“Siêu âm song thai” là thuật ngữ chỉ kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh thai kỳ sinh đôi. Để mẹ bầu mang song thai có một thai kỳ thật khỏe mạnh, hôm nay chúng tôi sẽ mang đến những thông tin cần thiết và kiến thức bổ ích xoay quanh chủ đề siêu âm song thai.
Menu xem nhanh:
1. Mang song thai là gì?
Song thai là trạng thái có hai thai nhi trong tử cung. Đây là một trường hợp đặc biệt của thời kỳ thai nghén có tỷ lệ tử vong ở cả sản phụ và thai nhi cao hơn nhiều so với thai đơn.
2 loại song thai bao gồm:
– Song thai khác trứng: Do 2 tinh trùng kết hợp với 2 trứng riêng biệt.
– Song thai cùng trứng: Do 1 hợp tử tách đôi ra và phát triển thành 2 thai nhi do đó 2 bé sẽ cùng ADN.
Trường hợp đặc biệt xảy ra khi hợp tử phân chia muộn sau ngày thứ 13, dẫn đến song thai sẽ có những bộ phận bị dính với như như đầu, ngực, bụng, đặc biệt là hiện tượng thai trong thai.
2. Nguyên nhân dẫn đến song thai
2.1 Di truyền
Khả năng mang thai đôi sẽ tăng lên khi gia đình có mẹ hoặc chị em gái từng mang thai đôi.
2.2 Độ tuổi
Nghiên cứu cho thấy bà mẹ có độ tuổi trên 35 sẽ dễ mang song thai hơn các bà mẹ dưới độ tuổi này.
2.3 Sử dụng thuốc kích thích rụng trứng
Với những chị em phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt thưa hoặc kinh nguyệt không đều, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc để tăng cường sản xuất trứng. Việc này dẫn đến nhiều trứng rụng và nếu tất cả đều được thụ tinh thì hiện tượng đa thai sẽ xảy ra.
2.4 Có can thiệp của phương pháp hỗ trợ sinh sản
Điểm chung của cả 2 phương pháp IUI (bơm tinh trùng vào trong tử cung) và IVF (thụ tinh trong ống nghiệm) đều sử dụng thuốc kích trứng nên khả năng sẽ mang song thai cao hơn thụ tinh tự nhiên.
3. Dấu hiệu nhận biết song thai
Ngoài những biểu hiện như những mẹ bầu mang thai thông thường, mẹ bầu mang song thai sẽ có một số những triệu chứng đặc biệt hơn như:
– Ốm nghén nặng hơn
– Căng tức ngực hơn
– Tăng cân nhanh hơn
– Mức beta-hCG tăng nhanh hơn
Bên cạnh những dấu hiệu kể trên, để biết được chính xác có mang thai đôi hay không thì mẹ bầu cần đến thăm khám tại các cơ sở y tế uy tín và xác định nhờ phương pháp siêu âm.
4. Những nguy cơ mẹ khi mang song thai
4.1 Nguy cơ xảy ra trong thai kỳ
– Có khả năng sảy thai cao hơn so với đơn thai
– Tỷ lệ sinh non chiếm hơn 50% (so với tỷ lệ 10% của đơn thai)
– Nguy cơ tăng huyết áp thai kỳ cao hơn 3 – 4 lần so với mang đơn thai
– Tiền sản giật/sản giật: Xảy ra ở khoảng 15 – 20% phụ nữ mang song thai. Nếu chuyển biến nặng, mẹ bầu sẽ có nguy cơ bị rối loạn đông máu, co giật, đột quỵ, có thể đe dọa đến tính mạng của cả mẹ và bé.
– Bệnh lý đái tháo đường xảy ra trong thai kỳ
4.2 Nguy cơ xảy ra trong lúc sinh và sau sinh
– Tỷ lệ mổ lấy thai tăng cao
– Gặp nguy cơ băng huyết sau sinh cao hơn mẹ bầu đơn thai
– Mẹ bầu song thai có nguy cơ tử vong cao gấp 2 lần
5. Siêu âm song thai
Chính vì những nguy cơ do kể trên, siêu âm song thai đóng một vai trò vô cùng quan trọng để kiểm tra tình trạng sức khỏe của mẹ cũng như sự phát triển của thai nhi. Trong 3 tháng đầu tiên của thai kỳ, việc siêu âm thai đôi sẽ giúp bác sĩ xác định được:
– Số lượng phôi thai
– Có bao nhiêu buồng ối và bánh nhau
– Đánh giá được độ mờ da gáy
– Phát hiện ra sớm các dị tật bẩm sinh
Thai phụ sẽ thăm khám định kỳ tại các cơ sở y tế uy tín thường xuyên để đảm bảo mẹ có sức khỏe tốt và các bé yêu sẽ phát triển bình thường.
Tùy vào sức khỏe của mẹ bầu, bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định sẽ đi khám thai vào những thời điểm và tần suất như thế nào. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn thì nên siêu âm ít nhất 8-9 lần trong một thai kỳ với các mốc:
– Sau khi phát hiện trễ kinh 01 tuần
– Vào tuần thứ 7 – 8
– Vào tuần thứ 12 – 13
– Vào tuần 14 – 17
– Vào tuần 22 – 23
– Vào tuần 26 – 28
– Vào tuần 30-32
– Vào tuần 36
– Vào tuần 38-40
6. Quy trình siêu âm song thai
Bước 1:
Mẹ bầu nằm lên giường và được yêu cầu vén bụng để lộ phần bụng. Bác sĩ sẽ thoa một lớp gel lên khu vực tiến hành siêu âm, không để có khoảng trống giữa đầu dò và da mẹ.
Bước 2:
Bác sĩ sử dụng đầu đò, nhẹ nhàng di chuyển trên bụng mẹ bầu với mục đích thu được hình ảnh của thai nhi trên màn hình đạt tiêu chuẩn. Sau đó, bác sĩ sẽ lau sạch lớp gel và quá trình siêu âm kết thúc.
Bước 3:
Mẹ bầu nhận kết quả siêu âm song thai từ bác sĩ với kết luận về sức khỏe của mẹ, sự phát triển của thai nhi hay có bất kỳ bất thường nào hay không. Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ tư vấn cho mẹ những thông tin cần thiết về chế độ ăn uống, luyện tập để nuôi dưỡng bé yêu khỏe mạnh.
7. Những lưu ý cho mẹ bầu mang song thai
7.1 Có chế độ dinh dưỡng hợp lý
Một bà mẹ nạp đầy đủ lượng calo mỗi ngày với đầy đủ các chất dinh dưỡng sẽ cho ra đời em bé khỏe mạnh, cứng cáp và đủ tháng chính vì vậy mẹ bầu cần chú trọng đến khẩu phần ăn hàng ngày.
Trung bình một phụ nữ sẽ nạp vào cơ thể khoảng 1.800 calo/ngày nhưng với phụ nữ mang thai thì thai nhi cần được cung cấp thêm 300 calo nghĩa là tổng calo cần nạp là khoảng 2.200 calo/ngày. Vậy nên với trường hợp mang thai đôi thì lượng calo phải tăng gấp đôi, nghĩa là 600 calo cho 2 em bé, tương ứng với 2.400 calo mỗi ngày.
7.2 Uống nước
Nước có vai trò vô cùng quan trọng, nhất là với các bà mẹ mang song thai. Việc uống nước sẽ giúp tăng lượng nước ối quanh bào thai, giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu khi bà bầu đi tiểu đều hơn, tránh mất nước khi mẹ đổ mồ hôi nhiều và đảm bảo nhu cầu máu tăng cao trong cơ thể mẹ.
Chế độ uống nước hợp lý nhất đó là cách 2 tiếng sẽ uống 1 ly nước hoặc nước đun sôi để nguội. Để không bị nhàm chán và cảm thấy miễn cưỡng khi chỉ uống nước lọc, mẹ bầu nên đa dạng các loại như nước ép trái cây không đường, sữa ít béo, nước canh,….
7.3 Ngủ đủ giấc và nghỉ ngơi hợp lý
Khi mang song thai, cơ thể mẹ bầu sẽ phải hoạt động gấp đôi bình thường nên sẽ khiến mẹ mệt mỏi và mất sức hơn. Chính vì vậy, việc nghỉ ngơi hợp lý và ngủ đủ giấc là vô cùng quan trọng để cơ thể thai phụ có đủ năng lượng và sức đề kháng đảm bảo cho thai nhi phát triển khỏe mạnh.
7.4 Cần theo dõi thai kỳ cẩn thận và thường xuyên
Sau khi đã siêu âm song thai và được bác sĩ xác nhận mang thai đôi, mẹ sẽ có nguy cơ cao gặp các triệu chứng và bệnh lý bất thường kể trên. Chính vì vậy việc chọn một bác sĩ giỏi tại các cơ sở y tế uy tín để đồng hành cùng mẹ bầu là vô cùng cần thiết.
7.5 Tập những bài tập thể dục phù hợp
Theo các bác sĩ, việc tập thể dục rất có lợi cho sức khỏe vì thế các bà bầu thường được khuyến khích tập thể dục thường xuyên để đảm bảo cho sức khỏe của bản thân cũng như đảm bảo một thai kỳ khỏe mạnh. Các loại bài tập dành riêng cho bà bầu có thể kể đến như:
– Đi bộ thường xuyên
– Bơi lội hoặc aerobic dưới nước
– Tập yoga
– Bài tập Kegel (có tên khác là bài tập cho sàn chậu)
– Đi xe đạp (chỉ nên áp dụng vào 6 tháng đầu thai kỳ, không nên chọn xe đạp thể thao hay xe đạp leo núi).
Qua bài viết trên, chúng tôi đã cung cấp những thông tin cần thiết về siêu âm song thai để mẹ bầu có sự chuẩn bị tốt nhất cho bản thân và các con yêu. Nếu có bất kỳ triệu chứng gì bất thường, hãy đến ngay các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và tư vấn từ bác sĩ chuyên môn nhé.