(Dân trí) – Giảm sức đề kháng, mất tiếng, đổi giọng,… đó là những nỗi sợ quanh việc cắt amidan, dẫn tới nhiều bệnh nhân trì hoãn điều trị, khiến bệnh không khỏi, và có nguy cơ xảy ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Viêm amidan là một trong những bệnh lý tai mũi họng phổ biến hàng đầu hiện nay. Viêm amidan có thể gặp ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên trẻ em là đối tượng hay mắc viêm amidan nhất. Nguyên nhân là do hoạt động miễn dịch của amidan mạnh mẽ nhất trong độ tuổi từ 4-10, sau đó sẽ giảm.
Thầy thuốc ưu tú, bác sĩ Dương Văn Tiến – Trưởng phòng khám Tai Mũi Họng Thu Cúc TCI cho biết, hầu hết những người đến khám tại TCI khi tình trạng viêm amidan đã nặng. Đối với các trường hợp viêm amidan mạn tính, tái phát nhiều lần trên 1 năm (khoảng 5-7 lần/năm), amidan phì đại làm tắc nghẽn đường thở, bệnh nhân có biểu hiện ngưng thở khi ngủ, viêm amidan nặng có biến chứng như áp xe, nhiễm trùng huyết…
“Với những trường hợp trên, chúng tôi thường có chỉ định phẫu thuật. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân trì hoãn, do lo sợ những rủi ro khi cắt amidan mà họ nghe được”, bác sĩ Tiến nói.
Dưới đây là những nỗi sợ khi cắt amidan của nhiều người, và ý kiến của bác sĩ.
Menu xem nhanh:
Cắt amidan làm giảm đề kháng, mất chức năng bảo vệ
Amidan được ví như cánh cửa với chức năng miễn dịch, chống lại sự xâm nhập của các tác nhân xấu qua đường mũi họng. Đây cũng là lý do nhiều người lo sợ việc cắt amidan sẽ làm mất chức năng bảo vệ hầu họng này.
Tuy nhiên, bác sĩ Dương Văn Tiến cho biết, nếu amidan bị viêm nhiễm, kích thước quá phát sẽ gây nhiều phiền toái như: lây lan viêm nhiễm tới các cơ quan khác, hơi thở có mùi, ngủ ngáy, khó thở, ngưng thở khi ngủ,… Như vậy, không những không thể trở thành lá chắn bảo vệ, amidan viêm nhiễm còn là nguyên nhân khiến cho tình trạng viêm nhiễm lan rộng và ảnh hưởng nặng hơn.
Cắt amidan là lựa chọn cuối cùng của bác sĩ khi điều trị viêm amidan. Ngoài ra, phẫu thuật này hầu như không gây khác biệt đáng kể về sức khỏe giữa người đã cắt amidan và người chưa cắt amidan. Do đó, bệnh nhân không nên lo lắng vấn đề này.
Cắt amidan gây chảy máu và đau đớn
Đau hay chảy máu là điều dễ thấy trong các cuộc phẫu thuật, và cắt amidan cũng không ngoại lệ. Thực tế, việc sợ đau, sợ chảy máu là điều rất phổ biến với bệnh nhân viêm amidan, bởi trong quá khứ, việc cắt amidan được thực hiện còn sơ sài, gây hệ quả xấu nhiều ngày cho người bệnh.
Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ cũng như những tiến bộ của y học hiện nay về giảm đau, phương pháp cầm máu,… người bệnh có thể an tâm về vấn đề này. Bác sĩ Dương Văn Tiến cho biết, hiện nay, phương pháp cắt amidan, nạo VA bằng Plasma Plus rất ưu việt, và cũng đang được áp dụng tại Thu Cúc TCI. Lưỡi dao Plasma mỏng, dẹt, giúp thao tác chính xác.
Đặc biệt, dao Plasma có tính năng hàn các mạch máu siêu nhỏ trong quá trình phẫu thuật. Do đó, người bệnh gần như không chảy máu trong và sau phẫu thuật. Quá trình thực hiện người bệnh được gây mê nên không có cảm giác đau đớn. Thời gian phẫu thuật chỉ 30 – 45 phút, và sau 1 ngày là có thể ra viện.
Việc chăm sóc hậu phẫu cũng đơn giản, bệnh nhân ít đau, có thể ăn uống nguội và sinh hoạt bình thường. Thời gian hồi phục tương đối nhanh chóng, nên không ảnh hưởng nhiều tới sinh hoạt, học tập và làm việc.
Sau phẫu thuật amidan bị mất tiếng, thay đổi giọng nói
Những người như giáo viên, diễn giả, ca sĩ… lo lắng việc cắt amidan ảnh hưởng đến giọng nói, khiến họ thay đổi giọng, khàn tiếng hoặc mất tiếng hoàn toàn. Thực tế, amidan và dây thanh âm ở các vị trí khác nhau. Do đó, cắt amidan không gây ảnh hưởng đến dây thanh và vấn đề giọng nói.
Thông thường, sau khi cắt amidan, người bệnh có cảm giác đau họng và giọng khàn hơn. Tuy nhiên, đây là triệu chứng thoáng qua, kéo dài chỉ 1-2 ngày. Nguyên nhân là do trong quá trình phẫu thuật, ống nội khí quản gây mê cọ xát với thanh quản, khiến thanh quản bị ảnh hưởng và khàn tiếng tạm thời.
Phẫu thuật amidan không phù hợp với thể trạng trẻ nhỏ
Chị M.H.S (30 tuổi, Hà Nội) đưa con đến TCI khám do bé có biểu hiện ngủ ngáy, đau viêm tai giữa và ho dai dẳng. Sau khi thăm khám, bác sĩ chẩn đoán bé 8 tuổi bị viêm amidan nặng và VA quá phát cấp độ 4, cần phẫu thuật.
Chị S. quan ngại và chia sẻ: “Hồi học lớp 5, mình đã được cắt amidan. Bác sĩ làm thô lắm. Mình có thể cảm nhận được cả việc tiêm chất gây tê cũng như khi cắt trực tiếp amidan. Phẫu thuật xong còn đau nhiều ngày”.
Tương tự chị S., nhiều người lo lắng và trì hoãn việc phẫu thuật amidan ở trẻ, vì cho rằng, trẻ không đủ sức khỏe để đối mặt với 1 ca phẫu thuật lớn. Thêm vào đó, thời gian phục hồi lâu, trẻ phải nghỉ học nhiều, cần kiêng khem kỹ lưỡng sau phẫu thuật… cũng là những trăn trở của phụ huynh.
Giải thích cho chị S., bác sĩ Tiến chia sẻ, Plasma Plus là lựa chọn tối ưu cho trẻ em. Lưỡi dao Plasma mỏng, dẹt, có khả năng bẻ cong, nên phù hợp với môi trường cổ họng hẹp ở trẻ. Nhiệt lượng dao Plasma khá thấp, từ 40-60⁰C, không làm tổn thương các mô xung quanh.
“Thời gian phẫu thuật và lưu viện ngắn; do quá trình phẫu thuật nhẹ nhàng nên trẻ phục hồi sức khỏe nhanh, không cần nghỉ học nhiều, vì vậy phụ huynh có thể yên tâm về vấn đề này”, bác sĩ Tiến cho biết thêm.
Bác sĩ Tiến cũng nhấn mạnh, cha mẹ không nên vì những lo lắng không đáng có mà bỏ lỡ thời điểm phẫu thuật amidan lý tưởng cho trẻ. Viêm amidan tái diễn nhiều lần không chỉ ảnh hưởng tới cuộc sống của trẻ mà có thể gây ra nhiều biến chứng tại chỗ như viêm tai giữa, viêm xoang, áp xe, …; biến chứng toàn thân như viêm cầu thận, viêm cơ tim, nhiễm khuẩn huyết…
Sau phẫu thuật, cần thực hiện chăm sóc trẻ theo chỉ định, chú ý các phản ứng trong quá trình hồi phục để tham vấn khi cần thiết, đảm bảo vấn đề ăn uống, nghỉ ngơi phù hợp cho trẻ.