Phân biệt đột quỵ và nhồi máu cơ tim

Tham vấn bác sĩ

Đột quỵ và nhồi máu cơ tim là những tình huống cấp tính rất nguy hiểm, thường xảy ra đột ngột và có khả năng gây tử vong rất cao. Chính vì vậy mà nhiều người thường nhầm lẫn, coi 2 bệnh này là một dẫn đến những xử trí sai lầm. Cùng tìm hiểu cách phân biệt 2 hiện tượng này cũng như mối liên hệ giữa chúng để nhận diện và xử trí đúng cách nhé.

1. Các tiêu chí phân biệt đột quỵ và nhồi máu cơ tim

1.1 Đột quỵ là gì, nhồi máu cơ tim là gì?

Đột quỵ là tình trạng gián đoạn hoặc giảm đột ngột nguồn cấp máu cho một phần của bộ não khiến não bị thiếu oxy, dinh dưỡng, giảm nuôi dưỡng nhu mô não. Nếu không được cải thiện, sau vài phút các tế bào não sẽ bắt đầu chết đi.

Nhồi máu cơ tim là tình trạng động mạch vành bị tắc nghẽn một phần hoặc hoàn toàn, bao gồm mạch vành phải, mạch vành trái, hoặc các động mạch vành nhánh, gây ngừng đột ngột quá trình cấp máu đến nuôi dưỡng cơ tim. Khi cơ tim bị thiếu máu sẽ dẫn đến hoại tử và không thể phục hồi. 

Nhồi máu cơ tim và đột quỵ là 2 bệnh lý khác nhau nhưng nhiều người vẫn nhầm lẫn.

Nhồi máu cơ tim và đột quỵ là 2 bệnh lý khác nhau nhưng nhiều người vẫn nhầm lẫn.

1.2 Nguyên nhân gây đột quỵ và nhồi máu cơ tim

Có 2 nguyên nhân gây đột quỵ não thường gặp là thiếu máu cục bộ do tắc nghẽn mạch máu não hoặc xuất huyết não do vỡ mạch máu. 

Trong đó, đột quỵ do thiếu máu cục bộ chiếm khoảng 85% tổng số các ca bị đột quỵ hiện nay, xảy ra khi xuất hiện cục máu đông gây tắc mạch, cản trở quá trình vận chuyển máu lên não. Đột quỵ do xuất huyết là tình trạng mạch máu đến não bị vỡ do thành mạch quá yếu hoặc xuất hiện các vết rò nứt khiến máu chảy ồ ạt vào trong não.

Trong khi đó, nguyên nhân thường gặp nhất gây nhồi máu cơ tim là do xơ vữa động mạch vành. Các mảng xơ vữa được hình thành từ cholesterol và các chất dễ lắng đọng khác trong máu, tích tụ dần theo thời gian và bám vào thành mạch máu làm giảm thiết diện lòng mạch, cản trở máu qua mạch vành đến cơ tim. Khi các mảng xơ vữa quá lớn có thể xâm chiếm toàn bộ lòng mạch, khiến máu không thể chảy qua. Nếu xuất hiện cục máu đông di chuyển vào đoạn hẹp của lòng mạch do xơ vữa sẽ gây tắc nghẽn cục bộ động mạch vành, gây nhồi máu cơ tim. 

1.3 Triệu chứng đột quỵ và nhồi máu cơ tim

Do nguyên nhân và cơ chế khác nhau, nên các triệu chứng của 2 căn bệnh này cũng có nhiều điểm khác nhau. Cụ thể:

– Triệu chứng của đột quỵ 

+ Đột nhiên cảm thấy mệt mỏi, toàn thân không còn sức lực nào

+ Tê cứng mặt hoặc một nửa mặt, cười méo miệng

+ Khó khăn trong việc cử động, thậm chí tê liệt nửa người

+ Phát âm khó, nói không rõ từ, bị dính chữ, nói ngọng một cách bất thường

+ Hoa mắt, chóng mặt, mất thăng bằng đột ngột, không thể phối hợp được các hoạt động đơn giản

+ Giảm thị lực giảm, mắt nhìn mờ, không rõ

+ Đau đầu dữ dội, nhiều trường hợp kèm theo buồn nôn hoặc nôn

– Triệu chứng nhồi máu cơ tim

+ Đau thắt ngực, lan ra cổ, hàm, vai, lưng, cánh tay, kéo dài trên 15 phút

+ Khó thở, nhất là khi gắng sức, lao động nặng

+ Tim đập nhanh, hồi hộp, đánh trống ngực

+ Vã mồ hôi lạnh

+ Ngất xỉu

Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân có thể cảm thấy buồn nôn, nôn, hoa mắt, chóng mặt nếu việc thiếu máu cơ tim ảnh hưởng đến quá trình cung cấp máu cho não.

Bệnh nhân đột quỵ gồm đột nhiên yếu liệt, khó vận động, ngất xỉu,... Trong khi các triệu chứng đặc trưng của nhồi máu cơ tim là đau ngực, khó thở, đánh trống ngực, vã mồ hôi.

Bệnh nhân đột quỵ gồm đột nhiên yếu liệt, khó vận động, ngất xỉu,… Trong khi các triệu chứng đặc trưng của nhồi máu cơ tim là đau ngực, khó thở, đánh trống ngực, vã mồ hôi.

1.4 Cách xử trí trong mỗi trường hợp

Đối với bệnh nhân đột quỵ hay nhồi máu cơ tim thì việc cần làm đầu tiên đều là gọi cấp cứu hoặc đưa người bệnh đi cấp cứu sớm nhất có thể. Bởi càng được đưa đến bệnh viện sớm, người bệnh càng có khả năng được cứu sống cao hơn. 

Trong lúc chờ cấp cứu, cần sơ cứu bệnh nhân bằng các biện pháp sau:

– Sơ cứu đối với bệnh nhân đột quỵ

Nếu bệnh nhân bất tỉnh, cho bệnh nhân nằm nghiêng hoặc nằm ngửa. Nếu bệnh nhân nôn mửa, cần cho bệnh nhân nằm nghiêng, móc sạch đờm, dãi trong miệng bệnh nhân để đảm bảo đường thở được thông thoáng. Nếu bệnh nhân còn tỉnh thì để bệnh nhân nằm hoặc ngồi ở tư thế thoải mái nhất.

– Sơ cứu đối với bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim

Khi phát hiện bị nhồi máu cơ tim, bệnh nhân cần: 

+ Dừng ngay mọi công việc đang làm, sau đó ngồi nghỉ ngơi hoặc nằm theo tư thế nửa nằm nửa ngồi

+ Thả lỏng, nhắm mặt lại và hít thở nhẹ nhàng bằng mũi

+ Cởi bớt áo khoác ngoài, nới khăn quàng cổ, cà vạt…

+ Uống một liều/xịt thuốc Nitroglycerin nếu mang theo bên người. Dùng thêm 1 liều nếu sau 5 phút mà cơn đau ngực vẫn chưa đỡ.

+ Nếu bệnh nhân được bác sĩ cho uống Aspirin thì có thể nhai luôn một viên Aspirin để phòng cục máu đông

1.5 Cách chẩn đoán và điều trị 

Đối với các bệnh nhân đột quỵ, giờ vàng cứu sống bệnh nhân là từ 3 – 4,5 giờ đầu sau khi xảy ra biến cố. Quá trình điều trị gồm:

– Hồi sức cấp cứu

– Điều trị chống phù não

– Điều trị đặc hiệu

– Điều trị triệu chứng

– Điều chỉnh câng bằng nước – điện giải, thăng bằng kiềm – toan

– Điều trị phục hồi nhu mô não bằng tế bào gốc

– Dự phòng tái phát.

Thuốc tiêu huyết khối đường tĩnh mạch và một số biện pháp khác có thể giúp khai thông mạch máu bị tắc nghẽn.

Các bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cũng nên được điều trị ngay trong vòng 6 giờ đầu, vì sau đó có thể phần cơ tim chưa bị tổn thương cũng không thể bù trừ cho phần cơ tim hoại tử, dẫn đến hủy hoại hoàn toàn. Tùy từng loại nhồi máu cơ tim mà các bác sĩ có thể điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết hoặc các can thiệp khẩn cấp khác.

Các phương pháp này cần chỉ được định và thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa tại cơ sở y tế uy tín để đảm bảo an toàn và cho hiệu quả cao.

2. Mối liên hệ giữa nhồi máu cơ tim và đột quỵ 

Tuy là 2 bệnh lý khác nhau nhưng nhồi máu cơ tim và đột quỵ cũng có những mối liên hệ nhất định. Hai bệnh này đều có chung những yếu tố nguy cơ như:

– Tuổi tác

– Di truyền

– Các bệnh lý như tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, đái tháo đường…

– Hút thuốc lá

– Thừa cân, béo phì

– Lười vận động

– Thường xuyên căng thẳng, stress

Ở những bệnh nhân mắc bệnh mạch vành, các mảng xơ vữa động mạch có kết cấu mềm khi bị vỡ ra có thể kích thích sự hình thành huyết khối. Các huyết khối có thể di chuyển trong hệ tuần hoàn, theo các động mạch đến động mạch máu não, gây tắc nghẽn mạch não, dẫn tới đột quỵ. 

Ăn uống, sinh hoạt thiếu điều độ, thừa cân, các bệnh lý,...là các yếu tố nguy cơ chung dẫn đến nhồi máu cơ tim và đột quỵ.

Ăn uống, sinh hoạt thiếu điều độ, thừa cân, các bệnh lý,…là các yếu tố nguy cơ chung dẫn đến nhồi máu cơ tim và đột quỵ.

3. Cách phòng tránh đột quỵ và nhồi máu cơ tim

– Điều trị tốt bệnh mạch vành, kiểm soát mỡ máu, huyết áp

– Không hút thuốc

– Duy trì cân nặng

– Hạn chế uống rượu

– Kiểm soát lượng glucose trong máu

– Tập thể dục thường xuyên

– Chế độ ăn ít chất béo bão hòa, chất ngọt và muối

Ngoài ra, người bệnh cần theo dõi sức khỏe và chủ động sàng lọc khả năng đột quỵ xuất hiện thông qua tầm soát sớm nguy cơ đột quy. Từ đó, kiểm soát các bệnh lý nguy cơ để ngăn ngừa các tình trạng cấp tính nguy hiểm. 

Hi vọng những thông tin tham khảo trên đây đã giúp bạn phân biệt được đột quỵ và nhồi máu cơ tim, tránh những nhầm lẫn dẫn tới việc sơ cấp cứu và điều trị sai cách, gây nguy hiểm tới tính mạng. Khi người bệnh có những dấu hiệu bất thường của 1 trong 2 bệnh lý trên, cần đưa họ đi cấp cứu ngay để được xử trí kịp thời, bảo vệ tính mạng và sức khỏe. 

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital