Thời gian tiêm phòng viêm gan B cho người lớn và trẻ em

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ - Bác sĩ

Đặng Thị Kim Hạnh

Trưởng đơn vị Tiêm chủng

Vacxin viêm gan B có rất ít tác dụng phụ và được xem là loại vacxin an toàn với mọi độ tuổi. Đây cũng là phương pháp tối ưu hiện nay giúp chủ động phòng tránh căn bệnh nguy hiểm viêm gan siêu vi B. Tuy nhiên không phải ai cũng biết rõ về thời gian tiêm phòng viêm gan B như thế nào là phù hợp cho từng đối tượng. 

1. Con đường truyền bệnh của virus viêm gan B

Dù có cùng cách thức truyền bệnh với virus HIV nhưng virus viêm gan B có tốc độ lây truyền rất nhanh, cao gấp 50 – 100 lần HIV. Cụ thể những con đường lây truyền của virus viêm gan B gồm:

– Từ mẹ sang con: Tỉ lệ lây truyền virus viêm gan B từ mẹ sang con tăng dần vào các tháng cuối thai kỳ và đặc biệt trong quá trình sinh nở. Do đó phụ nữ cần xét nghiệm viêm gan B trước khi mang thai để chuẩn bị các biện pháp an toàn cho bé.

– Từ trẻ qua trẻ: Lây truyền thường xảy ra ở nhà trẻ, bệnh viện nhi và trường học. Cơ chế lây truyền virus viêm gan B từ trẻ qua trẻ có liên quan đến sự tiếp xúc trực tiếp các vết thương, trầy xước trên da, niêm mạc chảy máu hay dịch tiết từ vết thương. Virus viêm gan B cũng có thể lây truyền thông qua tiếp xúc nước bọt ở vết cắn hoặc hành động nhá thức ăn cho trẻ.

– Đường tình dục: Virus viêm gan B có thể tồn tại trong tinh dịch và dịch âm đạo, do đó dễ dàng lây truyền thông qua hoạt động tình dục.

– Đường máu: Sử dụng chung kim tiêm, truyền máu, tiếp xúc với các vết thương hở,… đều là những con đường có thể lây truyền bệnh.

thời gian tiêm phòng viêm gan b

Dù có cùng cách thức truyền bệnh nhưng virus viêm gan B có tốc độ lây truyền cao gấp 100 lần HIV.

2. Thời gian tiêm phòng viêm gan B cho mọi đối tượng

2.1. Thời gian tiêm phòng viêm gan B cho trẻ em

Tất cả trẻ em sơ sinh đều cần được tiêm một mũi vacxin ngừa viêm gan B trong vòng 24 giờ sau khi sinh. Tuy nhiên chỉ sử dụng vacxin đơn giá để thực hiện tiêm liều sơ sinh này và có thể tiêm cùng lúc với vacxin phòng lao BCG nhưng sẽ tiêm ở 2 vị trí khác nhau.

Đối với trẻ có mẹ nhiễm virus viêm gan B

Trong thời điểm mang thai, tỉ lệ lây truyền virus viêm gan B từ mẹ sang con thường không quá 2%. Tuy nhiên trong những tháng cuối thai kỳ và đặc biệt là quá trình chuyển dạ, khả năng lây nhiễm virus tăng lên rất cao. Do đo ngoài một mũi vacxin ngừa viêm gan B như đã đề cập ở trên, trẻ cần tiêm thêm một mũi kháng thể HBIg trong khoảng 12 – 24 giờ đầu, thời điểm tiêm càng trễ thì hiệu lực càng giảm. Mục đích của việc tiêm 2 mũi này là giúp tạo đồng thời miễn dịch thụ động và chủ động cho trẻ và vị trí tiêm phải khác nhau.

Ngoài ra trình tự tiêm phòng cho trẻ có thể theo 2 phác đồ sau:

Phác đồ 0 – 1 – 2 – 12:

– Mũi đầu: Tiêm trong vòng 24 giờ sau sinh, cần phối hợp tiêm huyết thanh kháng thể HBIg.

– Mũi 2, 3 và 4 tiêm lần lượt khi trẻ được 1 tháng tuổi, 2 tháng tuổi và 12 tháng tuổi.

Phác đồ 0 – 1 – 6 – 18:

– Mũi đầu: Tiêm trong vòng 24 giờ sau sinh, cần phối hợp tiêm huyết thanh kháng thể HBIg.

– Mũi 2, 3 và 4 tiêm lần lượt khi trẻ được 1 tháng tuổi, 6 tháng tuổi và 18 tháng tuổi.

Sau khi tiêm mũi 4 ít nhất một tháng, trẻ có thể xét nghiệm HBsAg và HBsAb để xác định có bị nhiễm viêm gan B không cũng như hiện tại đã đủ kháng thể để bảo vệ trẻ chưa. Cần lưu ý vacxin viêm gan B không tạo miễn dịch suốt đời bởi lượng kháng thể sẽ giảm dần theo thời gian, do đó mỗi 5 năm phụ huynh cần cho trẻ xét nghiệm kháng thể viêm gan B một lần, nếu lượng kháng thể nhỏ hơn 10mIU/ml thì trẻ cần thực hiện tiêm nhắc lại để đảm bảo hiệu quả phòng bệnh.

Đối với trẻ có mẹ không nhiễm virus viêm gan B

Trình tự tiêm phòng cho trẻ có thể theo phác đồ sau:

Phác đồ 0 – 2 – 4 – 18:

– Mũi đầu: Tiêm trong vòng 24 giờ sau sinh.

– Mũi 2, 3 và 4 tiêm lần lượt khi trẻ được 2 tháng tuổi, 4 tháng tuổi và 18 tháng tuổi.

Ngoài ra phụ huynh có thể cho trẻ tiêm phòng viêm gan B theo phác đồ 5 mũi của Bộ Y tế Việt Nam là 0-2-3-4-18. Đối với trẻ được tiêm phòng đầy đủ, hiệu quả bảo vệ có thể lên đến 90% trong 20 năm.

Ngay sau khi tiêm, phụ huynh nên cho trẻ ở lại cơ sở tiêm phòng khoảng 30 phút để theo dõi tình hình sức khỏe trước khi về nhà. Trong vài ngày kế tiếp, phụ huynh cần tiếp tục theo dõi tình hình sức khỏe của bé. Nếu phát hiện bất thường cần báo ngay cho bác sĩ để kịp thời xử lý.

Sau khi tiêm vacxin, trẻ có thể gặp phải một số phản ứng cơ thể nhẹ bao gồm sưng tấy nhẹ, đỏ da tại vị trí tiêm, sốt nhẹ và quấy khóc. Trong những tình huống này, phụ huynh có thể làm mát người cho trẻ bằng cách cho bú thêm, lau mát, không quấn hoặc mặc quá nhiều quần áo cho trẻ. Nếu trẻ sốt trên 38.5 độ C, phụ huynh có thể cho trẻ dùng paracetamol với liều lượng thích hợp theo cân nặng để hạ sốt.

Nếu sau khi sử dụng thuốc hạ sốt mà trẻ vẫn không thuyên giảm, cơn sốt kéo dài nhiều ngày, trẻ quấy khóc, li bì, khó thở, bỏ bú, tím tái,… phụ huynh cần ngay lập tức đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để thăm khám.

thời gian tiêm viêm gan b

Ngay sau khi tiêm, phụ huynh nên cho trẻ ở lại cơ sở tiêm phòng khoảng 30 phút để theo dõi tình hình sức khỏe trước khi về nhà.

2.1. Thời gian tiêm phòng viêm gan B cho người lớn

Đối với người lớn cần thực hiện các xét nghiệm HBsAg và HBsAb trước khi tiêm phòng để biết liệu cơ thể đã nhiễm virus viêm gan B chưa hay trong cơ thể có kháng thể kháng virus viêm gan B không. Nếu kết quả HBsAg dương tính nghĩa là bạn đã nhiễm virus viêm gan B, khi đó việc tiêm phòng không còn hiệu quả.

Nếu kết quả HBsAb dương tính nghĩa là bạn đã có kháng thể kháng virus viêm gan B trong cơ thể, khi đó sẽ dựa vào nồng độ HBSAb để xem xét liệu mũi tiêm nhắc lại có cần thiết hay không. Nếu cả hai xét nghiệm HBsAg và HBsAb đều âm tính tức là bạn chưa mắc bệnh và cơ thể cũng không có kháng thể, lúc này việc tiêm vacxin là cần thiết để phòng bệnh.

Trình tự tiêm phòng cho người lớn có thể theo phác đồ sau:

– Phác đồ 0 – 1 – 6: Tức mũi 2 cách mũi đầu 1 tháng và mũi 3 cách mũi đầu 6 tháng (cách mũi 2 là 5 tháng).

– Phác đồ 0 – 1 – 2 – 12: Tức tiêm 3 mũi liên tiếp cách nhau 1 tháng, mũi 4 tiêm sau 1 năm.

Ngoài ra, bạn nên thực hiện xét nghiệm HbsAb sau mỗi 5 năm để nắm được lượng kháng thể sót lại trong cơ thể. Nếu HbsAb nhỏ hơn 10mIU/ml thì bạn cần thực hiện tiêm nhắc lại để đảm bảo hiệu quả phòng bệnh.

vắc xin viêm gan B

Người lớn cần thực hiện các xét nghiệm HBsAg và HBsAb trước khi tiêm phòng viêm gan B.

Vacxin viêm gan B có rất ít tác dụng phụ và được xem là loại vacxin an toàn với mọi độ tuổi. Thông thường sau khi tiêm bạn sẽ chỉ bị đau nhẹ, đỏ da và hơi sưng tại vị trí tiêm. Các phản ứng nặng như tụt huyết áp, khó thở, sốt cao,… rất hiếm khi xảy ra. Tuy nhiên nếu gặp phải những triệu chứng này, bạn cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ, theo dõi và điều trị kịp thời.

Mong rằng thông qua bài viết này bạn đã biết được lịch tiêm phòng vacxin viêm gan B cho trẻ em và người lớn để đạt hiệu quả phòng bệnh tốt nhất. Nếu cần tư vấn thêm về các vấn đề tiêm chủng, bạn hãy liên hệ đến Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI để được hỗ trợ nhé.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital