Thai trứng và những điều phụ nữ cần biết

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Văn Hà

Phó Giám đốc Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI, Trưởng khoa Phụ Sản

Thai trứng không còn là khái niệm quá mới với các chị em phụ nữ đặc biệt là người mang bầu. Tuy nhiên có rất ít người có thể hiểu rõ thai trứng là gì? nguy hiểm đến mức độ nào? Vì vậy, bài viết sau đây sẽ cung cấp những thông tin cơ bản nhất về bệnh lý này.

1. Tìm hiểu chung về thai trứng

Thai trứng hay còn gọi là chửa trứng là tình trạng phát triển không bình thường của rau thai. Một phần bánh rau phát triển quá nhanh dẫn đến tình trạng bị thoái hóa thành các túi chứa dịch. Những túi dịch này liên kết với nhau ở tử cung mẹ, ngăn cản sự phát triển của bào thai.

Thai trứng là hiện tượng nang nước xuất hiện trong tử cung phụ nữ

Thai trứng là hiện tượng nang nước xuất hiện trong tử cung phụ nữ

Phân loại:

Dựa theo đại thể chia 2 loại:

  • Thai trứng hoàn toàn: không có thai nhi, đa phần là gai rau phồng to thành những nang chứa đầy nước như chùm nho.
  • Thai trứng không hoàn toàn: có một phần thai nhi, và hoàn toàn không có khả năng phát triển. Đa số thai trứng dạng này bị sảy sớm trong giai đoạn đầu của thai kỳ.

Dựa theo vi thể cũng có 2 loại:

  • Thai trứng ác tính: có lớp hợp bào mỏng, từng vùng bị phá vỡ. Lớp đơn bào ở trong có xu thế tràn vào niêm mạc, ăn sâu vào cơ tử cung, gây xuất huyết trong ổ bụng.
  • Thai trứng lành tính: ngược lại với ác tính khi lớp hợp bào không bị phá vỡ do vậy lớp đơn bào không ăn vào trong cơ tử cung.

Đây là một bệnh lý lành tính, có thể gặp ở bất kì phụ nữ mang thai nào tuy nhiên sẽ bệnh này có thể biến chứng thành ung thư nguyên bào nuôi nếu như không biết rõ dấu hiệu cũng như cách điều trị kịp thời.

2. Nguyên nhân và ảnh hưởng của thai trứng

Nguyên nhân chính của bệnh lý này là do việc thụ tinh bất thường dẫn đến sự phát triển của túi dịch thay vì phát triển thai nhi.

Trong quá trình thụ tinh thông thường, nhiễm sắc thể tinh trùng và trứng sẽ kết hợp với nhau hình thành nên bào thai. Bộ gen em bé nhận được sẽ là sự kết hợp 50:50 của bố và mẹ. Tuy nhiên, thai trứng không có sự tồn tại của các nhiễm sắc thể mẹ hoặc nhiễm sắc thể mẹ không hoạt động, dẫn tới việc nhân đôi nhiễm sắc thể bố.

Theo thống kê, tỷ lệ chửa trứng trung bình khoảng 1/1000 trường hợp mang thai bị chẩn đoán mắc bệnh này. Tỷ lệ này thay đổi tuỳ thuộc và vị trí địa lý các quốc gia. Cụ thể ở Mỹ, cứ 1200 phụ nữ mang bầu sẽ có 1 trường hợp chửa trứng. Trong khi đó, tại các quốc gia Đông Nam Á, tỷ lệ này cao hơn đặc biệt ở Việt Nam khi có 1 người mắc bệnh trong 200 người mang thai.

Các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến việc chửa trứng là:
  • Độ tuổi phụ nữ mang bầu: chửa trứng hay xuất hiện xảy ra ở người dưới 20 hoặc lớn hơn 35 tuổi.
  • Đã từng bị sảy thai hoặc tiền sử chửa trứng: Những người không may bị chửa trứng lần đầu cũng có nhiều khả năng chửa trứng lần 2. Trung bình cứ 100 phụ nữ chửa trứng thì sẽ lặp lại ở lần 2.
  • Trong trường hợp chửa trứng toàn phần có thể liên quan đến chế độ ăn thiếu chất dinh dưỡng nhất là vitamin A và mỡ động vật.

Trong quá trình chửa trứng phát triển dễ gây ra các biến chứng nguy hiểm như gây băng huyết nặng thậm chí là thủng tử cung do thai ăn sâu vào lớp cơ tử cung. Bên cạnh đó, biến chứng ác tính như ung thư tế bào nuôi xảy ra với khoảng 10 – 30% các ca chửa trứng. Ung thư nguyên bào nuôi có thể gây hoại tử và di căn xa đến các cơ quan khác của cơ thể như gan, phổi, não, làm việc điều trị trở nên vô cùng khó khăn.

Khi mắc chửa trứng mẹ bầu rất dễ bị băng huyết

Khi mắc chửa trứng mẹ bầu rất dễ bị băng huyết

3. Những dấu hiệu nhận biết và cách chẩn đoán phụ nữ chửa trứng

Chửa trứng cũng có những dấu hiệu nhận biết như mang bầu thông thường:
  • Không có kinh nguyệt.
  • Nghén nặng: thường nôn nhiều, bị phù nhiều ở chân, tay.
  • Tăng huyết áp.
  • Luôn có cảm giác mệt mỏi, chóng mặt, đau đầu.

Ngoài ra, chửa trứng còn có những dấu hiệu nhận biết nghiêm trọng khác:

  • Rong kinh: đây là triệu chứng phổ biến nhất, chiếm trên 90% trường hợp mang thai trứng. Máu ra ở âm đạo có màu đen sẫm hoặc đỏ nhạt, xảy ra kéo dài.
  • Bụng to nhanh bất thường: trong trường hợp chửa trứng, bụng phụ nữ to gấp đôi so với người có thai thường: độ 2-3 tháng chửa trứng tử cung sẽ to bằng 5-6 tháng tuổi thai nhi khác. Nói cách khác đây là triệu chứng tử cung to hơn tuổi thai.
  • Không nghe được tim thai (khi đi siêu âm) và không có hiện tượng thai máy do đó chỉ là túi dịch bám vào tử cung.
  • Có thể có triệu chứng cường giáp (tỷ lệ này chỉ khoảng 10%) với các triệu chứng tim đập nhanh, tuyến giáp to bất thường, run tay, cơ thể toả nhiệt,…

Cách chẩn đoán bệnh này phổ biến nhất là chẩn đoán hình ảnh. Chị em được theo dõi hình ảnh thai nhi thông qua việc siêu âm vào những lần khám thai định kỳ. Nếu chửa trứng, siêu âm không thấy phôi thai, chỉ cho hình ảnh nang nước trong tử cung. Bên cạnh đó, bác sĩ còn chẩn đoán có chửa trứng hay không qua xét nghiệm nồng độ Beta-hCG trên 100.000 mUI/ml sẽ có nguy cơ chửa trứng cao.

Siêu âm là cách chẩn đoán chửa trứng phổ biến nhất

Siêu âm là cách chẩn đoán chửa trứng phổ biến nhất

4. Cách điều trị thai trứng phổ biến

Chửa trứng là một trong bệnh lý ở phụ nữ mang thai có tỷ lệ tái phát. Dù chỉ khoảng 1-2% nhưng vẫn cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời để tránh những biến chứng nguy hiểm.
Có hai cách điều trị phổ biến được áp dụng nhiều nhất hiện nay là:

4.1. Nạo hút thai trứng

Ngay sau khi được chẩn đoán là chửa trứng, cần phải loại bỏ hoàn toàn khối túi dịch ra khỏi tử cung bằng phương pháp nong nạo hoặc hút nạo. Phương pháp này cần thực hiện ít nhất 2 lần mới có thể loại bỏ hoàn toàn thai trứng.

4.2. Phẫu thuật cắt tử cung

Phương pháp này chỉ áp dụng cho thai loại ác tính, có dấu hiệu xâm lấn làm thủng tử cung, và phụ nữ không có ý định sinh con nữa. Cắt cổ tử cung mang lại hiệu quả khá cao khi đa phần người bệnh hồi phục tốt sau khi điều trị chửa trứng. Chỉ khoảng 20% bệnh nhân có nguy cơ tiến triển ác tính tới bệnh lý nguyên bào nuôi.

Trên đây là những thông tin cơ bản về thai trứng mà chị em phụ nữ nên hiểu rõ để theo dõi sức khỏe bản thân, đảm bảo thời kỳ thai nghén thật an toàn.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:
Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital