Tại sao bệnh động mạch vành gia tăng ở người trẻ?

Tham vấn bác sĩ

Trước đây, bệnh động mạch vành được coi là căn bệnh người già. Nhưng càng ngày, tỷ lệ mắc bệnh nhân mắc bệnh mạch vành là những người trẻ tuổi càng gia tăng, nhiều trường hợp dẫn đến những biến cố cấp tính nghiêm trọng như nhồi máu cơ tim, đột quỵ, đột tử. Đáng lo là nhiều người trẻ không biết mình mắc bệnh và thường bỏ qua những dấu hiệu nhận biết. Vậy tại sao bệnh mạch vành gia tăng ở người trẻ và làm thế nào để phòng tránh?

1. Nhồi máu cơ tim – biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh động mạch vành – ngày càng trẻ hóa

Theo nghiên cứu Framingham Heart (Viện Quốc Gia Mỹ về Tim, Phổi và Máu hợp tác cùng đại học Boston) thì tỷ lệ mắc bệnh mạch vành trung bình năm ở nam giới tăng 24% ở độ tuổi 65 – 74. Tỷ lệ này ở phụ nữ tăng từ 14% lên tới 28%. Tỷ lệ mắc bệnh mạch vành ở phụ nữ tăng nhanh hơn là do sự thay đổi của cơ thể sau khi mãn kinh (thời kỳ mãn kinh làm tăng gấp 3 lần nguy cơ so với trước đó).

Như vậy, tuổi tác là một yếu tố rất quan trọng đối với nguy cơ mắc bệnh mạch vành. Cũng bởi vậy, bệnh mạch vành vốn được xem là bệnh của người già. Tuy nhiên càng ngày, số ca mắc bệnh mạch vành càng tăng lên ở những người trẻ (dưới 45 tuổi) và rất trẻ (dưới 35 tuổi).

Có đến 4 – 10% bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp (một trong những biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh mạch vành) có tuổi đời dưới 45 tuổi và phần lớn là nam giới đang khỏe mạnh. 

Nếu may mắn không gặp phải một cơn nhồi máu cơ tim thì người bệnh cũng vẫn phải tình trạng đau thắt ngực, khó thở,… gây ảnh hưởng lớn tới chất lượng cuộc sống và công việc. 

biến chứng nhồi máu cơ tim ở người mắc bệnh động mạch vành

Nhồi máu cơ tim là biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh mạch vành

2. Điểm mặt các nguyên nhân gây bệnh mạch vành ở người trẻ

2.1 Bệnh động mạch vành ở người trẻ do xơ vữa động mạch

Các nghiên cứu cho thấy xơ vữa chiếm tới 80% nguyên nhân gây ra bệnh mạch vành ở bất cứ độ tuổi nào, tuy nhiên mức độ tổn tương có khác nhau. Cụ thể, có đến 60% trường hợp mắc bệnh mạch vành ở người trẻ chỉ tìm thấy tổn thương 1 động mạch vành. Trong khi ở người già, đa phần là tổn thương 2 – 3 nhánh mạch vành. 

2.2 Dị tật tim bẩm sinh

Những bất thường trong cấu trúc động mạch vành bẩm sinh cũng có thể là nguyên nhân gây thu hẹp mạch vành. Các dị tật bẩm sinh đó có thể là:

– Động mạch vành xuất phát từ động mạch phổi

– Không có động mạch vành phải hoặc trái 

– Động mạch vành thông với các động mạch, tĩnh mạch khác

2.3 Co thắt và cầu cơ động mạch vành

Đây cũng là nguyên nhân thường gặp gây tắc nghẽn động mạch vành và dẫn tới nhồi máu cơ tim ở những người trẻ tuổi.

2.4 Cục máu đông 

Các cục máu đông hình thành trong tim hoặc di chuyển từ nơi khác trong cơ thể đến động mạch tim đều có thể gây tắc động mạch vành đột ngột.

2.5 Các nguyên nhân khác gây bệnh động mạch vành ở người trẻ

– Viêm động mạch vành

– Tia xạ lồng ngực do ung thư

– Chấn thương ngực

– Sử dụng ma túy và các chất khác có khả năng gây nghiện

bệnh động mạch vành ở người trẻ

Tỷ lệ người trẻ mắc bệnh mạch vành ngày càng gia tăng

3. Các yếu tố nguy cơ khiến bệnh động mạch vành gia tăng ở người trẻ

Nếu như ở người già, bệnh mạch vành xảy ra do quá trình lão hóa thì đối với những người trẻ tuổi, lối sống thiếu lành mạnh mới là nguyên nhân chủ yếu, bao gồm:

3.1 Hút thuốc lá

Hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây vữa xơ động mạch nói chung và động mạch vành nói riêng ở tất cả các lứa tuổi. Người trẻ do những áp lực công việc, những căng thẳng trong cuộc sống thường tìm đến thuốc lá để giải tỏa tâm trạng hay kích thích sự tỉnh táo. Điều này vô hình chung đã khiến họ phải đối mặt với nguy cơ cao mắc bệnh mạch vành. Bởi nicotin và nhiều chất độc khác trong khói thuốc có thể gây tăng huyết áp, làm tổn thương thành mạch.

Các nghiên cứu đã chỉ ra thói quen hút thuốc là dù chủ động hay thụ động cũng đều gây ra vữa xơ mạch vành. Ở những người hút thuốc chủ động thì xác suất mắc bệnh cao hơn, gấp 2-4 lần và tỷ lệ tử vong do bệnh khoảng 70%. Đặc biệt, người hút thuốc thụ động thông qua tiếp xúc với môi trường nhiều khói thuốc, cũng có 20-30% nguy cơ mắc bệnh. Các trẻ em sống trong gia đình có bố hoặc mẹ hút thuốc lá đã có biểu hiện vữa xơ động mạch từ rất sớm. 

Ngoài ra những bệnh nhân có sử dụng chất gây nghiện như heroin, cocain hoặc các thuốc khác cũng là nguyên nhân gây bệnh mạch vành ở người trẻ.

3.2 Ăn uống thiếu lành mạnh

Cuộc sống hiện đại khiến những người trẻ tuổi thường xuyên phải ăn đồ ăn nhanh, đồ chiên rán nhiều dầu mỡ, các thực phẩm đóng hộp. Điều này làm tăng nguy cơ tích tụ chất béo dẫn đến xơ vữa mạch vành

3.3 Lười vận động

Lối sống tĩnh tại, ngồi nhiều, ít vận động phổ biến ở những người trẻ tuổi, đặc biệt là dân văn phòng làm gia tăng tình trạng thừa cân, béo phì, khiến các chất béo không được chuyển hóa, gây ra bệnh mạch vành.

3.4 Thường xuyên căng thẳng

Căng thẳng, stress do công việc cuộc sống có thể gây tắc mạch vành cấp tính, gây nhồi máu cơ tim. Trong khi đó, các lo lắng, căng thẳng kéo dài có thể làm tăng huyết áp. Các lo lắng về tâm lý, tình cảm làm hệ thống điện của tim bất ổn từ đó có thể gây ra rối loạn nhịp tim và ngừng tim.

Các nghiên cứu về giải phẫu các thi thể cho thấy có khoảng 1/3 số bệnh nhân trẻ đột tử có nguyên nhân là vữa xơ động mạch, 33% nguyên nhân đột tử đều liên quan đến bất thường bẩm sinh của động mạch vành, 20% do bệnh lý cơ tim, 13% do bệnh lý van tim. 

Đối với những người trẻ với cấu trúc và chức năng tim bình thường, đột tử có thể xảy ra do những rối loạn nhịp tim nguy hiểm như hội chứng Brugada, QT dài, ngắn. 

Bên cạnh đó, sự gia tăng của các loại bệnh lý ở người trẻ cũng khiến bệnh mạch vành ở người trẻ dễ tìm đến. Theo các thống kê, những đứa trẻ sinh non, sinh thiếu cân thường có nguy cơ mắc bệnh vữa xơ động mạch cao hơn và sớm hơn. Cứ thiếu nửa cân so với cân nặng lý tưởng thì nguy cơ tim của mạch bé ở tuổi trưởng thành từ 5-10%. Những đứa trẻ này cũng có nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp, đề kháng insulin, tăng mỡ máu và đái tháo đường cao hơn so với nhóm khác.

yếu tố nguy cơ gây bệnh lý mạch vành ở người trẻ

Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ hình thành và phát triển các mảng xơ vữa gây bệnh mạch vành.

4. Phòng ngừa bệnh xơ vữa mạch vành ở người trẻ

Do lối sống là nguyên nhân chủ yếu gây bệnh động mạch vành ở người trẻ nên muốn phòng tránh bệnh này, những người trẻ tuổi nên kiểm soát 6 yếu tố: tăng LDL-cholesterol máu, giảm HDL-cholesterol, tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì và hút thuốc lá bằng cách xây dựng một lối sống lành mạnh:

– Hạn chế hoặc bỏ hẳn thuốc lá 

– Ăn nhạt, giảm lượng muối trong khẩu phần ăn

– Ăn ít dầu mỡ và các thực phẩm làm gia tăng tích tụ cholesterol như các loại thịt đỏ, thực phẩm chiên rán,…

– Bổ sung các loại rau xanh, trái cây để tăng khả năng chuyển hóa chất béo

– Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao, vận động tích cực

– Giảm áp lực, cải thiện tâm trạng, tránh căng thẳng quá mức

Ngoài ra, giáo dục về sức khỏe sinh sản khi mang thai là biện pháp hữu hiệu phòng tránh nguy cơ đẻ non, suy dinh dưỡng của trẻ sơ sinh. Chăm sóc đặc biệt những trẻ bị thiếu tháng, thiếu cân để giảm các nguy cơ tim mạch như béo phì, tăng huyết áp, đái tháo đường từ sớm. Đừng quên chủ động đi khám để kiểm tra sức khỏe, phát hiện sớm và phòng ngừa các yếu tố nguy cơ gây bệnh động mạch vành.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital