Những thời điểm phải khám kiểm tra thai trong suốt thai kỳ

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Văn Hà

Phó Giám đốc Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI, Trưởng khoa Phụ Sản

Khám kiểm tra thai là việc mẹ bầu nào cũng cần làm trong suốt thai kỳ của mình. Ngoài những mốc kiểm tra thai định kỳ, mẹ bầu cần phải đi khám gấp nếu có những dấu hiệu nguy hiểm.

1. Khám thai định kỳ – Mẹ bầu nào cũng cần phải tuân thủ

Sức khỏe của mẹ trước và trong lúc mang bầu đều sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của em bé sau này. Trong thời gian thai kỳ, mẹ cần phải trang bị những kiến thức để có thể chăm sóc bản thân và thai nhi. Ngoài ra, khám thai định kỳ còn giúp phát hiện những vấn đề trong quá trình hình thành phát triển của em bé.

Quá trình mang thai luôn ẩn chứa nhiều nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Nếu chủ quan không thăm khám thường xuyên có thể dẫn đến những hậu quả lớn như thai lưu hay sảy thai… Việc thăm khám định kỳ sẽ giúp bác sĩ theo dõi sức khỏe của thai nhi và phát hiện các bệnh tiềm ẩn của mẹ và bé. Các xét nghiệm cần thiết cũng có thể tầm soát những bệnh di truyền hoặc các bệnh về lỗi gien. Đặc biệt, với những mẹ đã có tiền sử sảy thai, thai lưu hoặc sức khỏe của mẹ không tốt, từng có bệnh nền… việc kiểm tra thai định kỳ là vô cùng cần thiết.

kiểm tra thai

Khám thai định kỳ là việc làm cần thiết mà mẹ bầu nào cũng cần nhớ

Số lần khám thai sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: tuổi mang thai của mẹ, sức khỏe trước khi mang thai của mẹ, tuổi thai…Nhưng tối thiểu mẹ bầu nào cũng nên đi khám thai định kỳ ít nhất 3 lần trong suốt thai kỳ, chưa kể đến những lần đi khám bất thường nếu thai nhi có vấn đề.

1.1. Kiểm tra thai lần đầu vào tam cá nguyệt thứ nhất

Tam cá nguyệt đầu tiên của thai kỳ bắt đầu từ lúc que lên 2 vạch và chậm kinh 1 tuần, đây là lúc hình thành và tăng trưởng các cơ quan nội tạng của thai nhi. Trong giai đoạn này cũng là lúc có thể phát hiện những bất thường về:

– Hệ thần kinh thai nhi: những bệnh như thai vô sọ, não úng thủy…

– Nhiễm sắc thể: những lỗi về gien di truyền, những bệnh liên quan thường có hậu quả rất nặng nề về sau. Thậm chí có những bệnh thai nhi không thể qua khỏi.

Chính vì vậy mẹ bầu cần đi khám định kỳ trong giai đoạn này để phát hiện ra những bất thường trên thông qua các xét nghiệm máu, siêu âm…

Ngoài ra, giai đoạn tam cá nguyệt đầu cũng là giai đoạn nhau thai bám chưa chắc vào thành tử cung. Bất kỳ tác động mạnh nào bên ngoài hoặc nội tiết bên trong của mẹ cũng có thể làm ảnh hưởng đến em bé. Nếu có những dấu hiệu bất thường dù là nhỏ nhất cũng có thể báo hiệu những nguy hiểm cho thai nhi. Vì vậy, nhất định đừng quên đi kiểm tra thai trong giai đoạn này mẹ bầu nhé.

1.2. Khám kiểm tra thai vào tam cá nguyệt thứ hai

Trong giai đoạn thứ hai của quá trình mang thai, nhiều thai phụ bắt đầu quen với việc mang bầu. Tam cá nguyệt thứ nhất qua đi cùng những cơn nghén khiến tam cá nguyệt thứ hai trở nên vô cùng dễ chịu. Mẹ bầu bắt đầu có cảm giác thèm ăn và ăn được nhiều hơn. Tuy nhiên, một số triệu chứng mới có thể xuất hiện trong giai đoạn này như khó thở, chóng mặt, táo bón nguyên nhân do thai to hơn và chèn ép vào các cơ quan nội tạng của mẹ.

kiểm tra thai

Siêu âm giúp phát hiện những bất thường của thai nhi

Tam cá nguyệt thứ hai là giai đoạn thai nhi tăng trưởng mạnh của thai nhi. Từ tuần 22-23 là thời điểm khám thai chuẩn nhất. Lúc này, các hình thái bất thường như hở hàm ếch, sứt môi và các dị tật khác ở các cơ quan có thể được nhìn thấy thông qua hình ảnh siêu âm.

Thời điểm này bác sĩ có thể phát hiện được những rối loạn huyết áp của mẹ, nguy cơ dẫn đến tiền sản giật, từ đó sẽ có những điều trị và quy trình theo dõi sát sao cho đến tận lúc vượt cạn.

Đối với những mẹ bầu bị cổ tử cung ngắn, hở eo tử cung có thể được chỉ định phẫu thuật vào thời điểm này vì đây là lúc khá an toàn cho thai nhi. Thậm chí một số mẹ bị u buồng trứng cũng có thể thực hiện cắt bỏ trong tam cá nguyệt thứ 2.

1.3. Khám định kỳ tam cá nguyệt cuối

Tam cá nguyệt cuối là thời điểm rất quan trọng bởi mẹ đang chuẩn bị chào đón em bé chào đời sau những tháng dài mong đợi.

Trong ba tháng cuối của thai kỳ, mẹ bầu sẽ tăng cân nhanh hơn và có sự thay đổi rõ rệt về hình thể cũng như tâm sinh lý và sức khỏe. Mẹ sẽ cảm thấy rất mệt mỏi và nặng nề vì vậy cần đi kiểm tra thai để được bác sĩ theo dõi tình trạng sức khỏe của cả mẹ và bé.

Vào những tháng cuối trước sinh, mẹ có thể xuất hiện nhiều dấu hiệu chuyển dạ, mẹ cần thường xuyên đi khám để đo tim thai, khám lượng ối và các cơn gò tử cung.

2. Những dấu hiệu mẹ bầu cần đi khám thai ngay

Ngoài những thời điểm đi khám định kỳ nêu trên, mẹ bầu cũng cần phải đi khám ngay nếu có những dấu hiệu bất thường trong thai kỳ của mình. Nếu không được xử trí kịp thời, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí tính mạng của thai nhi và mẹ bầu. Thay vì chủ quan, hãy nhanh chóng tìm kiếm sự trợ giúp của bác sĩ nếu thấy những dấu hiệu sau:

– Vùng bụng dưới (tử cung) bị đau đột ngột
Bỗng nhiên bạn có cảm giác đau đột ngột ở tử cung và lan rộng ra quanh vùng bụng, vùng lưng thậm chí xuống cả bắp chân, cơn đau dài, bụng căng cứng thì hãy nhanh chóng đến gặp bác sĩ vì có thể bạn đang bị bong nhau non. Nếu không được cấp cứu kịp thời có thể sẽ nguy hiểm đến tính mạng của mẹ và bé.

kiểm tra thai

Cần đi khám ngay nếu gặp các dấu hiệu bất thường trong thai kỳ

– Mất cảm giác nghén ở những tháng đầu thai kỳ: Bạn đang bị cơn nghén hành hạ mỗi ngày nhưng đến một ngày cơn nghén ngẩm hoàn toàn biến mất. Không còn cảm giác nôn hoặc buồn nôn, ngực không còn căng tức, đau nhẹ nữa. Hãy nhanh chóng đi kiểm tra thai bởi em bé của bạn đang gặp nguy hiểm. Rất có thể thai đang ngừng phát triển hoặc bị lưu thai.

– Chảy máu ồ ạt kèm sốt: Trong thai kỳ, nhất là giai đoạn đầu, có thể thai phụ sẽ gặp tình trạng chảy máu. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này và có thể là không nguy hiểm. Tuy nhiên, bạn cần đi khám ngay nếu lượng máu ra quá nhiều, không có dấu hiệu giảm, kèm theo đó là sốt nhẹ và cảm giác gai người có thể là dấu hiệu của sảy thai.

– Thường xuyên đi tiểu rắt, đau buốt: Mẹ bầu thường xuyên đi tiểu là bình thường, nhưng tiểu rắt kèm đau buốt là biểu hiện của viêm nhiễm đường tiết niệu. Cần phải kịp thời phát hiện và điều trị nếu không muốn sinh non.

– Dịch âm đạo nhiều bất thường: Nếu âm đạo tiết ra quá nhiều dịch và kèm theo những cơn co thắt tử cung, hãy đến bác sĩ vì có thể đây là những dấu hiệu của sinh non.

– Thai nhi hoạt động kém hoặc không vận động nữa: Các mẹ bầu nên có thói quen đếm số lần thai nhi vận động trong bụng mẹ. Nếu trong 1 tiếng mà không thấy bất kỳ cử động nào của bé thì cần nhanh chóng đến khám và nhập viện ngay.

Thai kỳ là một hành trình dài với nhiều hạnh phúc nhưng cũng nhiều lo lắng đối với mẹ. Kiểm tra thai là việc mà thai phụ nào cũng nên làm để có được những em bé khỏe mạnh đáng yêu. Hy vọng bài viết trên đây sẽ hữu ích với nhiều mẹ bầu.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:
Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital