoặc sử dụng vôi nhai trầu không để đắp vào vết tiêm là hoàn toàn không khoa học. Bởi nếu không được vệ sinh cẩn thận cũng như tùy theo cơ địa của mỗi người mà tình trạng sưng, ngứa có thể trở nên trầm trọng hơn.

tiêm phòng uốn ván xong bị sưng và ngứa

Chườm đá là một trong nhưng biện pháp hữu hiệu giúp giảm sưng và ngứa tại vết tiêm

3. Phản ứng ngứa và sưng sau tiêm có nguy hiểm không?

Câu trả lời là không. Vắc xin được sản xuất ra nhằm mục đích bảo vệ sức khỏe con người. Do đó, ngoại trừ những trường hợp chống chỉ định khi tiêm hoặc sai sót trong quá trình tiêm vắc xin ra thì có thể nói vắc xin là an toàn đối với sức khỏe.

Phản ứng sưng và ngứa tại vị trí tiêm là vô cùng bình thường do cơ thể có những phản ứng khi vắc xin được đưa vào cơ thể. Do đó, nếu xuất hiện những hiện tượng trên thì không cần quá lo lắng vì chúng sẽ biến mất sau vài ngày.

Ngoài sưng và ngứa tại chỗ tiêm còn một số tác dụng phụ khác như sốt, đau đầu, cơ thể mệt mỏi và buồn nôn,… Đây cũng là những hiện tượng hoàn toàn bình thường sau khi tiêm và có thể tự khỏi. Tuy nhiên nếu những triệu chứng trên kéo dài và không có dấu hiệu thuyên giảm thì hãy đến cơ sở y tế uy tín để được thăm khám ngay.

tác dụng phụ

Một số tác dụng phụ khác sau khi tiêm vắc xin uốn ván có thể xuất hiện như đau đầu, mệt mỏi

Trên đây là những thông tin nhằm giúp mọi người giải đáp các thắc mắc về hiện tượng sưng và ngứa sau khi tiêm vắc xin uốn ván. Hy vọng qua những thông tin này, người đọc có thể dễ dàng xử lý tình huống nói trên.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital