Mới sinh bị tắc tia sữa hay còn gọi là cương sữa sinh lý, có một số điểm giống và khác với tắc tia sữa trong thời kỳ cho con bú. Cùng tìm hiểu sự khác biệt và cách xử lý trong mỗi trường hợp như thế nào nhé.
Menu xem nhanh:
1. Phân biệt cương sữa sinh lý khi mới sinh và tắc tia sữa
Có rất nhiều biểu hiện giống nhau giữa cương sữa sinh lý và tắc tia sữa, cần phải phân biệt rõ để có những cách xử trí phù hợp, tránh tình trạng tắc thêm nặng hơn.
1.1. Mới sinh bị tắc tia sữa (cương sữa sinh lý) là gì?
Trong khoảng thời gian từ 2 đến 7 ngày sau khi sinh, nhiều sản phụ bắt đầu cảm thấy đau nhức và cứng ở toàn bộ vùng ngực. Có nhiều bà mẹ còn cảm thấy đau nhức và sưng hạch ở vùng nách, thậm chí là sốt cao, nhức mỏi toàn thân. Tuy nhiên, khi vắt sữa ra hay cho con bú trực tiếp thì không thấy sữa hoặc sữa nhỏ ra rất ít.
Thời điểm này nếu mẹ không biết cách xử lý hoặc hiểu nhầm là tắc tia sữa và thông tia theo hướng này có thể khiến việc cương sữa sinh lý trở nên nghiêm trọng và chuyển thành tắc tia sữa thật sự.
Vậy nguyên nhân bị cương sữa sinh lý là gì? Sau sinh, cơ thể mẹ sẽ tự động sản sinh ra 2 loại hormone phục vụ cho quá trình sản xuất sữa là prolactin và oxytocin. Trong khi prolactin có vai trò tạo sữa trong bầu ngực thì oxytocin giúp tuyến sữa giải phóng sữa ra ngoài. Nếu 2 loại hormone này cân bằng, sữa tiết ra bao nhiêu sẽ được giải phóng hết thì sẽ không làm tắc nghẽn sữa trong bầu ngực. Tuy nhiên, khi mới sinh lượng oxytocin của mẹ chưa đủ để giải phóng toàn bộ lượng sữa do prolactin tiết ra, từ đó gây ra cương sữa sinh lý. Bầu ngực mẹ khi đó sẽ trở nên căng cứng, đau nhức, nổi hạch. Nếu cương sữa quá lâu có thể gây sốt, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và tinh thần của mẹ.
1.2. Tắc tia sữa thông thường
Nếu cương sữa sinh lý xảy ra do việc thiếu cân bằng hormone, thì tắc tia sữa trong thời gian cho con bú có nguyên nhân hoàn toàn khác.
Rất nhiều nguyên nhân có thể khiến mẹ bị tắc tia sữa như:
– Lượng sữa mẹ quá nhiều, con bú không hết nhưng mẹ không vắt ra. Lâu dần, dư lượng sữa trong bầu vú sẽ gây nên hiện tượng tắc nghẽn.
– Trong thành phần sữa mẹ có quá nhiều chất béo cũng là một nguyên nhân gây tắc sữa.
– Mẹ bị cặn bám vào đầu ti do không vệ sinh sạch sẽ sau mỗi lần cho con bú.
– Mẹ không biết cách giải quyết vấn đề cương sữa sinh lý dẫn đến tắc tia sữa.
Việc tắc tia sữa có thể mang đến rất nhiều phiền lụy cho cả mẹ và bé. Em bé thì không có sữa để uống, đôi khi bé còn bú phải lượng sữa tồn lâu ngày đã biến chất, lên mủ trong bầu ngực mẹ gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Mẹ thì đau đớn, nhức mỏi bầu ngực, có thể có mủ xanh, nổi hạch, nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến áp xe, phải phẫu thuật.
2. Cách xử lý cương sữa sinh lý và tắc tia sữa
Vì nguyên nhân của 2 loại tắc sữa này khác nhau nên cách xử lý cũng khác nhau. Các bà mẹ đang gặp hiện tượng này nên tìm hiểu thật kỹ để có những hướng giải quyết phù hợp, hiệu quả.
2.1. Cách xử lý vấn đề mới sinh bị tắc tia sữa
Như nguyên nhân đã nói ở trên, cương sữa sinh lý đơn giản chỉ là do yếu tố cơ thể chưa cân bằng được 2 loại hormone tiết sữa và tạo sữa. Chính vì vậy, việc cần làm lúc này chính là giảm bớt sự căng thẳng của bầu ngực và tìm cách giải phóng nhiều hormone oxytocin hơn. Cụ thể là:
– Chườm lạnh: Tại sao phải chườm lạnh mà không phải chườm nóng? Khi mới sinh, các tuyến sữa chưa kịp giãn nở mà đã phải chứa một lượng sữa mẹ khá nhiều. Điều này là nguyên nhân mẹ có cảm giác đau, căng tức ở hai bầu vú. Thời gian sau sinh càng lâu, mức độ đau càng tăng lên. Chính vì thế, việc cần làm là chườm lạnh để bầu ngực bớt cảm giác đau cho mẹ.
– Massage ngực nhẹ nhàng: dùng tay xoa bóp nhẹ bầu ngực theo hình vòng tròn, vuốt xuôi bầu ngực và vê đầu ti để kích thích giải phóng oxytocin. Lưu ý không nên dùng lực quá mạnh có thể gây đau đớn hơn cho mẹ.
– Tích cực cho con bú: Thường xuyên cho bé bú để giảm lượng sữa trong bầu ngực một cách hiệu quả. Lực hút của các em bé sơ sinh, nhất là những bé háu ăn thường rất mạnh. Mẹ sẽ cảm thấy hiện tượng cương sữa sinh lý giảm dần sau 3-5 ngày cho bé bú.
– Dùng máy hút sữa: Nếu vì lý do nào đó mà bạn chưa thể cho bé bú, hãy dùng máy hút sữa để hút. Trong thời gian đầu, không nên để lực hút quá mạnh, có thể làm tổn thương đầu vú. Nên bật chế độ massage hoặc dùng tay massage làm mềm vú trước, sau đó tăng dần độ mạnh lên. Tuyệt đối không hút sữa quá lâu, tối đa mỗi lần chỉ 30 phút là đủ.Trong thời gian bị cương sữa, mẹ lưu ý không nên ăn móng giò và các loại chất béo quá nhiều, có thể làm tình trạng tắc bị nặng hơn. Ngoài ra, mẹ cũng cần chú ý vệ sinh đầu vú, tránh để cặn đầu ti gây viêm nhiễm.
2.2. Cách thông tắc tia sữa
Khi bị tắc tia sữa, mẹ cần tìm nguyên nhân gây tắc trước khi xử lý.
– Nếu tắc do cặn đầu ti: Mẹ cần phải tìm được điểm tắc, sau đó dùng đầu kim tiêm đã vô khuẩn để gảy hết cặn đầu ti ra. Nên gảy nhẹ nhàng, tránh làm tổn thương. Nếu mẹ không thể làm được hãy đến các cơ sở y tế để các bác sĩ làm giúp bạn.
– Nếu xuất hiện những cục cứng nhỏ ở ngực: Trước tiên hãy chườm ấm bầu ngực trong 15′, sau đó dùng tay massage xung quanh bầu ngực, vuốt từ trên xuống dưới, từ bầu ngực đến chân ti trong 15′ nữa. Sau đó cho em bé bú cạn bầu ngực hoặc dùng máy hút để làm trống bầu ngực. Cữ bú nào cũng thực hiện chườm nóng và massage như vậy. Việc tắm nước nóng và dùng vòi sen xả vào bầu ngực cũng là một cách hiệu quả để tan cục tắc.
– Trong trường hợp vắt sữa thấy chảy mủ, ngực đau nhức quá mức và cơ thể bắt đầu sốt thì bạn đã có thể bị viêm. Lúc này có thể chườm lạnh và hút sữa. Nếu vẫn không thấy đỡ, hãy đến ngay bệnh viện để khám và siêu âm bầu vú trước khi chỗ viêm phát triển thành áp xe.
Tại bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc TCI, sản phụ bị tắc tia sữa sẽ được:
– Thăm khám và đánh giá tình trạng viêm tắc tia sữa
– Siêu âm vú để đánh giá mức độ nặng nhẹ của viêm tắc
– Hướng dẫn cách thông tắc tia tại nhà (nếu nhẹ) hoặc điều trị thông tia bằng các biện pháp hỗ trợ thông tắc như: massage, chiếu đèn hồng ngoại, máy sóng ngắn, máy hút sữa…tùy theo mức độ tắc tia.
– Tư vấn cách chăm sóc bầu ngực khi ở nhà.
Nếu mới sinh bị tắc tia sữa thì dù tự thông tắc sữa tại nhà hay đến viện, việc bạn cần làm là đảm bảo thông tia trong thời gian nhanh nhất, tránh nguy cơ tăng nặng làm ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và bé. Hy vọng những thông tin trong bài viết sẽ hữu ích trong việc giúp các mẹ sau sinh thoát khỏi nỗi ám ảnh mang tên tắc sữa.