Tầm soát ung thư da và những vấn đề không nên bỏ qua

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ, Bác sĩ, Thầy thuốc ưu tú

Tạ Quang Mậu

Bác sĩ Nội Khoa

Ung thư da không phải loại ung thư nguy hiểm nhất nhưng gây nhiều biến chứng và khó lành nếu phát hiện muộn. Do đó, tầm soát sớm để sàng lọc và chữa trị kịp thời là cách hữu hiệu ngăn ngừa căn bệnh này. Tuy vậy bạn đã thực sự hiểu rõ về tầm soát ung thư da?

1. Tìm hiểu chung về ung thư da

1.1. Ung thư da có nguy hiểm không?

Ung thư da được mô tả là sự phát triển bất thường không kiểm soát của tế bào da tạo thành khối u. Căn bệnh này được chia thành 3 loại chính bao gồm:

  • Ung thư biểu mô tế bào đáy
  • Ung thư biểu mô tế bào vảy
  • Ung thư các tế bào hắc tố

Mỗi loại ung thư da có các dấu hiệu bệnh lý riêng biệt. Tuy nhiên nhìn chung các triệu chứng của bệnh mờ nhạt, không rõ ràng. Khi phát triển, bệnh di căn sang các phần khác trên cơ thể, gây nguy hiểm và có thể dẫn tới tử vong.

Tầm soát ung thư da ở đâu

Ung thư da có triệu chứng mờ nhạt, dễ lẫn với các bệnh lý da thông thường

So với các bệnh ung thư khác, ung thư da ít nguy hiểm và nguy cơ tử vong cũng thấp hơn, nhưng mức độ phổ biến và dễ mắc lại nằm ở mọi đối tượng. Tỷ lệ mắc bệnh này rơi vào khoảng 3 – 4,5/10000 dân. Hiện nay, do ảnh hưởng của tia UV, các hóa chất độc hại,… dẫn tới khả năng mắc bệnh tăng cao. Những biểu hiện, hậu quả của ung thư da ảnh hưởng trực tiếp và dai dẳng tới cuộc sống của người bệnh, tiêu biểu là những vết loét da, ngứa, đau,… gây mất thẩm mỹ và khó chịu lâu dài, thậm chí là suốt đời.

Điều đáng mừng là ung thư da có thể được chữa khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện và chữa trị sớm. Người bệnh không thể tự nhìn nhận và chẩn đoán tại nhà. Do vậy bạn cần tầm soát ung thư da tại cơ sở y tế uy tín để biết rõ bệnh tình của mình, từ đó tiến hành điều trị phù hợp.

1.2. Nguyên nhân khởi phát ung thư da

Ung thư da do nhiều nguyên nhân cộng hưởng trong thời gian dài gây ra. Có thể kể tới một số yếu tố sau:

Tia UV:

Đây là nguyên nhân chính gây ra 90% ca bệnh ung thư da, đặc biệt với những người không che chắn, bảo vệ làn da khi đi dưới ánh nắng mặt trời. Với trẻ em tiếp xúc với tia cực tím lâu dài, những tổn thương tích tụ trên da sau nhiều năm mới phát tác và trở nên nghiêm trọng.

Ung thư da nguyên nhân do đâu

Tia UV là nguyên nhân gây ra 90% ca mắc ung thư da

Những tổn thương về da:

Những vùng da từng bị bỏng, hay viêm nhiễm trong thời gian dài, bị tổn thương do dùng hóa mỹ phẩm kém chất lượng dễ mắc ung thư biểu mô tế bào vảy. Một số bệnh lý về da dễ dàng là nền tảng gây nên bệnh như:

  • Tàn nhang
  • Viêm da mãn tính
  • Miễn dịch
  • Dày sừng quang hóa

Ngoài ra, những người làm trong môi trường độc hại, tiếp xúc da lâu dài với hóa chất như thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, nhựa than đá, nhựa đường,… là đối tượng mang nguy cơ cao mắc bệnh.

Ánh sáng nhân tạo:

Ánh đèn sân khấu, ánh đèn ngủ, ánh sáng từ màn hình máy tính,… đây là những “hung thần” luôn rình rập cuộc sống và góp phần tăng nguy cơ phát triển ung thư da.

Yếu tố di truyền:

Ung thư da cũng mang khả năng di truyền qua một số căn bệnh như:

  • Bệnh xơ da nhiễm sắc
  • Hội chứng tế bào đáy nơ-vi
  • Hội chứng Gardner
  • Hội chứng Torres

2. Khi nào cần đi tầm soát ung thư da

Y học luôn khuyến cáo, mỗi người cần thực hiện định kỳ tầm soát ung thư toàn diện 1-2 lần/năm. Thông qua đó, phần lớn các bệnh ung thư được sàng lọc và phát hiện kịp thời, đồng thời là cơ sở để bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Đối với ung thư da, ngoài tầm soát ung thư định kỳ, bạn cần đi kiểm tra ngay nếu cơ thể có những dấu hiệu bất thường sau:

2.1. Triệu chứng bất thường trên da

  • Vết loét trên da lâu liền, hoặc rỉ máu
  • Vết sừng dày nổi cục, rỉ máu
  • Da bong tróc, đóng vảy
  • Nốt ruồi kích thước không cân đối, có bờ nham nhở, đổi màu sắc, bị chảy máu hoặc bị đau
  • Các mạch máu nổi bất thường trên da

Những dấu hiệu của ung thư da thường rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý về da liễu thông thường khác nên bệnh nhân khó có thể phát hiện được. Ban đầu cơ thể chỉ xuất hiện một nốt ruồi nhỏ, tiến triển chậm, không gây cảm giác đau ngứa khiến người bệnh chủ quan. Khi khối u ác tính phát triển bất thường, các dấu hiệu rõ rệt hơn cũng là lúc việc chữa trị trở nên khó khăn và tốn kém hơn.

2.2. Triệu chứng trên cơ thể

Triệu chứng ung thư da

Mẩn ngứa kéo dài có thể là nguy cơ ung thư da

  • Thường xuyên bị đau đầu không lý do
  • Đau bụng thường xuyên
  • Thị lực suy yếu
  • Hệ hô hấp gặp vấn đề: khó thở, ho dai dẳng,…

Nếu gặp những vấn đề này, rất có thể khối u ác tính đã trở nặng và di căn tới vùng gan, phổi. Bạn cần tới gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để có phương án xử lý kịp thời.

3. Quy trình tầm soát ung thư da

Khi sàng lọc và phát hiện sớm ung thư da, bệnh nhân cần trải qua một loạt các danh mục thăm khám từ tổng quát tới chuyên sâu, bao gồm:

Khám tổng quát:

Ở bước này, sau khi trải qua quá trình lấy thông số chiều cao, cân nặng, huyết áp,… nhằm đánh giá sơ bộ tình hình thể trạng của bệnh nhân, bác sĩ sẽ tiến hành quan sát các vùng da đặc biệt có nghi ngờ mắc bệnh. Thời gian sàng lọc sơ bộ thường mất tới 10 phút hoặc lâu hơn. Vùng da mặt, ngực, cánh tay, lưng, chân là những khu vực được kiểm tra nhằm phát hiện và chẩn đoán các bất thường như nốt ruồi, vết sừng, vết loét,…

sàng lọc ung thư da

Ung thư nói chung, ung thư da nói riêng cần được tầm soát 1-2 lần/năm

Xét nghiệm chỉ điểm khối u:

Tùy thuộc vào thể trạng của bệnh nhân và chẩn đoán bệnh lý, bác sĩ sẽ chỉ định một số xét nghiệm chuyên sâu nhằm phát hiện các bất thường của cơ thể người bệnh. Ngoài xét nghiệm máu, sinh thiết nốt ruồi cũng là phương pháp y học quan trọng được thực hiện nhằm xác thực kết quả chẩn đoán ban đầu. Bằng cách gây tê tại chỗ, lấy mẫu tế bào ở nốt ruồi nghi mắc ung thư da và soi xét dưới kính hiển vi, bác sĩ có thể xác định tình trạng mắc, phân loại bệnh và giai đoạn ung thư da mà bệnh nhân đang mắc phải.

Chẩn đoán hình ảnh: 

Đối với ung thư da, bệnh nhân được chỉ định thực hiện chụp X-quang. Hình ảnh trả về giúp bác sĩ phát hiện sự bất thường của tế bào, tiên lượng sự phát triển và xâm lấn của khối u.

Kết thúc quy trình tầm soát, bác sĩ tổng hợp các kết quả thăm khám từng bước để đưa ra kết luận chuẩn xác nhất về tình trạng bệnh lý, đồng thời đưa ra phương án điều trị thích hợp, cũng như những tư vấn nhằm chặn đứng nguy cơ bệnh lý về sau.

Ung thư da tuy không quá nguy hiểm, nhưng để lại nhiều hệ lụy nếu chúng ta không biết cách chủ động phòng ngừa. Chỉ với việc tầm soát sàng lọc định kỳ, nguy cơ mắc bệnh đã giảm thiểu tới 50-70%, cho chúng ta cuộc sống tốt đẹp và tự tin hơn.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:
Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital