Thai nhi khỏe mạnh và phát triển bình thường là điều mà người mẹ nào cũng mong muốn. Tuy nhiên, nhiều trường hợp siêu âm không có tim thai khiến chị em lo lắng. Vậy nguyên nhân do đâu và chị em cần làm gì?
Menu xem nhanh:
1. Thời điểm hình thành tim thai
Hình thành tim thai là dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của thai nhi. Trứng sau khi được thụ tinh sẽ tạo ra hợp tử. Hợp tử này sẽ di chuyển xuống tử cung. Hợp tử phát triển thành phôi và bám chặt vào tử cung của mẹ để làm tổ. Đồng thời quá trình phân chia cũng diễn ra nhanh chóng dần hình thành thai nhi. Khi đó, hormone hCG được tiết ra và lẫn trong nước tiểu. Lúc này mẹ thử que sẽ hiện 2 vạch – một trong những tín hiệu báo thai đầu tiên.
Tim thai cũng là bộ phận được hình thành cấu trúc sớm nhất trong cơ thể. Sau khoảng 3 tuần, các cấu trúc như ống tim được hình thành. Các vách ngăn cũng xuất hiện, tim thai dần hoàn thiện. Thai nhi phát triển bình thường thì khoảng 22 ngày kể từ khi thụ thai sẽ cảm nhận rõ được nhịp đập của tim thai. Thông thường, khi mẹ siêu âm từ tuần 6 đến tuần 8 đã có thể nhìn thấy tim thai. Thông qua siêu âm Doppler, các bác sĩ sẽ phát hiện các mạch lớn và dòng máu chuyển động theo nhịp đập của tim. Nhịp tim càng lớn, càng chứng tỏ thai nhi đang phát triển rất tốt. Tuy nhiên, nhiều trường hợp phải sau tuần 8 các bác sĩ mới có thể siêu âm thấy thai nhi.
2. Vì sao siêu âm không thấy tim thai?
Có nhiều nguyên nhân khiến siêu âm không thấy tim thai. Một số nguyên nhân phổ biến là do:
2.1 Siêu âm không có tim thai do siêu âm quá sớm
Nhiều trường hợp que thử đã lên 2 vạch nhưng siêu âm 7 tuần vẫn không thấy tim thai. Nguyên nhân rất có thể tuổi thai bị tính sai lệch. Bởi khi thai nhi còn nhỏ, việc xác định tuổi thai còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như ngày rụng trứng, ngày cuối của kỳ kinh nguyệt,…. dẫn đến tuổi thai có thể sai lệch đến 2 tuần. Khi đó, siêu âm sớm sẽ không nhìn thấy tim thai. Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ hẹn mẹ siêu âm lại 1 – 2 tuần sau đó.
2.2 Siêu âm không có tim thai do bị sảy thai
Sảy thai là một trong nhừng lý do khiến siêu âm không thấy tim thai không hiếm gặp. Ngoại trừ siêu âm sớm, sai sót khi tính toán tuổi thai, thì từ sau 8 tuần vẫn không thấy tim thai các bác sĩ có thể nghi ngờ mẹ bị sảy thai và yêu cầu kiểm tra chi tiết.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sảy thai như:
Bất thường về nhiễm sắc thể. Khi trứng hoặc tinh trùng có những rối loạn nhiễm sắc thể sẽ khiến cho quá trình phân bào bị bất thường. Đây là nguyên nhân của khoảng 50% các trường hợp sảy thai tự nhiên.
Sảy thai không xác định nguyên nhân. Em bé bị sảy trong khi sức khỏe của mẹ hoàn toàn ổn định và bình thường.
Mẹ có vấn đề về sức khỏe. Nếu mẹ bị buồng trứng đa nang, rối loạn đông máu, hoặc có những dị thường liên quan tới cổ tử cung, tuyến giáp,… sẽ có tỷ lệ sảy thai rất cao. Ngoài ra, các bệnh gây bởi virus như rubella, sởi, quai bị, viêm gan B,… cũng là nguyên nhân có thể dẫn đến sảy thai nếu mẹ mắc phải.
Ngoài ra, mẹ có thể bị sảy thai do các nguyên nhân như:
- Bị va đập, bị chấn thương vùng bụng.
- Tiếp xúc với môi trường độc hại hoặc có những thói quen sử dụng rượu bia, chất kích thích.
- Bị trầm cảm, căng thẳng kéo dài.
2.3 Một số nguyên nhân khác
Thiết bị lỗi hoặc phương pháp siêu âm chưa phù hợp
Đây là nguyên nhân cũng khá phổ biến khiến siêu âm không có tim thai. Để nghe thấy tim thai, thiết bị cần có độ nhậy cao và ống nghe cần đạt chuẩn. Nhiều trường hợp thiết bị siêu âm có lỗi kỹ thuật sẽ không nghe thấy hoặc nghe tim thai rất yếu ớt.
Ngoài thiết bị siêu âm thì phương pháp siêu âm cũng rất quan trọng. Ở những tuần thai đầu tiên, siêu âm ổ bụng sẽ khó phát hiện tim thai. Chính vì thế, để kết quả siêu âm chính xác nhất bác sĩ sẽ tiến hành siêu âm đầu dò.
Rối loạn nhịp tim ở thai nhi
Đây là nguyên nhân rất ít gặp nhưng vẫn có thể xảy ra. Tuy nhiên tình trạng rối loạn nhịp tim ở thai nhi chỉ thường xảy ra ở một thời điểm nhất định trong thai kỳ và chỉ có tính tạm thời. Trong trường hợp nhịp tim bị rối loạn, thai nhi có thể tăng nhịp lên tới 160 nhịp/ phút và sau đó dừng lại đột ngột rồi chuyển về trạng thái bình thường. Tuy nhiên nếu rối loạn nhịp tim quá nhiều lần hoặc không thấy nhịp nữa rất có thể thai nhi đã tử vong. Trong trường hợp rối loạn nhịp tim, bác sĩ sẽ kiểm tra lại để phát hiện sớm những bất thường.
3. Làm gì khi siêu âm không thấy tim thai?
Nếu chị em đi siêu âm sớm trước tuần thai thứ 7 thì không nên quá lo lắng. Bởi lúc này có thể còn quá sớm để có thể thấy tim thai. Các bác sĩ sẽ có những kiểm tra sâu hơn và hẹn chị em quay trở lại siêu âm sau 1 đến 2 tuần.
Trong trường hợp đột ngột không thấy tim thai (trước đó có tim thai) kèm theo những bất thường như chảy máu âm đao, đau bụng, mất cảm giác ốm nghén,… chị em cần đi kiểm tra ngay lập tức.
Nếu từ sau tuần 12, kết quả siêu âm vẫn cho thấy không có tim thai thì lúc này bác sĩ sẽ chỉ định làm xét nghiệm chuyên sâu để đưa ra chẩn đoán chính xác. Nếu trường hợp không may bị sảy thai, chị em nên tìm hiểu nguyên nhân để phòng tránh trong những lần mang thai tiếp theo. Bác sĩ cũng sẽ sử dụng các phương pháp phù hợp giúp đẩy thai an toàn ra bên ngoài. Bên cạnh đó, chị em cũng không nên quá đau buồn. Thay vào đó hãy giữ bình tĩnh, chăm sóc sức khỏe bản thân bằng cách:
- Tránh đau buồn, stress, cẳng thẳng. Thay vào đó hãy tự tìm cho mình những công việc giúp bản thân thoải mái.
- Chế độ ăn uống đủ chất, đủ lượng. Không nên mang thai quá sớm sau sảy thai để tử cung có thời gian phục hồi. Bên cạnh đó, trước khi mang thai hãy thực hiện tiêm phòng, bổ sung các chất cần thiết như axit folic,…
- Cân đối chế độ vận động và nghỉ ngơi hợp lý.
Hi vọng bài viết trên đây đã giúp chị em giải đáp các vấn đề về hiện tượng siêu âm không thấy tim thai. Khi siêu âm không thấy tim thai, hãy bình tĩnh và theo sát chỉ định của bác sĩ. Chúc chị em có một sức khỏe tốt.