Sỏi túi mật có nên mổ không? Cắt túi mật có nguy hiểm không?

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ, Bác sĩ, Thầy thuốc ưu tú

Tạ Quang Mậu

Bác sĩ Nội Khoa

Sỏi túi mật có nên mổ không? Khi nào phải mổ? Mổ cắt túi mật nguy hiểm không?,… cùng rất nhiều thắc mắc khác xoay quanh bệnh sỏi túi mật được nhiều người bệnh quan tâm. Bài viết sau đây sẽ phần nào giải đáp một trong số những thắc mắc nêu trên để bạn có thể hiểu rõ hơn về loại bệnh lý phổ biến này.

1. Sỏi túi mật có nên mổ không? Khi nào cần mổ?

1.1. Trả lời câu hỏi: Sỏi túi mật có nên mổ không?

Thông thường, điều trị sỏi túi mật sẽ dựa theo 2 trường hợp diễn biến của sỏi như sau:

– Sỏi túi mật không kèm triệu chứng và không gây đau đớn quá nhiều cho người bệnh: Với trường hợp này, người bệnh hoàn toàn có thể “chung sống” hòa bình với sỏi mà chưa cần can thiệp bất kỳ phương pháp điều trị nào, chỉ cần tuân thủ chế độ ăn hợp lý và thực hiện thăm khám định kỳ đều đặn. Một vài trường hợp có thể được chỉ định điều trị nội khoa bằng thuốc tan sỏi (áp dụng với sỏi cholesterol). Thuốc có vai trò như một acid mật giúp đánh tan các loại sỏi nhỏ và hạn chế quá trình tạo sỏi mới.

– Sỏi phát triển gây tắc, viêm đường mật kèm theo các triệu chứng cùng nguy cơ biến chứng cao: Trường hợp này thường được chỉ định phẫu thuật cắt túi mật để đảm bảo an toàn cho người bệnh.

Như vậy, sỏi túi mật có nhất thiết phải mổ không còn phụ thuộc vào tình trạng bệnh cụ thể, tính chất và ảnh hưởng của sỏi gây ra. Chính vì vậy, người bệnh có sỏi cần thực hiện thăm khám càng sớm càng tốt để được chỉ định phương án điều trị đúng cách.

Sỏi túi mật có nên mổ không?

Mổ cắt túi mật sẽ được quyết định bởi bác sĩ chuyên khoa sau khi đánh giá chi tiết tình trạng bệnh.

1.2. Khi nào có sỏi túi mật cần phải cắt túi mật?

Một số trường hợp sỏi túi mật cụ thể có nguy cơ biến chứng cao cần thực hiện phẫu thuật cắt túi mật như:

– Sỏi kích thước lớn (lớn trên 2cm) hoặc khi thể tích của sỏi chiếm hơn 2/3 tổng thể tích toàn túi mật, lúc này sỏi sẽ dễ gây tắc nghẽn và ảnh hưởng đến chức năng của túi mật.

– Sỏi túi mật gây viêm túi mật cấp khiến người bệnh bị đau bụng dữ dội kèm theo các triệu chứng như đầy trướng bụng, sốt, buồn nôn, nôn,.. Điều này có ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe của người bệnh.

– Người bệnh viêm túi mật mạn tính, túi mật xứ (thành túi mật dày, nhiễm canxi). Các trường hợp này, thành túi mật đã bị suy yếu, mất dần hoặc mất hẳn khả năng co bóp và cô đặc dịch mật.

– Sỏi mật di chuyển và bị kẹt ở các vị trí hiểm hóc dẫn tới những biến chứng nguy hiểm. Ví dụ sỏi bị kẹt ở ngã ba mật tụy có thể gây viêm tụy cấp; Sỏi tạo đường rò túi mật – tá tràng và theo đường rò kẹt lại ở ruột non có thể gây ra tắc ruột,…

– Người bệnh có sỏi túi mật đồng thời có cả polyp túi mật kích thước lớn trên 10mm.

Khi nào cần thực hiện cắt túi mật?

Các trường hợp sỏi túi mật gây triệu chứng cùng nguy cơ biến chứng cao sẽ được chỉ định cắt túi mật không kể kích thước, số lượng sỏi.

2. Phương pháp mổ cắt túi mật được chỉ định

Chỉ định điều trị sỏi túi mật kèm triệu chứng (không phân biệt số lượng hay kích thước sỏi) là cắt túi mật. Để thực hiện cắt túi mật sẽ được tiến hành theo 2 phương pháp chính là cắt túi mật nội soi hoặc thực hiện cắt túi mật mổ mở.

– Cắt túi mật nội soi: Phẫu thuật cắt túi mật nội soi là phương pháp được áp dụng phổ biến nhờ những ưu điểm nổi bật như ít xâm lấn, ít gây đau, đảm bảo tính thẩm mỹ, hạn chế tốt các biến chứng, thực hiện nhanh chóng (chỉ khoảng 15-30 phút), rút ngắn thời gian nằm viện xuất viện sau 1-2 ngày,…

– Cắt túi mật mổ mở: Được thực hiện khi người bệnh không đáp ứng đủ các yêu cầu của mổ nội soi. Cụ thể, với các trường hợp người bệnh sỏi túi mật đã có biến chứng nhất định như viêm, nhiễm trùng đường mật, có sẹo lớn từ một phẫu thuật trước đó, có rối loạn về chảy máu/đông máu hoặc một tình trạng đặc biệt nào đó sẽ cần chuyển qua thực hiện cắt túi mật mổ mở. Phẫu thuật mổ mở sẽ gây nhiều đau hơn mổ nội soi và thời gian xuất viện là 3-4 ngày.

Phương pháp mổ cắt túi mật được áp dụng

Hình ảnh vết mổ sau khi thực hiện phẫu thuật cắt túi mật nội soi.

3. Cắt túi mật có gây nguy hiểm hoặc ảnh hưởng tới cuộc sống sau này không?

Mổ cắt túi mật không phải một ca phẫu thuật phức tạp, tỷ lệ nguy hiểm không cao, nguy cơ biến chứng trong và sau mổ thấp. Người bệnh sẽ nhanh chóng được xuất viện và hồi phục sau đó mà không gặp nhiều khó khăn gì.

Lưu ý, trong thời gian đầu sau mổ, người bệnh có thể vẫn sẽ thấy đau nhiều ở vùng hạ sườn phải, kèm theo đó là các triệu chứng của rối loạn tiêu hóa thoáng quá.

Giải thích cho tình trạng này là khi túi mật bị cắt bỏ, gan vẫn tiếp tục sản xuất ra dịch mật như thường nhưng vì không còn nơi dự trữ nên dịch mật sẽ được đổ trực tiếp tới đường tiêu hóa. Điều này sẽ dẫn đến việc thừa hoặc thiếu dịch mật, gây ra rối loạn tiêu hóa như đầy bụng, khó tiêu, trướng bụng (khi lượng mật bị thiếu) hoặc là tiêu chảy kéo dài (khi lượng mật dư thừa).

Tuy nhiên, các vấn đề trên đều sẽ được cải thiện nhanh chóng sau 2-3 tuần khi cơ thể đã bắt đầu thích nghi với việc không còn túi mật, Như vậy có thể thấy, người bệnh hoàn toàn có thể sinh hoạt và làm việc bình thường khi không còn túi mật mà không lo ảnh hưởng tới sức khỏe.

Với câu hỏi: “Sỏi túi mật có nên mổ không?” sẽ được quyết định bởi bác sĩ chuyên khoa sau quá trình đi vào thăm khám chi tiết. Người bệnh hãy lựa chọn những cơ sở y tế uy tín để việc thăm khám, chữa bệnh được diễn ra tốt nhất, điều trị sỏi túi mật đúng cách, kịp thời và dứt điểm bệnh nhanh chóng.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital