Thoái hóa cột sống có thể chữa khỏi hoàn toàn không?

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CK II, Thầy thuốc ưu tú

Nguyễn Thị Kim Loan

Bác sĩ Nội Khoa

Thoái hóa cột sống phổ biến ở người lớn tuổi nhưng gần đây bệnh ngày càng có xu hướng trẻ hóa, đặc biệt thường gặp ở dân văn phòng, tài xế lái xe, thợ may,… Nếu để tình trạng thoái hóa diễn biến nặng sẽ làm giảm khả năng vận động và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

1. Hiểu về thoái hóa cột sống

Tình trạng thoái hóa ở cột sống xảy ra khi các lớp sụn khớp bị bào mòn, dẫn đến các đầu xương đốt sống sẽ va chạm với nhau khi cơ thể hoạt động và gây viêm. Tình trạng thoái hóa bao gồm thoát vị đĩa đệm và gai đốt sống.

Bệnh lý này thường xảy ra ở người có độ tuổi trên 40. Bệnh sẽ gây ra viêm khớp, đau nhức, mọc gai ở những đốt sống, làm giảm khả năng vận động của người bệnh. Những vị trí thường bị thoái hóa là: cổ, ngực, lưng và thắt lưng.

2. Dấu hiệu nhận biết

Tình trạng thoái hóa cột sống hay gặp nhất là thoái hóa đốt sống cổ và thoái hóa đốt sống lưng. Triệu chứng chung là người bệnh cảm thấy đau nhức, đau âm ỉ, khó chịu. Tuy nhiên, tùy theo vị trí thoái hóa, các cơn đau ở mỗi trường hợp sẽ khác nhau:

– Xuất hiện những cơn đau thường xuyên và âm ỉ qua từng ngày, chủ yếu là đau ở vùng thắt lưng và vùng vai gáy.

– Khi các cơn đau kéo dài từ ngày này qua ngày khác sẽ khiến cho người bệnh ăn không ngon, mất ngủ, sút cân, làm việc không có hiệu quả.

– Cơn đau có thể lan đến các vị trí khác như vai, hông, đùi, thần kinh tọa. Nếu nặng hơn, người bệnh sẽ khó khăn khi đi lại, không thể di chuyển lâu.

– Cử động bị hạn chế, khó thực hiện các động tác: cúi, gập hoặc xoay người

– Với trường hợp thoái hóa đốt sống cổ có thể gây đau đầu, chóng mặt, nấc, ngáp,…

– Nếu nặng có thể ảnh hưởng đến các dây thần kinh và tủy sống (chèn ép tủy sống và các dây thần kinh). Không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể dẫn đến teo cơ, bại liệt.

Nhân viên văn phòng có nguy cơ mắc thoái hóa cột sống cao

Nhân viên văn phòng, tài xế lái xe, thợ may có nguy cơ mắc thoái hóa cột sống cao.

3. Nguyên nhân bị thoái hóa

Tuổi tác là nguyên nhân chính dẫn đến xương đốt sống bị thoái hóa (khoảng 80% người trên 50 tuổi bị bệnh này). Ngoài ra, còn có các nguyên nhân khác gây tình trạng thoái hóa là:

– Người làm các công việc phải ngồi lâu, cố định 1 tư thế trong thời gian dài, hường xuyên phải mang vác nặng, phụ nữ hay đi giày cao gót,…

– Các thói quen xấu: Ngồi gù lưng, ngủ kê gối cao, bẻ cổ,…

– Ăn uống thiếu dinh dưỡng

– Chấn thương: Hoạt động thể thao, va chạm ở lưng, cổ dẫn đến chấn thương

– Di truyền: vẹo cột sống, gai cột sống, hẹp đốt sống,…

4. Bệnh này có nguy hiểm không?

Bệnh này không đe dọa trực tiếp đến tính mạng nhưng lâu ngày gây ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của người bệnh.

4.1 Thoái hóa cột sống gây thoát vị đĩa đệm

Khi cột sống bị thoái hóa thì chỉ cần người bệnh vận động hơi quá sức đĩa đệm sẽ bị chèn ép và dẫn đến thoát vị. Gây đau đớn, khó cử động, nếu nặng hơn có thể dẫn đến đau dây thần kinh, teo cơ, rối loạn đại tiểu tiện.

4.2 Dây thần kinh bị chèn ép

Người bị thoái hóa sẽ có dấu hiệu tê tay (đối với thoái hóa đốt sống cổ), tê chân (thoái hóa đốt sống lưng), mất khả năng vận động, nặng hơn thì bại liệt. Đây có thể coi là hậu quả đáng sợ nhất.

4.3 Thoái hóa cột sống gây rối loạn tiền đình

Thoái hóa sẽ chèn ép mạch máu gây ra rối loạn tiền đình. Người bệnh sẽ cảm thấy lo lắng, mệt mỏi, kém ăn, mất ngủ. Đối với người cao tuổi dễ gây ra hoa mắt chóng mặt dẫn đến bị ngã, tai nạn.

Thoái hóa gây ra những cơn đau âm ỉ cho người bệnh, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống

Thoái hóa gây những cơn đau âm ỉ cho người bệnh, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống

5. Chẩn đoán bệnh lý

Một số phương pháp dùng để chẩn đoán mức độ nghiêm trọng của bệnh:

– Chụp X-quang: Để kiểm tra các khe khớp, tình trạng của địa đệm và gai đốt sống.

– Chụp CT: Phương pháp này sẽ cho hình ảnh về đĩa đệm và cột sống, gai đốt sống chi tiết hơn so với X-quang.

– Chụp MRI: Bác sĩ có thể quan sát cơ bắp, địa đệm, dây chằng, gân và tủy sống bên trong ống sống.

Chụp cắt lớp vi tính phát xạ đơn: phương pháp này kết hợp với chụp CT có thể xác định được vị trí cụ thể cột sống đang bị tổn thương.

Hiện nay, việc ứng dụng chụp cộng hưởng từ MRI trong chẩn đoán các bệnh lý thần kinh – cột sống ngày càng được ứng dụng rộng rãi, bởi chụp MRI có thể chẩn đoán tình trạng tủy sống (phía bên trong ống sống) xem có bị chèn ép hay không, có khối u tủy hay không, có rỗng tủy hay không mà các phương pháp khác như chụp CT, chụp X quang, chụp CT phát xạ đơn khó có thể chẩn đoán được trong một lần thực hiện chụp chiếu.

6. Thoái hóa cột sống có thể chữa khỏi được không và điều trị thế nào?

Bệnh lý này không thể chữa khỏi hoàn toàn, các phương pháp điều trị sẽ giúp giảm đau, vận động dễ dàng hơn, làm chậm quá trình thoái hóa. Phương pháp điều trị nào sẽ phụ thuộc vào bác sĩ sau khi chẩn đoán và đánh giá tình trạng bệnh.

Những phương pháp điều trị cho bệnh thoái hóa cột sống hiệu quả hiện nay gồm:

6.1 Tập vật lý trị liệu

Chuyên gia vật lý trị liệu sẽ đưa ra các bài tập cho người bệnh để điều trị tình trạng đau lưng hoặc đau cổ để tăng cường cơ bắp, có thể kết hợp với massage, tắm khoáng, bấm huyệt để giảm đau, đả thông kinh mạch. Ngoài ra, aerobic, bơi lội hay một vài bài tập thể dục nhẹ nhàng sẽ giúp kéo dãn cột sống, giải phóng áp lực.

6.2 Dùng thuốc

Dựa vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng thoái hóa của người bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định toa thuốc phù hợp, các loại thuốc thường được dùng:

– Thuốc giảm đau: Paracetamol có tác dụng giảm đau tức thì và không có nhiều tác dụng phụ, điểm hạn chế là không có tác dụng giảm sưng và viêm.

– Thuốc chống viêm: Ví dụ như ibuprofen, naproxen,…có tác dụng giảm đau và giảm sưng viêm. Điểm hạn chế là gây ra các tác dụng phụ cho thận, dạ dày, tim mạch.

– Thuốc giãn cơ: Hạn chế việc co cứng của các cơ, nhưng thuốc này chỉ có tác dụng tạm thời.

– Thuốc giảm đau nhanh: Thuốc dạng xịt, gel, kem, miếng dán giúp giảm cơn đau nhanh chóng mà không có tác dụng phụ như thuốc uống.

6.3 Điều trị nội khoa

Ngoài dùng thuốc và tập vật lý trị liệu, bác sĩ cũng có thể dùng một số phương pháp dưới đây để kiểm soát các triệu chứng tê cứng, đau nhức của người bệnh:

– Kích thích xung điện qua da

– Trị liệu thần kinh cho cột sống

– Xoa bóp, massage

– Châm cứu, bấm huyệt

– Tiêm khớp

6.4 Phẫu thuật

Đây là lựa chọn cuối cùng nếu các phương pháp trên không có hiệu quả, người bệnh bị chèn ép tủy sống hoặc dây thần kinh, có dấu hiệu bị trượt đốt sống 3-4, đĩa đệm bị tổn thương nặng,… Tuy nhiên, phương pháp này chuyên gia ít đề xuất vì có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng, xuất huyết nội, tổn thương thần kinh,…

Tập vật lý trị liệu có thể làm giảm triệu chứng thoái hóa

Các bài tập vật lý trị liệu có thể hỗ trợ làm giảm các triệu chứng khó chịu cho người bệnh bị thoái hóa.

7. Lời khuyên của bác sĩ

Thoái hóa là hệ quả của thời gian nên không thể tránh được. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm và điều trị thì có thể kìm hãm sự phát triển và hạn chế rủi ro từ các biến chứng.

Các chuyên gia khuyên bạn:

– Nên từ bỏ các tư thế xấu trong khi làm việc.

– Không nên ngồi quá lâu, cứ mỗi 60 phút nên đứng dậy đi lại tầm 5-10 phút.

– Thường xuyên rèn luyện cơ thể, nhất là các bài tập hỗ trợ cho cột sống dẻo dai.

– Tránh bê đồ vật quá nặng.

– Khám với bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp hoặc chuyên khoa thần kinh khi có các dấu hiệu như: đau nhức mỏi vùng cột sống lâu ngày không khỏi.

Hy vọng, bài viết đã giúp bạn có thêm nhiều thông tin cần thiết về bệnh thoái hóa cột sống. Cần thăm khám và điều trị hãy liên hệ với chung tôi để được tư vấn và hỗ trợ đặt lịch khám sớm nhất.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital