Quy trình chụp X-quang sọ não diễn ra như thế nào?

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKI

Trần Hoàng Tùng

Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh

Chụp X-quang sọ não là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh giúp tìm nhanh các dấu hiệu của chấn thương. Từ đó góp phần định hướng các bước điều trị ban đầu và các phương pháp chẩn đoán hình ảnh tiếp theo. Vậy chụp X-quang là gì và quy trình chụp diễn ra thế nào. 

1. Chụp X-quang sọ não là gì?

Sọ não là một hộp xương cứng bao xung quanh, có vai trò bảo vệ não bộ. Bất kỳ một thay đổi nào liên quan đến cấu trúc của hộp sọ đều có thể dẫn đến các tổn thương não. Ngược lại, những bệnh lý về não cũng có thể gây ảnh hưởng đến hình thái của hộp sọ. X-quang sọ não là hình ảnh các xương bao quanh não, mũi, xoang và khuôn mặt được thu thập bằng tia X qua hệ thống máy chụp.

Do đó, chụp X-quang là một kỹ thuật có giá trị cao trong việc chẩn đoán và phát hiện những bệnh lý liên quan đến:

– Não bộ: U não, tăng áp lực nội sọ,…

– Hộp sọ: U, chấn thương hay bệnh lý các xoang,…

Chụp X-quang sọ não có thể chụp nhiều tư thế như chụp thẳng, nghiêng, Schuller, Hirtz, Blondeau, Stenvers,…

2. Nguyên lý chụp X-quang sọ não

Tia X từ máy chụp X-quang có khả năng đâm xuyên và truyền thẳng qua vật chất, cụ thể là cơ thể con người. Cường độ của tia X càng tăng thì quá trình đâm xuyên càng trở nên dễ dàng. Do đó, phương pháp này đã được sử dụng phổ biến trong lĩnh vực y khoa để chẩn đoán và điều trị bệnh về mô cứng như xương, răng,…

Ngoài ra, tia X còn có tính bị hấp thu. Sau khi xuyên qua vật chất, một phần năng lượng của tia X bị hấp thu khiến cho cường độ chùm tia X giảm dần.

Chụp X quang sọ não là kỹ thuật giúp chẩn đoán và phát hiện những bệnh lý về não bộ và hộp sọ

Chụp X-quang sọ não là kỹ thuật giúp chẩn đoán và phát hiện những bệnh lý về não bộ và hộp sọ

Nguyên lý khi chụp X-quang là sau khi chùm tia X xuyên qua khu vực cần chụp chiếu trên cơ thể thì sẽ bị suy giảm do các lớp cấu trúc hấp thụ. Tùy thuộc vào mật độ, độ dày cũng như cấu trúc tia X đi qua mà sự suy giảm này sẽ khác nhau với hình ảnh được tạo ra ở mức độ sáng và tối khác nhau. Nếu cấu trúc càng chắc thì hình ảnh xuất hiện trên phim càng rõ và ngược lại:

– Các mô mềm trong cơ thể như da, máu, cơ và mỡ sẽ cho phép hầu hết các tia X đi qua và xuất hiện với màu xám đen trên phim.

– Một khối u hoặc xương dày đặc hơn các mô mềm cho phép một vài tia X đi qua và xuất hiện màu trắng trên phim.

– Nếu bị gãy xương, chùm tia X đi qua vùng bị vỡ và sẽ xuất hiện dưới dạng một đường tối trong xương trắng.

Ngày nay, kỹ thuật chụp X-quang không được áp dụng thường xuyên do khuynh hướng sử dụng các công nghệ mới hơn như MRI sọ não và CT scan. Nhưng phim X-quang vẫn mang lại những hữu ích nhất định như tìm dấu hiệu vỡ xương sọ mặt một cách nhanh nhất, phát hiện các tình trạng khác của não bộ, hộp sọ và các xoang.

3. Khi nào cần chụp X-quang sọ não?

Một số trường hợp người bệnh được chỉ định chụp X-quang để chẩn đoán các bệnh lý như:

– Dị tật bẩm sinh, gãy xương sọ, dị vật, nhiễm trùng, khối u tuyến yên.

– Rối loạn nội tiết và chuyển hóa gây ra khuyết tật xương sọ. 

– Kiểm tra xoang mũi, tìm các khối u và phát hiện vôi hóa trong não.

Mặc dù chụp X-quang đồng nghĩa với việc có nguy cơ tiếp xúc với bức xạ. Nhưng điều này chỉ nằm ở một mức độ thấp và lợi ích đạt được lớn hơn so với nguy cơ có thể gặp phải. Tuy nhiên, với đối tượng có cơ địa đặc biệt như trẻ em hay phụ nữ mang thai lại nhạy cảm hơn với các rủi ro liên quan đến tia X. Do đó, cần cân nhắc thận trọng khi chỉ định chụp X-quang.

Chụp X quang sọ não được chỉ định về phát hiện gãy xương sọ, dị vật, nhiễm trùng,...

Chụp X-quang sọ não được chỉ định về phát hiện gãy xương sọ, dị vật, nhiễm trùng,…

4. Quy trình chụp X-quang sọ não diễn ra thế nào?

4.1. Trước khi chụp X-quang sọ não

– Khi chỉ định chụp X-quang, một kỹ thuật viên X-quang hay bác sĩ chuyên về hình ảnh học sẽ giải thích cho người bệnh cách thức thực hiện. Tuy nhiên, X-quang sọ não không đòi hỏi cần có sự chuẩn bị đặc biệt, kể cả là việc nhịn ăn.

– X-quang có thể được thực hiện trong thời gian người bệnh ngoại trú hay nằm viện. Tức là người bệnh hoàn toàn có thể ra về ngay sau khi chụp.

– Người bệnh sẽ được yêu cầu thay quần áo và mặc áo choàng chuyên dụng. Tháo toàn bộ kẹp tóc, máy trợ thính, trang sức, kính mắt hoặc các vật kim loại khác có thể can thiệp vào việc chụp X-quang.

4.2. Trong khi chụp X-quang sọ não

– Người bệnh được sắp xếp đúng tư thế để chụp X-quang và cần tập trung giữ yên ở vị trí đó trong vài phút để kỹ thuật viên phóng tia X.

– Nếu X-quang sọ não cần được thực hiện để tìm ra chấn thương trong sọ, người bệnh cần có các chăm sóc đặc biệt để ngăn ngừa thương tích thêm. Ví dụ như sử dụng nẹp cổ nếu nghi ngờ gãy cột sống cổ.

– Kỹ thuật viên có thể yêu cầu người bệnh chỉnh sang tư thế khác để khảo sát bằng tia X dưới nhiều góc độ. Quan trọng nhất là người bệnh cần giữ yên tư thế hoàn toàn trong khi chụp.

Hình ảnh chụp X quang sọ não

Hình ảnh chụp X-quang sọ não

4.3. Sau khi chụp X-quang sọ não

– Khi quá trình chụp X-quang kết thúc, người bệnh có thể ra về cũng như sinh hoạt bình thường, ngoại trừ các chấn thương có thể gây hạn chế cử động.

– Kết quả chụp phim sẽ được phân tích bởi bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh và gửi lại cho bác sĩ chỉ định nhằm chẩn đoán và điều trị.

– Trong một số trường hợp nghi ngờ mắc bệnh lý, người bệnh có thể cần được khảo sát thêm các phương tiện hình ảnh học chuyên sâu hơn như chụp MRI hay CT sọ não.

5. Cách đọc phim chụp X-quang sọ não

5.1. Dựa vào hình dáng vòm sọ

Nếu kết quả chụp chiếu bình thường:

– Chiều cao và chiều dài của hộp sọ có tỷ lệ nhất định với nhau.

– Vòm sọ có cấu tạo từ 2 lớp xương dẹt và mỏng (bản sọ ngoài và bản sọ trong). Ở giữa là lớp xương xốp có chứa tĩnh mạch.

Nếu kết quả chụp chiếu phát hiện bệnh lý:

– Hình dáng hộp sọ sẽ bất thường.

– Có thể có hiện tượng gãy, lún bản sọ do u phá hủy hoặc do chấn thương.

5.2. Dựa vào các khớp của xương sọ

Nếu kết quả chụp chiếu bình thường:

– Ở trẻ em, do các khớp xương sọ chưa đóng kín và chưa phát triển hoàn thiện nên tạo thành các thóp bao gồm thóp trước, thóp sau, thóp trước bên và thóp sau bên. 

– Đối với người trưởng thành, các khớp sọ có hình răng cưa và các xương sọ tiếp xúc chặt chẽ với nhau.

Nếu kết quả chụp chiếu phát hiện bệnh lý:

– Nếu các khớp sọ bị giãn và các xương không tiếp xúc với nhau có thể là dấu hiệu của bệnh tăng áp lực nội sọ.

– Giãn khớp sọ cũng là một trong những dấu hiệu của tình trạng chấn thương sọ não.

5.3. Dựa vào hố yên

Nếu kết quả chụp chiếu bình thường:

– Hố yên có cấu trúc gồm mấu yên trước, mấu yên sau, miệng hố yên và lòng hố yên.

Nếu kết quả chụp chiếu phát hiện bệnh lý:

– Mấu yên trước bị dính với mấu yên sau do tình trạng đóng vôi dây chằng liên mấu. 

– Giãn hố yên, lòng hố yên rộng ra và lan tỏa thành hình lòng chảo do khối u gây nên. 

– Miệng hố yên bị giãn rộng

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital