Menu xem nhanh:
1. Nổi hạch dưới cằm có nguy hiểm không?
Hạch (hạch bạch huyết) là một phần quan trọng của hệ thống miễn dịch, giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng và nhiều bệnh lý nguy hiểm khác. Hạch phân bố ở khắp nơi trên cơ thể. Bình thường không thể sờ thấy hạch nhưng khi hạch sưng lớn, nổi cộm dưới da thì bạn có thể cảm nhận rõ. Một số vị trí hạch thường xuất hiện là vùng cổ dưới cằm, hạch nách, hạch vùng bẹn…
Khi có hiện tượng nổi hạch dưới cằm, rất nhiều người lo lắng không biết tình trạng nổi hạch dưới cằm có nguy hiểm không. Thực tế, có nhiều nguyên nhân có thể khiến hạch nổi dưới cằm và mức độ nguy hiểm phụ thuộc vào từng nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Một số nguyên nhân làm xuất hiện tình trạng nổi hạch là:
- Viêm họng
- Viêm amidan
- Lao
- Sởi
- Quai bị
- Tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn
- Ung thư
Với các bệnh lý bình thường như viêm họng, viêm amidan, quai bị… thì hạch thường nhỏ, có thể hơi đau, di động tốt và biến mất sau vài ngày, vài tuần (nhiều nhất khoảng 3 – 4 tuần) khi các bệnh lý được điều trị khỏi. Tuy nhiên, nếu bạn thấy tình trạng nổi hạch dưới cằm nhiều, kích thước hạch lớn dần, di động kém, hạch nổi không rõ nguyên nhân và kéo dài đến cả tháng thì cần đặc biệt cảnh giác bởi đây có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư đặc biệt nguy hiểm
2. Nổi hạch dưới cằm cảnh báo ung thư
Có rất nhiều bệnh ung thư có biểu hiện hạch nổi dưới cằm, điển hình là những bệnh ung thư hạch, ung thư đầu cổ.
– Ung thư hạch
Có thể ung thư hạch nguyên phát hay ung thư từ cơ quan lân cận di căn tới.
– Ung thư vòm họng
Là một trong những bệnh ung thư vùng đầu cổ phổ biến nhất. Hạch góc hàm, dưới cằm là vị trí di căn đầu tiên thường thấy nhất ở bệnh nhân ung thư vòm họng, có thể xuất hiện đầu tiên trước nhiều triệu chứng bệnh khác như ù tai, đau đầu, ngạt mũi…
– Ung thư tuyến giáp
Ngoài biểu hiện hạch nổi vùng cổ, người bệnh có thể có các triệu chứng khác như khàn giọng, ho mạn tính, khó nuốt…
Nổi hạch dưới cằm có nhiều nguyên nhân khác nhau, gồm cả bệnh lý lành tính hay ác tính. Vì vậy, ngay khi thấy biểu hiện bất thường này, bạn không nên chủ quan mà bỏ qua thăm khám để phát hiện và điều trị sớm.