Tiêm phòng cho phụ nữ mang thai: 5 loại vắc xin cần thiết

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKI

Nguyễn Minh Vỹ

Bác sĩ tiêm chủng

Việc tiêm phòng cho phụ nữ mang thai là hoạt động rất cần thiết. Nếu không tiêm phòng, bạn có thể mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cũng như bé sinh ra có nguy cơ dị tật bẩm sinh cao, thậm chí sảy thai và sinh non. 

1. 5 Loại vắc xin phụ nữ mang thai cần ghi nhớ

1.1. Vắc xin cúm

Cúm mùa là một căn bệnh truyền nhiễm dễ lây lan, đặc biệt trong mùa đông xuân. Đối với người bình thường khi mắc cúm mùa có thể điều trị bằng cách sử dụng thuốc kháng sinh. Tuy nhiên đối với phụ nữ mang thai, việc sử dụng thuốc kháng sinh tùy tiện có thể gây hại cho thai nhi. Ngoài ra việc bị cúm trong thai kỳ, nhất là trong khoảng 3 tháng đầu có nguy cơ cao gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi như sứt môi, hở hàm ếch, sinh non, nhẹ cân thậm chí thai lưu hoặc sảy thai. Việc tiêm phòng vắc xin cúm sẽ giúp giảm đi đáng kể tỷ lệ mắc bệnh và thời gian hiệu lực của vắc xin kéo dài khoảng 1 năm.

1.2. Vắc xin ho gà, bạch hầu, uốn ván

Ho gà, bạch hầu và uốn ván đều là những bệnh nhiễm trùng nguy hiểm gây ra bởi vi khuẩn. Trong đó bạch hầu, ho gà lây truyền qua đường hô hấp nên nguy cơ mắc bệnh trong thai kỳ rất cao và việc chủ quan đối với những vết thương có thể gây uốn ván bởi loại vi khuẩn này tồn tại bền vững trong môi trường tự nhiên.

Nếu phụ nữ mang thai mắc những bệnh lý trên có thể kéo theo những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng cho cả mẹ và bé như bất thường thai nhi, chậm phát triển, sảy thai, sinh non và vô sinh. Bên cạnh đó vắc xin gộp ho gà, bạch hầu, uốn ván chỉ được tiêm khi trẻ đã đủ 2 tháng, tức trong khoảng thời gian từ khi trẻ sinh ra cho đến khi được 2 tháng tuổi thì nguy cơ mắc bệnh rất cao. Do đó việc tiêm phòng cho mẹ giúp hạn chế tối đa nguy cơ mắc bệnh trong thai kỳ cũng như giúp cơ thể trẻ tiếp nhận một số kháng nguyên chống lại vi khuẩn ngay từ trong bụng mẹ.

tiêm phòng cho phụ nữ mang thai

Việc tiêm phòng cho mẹ giúp hạn chế tối đa nguy cơ mắc bệnh trong thai kỳ cũng như giúp cơ thể trẻ tiếp nhận một số kháng nguyên chống lại vi khuẩn ngay từ trong bụng mẹ.

1.3. Vắc xin sởi, quai bị, Rubella

Sởi, quai bị và Rubella là những bệnh dễ lây qua đường hô hấp, tuy không gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe mẹ nhưng lại có ảnh hưởng lớn đến thai nhi, kéo theo các vấn đề như dị tật, suy dinh dưỡng thai, lưu thai hoặc sinh non. Phụ nữ mắc Rubella trong giai đoạn đầu thai kỳ có thể sinh ra trẻ mắc Rubella bẩm sinh với các di chứng như chậm phát triển, dị tật bẩm sinh ở mắt, xương, hệ thần kinh, tim mạch,…

1.4. Vắc xin thủy đậu

Phụ nữ bị thủy đậu trong 3 tháng đầu thai kỳ dù có được điều trị khỏi thì biến chứng bệnh để lại vẫn cực kỳ nghiêm trọng như dị tật thai nhi gồm đục thủy tinh thể, bệnh tim mạch, tổn thương não và bệnh thủy đậu bẩm sinh. Theo thống kê từ Bộ Y tế, có khoảng 30% trẻ em tử vong nếu mắc bệnh thủy đậu bẩm sinh và 15% trẻ em có nguy cơ mắc Zona trong 4 năm đầu đời.

Để tránh khỏi tình trạng này thì biện pháp duy nhất là thực hiện tiêm vắc xin thủy đậu. Tuy nhiên cần lưu ý vắc xin này chỉ được tiêm cho phụ nữ chưa từng mắc thủy đậu trước đây và nếu bạn đã tiêm vắc xin thủy đậu từ khi còn nhỏ thì vẫn cần tiêm mũi nhắc lại trước thai kỳ khoảng 3 tháng.

1.5. Vắc xin viêm gan B

Viêm gan B là bệnh lý truyền nhiễm nguy hiểm gây ra bởi virus HBV. Trong thai kỳ, sức đề kháng của người mẹ suy yếu rõ rệt, nếu mắc viêm gan B thì nguy cơ cao biến chứng sang xơ gan, suy gan thậm chí ung thư gan. Bên cạnh đó bệnh có thể truyền từ mẹ sang con gây ra chứng vàng da ở trẻ.

Để chủ động phòng bệnh, Tổ chức Y tế Thế giới WHO khuyến cáo tất cả phụ nữ hoàn thành 3 mũi vắc xin viêm gan B trước khi mang thai.

tiêm phòng cho phụ nữ mang thai

Để được tư vấn thêm về phác đồ tiêm phù hợp, bạn có thể qua các cơ sở y tế uy tín để nhận tư vấn.

2. Phác đồ tiêm chi tiết dành cho phụ nữ trước và trong khi mang thai

2.1. Phác đồ tiêm phòng cho phụ nữ trước khi mang thai

– Đối với vắc xin sở, quai bị, Rubella: Tiêm 3 – 6 tháng, muộn nhất là 1 – 3 tháng trước khi mang thai.

– Đối với vắc xin cúm: Tiêm trước khi mang thai ít nhất 1 tháng và tiêm nhắc lại hàng năm.

– Đối với vắc xin ho gà, bạch hầu, uốn ván: Tiêm 1 mũi duy nhất trong khoảng 4 – 64 tuổi.

– Đối với vắc xin thủy đậu: Tiêm trước khi mang thai 3 tháng, tuyệt đối không tiêm trong thời gian mang thai.

– Đối với vắc xin viêm gan B: Có thể tiêm trước hoặc trong khi mang thai nhưng tốt nhất nên tiêm trước để có sự chuẩn bị sức khỏe tốt nhất. Loại vắc xin này có 3 mũi, do đó bạn nên sắp xếp thời gian tiêm phòng phù hợp. Trong trường hợp đã từng tiêm vắc xin viêm gan B, bạn nên thực hiện xét nghiệm kiểm tra kháng thể để xem xét độ cần thiết của mũi nhắc lại.

Ngoài ra nếu bạn có điều kiện có thể thực hiện tiêm vắc xin phòng ung thư cổ tử cung, các bệnh do HPV, phế cầu khuẩn, viêm màng não mô cầu A, C, Y,… trước khi mang thai.

2.2. Phác đồ tiêm phòng cho phụ nữ mang thai

Đối với phụ nữ mang thai lần đầu nên tiêm 2 mũi vắc xin uốn ván trong thai kỳ. Mũi đầu có thể tiêm từ tuần 20, sau ít nhất một tháng tiêm mũi 2.

Từ lần mang thai sau, bạn chỉ cần tiêm một mũi vắc xin uốn ván nếu lần có thai trước đã tiêm đủ 2 mũi.

tiêm phòng cho phụ nữ

Phụ nữ mang thai lần đầu nên tiêm 2 mũi vắc xin uốn ván trong thai kỳ.

3. Những lưu ý trong quá trình tiêm phòng cho phụ nữ mang thai

3.1. Tại sao phụ nữ mang thai cần tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch?

Việc tiêm phòng trước khi mang thai là không bắt buộc tuy nhiên nếu không tiêm phòng, bạn có thể mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cũng như bé sinh ra có nguy cơ dị tật bẩm sinh cao, thậm chí sảy thai và sinh non. Nếu bạn tiêm vắc xin đầy đủ trước khi mang thai thì có thể truyền kháng thể bảo vệ một cách thụ động sang cho bé, bảo vệ bé khỏi nguy cơ mắc bệnh khi chưa đến độ tuổi tiêm vắc xin.

Về nguyên tắc, việc tiêm đúng phác đồ là phương pháp phòng bệnh tối ưu nhất, giúp vắc xin phát huy tối đa hiệu quả phòng bệnh. Nếu vì bất kỳ nguyên do nào khiến việc tiêm phòng bị chậm trễ sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe mẹ và bé. Do đó khi trễ lịch, bạn cần thực hiện tiêm càng sớm càng tốt cũng như thông báo cho bác sĩ để có chỉ định tiêm phù hợp, đảm bảo hiệu quả vắc xin.

3.2. Cần làm gì khi xuất hiện những phản ứng sau tiêm?

Sau khi tiêm có thể xảy ra một số phản ứng như sưng đau tại vị trí tiêm, sốt nhẹ. Bạn có thể sử dụng các biện pháp như chườm ấm, bổ sung rau xanh và trái cây giàu vitamin để giảm nhẹ các triệu chứng này. Không tự ý sử dụng thuốc và nếu thời gian sốt quá lâu kèm mệt mỏi, ngủ li bì thì bạn nên đến ngay cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra kịp thời.

Nếu bạn gặp các triệu chứng hắt hơi, chảy nước mũi có thể dùng nước muối sinh lý rửa sạch mũi để thoải mái hơn.

Trên đây là những thông tin về tiêm chủng cho phụ nữ mang thai. Nếu bạn còn những thắc mắc liên quan, hãy liên hệ ngay đến Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI để được hỗ trợ sớm nhất!

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital