Siêu âm ổ bụng thực hiện được nhiều trong một lần siêu âm

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKI

Trần Hoàng Tùng

Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh

Siêu âm ổ bụng là kỹ thuật chẩn đoán không xâm lấn, an toàn. Bằng phương pháp này giúp phát hiện những bất thường ở vùng bụng – nơi chứa nhiều cơ quan nội tạng nhất trong cơ thể như gan, mật, tụy, lách, động mạch chủ bụng và các mạch máu khác của ổ bụng. Ngoài ra còn giúp định hướng một số thủ thuật chọc, hút, sinh thiết dưới hướng dẫn của siêu âm. 

1. Siêu âm là gì? 

máy siêu âm ổ bụng

Máy siêu âm giúp phát hiện những bất thường ở vùng bụng an toàn, không xâm lấn.

Đây là kỹ thuật không xâm lấn, sử dụng sóng âm thanh được phát ra từ máy siêu âm, qua đầu dò và lớp gel vào cơ thể. Đầu dò siêu âm sẽ thu nhận âm thanh dội lại và máy tính sẽ sử dụng sóng âm thanh đó để tạo ra hình ảnh trên màn hình, giúp bác sĩ chẩn đoán và định hướng một số thủ thuật can thiệp điều trị bệnh. 

2. Siêu âm ổ bụng có thể phát hiện những bệnh gì?

Vùng bụng là nơi chứa rất nhiều các cơ quan nội tạng quan trọng của cơ thể như: gan, thận, túi mật, tuyến tụy, lách ngoài ra còn có các động mạch chủ bụng và các mạch máu khác của ổ bụng. 

Siêu âm có thể giúp phát hiện những bất thường ở các cơ quan nêu trên, đánh giá chức năng và hướng dẫn một số thủ thuật để can thiệp và điều trị.

Cụ thể giúp đánh giá một số bệnh lý sau: 

  • Bệnh về gan: gan nhiễm mỡ, áp xe gan, viêm gan mãn tính, xơ gan, nang gan, u gan lành tính hay ác tính.
  • Bệnh lý đường mật: viêm túi mật, sỏi mật, polyp túi mật, u đường mật, dị dạng đường mật.
  • Bệnh ở lách: lách to, lympho lách, u lách, áp xe lách
  • Bệnh ở thận: sỏi thận, viêm thận, giãn đài bể thận, ung thư thận.
  • Bệnh tiết niệu khác: viêm bàng quang, sỏi bàng quang, ung thư bàng quang, sỏi niệu quản, chít hẹp niệu quản, …
  • Bệnh tiêu hóa: viêm ruột thừa, lồng ruột, xoắn ruột, khối u ở ruột
  • Bệnh lý sinh dục nam và nữ: u xơ tử cung, u nang buồng trứng, viêm tuyến tiền liệt,..
  • Một số bệnh lý khác như: tình trạng dịch ổ bụng, dịch khoang phúc mạc, phình động mạch chủ bụng, tràn dịch khoang phúc mạc,…

3. Ưu và nhược điểm của siêu âm ổ bụng

Ưu điểm: 

  • Dễ thực hiện, không xâm lấn, cho kết quả nhanh chóng, tương đối chính xác
  • Không sử dụng tia bức xạ X hay bức xạ ion hóa mà sử dụng sóng âm thanh an toàn cho người bệnh.
  • Có thể áp dụng cho nhiều đối tượng kể cả trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và đang nuôi con bú.
  • Cho hình ảnh rõ ràng về mô mềm không hiển thị tốt trên hình ảnh X quang
  • Có thể thực hiện nhiều lần 
  • Chi phí tương đối rẻ

Nhược điểm 

Sóng siêu âm bị ngăn cản bởi khí hoặc không khí. Do đó siêu âm chỉ đánh giá được tình trạng lồng ruột hay xoắn ruột, không thể chẩn đoán chính xác được tình trạng viêm, loét, thủng ruột hoặc cơ quan bị che khuất bởi ruột. 

4. Quá trình siêu âm diễn ra như thế nào?

siêu âm ổ bụng tại bệnh viện thu cúc

Siêu âm vùng bụng giúp chẩn đoán bệnh lý gan mật tại Thu Cúc.

Khi có chỉ định, người bệnh sẽ được di chuyển tới phòng siêu âm. Tại đây người bệnh nằm ngửa trên giường khám bệnh hoặc có thể nghiêng, thay đổi tư thế nằm theo hướng dẫn của bác sĩ siêu âm. 

Bác sĩ siêu âm sẽ sử dụng một loại gel bôi vào khu vực cơ thể người bệnh cần phải siêu âm. Lớp gel này sẽ giúp đầu dò tiếp xúc an toàn với cơ thể người bệnh và giúp cho sóng âm truyền vào cơ thể. Đầu dò di chuyển qua lại tại tại vùng được bôi gel, hình ảnh sẽ được thu lại trên màn hình. Các bác sĩ sẽ dừng lại khi thu được hình ảnh mong muốn. 

Khi siêu âm bạn có thể nghe thấy âm thanh phát ra, đây là từ những xung thay đổi theo cường độ khi lưu lượng máu được đo và theo dõi.

Thông thường thời gian diễn ra trong khoảng 15-30 phút, không gây đau hay khó chịu. Nếu thăm khám các khu vực mô mỏng, người bệnh có thể có cảm giác thấy hơi tức, buồn hoặc đau nhẹ khi bác sĩ ấn đầu dò nhưng chỉ diễn ra rất nhanh rồi lại bình thường.

Sau khi siêu âm xong, người bệnh sẽ được lau sạch lớp gel trên da. Lớp gel này khô rất nhanh và thường không làm ố hoặc biến màu quần áo, an toàn cho da và sức khỏe của bệnh nhân. Người bệnh chờ nhận kết quả từ bác sĩ siêu âm. Sau siêu âm người bệnh có thể tiếp tục thực hiện các hoạt động khác như bình thường.

5. Những điều cần lưu ý trước khi siêu âm ổ bụng

Nếu siêu âm gan, mật, lách, tụy thì buổi tối trước hôm siêu âm người bệnh nên ăn các đồ ăn không có chất béo, sau đó nhịn ăn trong khoảng 8-12 giờ để tiến hành siêu âm để tránh tích tụ khí trong ruột.

Siêu âm thận – tiết niệu, người bệnh nên uống khoảng 4-6 ly nước khoảng một giờ trước khi siêu âm và nhịn đi tiểu để bàng quang căng nước tiểu để cho hình ảnh siêu âm được rõ ràng và chính xác. 

Siêu âm động mạch chủ, người bệnh có thể cần phải nhịn ăn từ 8-12 giờ.

Ngoài ra khi đi siêu âm hay khám, chữa bệnh, người bệnh cần mặc quần áo rộng rãi, thoải mái thuận tiện cho quá trình siêu âm. Đồng thời cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ.

6. Khi nào thì bạn nên siêu âm bụng? 

dấu hiệu bạn nên đi siêu âm ổ bụng tổng quát

Nếu có hiện tượng đau bụng, bạn nên đi thăm khám và siêu âm theo chỉ định của bác sĩ.

Đây là một trong những kỹ thuật được chỉ định trong kiểm tra sức khỏe định kỳ 6-12 tháng. Bên cạnh đó, nếu bạn có một trong những dấu hiệu sau, nên đi thăm khám với bác sĩ để có thể chỉ định siêu, phát hiện sớm những bất thường và bệnh lý (nếu có):

  • Đau bụng dữ dội, đau âm ỉ
  • Cảm thấy khó tiêu, buồn nôn hoặc nôn, rối loạn tiêu hóa (táo bón, tiêu chảy)
  • Chán ăn, sút cân không rõ nguyên nhân
  • Sờ thấy khối u (cục) trong bụng

Bạn hoàn toàn có thể thực hiện được nhiều lần. Nhiều người lo lắng về sóng siêu âm có thể ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng hiện tại chưa có một nghiên cứu nào khẳng định sóng siêu âm phát ra từ máy siêu âm gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của người bệnh. Do đó bạn hoàn toàn yên tâm khi có chỉ định siêu âm từ bác sĩ. Bạn cũng nên chọn những đơn vị y tế uy tín có hệ thống máy móc hiện đại, đội ngũ giàu kinh nghiệm để đảm bảo cho kết quả chính xác.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital