Phương pháp siêu âm nội soi chẩn đoán bệnh gì?

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKI

Trần Hoàng Tùng

Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh

Siêu âm nội soi (EUS) là kỹ thuật thăm dò chức năng hiện đại kết hợp giữa siêu âm và nội soi. Phương pháp này sử dụng đầu dò siêu âm áp sát với các tổn thương cần thăm dò qua đường nội soi. Vậy siêu âm nội soi chẩn đoán bệnh gì? Hãy theo dõi bài viết sau của Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI để tìm câu trả lời cho câu hỏi này.

1. Tổng quan về siêu âm nội soi

Trước khi trả lời “Siêu âm nội soi chẩn đoán bệnh gì?”, hãy cùng tìm hiểu các thông tin sơ lược về phương pháp nội soi này.

Siêu âm nội soi chính là sự kết hợp giữa kỹ thuật siêu âm và nội soi đường tiêu hóa. Phương pháp tiên tiến này sử dụng dây soi có gắn đầu dò siêu âm, giúp chẩn đoán và hỗ trợ can thiệp xử lý nhiều tổn thương tại đường tiêu hóa và một số cơ quan lân cận như: gan, mật, tuỵ,… Đặc biệt, phương pháp này có ý nghĩa to lớn trong việc phát hiện ung thư sớm đường tiêu hoá và các khối u nằm sâu trong ổ bụng với mức độ xâm lấn tối thiểu.

Siêu âm nội soi được các chuyên gia đánh giá cao hơn so với một số chẩn đoán hình ảnh khác như: chụp CT, X-quang, MRI. Lý do là bởi siêu âm nội soi có thể tiếp cận gần nhất với các mô ở vị trí cần kiểm tra. Sóng siêu âm giúp đánh giá mức độ xâm lấn của khối u, từ đó xác định giai đoạn của khối u. Nhờ vào kết quả này, bác sĩ có thể đưa ra hướng điều trị phù hợp và hiệu quả nhất.

Thêm vào đó, bác sĩ có thể thực hiện sinh thiết tức thì ngay trong quá trình nội soi. Các mẫu mô này sẽ được làm xét nghiệm mô bệnh học để xác định tế bào ung thư. Tại Thu Cúc TCI, kết quả xét nghiệm chẩn đoán tế bào ung thư thực quản – dạ dày – đại trực tràng sẽ có sau vài giờ, thay vì vài ngày như thông thường.

Siêu âm nội soi chẩn đoán bệnh gì?

Bác sĩ TCI thực hiện siêu âm nội soi đường tiêu hoá

2. Siêu âm nội soi chẩn đoán bệnh gì?

Siêu âm nội soi có khả năng phát hiện nhiều bệnh lý đường tiêu hóa trên và dưới cũng như một số cơ quan lân cận. Cụ thể:

2.1. Siêu âm nội soi chẩn đoán bệnh gì ở đường tiêu hóa trên?

Đầu tiên, siêu âm nội soi giúp chẩn đoán các bất thường ở dưới niêm mạc đường tiêu hóa, bao gồm:

– Xác định và phân biệt một tổn thương bắt nguồn từ thành ống tiêu hóa hay từ bên ngoài.

– Đánh giá kích thước, cấu trúc và mức độ xâm lấn của khối u tại thực quản, dạ dày, tá tràng. Từ đó siêu âm nội soi có thể xác định giai đoạn của các khối u đường tiêu hóa trên.

– Đánh giá kích thước, độ lớn các nếp niêm mạc của dạ dày.

– Chẩn đoán varices ở thực quản (còn gọi là tình trạng giãn tĩnh mạch thực quản).

Siêu âm nội soi đường tiêu hóa trên còn giúp chẩn đoán một số bệnh lý của tụy và đường mật:

– Phát hiện và xác định vị trí các khối u nội tiết.

– Đánh giá giai đoạn của ung thư tụy và đường mật.

– Phát hiện các bất thường trong ống mật chủ như sỏi, giun.

Ngoài ra, phương pháp siêu âm nội soi còn được chỉ định nhằm:

– Đánh giá hiệu quả điều trị varices.

– Chẩn đoán bệnh lý viêm nhiễm ruột.

– Chẩn đoán bệnh lý nhu động thực quản, co thắt thực quản.

– Đánh giá tổn thương loét lành tính đang liền sẹo.

– Đánh giá nguy cơ chảy máu ổ loét đường tiêu hóa trên.

– Thực hiện can thiệp dẫn lưu nang giả tụy dưới sự hướng dẫn của siêu âm nội soi.

– Chẩn đoán và theo dõi viêm tụy mạn tính.

– Chọc hút tế bào kim nhỏ dưới hướng dẫn của siêu âm nội soi.

– Phá hủy đám rối thần kinh tạng nhằm mục đích giảm đau.

Tìm hiểu siêu âm nội soi chẩn đoán bệnh gì

Siêu âm nội soi EUS có vai trò quan trọng trong phát hiện và xác định giai đoạn khối u đường tiêu hoá

2.2. Siêu âm nội soi chẩn đoán bệnh gì ở đường tiêu hóa dưới?

Siêu âm nội soi đường tiêu hóa dưới có khả năng chẩn đoán các bệnh lý sau đây:

– Phân loại ung thư đại trực tràng theo TNM (viết tắt của Tumour – Node – Metastasis). Trong đó Tumour mô tả kích thước và mức độ xâm lấn của của khối u tại đại trực tràng. Node mô tả mức độ lan rộng của khối u đến các hạch bạch huyết kế cận. Metastasis mô tả tình trạng ung thư đã di căn sang đến các cơ quan khác khác của cơ thể bên ngoài đại trực tràng hay chưa.

– Theo dõi tái phát ung thư đường tiêu hóa dưới sau điều trị hóa chất, tia xạ.

– Phát hiện các tổn thương dưới niêm mạc ép vào thành trực tràng.

– Chẩn đoán tổn thương thâm nhiễm trực tràng.

– Chẩn đoán tổn thương cơ thắt hậu môn, áp xe quanh hậu môn, rò hậu môn .

– Siêu âm nội soi hướng dẫn chọc hút áp xe quanh hậu môn.

3. Siêu âm nội soi chống chỉ định trong trường hợp nào?

Để đảm bảo quá trình nội soi diễn ra an toàn, một số trường hợp sẽ được bác sĩ tư vấn không thực hiện nội soi, bao gồm:

3.1. Chống chỉ định siêu âm nội soi đường tiêu hóa trên

Siêu âm nội soi đường tiêu hóa trên chống chỉ định tuyệt đối với những trường hợp như sau:

– Người mắc các bệnh lý thực quản có nguy cơ làm thủng thực quản (do thuốc hoặc hóa chất gây hẹp thực quản).

– Người mắc bệnh phình tách động mạch chủ.

– Người bệnh suy tim, nhồi máu cơ tim cấp.

– Người bị suy hô hấp.

– Người có tình trạng tụt huyết áp hoặc có cơn tăng huyết áp.

Bên cạnh đó, các trường hợp chống chỉ định tương đối bao gồm:

– Những người cao tuổi, quá già yếu hoặc suy nhược.

– Bệnh nhân tâm thần không phối hợp được.

– Người bệnh gù vẹo cột sống.

– Người đang có triệu chứng ho nhiều.

Siêu âm nội soi chẩn đoán bệnh gì tại đường tiêu hóa?

Người bệnh cần thăm khám với bác sĩ Tiêu hoá trước khi thực hiện nội soi để được chỉ định phương pháp phù hợp

3.2. Chống chỉ định siêu âm nội soi đường tiêu hóa dưới

Trong khi đó, siêu âm nội soi đường tiêu hóa dưới chống chỉ định đối với người già, người mắc bệnh nhồi máu cơ tim, bệnh hen phế quản.

Như vậy, bài viết trên đây của Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI đã giải đáp câu hỏi “Siêu âm nội soi chẩn đoán bệnh gì?”. Đây là kỹ thuật nội soi hiện đại, có vai trò quan trọng trong việc xác định giai đoạn của các khối u đường tiêu hoá.

Tại Thu Cúc TCI, phương pháp EUS được kết hợp với nội soi phóng đại nhuộm màu (MCE) để tạo thành nội soi cao cấp MCU. Phương pháp nội soi MCU mang lại bước đột phá giúp phát hiện và “xử lý gọn” các tổ chức tiền ung thư hoặc ung thư sớm đường tiêu hoá trong 1 ngày. Siêu âm nội soi cũng như nội soi cao cấp MCU phát huy hiệu quả tối đa và rút ngắn thời gian thực hiện đối với những trường hợp nghi ngờ ung thư đường tiêu hoá.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital