Nội soi dạ dày trẻ em – Có nên hay không?

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKI

Trần Hoàng Tùng

Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh

Viêm loét dạ dày là bệnh lý mà trẻ nhỏ có thể mắc phải. Hơn nữa, triệu chứng của căn bệnh này lại dễ gây nhầm lẫn với các vấn đề sức khỏe khác. Đối với người lớn, để chẩn đoán chính xác thì phương pháp nội soi dạ dày thường được chỉ định thực hiện khi có dấu hiệu nghi mắc bệnh. Vậy còn đối với lứa tuổi nhỏ thì có thể nội soi dạ dày trẻ em không?

1. Có nên nội soi dạ dày trẻ em?

Khi trẻ gặp những triệu chứng nghi mắc bệnh lý viêm loét dạ dày như biếng ăn, tăng cân chậm, đau bụng kéo dài, xét nghiệm có kết quả dương tính với vi khuẩn Hp… thì bác sĩ có thể chỉ định thực hiện nội soi tiêu hóa. Máy soi dạ dày cho trẻ em thường có kích thước phù hợp, bác sĩ sẽ tiến hành gây mê ngắn cho trẻ trong khoảng 5 phút và thực hiện thao tác nội soi.

Tuy nhiên nhiều phụ huynh vẫn băn khoăn có nên nội soi dạ dày cho trẻ nhỏ không. Theo các bác sĩ chuyên khoa nhi, trẻ em bị đau bụng có thể do nhiều nguyên nhân, nếu cần thiết làm các phương pháp chẩn đoán thì nên chọn phương pháp ít gây xâm lấn.

Bên cạnh đó, cha mẹ cũng không nên quá lo lắng về việc nội soi dạ dày ở trẻ em. Hiện nay, đã có các loại máy soi kích thước phù hợp cho trẻ, nếu được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên môn cao, nhiều năm kinh nghiệm thì tỉ lệ gây tai biến là rất thấp. Ngoài ra, theo nhiều chuyên gia về gây mê, thời gian gây mê ngắn (chỉ khoảng 5 phút) sẽ giúp bé tỉnh ngay sau khi nội soi xong và không gây ảnh hưởng đến sức khỏe sau này của bé.

trẻ có nên nội soi không

Nội soi dạ dày giúp bác sĩ phát hiện nhiều bệnh lý

2. Khi nào nên và không nên nội soi dạ dày cho bé?

2.1. Trường hợp nên nội soi dạ dày trẻ em

Nội soi dạ dày ở trẻ nhỏ nhằm chẩn đoán bệnh thường được chỉ định đối với các trường hợp sau:

– Trẻ dưới 5 tuổi có biểu hiện bị đau bụng kéo dài.

– Trẻ xuất hiện các cơn đau khiến trẻ bị thức giấc về đêm.

– Trẻ bị đau thượng vị kéo dài có liên quan đến việc ăn uống.

– Trẻ bị thiếu máu và không rõ nguyên nhân.

– Trẻ bị nôn mửa kéo dài và trở nặng.

– Trẻ bị nôn ra máu.

– Trẻ chậm tăng trưởng hoặc bị sụt cân chưa rõ nguyên nhân.

– Trẻ đi đại tiện phân đen.

– Có máu ẩn trong phân dương tính kèm với đau bụng kéo dài.

– Trẻ đau bụng kéo dài, có tiền sử người thân bị ung thư dạ dày hoặc trẻ từng sống chung với những người mắc bệnh viêm loét dạ dày có HP.

– Trẻ dùng thuốc chống viêm NSAIDs hoặc corticoid kèm bị đau bụng kéo dài.

2.2. Trường hợp không nên nội soi dạ dày trẻ em

Nội soi dạ dày ở trẻ em sẽ cần phải sử dụng thuốc gây mê do trẻ chưa thể có khả năng hợp tác với bác sĩ nội soi cũng như việc tiến hành nội soi khá phức tạp. Quá trình gây mê thường đi kèm với tác dụng phụ. Vì vậy, trong một số trường hợp sau, trẻ không cần thiết phải thực hiện phương pháp nội soi dạ dày:

– Trẻ khỏe mạnh, không gặp các dấu hiệu có liên quan đến bệnh dạ dày như: bị đau bụng, ói mửa, buồn nôn, mệt mỏi, chán ăn, đi ngoài dài ngày…

– Trẻ không có tiền sử người thân bị ung thư dạ dày hay các bệnh về dạ dày, hoặc không chung sống với người mắc viêm loét dạ dày có HP.

– Trẻ có mắc bệnh lý liên quan tới tim mạch, suy tim, bị suy hô hấp, trẻ mắc các bệnh gan, thận và trẻ mới ăn no.

tìm hiểu về nội soi

Phụ huynh cần nắm rõ con em mình có thể nằm trong trường hợp được nội soi hay không

3. Một số biến chứng có thể xảy ra khi nội soi cho trẻ

Khi tiến hành gây mê cho bệnh nhân, một số biến chứng phổ biến nhất có thể gặp đó là:

– Biến chứng về đường hô hấp chiếm tỷ lệ khoảng 38%.

– Biến chứng về tim mạch chiếm khoảng 61%. Trong đó bao gồm các vấn đề như: trẻ bị thiếu máu cơ tim, giảm thể tích tuần hoàn, bị giảm lượng máu, tụt huyết áp, sốc phản vệ,…

– Ngoài ra, có thể gặp một số biến chứng khác với tỷ lệ 1%.

Tuy những phương pháp gây mê và thuốc gây mê hiện nay thường có tỉ lệ biến chứng ở mức rất thấp nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ với trẻ em. Vì vậy, thực hiện nội soi dạ dày cho trẻ em là thao tác rất khó để đánh giá hết nguy cơ đối với người bệnh.

Bên cạnh các nguy cơ gặp phải biến chứng như ở người lớn. Trẻ em còn có thể đối diện với nhiều vấn đề khi tiến hành gây mê như:

– Khó tính toán chính xác lượng thuốc sử dụng phù hợp để sử dụng cho trẻ.

– Mỗi trẻ có thể trạng và khả năng đáp ứng thuốc khác nhau vì vậy sẽ gây nhiều khó khăn và tiềm ẩn rủi ro khi thực hiện gây mê.

– Khi thực hiện gây mê cho trẻ em còn có khả năng gặp phải tình trạng trẻ bị trào ngược rất nguy hiểm.

nội soi dạ dày trẻ em

Cần có chỉ định và thăm khám kỹ càng từ bác sĩ để quyết định xem trẻ có nên nội soi hay không

Hy vọng bài viết trên đã giúp phụ huynh giải đáp được những băn khoăn về việc nội soi dạ dày ở trẻ em. Tuỳ vào từng trường hợp cụ thể và theo chỉ định của bác sĩ mà các bậc phụ huynh cần phải cân nhắc có nên áp dụng phương pháp này cho con em mình hay không. Ngoài ra, cha mẹ nên đưa trẻ tới khám và thực hiện nội soi dạ dày tại các bệnh viện uy tín, có hệ thống trang thiết bị máy móc đầy đủ, hiện đại cùng đội ngũ bác sĩ uy tín, nhiều kinh nghiệm, sử dụng thuốc gây mê an toàn.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital