Menu xem nhanh:
Nổi hạch ở cổ là gì?
- Nổi hạch ở cổ là hiện tượng không hề hiếm gặp và có thể xảy ra ở cả trẻ em. (ảnh minh họa)
Nổi hạch ở cổ được hiểu là sự sưng lên bất thường của một khối nhỏ có hình dạng như khối u tại vùng cổ. Đây là hiện tượng không hề hiếm gặp và có thể xảy ra ở cả trẻ em, do đặc thù cổ là khu vực có chứa số lượng lớn các hạch bạch huyết hay gọi là các hạch lympho vùng cổ.
Đa số các trường hợp nổi hạch lympho vùng cổ gáy, tự hạn chế về kích thước và tự biến mất, nhưng một số hạch vùng cổ vẫn có thể tồn tại lâu hơn và chúng có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý nguy hiểm mà cơ thể mắc phải như bệnh ung thư.
Đặc biệt, các hạch lympho ở vị trí vùng thượng đòn nếu thấy chúng có sự tăng lên về kích thước và lây lan. Điều này có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý liên quan đến ác tính, khi đó bệnh nhân cần được đánh giá cẩn thận, cũng như can thiệp sớm để có hiệu quả tốt nhất.
Nổi hạch ở cổ là biểu hiện của bệnh gì?
Nhiều người khi phát hiện bị nổi hạch ở vùng cổ, thường rất lo sợ vì nghĩ rằng đó có thể là các tế bào ung thư hay các khối u. Tuy nhiên khi bị nổi hạch ở cổ sẽ có 3 nguy cơ sau đây xảy ra như sau:
Nhiễm khuẩn
Nguyên nhân phổ biến nhất gây sưng hạch vùng cổ gáy là do bệnh nhiễm khuẩn như nhiễm khuẩn vùng răng lợi, cổ họng, đường hô hấp trên hoặc nhiễm virus. Hạch bạch huyết vùng cổ gáy nhận được dịch bạch huyết từ cổ và đầu. Khi có một nhiễm khuẩn ở đầu cổ, hạch bạch huyết sẽ thu thập và tiêu diệt vi khuẩn gây ra nhiễm khuẩn.
Trường hợp nổi hạch ở cổ do nguyên nhân nhiễm khuẩn thì hạch thường sưng lên, đau, sốt. Thông thường các hạch này sẽ biến mất khi bệnh nhân điều trị khỏi nhiễm khuẩn. Tuy nhiên nếu bệnh nhân đã điều trị khỏi nhiễm khuẩn mà hạch vẫn nổi lên và gây sưng, khi đó bạn cần xem xét tiếp các nguyên nhân tiếp theo.
- Nhiễm khuẩn vùng răng lợi, cổ họng, đường hô hấp trên hoặc nhiễm virus có thể nổi hạch ở cổ. (ảnh minh họa)
Bệnh tự miễn dịch hoặc các bệnh gây suy giảm hệ miễn dịch
Các bệnh như bệnh viêm khớp dạng thấp, HIV/AIDS và Lupus ban đỏ (SLE) và một số bệnh gây suy giảm hệ miễn dịch cũng có thể khiến nổi hạch ở vùng cổ. Khi này bạn cần đến thăm khám với bác sĩ để điều trị các bệnh lý trên, khi các bệnh lý trên được điều trị hiệu quả, hạch sẽ tự biến mất.
Ung thư
Chất lỏng bạch huyết có thể thu thập và vận chuyển tế bào ung thư đến các hạch bạch huyết. Khi ung thư lan đến cổ và đầu, chúng gây ra các hạch bạch huyết sưng lên. Khi này cần thực hiện sinh thiết hạch lympho ở cổ để tìm nguyên nhân thực sự của sưng hạch và có biện pháp can thiệp sớm, mang lại hiệu quả tốt nhất.
Ngoài ra còn một số trường hợp nổi hạch ở cổ sau khi tiêm chủng vac-xin ngừa bệnh thương hàn, quai bị, sởi. Trong trường hợp này sưng hạch ở cổ chỉ tạm thời trong vài ngày rồi sẽ tự mất đi, nên không đáng lo ngại.
Chẩn đoán phân biệt sưng hạch vùng cổ
Các bác sĩ chuyên khoa sẽ căn cứ vào tính chất của các hạch lympho bi sưng để xác định nguyên nhân và chẩn đoán phân biệt các hạch vùng cổ bị sưng. Cụ thể như:
- Các hạch bạch huyết bị sưng vì nhiễm khuẩn thường rất đau, mềm và di động được.
- Các hạch bạch huyết do ung thư: ít hoặc không đau đớn, cứng, cố định không di động.
Nổi hạch vùng cổ khi nào cần thăm khám với bác sĩ
- Khám và điều trị hiệu quả hạch nổi ở cổ tại Hệ thống y tế Thu Cúc. (ảnh minh họa)
Bạn nên gặp bác sĩ trong các trường hợp sau đây:
- Các hạch bạch huyết sưng mà không có bất kỳ bệnh lý nào đi kèm.
- Sưng hạch đi kèm với giảm cân, sốt dai dẳng hoặc đổ mồ hôi quá nhiều vào ban đêm.
- Sưng hạch có tính chất cứng, không đau và cố định không di động.
- Các hạch bạch huyết vùng cổ gáy sưng đau đi kèm các vấn đề về hô hấp, khó nuốt hoặc đau họng.
- Sưng tấy hạch tiếp tục tăng và kéo dài 2-4 tuần.
Xử trí hạch vùng cổ như nào?
Việc điều trị hạch vùng cổ tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Bác sĩ sẽ chỉ định biện pháp điều trị cụ thể trong các trường hợp như sau:
– Nếu nhiễm khuẩn gây ra sưng hạch bạch huyết, thông thường sẽ sử dụng kháng sinh và cơ thể sẽ trở lại bình thường khi nhiễm khuẩn được giải quyết.
– Rối loạn miễn dịch: Điều trị các hạch bạch huyết bằng cách điều trị bệnh chính như viêm khớp dạng thấp và luput ban đỏ hệ thống.
– Ung thư: Các phương pháp điều trị được sử dụng phụ thuộc vào loại ung thư và bao gồm hóa trị, xạ trị và phẫu thuật.