Khi ở ngưỡng tuổi xế chiều, cơ thể nữ giới sẽ có sự thay đổi lớn về tâm lý cũng như những xáo trộn mạnh về nội tiết tố, gây ra tình trạng rong huyết ở tuổi tiền mãn kinh, hay còn gọi là hiện tượng rong kinh. Vậy rong kinh kéo dài có ảnh hưởng đến sức khỏe nữ giới không?
Menu xem nhanh:
1. Giai đoạn tiền mãn kinh – Thời kỳ thay đổi tâm sinh lý lớn ở nữ giới
Thời kỳ tiền mãn kinh là giai đoạn trước khi bắt đầu mãn kinh từ 2 – 5 năm trước. Khi bước vào gian đoạn này, hormone estrogen ở nữ giới sẽ có sự suy giảm rõ rệt, song song đó, lượng LH và FSH trong cơ thể sẽ tăng lên.
Sự suy giảm nội tiết tố nữ ở thời kỳ tiền mãn kinh sẽ thể hiện qua các dấu hiệu sau:
– Rối loạn kinh nguyệt: Do nội tiết tố thay đổi, chu kỳ kinh nguyệt ở thời kỳ này có thể bị tác động: chu kỳ kéo dài hoặc ngắn hơn so với bình thường, vòng kinh có thể đến sớm hoặc muộn hơn, lượng kinh nguyệt ít đi hoặc nhiều hơn, thậm chí không xuất hiện kinh ở kỳ kinh nguyệt.
– Cơ thể nóng trong, dễ bốc hỏa: Ở thời kỳ này, cơ thể phụ nữ sẽ dễ bốc hỏa từ mặt, cổ rồi lan sang các bộ phận khác, nhịp tim có thể đập nhanh hơn, hay ra mồ hôi trộm, sau đó dễ ớn lạnh gai người và mệt mỏi.
– Nhu cầu về sinh hoạt vợ chồng giảm: Sự suy giảm hormone nội tiết nữ sẽ khiến cho âm đạo bị khô rát, đàn hồi kém, có thể khiến chị em bị đau hoặc gặp khó khăn trong chuyện chăn gối, từ đó làm giảm hứng thú với việc quan hệ tình dục.
– Trằn trọc khó vào giấc: Phụ nữ khi bước vào độ tuổi tiền mãn kinh sẽ có giấc ngủ không sâu hoặc thậm chí mất ngủ, khó ngủ trở lại khi thức giấc giữa đêm.
– Hay nổi nóng, khó kiềm chế cảm xúc: Tâm lý chị em ở thời kỳ tiền mãn kinh cũng rất nhạy cảm, dễ nóng giận vô cớ hoặc lo lắng thái quá, không tự cân bằng được cảm xúc của mình.
– Giảm khả năng hấp thụ canxi, dễ dẫn đến tình trạng loãng xương, đau mỏi cơ.
– Ngoại hình có sự thay đổi, rõ rệt nhất là ở làn da và mái tóc. Tóc sẽ xuất hiện sợi bạc, rụng nhiều hơn, làn da khô ráp hơn, nhiều nếp nhăn, tàn nhang và nám xuất hiện nhiều hơn.
– Khả năng thụ thai thấp hơn: Do sự rối loạn kinh nguyệt ở thời kỳ này nên rất khó để xác định thời điểm rụng trứng, ngoài ra, số lượng trứng và chất lượng trứng ở tuổi tiền mãn kinh sẽ suy giảm, khiến cho việc mang thai gặp nhiều khó khăn.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Hà – Phó giám đốc kiêm trưởng khoa phụ sản Hệ thống Y Tế Thu Cúc TCI cho biết, thời kỳ tiền mãn kinh là giai đoạn sinh lý bình thường và không phải bệnh lý, vì vậy chị em không nên quá lo lắng khi bước vào thời kỳ này. Khi gặp tình trạng rong kinh hoặc mất kinh trong thời gian dài, chị em nên đến bệnh viện chuyên khoa kiểm tra, thăm khám để nhờ đến sự tư vấn và hướng dẫn của bác sĩ.
2. Rong kinh tiền mãn kinh ở nữ giới: Nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết
Rong kinh tiền mãn kinh được coi là một trong những hiện tượng rối loạn chu kỳ kinh nguyệt ở độ tuổi này, thường xảy ra khi buồng trứng không phóng noãn, làm ảnh hưởng đến sự cân bằng nội tiết tố, khiến cho chu kỳ kinh nguyệt ngày một thưa, nhưng mỗi lần xuất hiện kinh thì lượng máu kinh sẽ ra nhiều và kéo dài ngày hơn.
Ở phụ nữ bình thường, thời gian có kinh sẽ từ 3 – 5 ngày, lượng máu kinh thường từ 50 – 80 ml. Nếu số ngày kinh diễn ra trên 7 ngày và lượng máu kinh ra nhiều hơn 80ml thì nghĩa là bạn đang bị rong kinh thời kỳ tiền mãn kinh.
Theo kết quả nghiên cứu nhóm phụ nữ từ 42 – 52 tuổi cho thấy, hơn 90% số chị em có số ngày hành kinh trên 10 ngày, gần 80% có lượng máu kinh ra nhiều hơn bình thường. Vì vậy, các bác sĩ đã khuyến cáo nếu tình trạng rong kinh ở phụ nữ trung niên diễn ra liên tục trong nhiều tháng liền và cơ thể xuất hiện thêm có dấu hiệu bất thường ở vùng âm đạo thì chị em nên đi kiểm tra sớm để có thể loại bỏ các nguy cơ mắc bệnh lý phụ khoa nguy hiểm. Bên cạnh đó, tình trạng rong huyết liên tục sẽ khiến cơ thể mất máu nghiêm trọng, dễ suy nhược sức khỏe.
2.1 Nguyên nhân gây rong huyết ở tuổi tiền mãn kinh
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng rong huyết ở tuổi tiền mãn kinh, trong số đó có những nguyên nhân điển hìn sau:
– Nguyên nhân do yếu tố tuổi tác: Ở độ tuổi ngoài 40, khi các chức năng của buồng trứng suy giảm do nội tiết tố nữ bị thiếu hụt khiến cho sự phóng thích trứng ở buồng trứng hoạt động kém, dẫn đến hiện tượng rong kinh kéo dài.
– Sinh hoạt thiếu lành mạnh: Những phụ nữ thường xuyên uống rượu bia, sử dụng chất kích thích, thuốc lá…hoặc uống thuốc kháng sinh dài ngày có thể bước vào thời kỳ tiền mãn kinh sớm hơn, dễ dẫn đến hiện tượng rong kinh. Ngoài ra, những đối tượng kiêng khem quá mức, ăn uống thiếu chất khiến cơ thể bị thiếu hụt dưỡng chất làm ảnh hưởng đến quá trình tổng hợp hormone estrogen, khiến chu kỳ kinh nguyệt bị rối loạn.
– Thay đổi tâm lý tuổi tứ tuần: Phụ nữ khi bắt đầu vào tuổi tiền mãn kinh sẽ có nhiều thay đổi tiêu cực về mặt tâm lý, họ dễ nóng giận, căng thẳng, lo lắng thái quá và dẫn tới stress kéo dài. Những vấn đề này có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt của nữ giới, dễ xảy ra hiện tượng rong kinh, một số người còn bị đau bụng dưới dữ dội khi đến kỳ hành kinh.
– Do các bệnh lý liên quan đến phụ khoa hoặc ung thư buồng trứng: Hiện tượng rong kinh có thể xảy ra khi nữ giới mắc các bệnh lý phụ khoa như u xơ tử cung, polyp tử cung, lạc nội mạc tử cung, u nang buồng trứng hoặc có viêm nhiễm phụ khoa như viêm âm đạo, viêm nhiễm vòi trứng,….Ngoài ra, rong huyết âm đạo bất thường cũng có thể là dấu hiệu báo hiệu nguy cơ mắc ung thư tử cung, ung thư buồng trứng,….Do đó khi gặp tình trạng này, chị em nên đến ngay bệnh viện để được thăm khám và điều trị sớm, loại trừ những bệnh nguy hiểm.
2.2 Dấu hiệu nhận biết rong huyết ở tuổi tiền mãn kinh
Chị em có thể nhận biết rong huyết ở tuổi tiền mãn kinh thông qua những biểu hiện phổ biến sau đây:
– Số ngày hành kinh kéo dài: Thường trên 7 ngày hoặc có người kéo dài đến trên 10 ngày
– Cơ thể xuất hiện những triệu chứng của bệnh thiếu máu như: Cơ thể mệt mỏi, da xanh xao, nhợt nhạt, chóng mặt,….
– Số lượng máu kinh ra nhiều bất thường, nhất là vào ban đêm
– Đau dữ dội hoặc đau âm ỉ khu vực bụng dưới và vùng xung quanh thắt lưng
3. Rong kinh tiền mãn kinh ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe nữ giới?
Tiền mãn kinh hay mãn kinh là những hiện tượng sinh lý bình thường của nữ giới, không phải là bệnh lý. Tuy nhiên, cũng không thể chủ quan vì rong kinh cũng có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý nguy hiểm khác, vì vậy khi thấy tình trạng rong kinh kéo dài, chị em cần đi kiểm tra, thăm khám để được tư vấn điều trị kịp thời.
Khi bị rong kinh kéo dài, chị em sẽ rơi vào tình trạng thiếu máu, biểu hiện rõ nhất là cơ thể xanh xao, da tái, luôn trong trạng thái mệt mỏi, khó thở…Ngoài ra rong kinh do xáo trộn nội tiết có thể khiến nhiều chị em mắc các bệnh lý viêm nhiễm phụ khoa như khô rát âm đạo, giảm hứng thú tình dục, quan hệ bị đau,….
Nguy hiểm hơn, rong kinh kéo dài có thể là một trong những dấu hiệu ban đầu cảnh báo ung thư cổ tử cung, u xơ tử cung, ung thư buồng trứng,…
Để triệu chứng rong kinh ở tuổi tiền mã kinh không gây khó chịu và làm cản trở đến chất lượng cuộc sống, các chuyên gia sản phụ khoa có đưa ra lời khuyên dành cho chị em: Nên cải thiện chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng lành mạnh, khoa học, tập thể dục thường xuyên, dành thời gian nghỉ ngơi hợp lý để tránh căng thẳng, stress. Ngoài ra chị em nên thường xuyên thăm khám phụ khoa định kỳ để tầm soát sớm những bệnh lý phụ khoa để có hướng điều trị kịp thời và hiệu quả.
Mọi thắc mắc liên quan đến vấn đề rong kinh tuổi tiền mãn kinh, quý khách hàng có thể liên hệ tới Thu Cúc TCI để được hỗ trợ giải đáp chi tiết!