Những nguyên nhân khiến mẹ sau sinh bị mất sữa

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Văn Hà

Phó Giám đốc Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI, Trưởng khoa Phụ Sản

Những nguyên nhân khiến mẹ sau sinh bị mất sữa bao gồm: Stress và trầm cảm sau sinh, chế độ dinh dưỡng kém, mẹ uống ít nước, nghỉ ngơi không hợp lý, cho bé bú bình hoặc bú mẹ không đúng cách, sử dụng thuốc.

Stress và trầm cảm sau sinh

Đây là một trong những nguyên nhân khiến mẹ sau sinh bị mất sữa. Stress là vấn đề thường gặp đối với hầu hết sản phụ sau khi sinh nở. Nguyên nhân là do cơ thể  người mẹ vừa phải trải qua quá trình mang thai nặng nhọc, sinh nở mất sức, mất máu, sự thay đổi nội tiết khiến cơ thể dễ rơi vào tình trạng mệt mỏi và trầm cảm làm cho sữa tiết ra ít. Cùng với áp lực do phải thức cả ngày và đêm chăm sóc con, không đủ thời gian nghỉ ngơi cũng khiến chị em dễ bị stress. Điều này sẽ có tác động không tốt tới sự hoạt động của tuyến yên vốn là nơi điều tiết quá trình tiết sữa.

nhung-nguyen-nhan-khien-me-sau-sinh-bi-mat-sua

Stress và trầm cảm là một trong những nguyên nhân khiến mẹ sau sinh bị mất sữa.

Nghỉ ngơi không hợp lý

Đây là nguyên nhân phổ biến khiến người mẹ bị tắt dần sữa. Thực tế, sau khi sinh con, cơ thể sản phụ rất yếu và sức đề kháng kém nên cần có một chế độ nghỉ ngơi phù hợp. Nhiều phụ nữ vì quá chăm con mà mất ngủ, ngủ không đủ giấc, một số người phải đi làm sớm và làm việc quá sức dẫn đến hoạt động tuyến sữa bị suy yếu. Từ đó dẫn đến tình trạng ít sữa, tắc sữa, thậm chí mất sữa hoàn toàn.

Cho bé bú bình hoặc bú không đúng cách

Cho bé bú đúng cách là phương pháp hiệu quả để kích thích tuyến vú tiết sữa, giúp sữa về nhiều và đều. Nếu mẹ cho con bú quá ít hoặc sai tư thế sẽ khiến tuyến vú không có được phản xạ tiết sữa, dẫn đến tình trạng ít sữa và tắt sữa.

Ngoài ra, khi bú bình nhiều bé sẽ không bú mẹ thường xuyên nên tuyến không được kích thích cũng là nguyên nhân gây tắt sữa.

nhung-nguyen-nhan-khien-me-sau-sinh-bi-mat-sua2

cho trẻ bú không đúng cách cũng là nguyên nhân khiến mẹ bị mất sữa sau sinh.

Chế độ dinh dưỡng của mẹ kém

Nhiều bà mẹ quá kiêng khem theo quan niệm dân gian hoặc không được chăm sóc dinh dưỡng đầy đủ lại thêm nỗi lo tăng cân khó lấy lại vóc dáng sau sinh mà ăn rất ít thực phẩm. Tình trạng này cũng ảnh hưởng đến cơ chế tiết sữa, thậm chí bị mất sữa hoàn toàn.

Uống ít nước

Nước là thành phần quan trọng trong quá trình “sản xuất” sữa của cơ thể phụ nữ. Nếu mẹ không uống đủ nước sẽ khiến tuyến vú không đủ nước để sản xuất sữa. Mẹ sau sinh nên uống 3 lít nước/ngày gồm nước lọc ấm, nước cam ấm, sữa tươi ấm, canh nóng…

Sử dụng thuốc

Trong quá trình cho con bú, người mẹ bị bệnh muốn uống thuốc bất kỳ thuốc nào phải hỏi ý kiến của bác sĩ, đặc biệt thuốc kháng sinh  vì có thể gây tác dụng phụ là mất sữa.

nhung-nguyen-nhan-khien-me-sau-sinh-bi-mat-sua3

Đu đủ xanh hầm móng giò là món ăn lợi sữa sau sinh

Làm thế nào để lợi sữa sau sinh?

Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Trẻ sơ sinh cần được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Tuy nhiên, không phải mẹ nào cũng có nhiều sữa để cho con ăn. Để lợi sữa sau sinh, mẹ cần lưu ý những điều sau:

Để tuyến vú tiết sữa đầy đủ, mẹ cần chú ý chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý. Mỗi ngày ngủ ít nhất 10 tiếng, khoảng 2 đến 4 tiếng vào ban ngày, từ 6 đến 8 tiếng ban đêm. Bổ sung thêm những thực phẩm lợi sữa như đu đủ xanh, cháo móng giò, chuối sứ, quả sung, hoa chuối lá, rau khoai lang, rau đay, lạc, hạt bí, rau ngót. Uống từ 2 đến 3 ly sữa mỗi ngày, đặc biệt là sữa dành cho bà mẹ mang thai và cho con bú sẽ giúp tăng cường chất và lượng sữa mẹ.

Sản phụ nên giữ cho tinh thần được thoải mái bằng cách thư giãn hàng ngày, đi bộ, đọc sách hoặc làm điều mình thích tranh thủ vào những lúc con ngủ. Hãy cho bé bú thường xuyên và đúng cách. Tư thế cho con bú tốt nhất là mẹ ôm trẻ vào lòng, giữ bằng hai tay sau cho môi của bé ngậm chặt đầu ti của mẹ. Trước khi cho bú, mẹ hãy vệ sinh núm vú sạch bằng khăn mềm nhúng nước ấm.

Hàng ngày, bà mẹ có thể massage ngực bằng cách dùng tay nâng ngực rồi làm động tác vừa ấn nhẹ vừa xoay tròn quanh bầu ngực khoảng 20 lần mỗi bên. Các động tác cần thực hiện thật nhẹ nhàng, tránh làm tổn thương núm vú. Nếu bé không bú hết sữa, mẹ nên vắt bớt sữa để tránh tình trạng tuyến vú giảm tiết sữa hoặc sữa ứ đọng gây viêm tắc tia sữa.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital