Tắc tia sữa nổi cục cứng phải làm sao?

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Văn Hà

Phó Giám đốc Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI, Trưởng khoa Phụ Sản

Tắc tia sữa nổi cục cứng là tình trạng ống dẫn sữa bị tắc nghẽn lại, để lâu ngày sữa sẽ vón lại tạo thành các cục khi day vào thấy cứng. Đây là tình trạng rất hay gặp ở các bà mẹ đang cho con bú. Tắc tia sữa nổi cục cứng thường gây đau và khó chịu cho mẹ, nếu không được điều trị đúng cách có thể dẫn đến apxe vú. Hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân và các phương pháp điều trị tắc tia sữa nổi cục dưới đây.

1. Tắc tia sữa là gì?

Tắc tia sữa là tình trạng tia sữa không được đẩy ra ngoài mà bị ứ đọng, tích tụ lại trong ống dẫn sữa, sữa sẽ vón cục lại gây căng tức bầu ngực, nặng hơn có thể gây viêm, sưng đỏ. Khi hút sữa hoặc cho bé bú sữa sẽ không ra hoặc chảy rất ít. Nếu tình trạng kéo dài, mẹ rất dễ bị apxe , biểu hiện là sốt cao, rét run, đau đầu. Khi chạm vào các vùng nổi cục sẽ đau, cảm giác ngực cứng như đá, căng phồng. Điều này ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của mẹ cũng như việc cho con bú.

2. Nguyên nhân gây chứng tắc tia sữa nổi cục

Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng viêm tắc tuyến sữa, các nguyên nhân thường gặp nhất có thể kể đến:

– Do mẹ cho bé bú sai cách: Bé bú mẹ nhưng không đúng khớp ngậm sẽ rất khó để bú được hết lượng sữa mẹ. Vì vậy sữa sẽ bị ứ đọng lại và gây nên tắc tia sữa.

– Lượng sữa mẹ quá nhiều: Nhiều mẹ sau sinh cơ thể sản xuất được rất nhiều sữa, em bé không thể bú hết nhưng mẹ cũng không hút lượng sữa còn lại ra, điều này cũng làm cho ống dẫn sữa tắc lại và dần dần nổi cục cứng.

–  Bé không được bú mẹ thường xuyên: Trong những tháng đầu sau sinh, bé sẽ được bú mẹ từ 5 – 6 cữ/ ngày, nếu mẹ không cho bé bú đủ cữ hoặc không vắt hết sữa thì rất có nguy cơ gây tắc tia sữa.

Bé không được bú thường xuyên có thể gây nên tình trạng tắc tia sữa nổi cục cứng ở mẹ

Bé không được bú thường xuyên có thể gây nên tình trạng tắc tia sữa nổi cục cứng ở mẹ

– Mẹ bị căng thẳng sau sinh: Sau sinh mẹ phải chịu nhiều áp lực đến từ việc nuôi con, không được ngủ đủ giấc, bé hay quấy khóc hoặc kén ăn. Những ảnh hưởng về tinh thần cũng là nguyên nhân khiến mẹ bị tắc tia sữa.

– Mặc áo ngực không đúng size: Phụ nữ cho con bú có kích thước vòng 1 lớn hơn thời con gái nhưng nhiều mẹ không để ý điều này và mặc áo ngực quá chật, làm cho bầu ngực bị bó lại gây tắc tia sữa.

– Mẹ không vệ sinh bầu ngực đúng cách: Trong quá trình trước và sau khi cho con bú, nếu bầu ngực của mẹ không được vệ sinh cũng rất dễ gây nên tình trạng viêm nhiễm đầu vú, gây tắc tuyến sữa.

3. Tắc tia sữa ảnh hưởng ra sao tới mẹ và bé

Nhiều mẹ chủ quan cho rằng tắc tia sữa nổi cục cứng là chuyện hết sức bình thường bởi đa số bà mẹ đang cho con bú nào cũng đều mắc phải. Tuy nhiên nếu để tình trạng này kéo dài quá lâu mà không có biện pháp xử lý sẽ để lại nhiều biến chứng nặng nề:

3.1 Áp xe hoặc viêm tuyến vú

Theo thống kê có khoảng 10 – 30% trường hợp áp xe vú xảy ra ở phụ nữ sau sinh và cho con bú. Áp xe vú là hiện tượng bầu ngực mẹ bị sưng đỏ, có hạch, khi ấn vào thấy đau, siêu âm sẽ thấy có ổ chứa dịch, có mủ. Khi bị áp xe mẹ sẽ bị sốt cao và rét run người. Nhiều trường hợp mẹ chủ quan để áp xe quá nặng sẽ phải cắt bỏ hoàn toàn 1 hoặc 2 bên bầu ngực.

Hình ảnh tuyến vú bị viêm

Hình ảnh tuyến vú bị viêm

Vì vậy khi thấy chớm có biểu hiện tắc tia sữa, mẹ cần có biện pháp xử lý ngay, tránh để tình trạng viêm nhiễm quá nặng.

3.2 Mẹ bị mất sữa hoàn toàn

Khi tình trạng tắc tia sữa trở nặng và biến chứng thành áp xe hay viêm tuyến vú, mẹ sẽ cần đến bác sỹ để được điều trị. Lúc này, bác sĩ sẽ chỉ định chích mủ hoặc kê thuốc kháng sinh, trường hợp nặng nhất có thể phải uống thuốc tiêu sữa, mẹ sẽ phải chấm dứt việc nuôi con bằng sữa mẹ. Ngay cả khi mẹ không phải dùng thuốc tiêu sữa thì việc dùng các loại thuốc như giảm đau hay kháng sinh cũng ít nhiều gây ảnh hưởng đến chất lượng của sữa và trẻ sẽ không được cung cấp đầy đủ sữa mẹ.

3.3 Sức khỏe và tinh thần người mẹ giảm sút

Khi tuyến vú bị viêm tắc, mẹ sẽ phải phải khổ sở vì những cơn đau nhói, căng tức, nóng ran và sốt rét. Đi kèm với đó là nguy cơ ảnh hưởng đến số lượng và chất lượng sữa người mẹ. Việc đau tức lâu ngày cộng hưởng với thiếu sữa cho con sẽ tác động không nhỏ đến tinh thần của người mẹ, mẹ rất dễ rơi vào trạng thái trầm cảm sau sinh, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình nuôi con.

4. Các biện pháp chữa tắc tia sữa nổi cục cứng

Mục đích cuối cùng của việc chữa tắc tia sữa là thông các tia sữa và làm tan các cục vón sữa bị ứ đọng lâu ngày. Nếu tình trạng của mẹ mới chỉ dừng lại ở mức nhẹ và chưa biến chứng thành áp xe hay viêm có mủ thì mẹ có thể tham khảo các phương pháp dưới đây:

4.1 Chữa tắc tia sữa nổi cục bằng cách massage

Massage bầu ngực đều đặn có thể làm tan các cục cứng, giúp tia sữa được lưu thông. Cách massage: Dùng 1 hoặc hai bàn tay xoa đều bầu ngực theo chiều kim đồng hồ để kích thích các tia sữa lưu thông, sau đó day nhẹ vào những vùng bị nổi cục để làm tan các cục sữa tắc. Thực hiện đều đặn các thao tác ngày 3 – 4 lần cho đến khi hiện tượng tắc tia sữa được cải thiện

4.3 Chườm ấm bầu ngực

Mẹ có thể sử dụng 1-2 chiếc khăn xô trụng ướt bằng nước nóng sau đó đắp lên bầu ngực, vừa đắp vừa xoa nhẹ nhàng để các tuyến sữa dần dần được lưu thông, các cục sữa vón dưới tác động của nhiệt cũng sẽ tan dần, từ đó làm giảm sự căng tức cho mẹ.

4.4 Cho bé bú đúng cữ và đúng khớp

Như đã đề cập ở trên, trẻ sơ sinh sẽ bú từ 5 – 6 cữ 1 ngày. Trong trường hợp mẹ bị tắc tia sữa mà chưa cải thiện được thì mẹ hãy cứ cho bé bú bình thường và phải đủ số bữa ăn của bé. Việc bé bú thường xuyên sẽ kích thích các dây thần kinh tuyến sữa hoạt động và làm lưu thông dòng chảy của sữa. Đồng thời mẹ cũng nên tìm hiểu cách cho bé bú đúng khớp ngậm để con được bú hết bầu sữa, và lưu ý hãy cho bé bú hết một bên rồi mới được chuyển sang bên còn lại để tránh tình trạng ứ đọng sữa trong bầu ngực.

4.5 Hút hết lượng sữa thừa tồn đọng trong bầu ngực

Khi mẹ quá nhiều sữa mà bé không thể bú hết thì mẹ cần hút hết lượng sữa còn tồn đọng trong bầu ngực để cho các tuyến sữa được thông thoáng và chuẩn bị cho lần căng sữa tiếp theo. Mẹ có thể sử dụng máy hút sữa với lực hút mạnh hơn 1 chút để chữa tắc tia sữa trong trường hợp các tác động lực bằng tay quá yếu, không thể làm tan cục tắc sữa. Tuy nhiên khi sử dụng máy hút sữa mà mẹ bị đau thì nên dừng lại hoặc điều chỉnh lực hút cho phù hợp với tình trạng và mức độ tắc, tránh sử dụng lực hút quá lớn sẽ làm ảnh hưởng đến mạch máu.

Mẹ có thể sử dụng máy hút sữa để làm giảm tình trạng tắc tia sữa

Mẹ có thể sử dụng máy hút sữa để làm giảm tình trạng tắc tia sữa

Trên đây là một số biện pháp để mẹ điều trị chứng tắc tia sữa nổi cục cứng. Ngoài các biện pháp trên thì mẹ cũng nên giữ cho mình 1 tinh thần thoải mái, lạc quan, xây dựng chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt hợp lý, đồng thời uống nhiều nước và có thể theo tập một số môn thể dục nhẹ nhàng như yoga, đi bộ… Quan trọng nhất, nếu nhận thấy tình trạng tắc tia sữa không cải thiện thì mẹ nên tới các bệnh viện và phòng khám chuyên khoa để được thăm khám và có biện pháp xử lí kịp thời, tránh gây biến chứng nặng.

Nếu mẹ có thắc mắc về các vấn đề liên quan đến viêm tắc tia sữa hãy liên hệ với tổng đài của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc TCI để được giải đáp và tư vấn miễn phí.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:
Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital