Tầm quan trọng của tiêm chủng vắc xin Mengoc BC?

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ - Bác sĩ

Đặng Thị Kim Hạnh

Trưởng đơn vị Tiêm chủng

Vắc xin Mengoc BC là tên gọi của loại vắc xin có tác dụng bảo vệ cơ thể con người khỏi sự tấn công của vi khuẩn gây bệnh viêm màng não. Cùng đọc bài viết bên dưới đây để tìm hiểu về phác đồ tiêm chủng, liều lượng sử dụng cũng như các phản ứng có thể xảy ra của loại vắc xin này nhé.

1. Tại sao phải tiêm chủng vắc xin viêm màng não BC?

1.1. Khái niệm bệnh lý viêm màng não BC là gì?

Bệnh lý viêm màng não BC (hay còn gọi là viêm màng não mô cầu Mengoc BC) là một loại bệnh có tính lây truyền cấp tính. Viêm màng não BC xảy ra do sự tấn công của một loại vi khuẩn mang tên Neisseria meningitidis. Bệnh này có khả năng gây những ảnh hưởng nghiêm trọng ở cơ quan não bộ, làm tổn thương não cũng như có thể gây ra tử vong nếu như không được điều trị kịp thời.

Viêm màng não BC thường lây truyền qua con đường hô hấp bằng cách tiếp xúc, hít phải dịch tiết hô hấp từ người mang bệnh phát tán ra không khí. Bên cạnh đó, bệnh còn có thể lây lan qua việc sử dụng chung đồ dùng cá nhân, đồ ăn thức uống, hoặc sống chung với người bệnh.

vắc xin mengoc bc sử dụng như thế nào

Bệnh lý viêm màng não BC (hay còn gọi là viêm màng não mô cầu Mengoc BC) là một loại bệnh có tính lây truyền cấp tính

Bệnh lý viêm màng não BC mang những triệu chứng đặc trưng đó là:

– Sốt cao đột ngột, sốt cao kéo dài, đi kèm với mệt mỏi.

– Đau đầu dữ dội, cổ bị cứng.

– Chóng mặt, buồn nôn.

– Nhạy cảm với ánh sáng trắng.

– Ngủ mê man, khó tỉnh dậy.

– Phát ban trên da.

– Đau cơ, đau các khớp.

Đặc biệt đối với trẻ em, bệnh viêm màng não BC có những triệu chứng đó là:

– Phần thóp trên đầu phình to.

– Tay chân lạnh hơn so với bình thường.

– Có hiện tượng thở nhanh, thở gấp, co giật.

– Phát ban có màu xanh hoặc xám.

1.2. Tầm quan trọng của tiêm vắc xin Mengoc BC

Vắc xin Mengoc BC là tên gọi của một loại vắc xin phòng bệnh viêm màng não mô cầu BC cho trẻ em và người lớn. Loại vắc xin này có tác dụng bảo vệ cơ thể khỏi sự tấn công của vi khuẩn. Có thể coi vắc xin này là biện pháp tối ưu và có hiệu quả đối với bệnh viêm màng não BC.

Khi được tiêm chủng vắc xin, sức khỏe cộng đồng cũng sẽ được nâng cao do việc hạn chế khả năng lây lan bệnh giữa người với người. Do đó, chúng ta đặc biệt là các bậc cha mẹ cần chú ý đưa trẻ đi tiêm chủng vắc xin đầy đủ và đúng lịch.

2. Những thông tin quan trọng cần biết về vắc xin viêm màng não mô cầu BC

vắc xin mengoc bc tiêm mấy mũi

Vắc xin được sử dụng tiêm chủng cho đối tượng trẻ em đạt đủ 6 tháng tuổi trở lên tới 45 tuổi

2.1. Nguồn gốc, quy cách đóng gói và hình thức bào chế của vắc xin Mengoc BC

Vắc xin viêm não mô cầu BC được sản xuất bởi công ty Finlay Institute của Cuba, đóng gói dưới dạng lọ thủy tinh chứa 0,5ml vắc xin. Vắc xin được bào chế dưới dạng hỗn dịch dùng để tiêm qua đường bắp.

2.2. Vắc xin Mengoc BC chỉ định dùng ra sao?

Loại vắc xin này chứa 0,5ml hỗn dịch tiêm, được sử dụng để phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu thuộc nhóm huyết thanh tuýp B và tuýp C.

Vắc xin được sử dụng tiêm chủng cho đối tượng trẻ em đạt đủ 6 tháng tuổi trở lên tới 45 tuổi, cũng như các đối tượng đang sinh sống trong khu vực vùng dịch.

Ngoài ra, vắc xin cũng được khuyến khích tiêm cho những khu vực đông dân, cộng đồng lớn như: trung tâm chăm sóc trẻ em, các trường nội trú, nhà tù, khu vực đông dân,…

2.3. Liều dùng, cách dùng và phác đồ tiêm chủng

Vắc xin viêm màng não Mengoc BC có tổng cộng 2 liều tiêm. Mũi tiêm đầu tiên nên tiêm khi trẻ đạt đủ từ 6 tháng tuổi trở lên, hoặc người lớn trưởng thành. Mũi tiêm thứ 2 cần tiêm cách mũi đầu tiên ít nhất 6 đến 8 tuần.

Không cần thiết phải tiêm mũi nhắc lại nếu trong trường hợp người tiêm chủng đã hoàn thành đủ 2 mũi.

Vắc xin viêm màng não mô cầu BC cũng chỉ được sử dụng để tiêm qua đường bắp, vùng cơ Delta. Tuyệt đối không sử dụng tiêm vắc xin qua đường tĩnh mạch.

Đối với đối tượng trẻ nhỏ, trẻ em, nên tiêm ở vị trí mặt trước bên ngoài của vùng đùi.

Trước khi thực hiện tiêm chủng cũng nên lắc nhẹ lọ vắc xin để hỗn dịch tiêm được hòa tan, đồng nhất.

3. Một số tác dụng phụ có thể xảy ra sau khi tiêm vắc xin viêm màng não mô cầu BC

Cũng tương tự như các loại vắc xin tiêm chủng khác, vắc xin viêm màng não mô cầu BC cũng sẽ có thể xảy ra các phản ứng phụ không mong muốn, tùy thuộc vào hệ miễn dịch cũng như cơ địa của mỗi người. Đặc biệt là đối với trẻ em, các bậc cha mẹ cần hết sức lưu ý theo dõi sức khỏe của con sau khi tiêm chủng xong. Nếu có bất cứ triệu chứng khác thường nào thì nên lập tức đưa trẻ đến bệnh viện để được xử lý.

Một số tác dụng phụ ở vị trí vết tiêm hay gặp đó là:

– Sưng đau, đỏ, tấy, xuất hiện chai cứng ở vị trí tiêm chủng. Tuy nhiên, các triệu chứng này thường nhẹ và sẽ dần dần thuyên giảm, biến mất sau một vài ngày kể từ lúc tiêm chủng xong.

– Hiện tượng bị sốt cao sau tiêm chủng cũng có thể xảy ra. Thân nhiệt thường dao động từ khoảng 38 độ C trở lên. Tuy nhiên, triệu chứng này cũng sẽ tự biến mất sau vài ngày tùy cơ địa người tiêm chủng.

– Có thể sẽ gặp phải cảm giác mệt mỏi, khó chịu, buồn ngủ sau khi tiêm chủng.

– Ở lần tiêm chủng thứ 2, các triệu chứng kể trên có thể sẽ không xảy ra do lúc này cơ thể đã đáp ứng và làm quen với vắc xin.

4. Một số cảnh báo cần lưu ý khi tiêm chủng vắc xin viêm màng não BC

vắc xin mengoc bc tiêm cho ai

Cần lựa chọn các đơn vị tiêm chủng có quy trình cấp cứu sau tiêm chủng

Để quá trình tiêm chủng đạt hiệu quả, cũng như vắc xin phát huy tác dụng bảo vệ cơ thể, chúng ta cần lưu ý một số cảnh báo như sau:

– Sau khi tiêm chủng xong, cần đợi sau tiêm ít nhất 30 phút để theo dõi các phản ứng sốc phản vệ, cấp cứu có thể xảy ra.

– Cần lựa chọn các đơn vị tiêm chủng có quy trình cấp cứu sau tiêm chủng. Đồng thời cần chuẩn bị sẵn các loại thuốc để đề phòng các trường hợp phản ứng có thể xảy ra.

– Vắc xin khi mở ra cần được sử dụng tiêm chủng trong vòng 24 giờ.

– Vắc xin cũng cần được bảo quản trong điều kiện tránh ánh sáng trực tiếp. cũng như bảo quản ở mức nhiệt độ từ 2 – 8 độ C.

– Không được sử dụng các lọ vắc xin đã bị hết hạn sử dụng.

– Những đối tượng có bệnh lý liên quan đến rối loạn chức năng đông máu hay giảm tiểu cầu thì cần hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa trước khi thực hiện tiêm chủng.

– Nên hoãn tiêm chủng hoặc không thực hiện tiêm chủng khi người tiêm chủng không đạt yêu cầu về mặt sức khỏe.

– Nên chú ý lựa chọn các phòng tiêm chủng đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế để thực hiện tiêm chủng an toàn.

Liên hệ ngay với phòng tiêm chủng Thu Cúc TCI để được đặt lịch thăm khám với bác sĩ chuyên khoa hoặc đặt lịch tiêm chủng nhé.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital