Mẹ bầu sinh mổ rồi có sinh thường được không?

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Văn Hà

Phó Giám đốc Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI, Trưởng khoa Phụ Sản

Sinh mổ rồi có sinh thường được không là thắc mắc chung của rất nhiều mẹ bầu đã sinh mổ lần đầu. Trên thực tế, nếu điều kiện thể chất cho phép, nhiều mẹ bầu vẫn có thể sinh thường sau khi đã từng sinh mổ mà không để lại bất kỳ biến chứng nào.

1. Mẹ bầu sinh mổ rồi có sinh thường được không?

Sau khi sinh mổ, tùy thuộc vào cơ địa và tình trạng sức khỏe của mỗi mẹ mà vết mổ có thể phục hồi nhanh hoặc chậm. Thông thường, vết mổ đẻ thường sẽ mất 2 – 3 ngày để khô và kín miệng. Sau 2 – 3 tuần sau đó, vết mổ sẽ hình thành sẹo, nhưng phải mất tối thiểu 3 tháng thì vết mổ mới có thể được coi là lành hẳn.

Sinh mổ rồi có sinh thường được không là thắc mắc chung của rất nhiều mẹ bầu

Sinh mổ rồi có sinh thường được không là thắc mắc chung của rất nhiều mẹ bầu

Chưa nói tới chuyện sinh thường hay sinh mổ, nhưng nếu mang thai sớm sau khi sinh mổ sẽ dễ dàng gây ra những nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai nhi. Chẳng hạn như bục vết sẹo mổ cũ, thai bám vào vết sẹo mổ cũ hoặc nhau thai tiền đạo, nhau cài răng lược,…

Hầu hết chị em đều tiếp tục sinh mổ ở những lần tiếp theo sau khi đã sinh mổ ở lần trước. Thế nhưng, sau khi sinh mổ, mẹ bầu nào có nhu cầu sinh thường nên hỏi ý kiến của bác sĩ. Thêm vào đó, sinh mổ rồi có sinh thường được không còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như sức khỏe của người mẹ tình trạng nước ối, tình trạng thai nhi, ngôi thai,…

2. Những trường hợp mẹ bầu có thể sinh thường sau khi sinh mổ

Những trường hợp mẹ bầu có thể sinh thường sau khi đã sinh mổ ở lần mang thai trước là:

– Mang thai khi vết mổ cũ đã lành hẳn và sức khỏe của mẹ đã bình phục hoàn toàn.

– Mang thai đơn và ngôi thuận, thai không quá to.

– Sức khỏe của mẹ bầu đã ổn định và không có bất thường nào ở vùng khung chậu.

– Đã được trang bị đầy đủ các kiến thức về sinh đẻ và rặn đẻ trước đó.

– Sinh tại các bệnh viện uy tín có phòng mổ và đội ngũ y bác sĩ giỏi chuyên môn, dày dặn kinh nghiệm để có thể xử lý kịp thời những vấn đề bất thường có thể xảy ra trong quá trình chuyển dạ.

– Không mắc căn bệnh nào ở cơ quan sinh dục, gây cản trở đường ra của thai nhi như u xơ tử cung, u tiền đạo,…

– Vết mổ cũ lần trước là vết mổ ngang ở đoạn dưới tử cung.

– Mới chỉ sinh mổ 1 lần.

3. Những yếu tố khiến mẹ bầu không thể sinh thường sau khi sinh mổ

3.1. Vết rạch tử cung từ lần sinh mổ trước là dọc

Trước tiên, mẹ bầu phải biết là lần sinh mổ trước mình được rạch trong tử cung như thế nào. Thông thường, có 2 kiểu vết rạch ở tử cung khi sinh mổ là vết rạch dọc từ trên xuống và vết rạch ngang. Mẹ bầu có thể biết được điều này dựa vào thông tin y bạ trong lần nhập viện sinh con trước đó. Ngoài ra, mẹ cũng nên lưu ý một điều là vết rạch trong tử cung không liên quan gì đến vết rạch ngoài da trên bụng. Do đó, kể cả vết rạch ngoài da trên bụng của mẹ là ngang đi chăng nữa thì không có nghĩa là vết rạch trong tử cung cũng là ngang.

Vì vết rạch dọc cổ điển từ trên xuống làm tăng nguy cơ bục tử cung. Do đó, nếu mẹ nào có vết rạch trong tử cung kiểu này, tốt nhất nên sinh mổ ở lần tiếp theo. Trong trường hợp mẹ bầu không biết vết sẹo tử cung là ngang hay dọc thì không nên liều lĩnh, hãy chọn phương pháp sinh mổ để đảm bảo an toàn cho cả mẹ lẫn bé.

Mẹ có thể sinh mổ ở lần mang thai tiếp theo hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố

Mẹ có thể sinh mổ ở lần mang thai tiếp theo hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố

3.2. Mẹ từng sinh mổ 2 lần trở lên

Các bác sĩ thường khuyến cáo những mẹ bầu đã từng sinh mổ từ 2 lần trở lên nên sinh mổ ở lần tiếp theo để tránh những biến chứng nguy hiểm trong quá trình chuyển dạ, ảnh hưởng tới tính mạng cho cả mẹ và bé. Đồng thời nó cũng giúp mẹ hạn chế được những biến chứng có thể xảy ra sau khi sinh.

3.3. Khoảng cách giữa 2 lần sinh con quá gần

Nếu khoảng cách giữa lần sinh mổ trước với lần sinh thường là dưới 18 tháng, nguy cơ bục tử cung của mẹ có thể sẽ tăng lên. Do đó, trong những trường hợp này, hầu hết các bệnh viện đều khuyên mẹ không nên sinh thường.

3.4. Lần sinh trước mẹ đã cố găng sinh thường nhưng không thành công

Lý do sinh mổ trước đây có thể ảnh hưởng trực tiếp tới cơ hội sinh thường ở lần tiếp theo. Chẳng hạn như nếu lần sinh trước, mẹ đã cố gắng để sinh thường nhưng không thành công và buộc phải chuyển sang sinh mổ, thì ở những lần sinh tiếp theo, mẹ nên chọn sinh mổ. Vì những vấn đề khiến mẹ sinh thường không thành công trong lần trước (như cổ tử cung không tiến triển, suy thai…) hoàn toàn có thể gặp lại trong lần này.

3.5. Mẹ bầu mắc các biến chứng về sức khỏe

Nếu mẹ bầu đang mắc phải một căn bệnh nào đó như khiếm khuyết ở tim hoặc bệnh phổi, bệnh cường giáp… bác sĩ sẽ tư vấn mẹ nên sinh mổ thay vì sinh thường.

3.6. Thai nhi có kích thước lớn

Mặc dù chưa thể xác định được chính xác cân nặng của thai nhi trong những tháng cuối thai kỳ, nhưng trong trường hợp sau khi siêu âm và thăm khám, bác sĩ dự đoán em bé nặng từ 4kg trở lên, mẹ bầu có thể được đề nghị nên cân nhắc sinh mổ.

3.7. Mẹ bầu vượt quá ngày dự sinh

Nếu mẹ mang thai quá 40 tuần tuổi mà em bé vẫn chưa chịu chào đời thì tốt nhất mẹ nên chuyển sang phương pháp sinh mổ để đảm bảo an toàn cho bản thân và bé.

Mẹ bầu nên kiểm soát cân nặng, huyết áp và căng thẳng của mình để tăng khả năng sinh thường sau khi đã từng sinh mổ

Mẹ bầu nên kiểm soát cân nặng, huyết áp và căng thẳng của mình để tăng khả năng sinh thường sau khi đã từng sinh mổ

4. Làm thế nào để tăng khả năng sinh thường sau khi sinh mổ?

Phương thức sinh con của mẹ là gì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Tuy nhiên, để tăng khả năng sinh thường sau khi sinh mổ, mẹ nên áp dụng những mẹo sau:

4.1. Kiểm soát cân nặng của bản thân

Theo các chuyên gia, những mẹ bầu duy trì cân nặng ở mức ổn định thì cơ hội sinh thường sau lần sinh mổ trước sẽ cao hơn rất nhiều. Do đó, những mẹ bầu đang ở trong tình trạng quá cân nên áp dụng các phương pháp khác nhau để kiểm soát tốt cân nặng của mình. Chẳng hạn như thường xuyên tập thể dục hoặc thực hiện chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh.

4.2. Kiểm soát huyết áp của bản thân

Trên thực tế, huyết áp cao ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình sinh nở của mẹ bầu. Do đó, với những mẹ bầu mắc tiền sản giật ở lần mang thai trước thì nên cẩn trọng hơn trong lần mang thai này. Tốt nhất, mẹ nên kiểm soát huyết áp bằng cách thiết kế chế độ dinh dưỡng cân bằng, ăn nhạt và tập thể dục đều đặn.

4.3. Kiểm soát căng thẳng và mệt mỏi

Các bác sĩ thường khuyên mẹ bầu nên tập luyện các bài tập thở để kiểm soát căng thẳng và mệt mỏi khi mang thai. Theo đó, mẹ bầu càng bình tĩnh, thoải mái thì càng rút ngắn thời gian chuyển dạ và tăng cơ hội sinh thường.

Hy vọng bài viết trên đây đã giúp các mẹ giải đáp được thắc mắc “Sinh mổ rồi có sinh thường được không?”. Để có một thai kỳ an toàn và trọn vẹn nhất, mẹ nên đi khám thai định kỳ để được bác sĩ tư vấn phương pháp sinh nở phù hợp nhất nhé.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital