Sản dịch hết rồi lại ra máu tươi có nguy hiểm không?

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Văn Hà

Phó Giám đốc Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI, Trưởng khoa Phụ Sản

Có nhiều phụ nữ sau khi sinh có hiện tượng sản dịch hết rồi lại ra, điều này để lại không ít sự lo ngại rằng liệu có bị ảnh hưởng gì đến sức khỏe của mẹ hay không? Tuy nhiên, để kết luận có nguy hiểm hay không thì còn cần phải phụ thuộc vào lượng sản dịch và màu sắc sản dịch của mẹ.

1. Lý do vì sao sau khi sinh sản dịch hết rồi lại ra máu tươi?

Hiện tượng sản dịch hết rồi lại ra máu tươi còn gọi là kinh non sau khi sinh con. Thông thường, sau khi kết thúc kỳ sản dịch tùy theo cơ địa mỗi người sẽ xuất hiện kỳ kinh non sau 1 hoặc vài tháng. Đây là kỳ kinh nguyệt đầu tiên của mẹ sau khi sinh con nên sẽ có những đặc tính khác nhau so với kinh nguyệt thông thường như là thời gian có thể kéo dài hơn, nhiều hơn và màu sẫm hơn,…

Kinh non thường sẽ xuất hiện vào tuần thứ 4-6 sau khi sinh và kéo dài từ 3 – 5 ngày. Dịch tiết ra sẽ có màu đỏ tươi, đi kèm với chất nhầy, không kèm theo hiện tượng sốt hay là đau bụng. Tuy nhiên, mẹ cần phải lưu ý nếu như hiện tượng ra máu này kéo dài trên 8 ngày thì phải gặp ngay bác sĩ để tìm ra nguyên nhân. Bởi vì, với lượng thời gian kéo dài như vậy là dấu hiệu của hiện tượng bất thường.

Sản dịch hết rồi lại ra có nguy hiểm không

Hiện tượng sản dịch hết rồi lại ra máu tươi còn gọi là kinh non sau khi sinh

2. Tìm hiểu về thời gian ra kinh non sau sinh

Thời gian kinh non quay trở lại sau khi hết sản dịch sẽ cần phụ thuộc vào tình trạng cho con bú của mẹ. Nếu như mẹ đang cho con bú, hormone prolactin chịu trách nhiệm sản xuất sữa mẹ sẽ ngăn chặn quá trình rụng trứng. Các chuyên gia y tế đã nhận định rằng đối với những phụ nữ không cho con bú thì thời gian mà kinh nguyệt trở lại sẽ thường xuất hiện vào tuần thứ 4 đến tuần thứ 8 sau khi sinh. Còn đối với những phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ thì thời gian quay trở lại của kinh nguyệt có thể mất vài tuần đến vài tháng.

Có những trường hợp mẹ không có kinh nguyệt sau vài tháng hay đến khi ngừng cho con bú là điều hoàn toàn bình thường và đã xảy ra ở rất nhiều người.

2.1 Dấu hiệu kinh non sau sinh bất thường

Nếu như mẹ đang trải qua giai đoạn sản dịch hết rồi lại ra kinh non với những dấu hiệu bất thường sau đây thì hãy sớm gặp trực tiếp bác sĩ và thăm khám nhé:

– Máu tiết ra có kèm theo mùi hôi khó chịu, cảm thấy bị ngứa ngáy và đau ở vùng bụng. Điều này có thể là sự báo hiệu của hiện tượng nhiễm trùng tử cung, nhiễm trùng các phần phụ như buồng trứng, ống dẫn trứng hay nhiễm trùng âm đạo.

– Bị sốt cao và cơ thể có cảm giác ớn lạnh.

– Nhịp tim có hiện tượng đập bất thường.

– Quá trình ra máu đi kèm với những cục máu đông có kích thước lớn và số lượng nhiều không thuyên giảm. Điều này có thể là dấu hiệu của băng huyết và cần phải được cấp cứu kịp thời, tránh những hậu quả nghiêm trọng.

Dấu hiệu kinh non bất thường

Bị sốt cao và cảm giác ớn lạnh là dấu hiệu kinh non bất thường

2.2 Cách chăm sóc cơ thể khi có kinh non sau sinh

Hiện tượng có kinh con sau sinh đồng nghĩa với việc cơ thể của mẹ đã coi như hết hoàn toàn sản dịch. Trong giai đoạn này, cơ thể của mẹ vẫn có khả năng cao bị viêm nhiễm phụ khoa, do vậy chăm sóc cơ thể đúng cách khi đến kỳ kinh non toàn điều vô cùng cần thiết. Mẹ cần lưu ý những điều quan trọng được nêu sau đây:

– Trong thời gian nhạy cảm này, mẹ cần phải chú ý việc làm sạch vùng kín thật cẩn thận bằng nước ấm sau khi đi vệ sinh, liên tục thay băng vệ sinh 4 tiếng/lần để tránh bị nhiễm trùng.

– Cần có chế độ ăn uống đầy đủ, đặc biệt là những loại thực phẩm giàu hàm lượng chất sắt để bù vào lượng máu đã bị mất và giữ cho cơ thể được khỏe mạnh.

– Vẫn nên duy trì vận động nhẹ nhàng, nghỉ ngơi đầy đủ và giữ tinh thần thoải mái, vui vẻ sẽ giúp cho cơ thể mẹ nhanh chóng hồi phục sau sinh. Vận động mạnh sẽ làm cho máu ra nhiều và lâu hơn.

– Nhiều gặp vợ chồng ngay sau khi thời điểm có kinh non đã có quan hệ “chăn gối”, thế nhưng cần phải lưu ý rằng đây là thời điểm rất dễ bị viêm nhiễm phụ khoa. Vì  vậy, bạn cần phải giữ vệ sinh thật tốt, đặc biệt là trước và sau khi có quan hệ vợ chồng.

– Nếu như quan hệ vào thời điểm đang có kinh non thì khả năng mang thai tương đối thấp, tuy nhiên lúc này buồng trứng và niêm mạc tử cung đã phục hồi vẫn có thể mang thai. Do đó, tốt nhất mẹ nên sử dụng các biện pháp ngừa thai sau sinh an toàn để tránh tình trạng mang thai ngoài ý muốn.

3. Dấu hiệu về sản dịch sau sinh bất thường

Thông thường khi sản dịch tiết ra sẽ không có mùi hôi, chỉ có hơi mùi tanh nhẹ, thường kéo dài trong khoảng 20 ngày, một số ít sản phụ có thể kéo dài với thời gian từ 40-45 ngày và lượng sản dịch cũng sẽ giảm đi rõ rệt. Sản dịch sẽ chuyển dần màu từ đỏ tươi sang vàng trong.

Tuy nhiên, có rất nhiều phụ nữ sau sinh xuất hiện dấu hiệu bất thường về sản dịch, đặc biệt là hiện tượng bị bế sản dịch sau sinh. Sau đây là một vài dấu hiệu bất thường của sản dịch sau sinh mà mẹ cần phải lưu ý:

– Dịch âm đạo tiết ra có mùi hôi tanh và khó chịu.

– Sản dịch bình thường thì sẽ không có mủ nhưng khi chảy qua âm đạo thì sản dịch mất tính chất vô khuẩn và có thể sẽ bị các vi khuẩn gây bệnh như là tụ cầu, trực khuẩn, liên cầu…Khi đó, sản dịch của mẹ sẽ có mùi tanh và độ pH kiềm. Sản dịch sẽ có mùi hôi khi có hiện tượng bị nhiễm khuẩn.

– Sản dịch ra có màu đỏ tươi và nhiều như tuần đầu tiên sau khi sinh.

– Sản dịch ra kéo dài hoặc hết màu đỏ sẫm lại tiếp tục ra máu cần theo dõi sót rau sau khi sinh.

– Bị chảy máu nhiều hơn.

– Khi mẹ vẫn nghỉ ngơi đầy đủ nhưng máu vẫn chảy nhiều hơn và màu đỏ tươi sau 4 ngày sinh.

– Sản dịch tiết ra có xuất hiện nhiều cục máu.

– Khi mẹ dùng tay ấn vào đáy tử cung, sản dịch có màu đen và đi kèm theo mùi hôi.

– Tương tự, khi ấn tay vào bụng thấy có cục ở trong và bụng cứng.

– Nhịp tim đập không đều.

– Cơ thể bị sốt nhẹ hoặc cảm thấy ớn lạnh, có cảm giác chóng mặt, người mệt mỏi.

– 6 tuần sau khi sinh tình trạng chảy máu âm đạo quay trở lại, nếu như không quá nhiều và không kèm các triệu chứng gì khác thì có thể đó là do ra kinh non. Tuy nhiên, mẹ vẫn cần đi kiểm tra để xác định không có gì bất thường xảy ra.

Dấu hiệu sản dịch bất thường

Sản dịch tiết ra có mùi hôi tanh, khó chịu là dấu hiệu của sự bất thường cần có chẩn đoán của bác sĩ để tìm ra nguyên nhân

Có thể thấy rằng, hiện tượng sản dịch hết rồi lại ra máu tươi chưa hẳn là một điều quá nguy hiểm. Nếu như mẹ nhận thấy cơ thể phát ra một số dấu hiệu sự bất thường hãy gặp bác sĩ ngay lập tức để tìm ra nguyên nhân và điều trị dứt điểm.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital